TCTM – Mới đây, một số cư dân ở khu đô thị Vinhomes smart city (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã căng băng rôn với biểu ngữ yêu cầu Ban quản trị phải sử dụng dịch vụ bảo trì thang máy chính hãng. Điều này hoàn toàn chính đáng nhưng cách hiểu của người dân có thể chưa đầy đủ hoặc đang thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội.
Đầu tháng 2/2023, trong thời tiết giá lạnh, một số người dân sinh sống ở cụm S1, S2 đã căng băng rôn đỏ rực dưới sân chung cư. Những dòng chữ lớn được in: “…Yêu cầu được bảo trì thang máy chính hãng. Yêu cầu được bảo vệ an toàn tính mạng”.
Cuối tháng 12/2022, gói thầu bảo trì thang máy cho 63 thang máy Schindler lắp tại cụm S1, S2 giai đoạn 2023-2024 được mở với sự tham gia của 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Schindler Việt Nam, CP Thiết bị Cơ điện Thành Công và CP Gama Việt Nam.
Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu ngày 30/1/2023 đã nêu rõ 2/3 doanh nghiệp đã trượt thầu với những lý do rõ ràng. Schindler Việt Nam bị trượt do nợ thuế, không đáp ứng đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, không chứng minh được thiết bị thuộc sở hữu của nhà thầu, giá dự thầu cao hơn giá đề nghị trúng thầu. Hay CP Thiết bị Cơ điện Thành Công cũng trượt bởi các lý do tương tự: Giá dự thầu cao hơn giá đề nghị trúng thầu, không có xác nhận không nợ thuế, nhân sự chủ chốt tham gia gói thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, không có Bảo hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn hay sự cố rủi ro trong quá trình thực hiện gói thầu, số liệu tài chính không phù hợp…
Ngay khi thông tin trúng thầu vẫn chưa được công bố một cách chính thức thì đã bị “leak” ra ngoài theo một cách nào đó tới người dân. Một số cư dân có thể đã bị kích động từ những thông tin rò rỉ này. Họ yêu cầu Ban quản trị phải đảm bảo an toàn cho cư dân bằng dịch vụ bảo trì chính hãng của nhà cung cấp thang máy Schindler (Công ty TNHH Schindler Việt Nam đã trượt thầu). Tôi không bàn đến tính pháp lý trong câu chuyện này mà chỉ đề cập đến việc người dân đã có phản ứng thái quá vì chưa hiểu rõ mặt trái của cái gọi là “chính hãng”. Hoặc cũng có thể họ đã thiếu niềm tin vào xã hội còn nhiều điều tốt đẹp.
Tôi tin chắc là trong số 9.600 căn hộ ở S1, S2 có nhiều nhà sở hữu xe ô tô. Khi đến kỳ bảo dưỡng, quý vị chỉ có thể chọn cho mình một trong hai lựa chọn: vào hãng hoặc gara!
Hãng có ưu điểm rất lớn là tính hoàn chỉnh của dịch vụ. Đó là thiết bị máy móc đầy đủ, đội ngũ kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu theo hãng, quy trình khoa học. Vì thế mà việc bắt bệnh, tìm lỗi để khắc phục hay xử lý các kỹ thuật sẽ rất nhanh gọn.
Nhưng khi vào hãng, sẽ có không ít vật tư, thiết bị chỉ được thay mới mà không khắc phục, sửa chữa hay tận dụng lại được. Nó đẩy chi phí bảo dưỡng lên con số gấp 3-4 lần hoặc hơn so với việc đưa xe tới một gara và giải quyết được những vấn đề tương tự.
Độc giả cũng đừng quên là hai từ “chính hãng” đã làm cho nhiều khách hàng khóc dở mếu dở. Đó là việc đối xử thiếu thiện chí, khiến khách hàng phải chịu nhiều thiệt thòi, ấm ức mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Thậm chí, có khách hàng từng bị lắp linh kiện nhái ở ngay chính một đại lý chính hãng cách đây vài năm.
Số lượng “chính hãng” đã tạo ra sự khan hiếm dịch vụ và tạo nên quyền lực cho các đại lý được ủy quyền. Còn quyền lực vốn dĩ của khách hàng đã bị tước đi rất nhiều. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bất lực của một người bạn khi anh phàn nàn về dịch vụ của Honda tại địa phương mình sinh sống, đại lý đã tuyên bố từ chối bán xe cho anh. Và do chính sách đặc biệt: Honda tỉnh nào chỉ bán xe cho người có hộ khẩu tỉnh đó, bạn tôi đã không thể mua được chiếc Civic và đứng tên bằng chính danh tính của mình.
Trở lại với câu chuyện bảo trì thang máy, cũng giống như ô tô, các dịch vụ chính hãng cũng tồn tại những bất cập tương tự. Nếu xuống khu đô thị Pháp Vân (Hà Nội), bạn sẽ hiểu rằng chi phí bảo trì chính hãng đối với những thang máy Schindler tại đây có giá cao ngất ngưởng: 8 triệu/thang/tháng. Hay qua cầu Nhật Tân tới tòa chung cư Intracom Riverside bạn sẽ biết câu chuyện thang máy phải dừng hoạt động tới gần 2 tháng để chờ dịch vụ chính hãng thay thiết bị.
Chúng ta, những khách hàng luôn được coi là thượng đế? Không, vai thượng đế phải đổi sang cho những nhà cung cấp dịch vụ bảo trì và thay thế độc quyền linh kiện kia cơ vì họ mới là người có quyền quyết định.
Mới đây thôi, thiết bị hành trình dọc hố thang AC GSI 200 của một thang máy Schindler trong cụm S1, S2 bị hỏng, buộc phải thay thế. Schindler Việt Nam đã báo giá hơn 33 triệu cho thiết bị này. Các cư dân sinh sống ở đây đã khảo giá từ một nhà cung cấp có tên tuổi thì nhận được giá chỉ bằng một phần ba so với trên. Nhưng Schindler không chấp nhận, buộc dùng linh kiện do hãng lựa chọn. Khách hàng đã buộc phải chấp nhận.
Trong khi những hiểu biết về thang máy của đại bộ phận người dân là có hạn thì việc chọn mặt gửi vàng vào các dịch vụ bảo trì chính hãng không phải là không có cơ sở. Nhưng đừng tuyệt đối hóa niềm tin chỉ ở nơi đó bởi làm như thế bạn đã khóa chặt sự hiểu biết và tự hạn chế những cơ hội tốt tương tự hoặc hơn cho chính mình.
Thống kê không đầy đủ, Việt Nam hiện có trên dưới 500 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thang máy, từ sản xuất đến thương mại và cung ứng dịch vụ. Vì là ngành mới phát triển nên khó khăn chủ yếu là chưa làm chủ được công nghệ, dẫn tới đa phần doanh nghiệp chỉ sản xuất thiết bị cơ khí. Bởi thế, phần nhiều doanh nghiệp đã làm thương mại, tức là bán sản phẩm, dịch vụ thang máy cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đã giúp sự chuyển giao về kỹ thuật dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các doanh nghiệp Việt trở nên nhanh chóng. Từ đó, nhiều “cánh chim” một khi cứng cáp đã mở ra những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ với chất lượng hoàn toàn có thể cạnh tranh với dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.
Người Việt đã biết “đứng trên vai những người khổng lồ” như thế để phục vụ người Việt, để giúp người Việt thoát bẫy lệ thuộc vào nước ngoài.
Nhưng sẽ như thế nào nếu khách hàng Việt vẫn thiếu niềm tin vào doanh nghiệp Việt? Nó sẽ tạo ra bi kịch cho trước hết là doanh nghiệp Việt, sau đó là chính khách hàng Việt. Không ít các startup, sản phẩm Việt chết yểu một cách tức tưởi vì không tạo được đủ niềm tin của khách hàng trong nước. Những điện thoại Bphone, Vsmart chỉ như những tia sáng lóe lên trên bầu trời công nghệ rồi vụt tắt. Những thương hiệu đã chết trước khi ra đời bởi người Việt không có niềm tin vào trí tuệ và sản phẩm của dân tộc mình.
Trở lại với câu chuyện thang máy. Sử dụng dịch vụ bảo trì thang máy chính hãng là tốt nhưng nó không phải là duy nhất. Mở rộng tầm mắt, chúng ta có sự lựa chọn đa dạng, phù hợp với mình bằng các nhà cung ứng dịch vụ khác. Một khi khách hàng tạo cho mình tâm thế như vậy thì nó tạo ra áp lực ngược cho nhà cung ứng dịch vụ chính hãng cần phải nỗ lực hơn nữa để phục vụ khách hàng. Nó cũng tạo ra động lực với các doanh nghiệp có dịch vụ tương tự buộc phải nâng cấp, hoàn thiện để không bị tụt lại trong cuộc đua trên thương trường. Dĩ nhiên, khách hàng được lợi, xã hội được lợi.
Vì thế mà người Việt chúng ta nên mở rộng niềm tin để đón nhận nhiều điều tốt đẹp hơn chăng?
Giống như chúng tôi, những người chơi máy ảnh vẫn hay nói câu: Mở rộng khẩu độ sẽ giúp bạn chụp được nhiều ngôi sao hơn trên bầu trời!
Hải Đăng
Thông tin mới cập nhật
Mai Phương
Tâm lý sính ngoại khiến người tiêu dùng bị che mắt đến mù quáng
Tiến
Chính hãng mà khi mất điện cửa không tự động mở, cư dân kẹt trong thang cả người già và trẻ em 😭