Ra đời vào năm 2020, thời điểm của đại dịch COVID và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, VNEA đã cố gắng tận dụng cơ hội này để thiết lập và cơ cấu bộ máy phục vụ cho chiến lược và mục tiêu phát triển của Hiệp hội, của ngành. Đó là việc thành lập các đơn vị trực thuộc để triển khai các mảng chức năng mà Hiệp hội được cấp phép như Viện Kỹ thuật ứng dụng thang máy, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Tạp chí Thang máy, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp…

Tiêu chuẩn cơ sở ngành TCCS là một trong những dự án VNEA ấp ủ và đầu tư công sức thực hiện, đến nay, VNEA đã hoàn thành và công bố bộ tiêu chuẩn đầu tiên là TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”.

Họp báo Công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy diễn ra vào ngày 27/3/2024 vừa qua

Bất cứ một tổ chức, cá nhân nào, nếu không đánh giá đúng thực trạng hiện tại sẽ không thể đưa ra chiến lược phát triển đúng đắn, đối với ngành thang máy Việt cũng vậy. Câu chuyện mà tôi, một nhà báo nhiều năm quan tâm đến thị trường này với Chủ tịch VNEA mang màu sắc một cuộc đối thoại cởi mở, đi sâu vào vấn đề bạn đọc quan tâm hơn là cuộc phỏng vấn bình thường.

PV: Chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện, thang máy Việt đang đứng ở đâu so với khu vực và thế giới?

Ông Nguyễn Hải Đức: Có thể nói, ngành công nghiệp thang máy Việt Nam, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng là một ngành tương đối non trẻ, bắt đầu phát triển từ năm 1994, khi chúng ta bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và hàng loạt các công ty thang máy lớn trên thế giới lần lượt chính thức đến Việt Nam.

Nhưng phải hơn 15 năm sau, dấu ấn của sự phát triển đó mới được nhìn thấy rõ nét khi chúng ta có những bước phát triển đột phá. Hiện nay, Việt Nam là một nước phát triển về thang máy bao gồm cả số lượng thang máy đang sử dụng và tiềm năng tăng trưởng cao so với khu vực và toàn thế giới. 

PV: Với gần 400.000 thang máy đang được sử dụng tại Việt Nam và nhu cầu lắp đặt thang máy hàng năm lên đến 35.000 chiếc. Ngành thang máy Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Đức: Như nhà báo cũng đã nhận thấy, tuy số lượng thang máy ở Việt Nam tương đối mới, với tuổi đời trung bình trên dưới 15 năm tuổi. Nhưng đây là thời điểm có thể nói là nhạy cảm, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị sẽ phải đối mặt với với những thách thức mà ngay cả các nước phát triển về kinh tế cũng không dễ để giải quyết. Đó là làm gì với các tòa nhà với những chiếc thang máy cũ kỹ. Bài học nhãn tiền về các khu tập thể cũ không có phương án cải tạo có thể giúp chúng ta hình dung rõ nét hơn về hậu quả của vấn đề này.

Thang máy ngày càng lão hóa, tần suất sử dụng thang máy ở các tòa chung cư, văn phòng đang tăng lên và thậm chí có những tòa văn phòng, chung cư đã bắt đầu tắc… thang máy vào giờ cao điểm. Số lượng thang máy phải ngừng phục vụ tại các tòa nhà không phải là hiếm, tỷ lệ hỏng hóc, thay thế linh kiện thiết bị,… đang làm đau đầu các chủ sở hữu và hàng loạt các mâu thuẫn giữa một bên là chủ sở hữu – ban quản lý các tòa nhà, một bên là các công ty dịch vụ ngày càng nghiêm trọng, mất niềm tin lẫn nhau.

Việc ra đời của Tiêu chuẩn cơ sở ngành TCCS 01: 2023/VNEA chính là thành quả của các công việc đó, và rất mừng khi bộ Tiêu chuẩn cơ sở được dư luận đánh giá cao. Cũng trên cơ sở của Tiêu chuẩn này Hiệp hội đã triển khai cụ thể một số công việc hướng đến một thị trường thang máy minh bạch, công khai, cạnh tranh lành mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng doanh nghiệp và toàn ngành.

Với những vấn đề như đã nêu ở trên thì việc phải ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở là yêu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng, Doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nếu không có đủ hành lang pháp lý thì ngành thang máy Việt khó có thể phát triển và thị trường sẽ nằm trong tay một số hẵng thang máy nước ngoài, người tiêu dùng sẽ phải tốn kém hơn để sử dụng được một chiếc thang máy an toàn.

PV: Sau hàng loạt vụ tranh chấp, những thua thiệt khi đấu thầu cho thấy nếu muốn phát triển VNEA nói riêng và ngành thang máy Việt nói chung phải ngồi lại với nhau phải không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Đức: Đây là điều cần thiết, và những bài học của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc,… khiến chúng ta phải suy ngẫm. Họ luôn cạnh tranh với nhau để phát triển nhưng cũng luôn hỗ trợ, cộng tác với nhau trong một hệ sinh thái chung.

Và điều này, theo tôi chừng mực nào đó chúng ta cũng đã làm được, khi vào tháng 5/2023 chúng ta đã có cuộc gặp mặt “lịch sử” của các nhà sản xuất thang máy lớn nhất nước và mới đây là sự có mặt của các doanh nghiệp dịch vụ lớn tại sự kiện Công bố TCCS. Ngoài ra các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng tích cực tham gia và các sự kiện, hội thảo chuyên môn được tổ chức bởi Hiệp hội Thang máy Việt Nam.

Sự ra đời của TCCS này cũng là kết quả của các cuộc gặp đó.

Đọc thêm: Các doanh nghiệp hạt nhân trong nước bàn về định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam

PV: Quan điểm của VNEA khi xây dựng Bộ TCCS như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Đức: Cá nhân tôi đánh giá rất cao bộ TCVN hiện hành về thang máy, bộ tiêu chuẩn đã luôn được cập nhật, bổ sung để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành.

Tuy vậy, chúng ta đang bước sang giai đoạn giao thoa của ngành, vừa là đất nước đang có nhu cầu lớn về lắp đặt thang máy mới, nhưng cũng là quốc gia đang sử dụng một số lượng thang máy đủ lớn. Bởi vậy, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy cũng là một thách thức.

Và TCCS của VNEA ra đời, nhằm bổ khuyết cho TCVN nhưng vẫn dựa trên nền tảng của TCVN và dĩ nhiên phải phù hợp với QCVN.

PV: Tiêu chuẩn cơ sở lần này tập trung vào các đối tượng nào, các lợi ích mang lại cho họ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Đức: Tiêu chuẩn đầu tiên vừa ra mắt mang tên: Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy. Vậy chúng ta hãy tiếp cận theo từng đối tượng.

Thứ nhất: Thang máy phải phục vụ con người và để đảm bảo cho thang máy hoạt động an toàn và bền lâu, do đó, vai trò của NGƯỜI SỬ DỤNG rất quan trọng. Họ vừa là người thụ hưởng các tiện ích mà thang máy mang lại, vừa là người quyết định sự an toàn của chúng. Với yêu cầu về số hóa và mã định danh thang máy, người sử dụng không những được khuyến cáo cách sử dụng thang máy an toàn mà còn có thể đóng vai trò như một giám sát viên, gây áp lực lên các đối tượng khác để đảm bảo thang máy hoạt động theo đúng chức năng mà nó được sinh ra thông qua kênh phản hồi trực tiếp trên mã định danh.

Thứ hai: Người quyết định an toàn thang máy phải là CHỦ SỞ HỮU thang máy, chúng tôi gắn trách nhiệm đảm bảo an toàn thang máy và hành khách sử dụng thang máy cho chủ sở hữu thang máy đó (tổ chức hoặc cá nhân). Chỉ họ và chính họ mới có toàn quyền để quyết định thang máy của mình sử dụng như thế nào, được kiểm định, bảo trì ra sao để đảm bảo an toàn. Và trong cuốn TCCS này các chủ sở hữu thang máy biết được mình phải làm gì, tổ chức bộ máy vận hành thang máy ra sao cũng như lập các định mức trong bảo trì và sửa chữa thang máy, thay thế linh kiện thiết bị…

Thứ ba: Đối tượng trực tiếp đảm bảo an toàn thang máy đó là các ĐƠN VỊ CHUYÊN MÔN cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa và cứu hộ thang máy. Phần lớn nội dung của tiêu chuẩn này chúng tôi tập trung vào hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị chuyên môn này, yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cũng như các yêu cầu về trình độ nhân sự thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo trì có thể căn cứ vào tiêu chuẩn để xây dựng bộ máy tổ chức, lập kế hoạch kinh tế – kỹ thuật cũng như xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ.

Và dĩ nhiên, tiêu chuẩn này cũng là tài liệu để các CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC hữu quan quản lý về thang máy, dự báo, lập các chính sách phát triển ngành.

Ông Nguyễn Hải Đức chia sẻ về quá trình xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy do VNEA ban hành

PV: Sau buổi họp báo công bố Bộ TCCS, ông đã chia sẻ: “Xong được bộ tiêu chuẩn thì đội ngũ của Hiệp hội tóc cũng bạc đi mấy phần nhưng rất vui”. Ông có thể nói thêm về sự “bạc tóc” này không?

Ông Nguyễn Hải Đức: Phải nói đây là tâm huyết của ban soạn thảo, các chuyên gia và các bộ phận chuyên môn, trong đó có cá nhân tôi.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn. Trước tiên, chúng tôi phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt là từ các liên minh, quốc gia có hợp tác thương mại với Việt Nam về thang máy, các tài liệu của các doanh nghiệp thang máy lớn trong nước. Chúng tôi cũng sử dụng kết quả các nghiên cứu, đánh giá, báo cáo qua các tham luận được trình bày tại các Hội thảo mà VNEA tổ chức.

Cùng đó, chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp chuyên môn, báo cáo nội bộ, xin ý kiến của các bên,… Có những lúc căng thẳng thậm chí muốn dừng dự án. Nhưng, có lẽ sự ủng hộ của các chuyên gia, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp và lòng yêu nghề đã giúp chúng tôi đi tiếp.

Phải xử lý một khối lượng đồ sộ công việc, lại phải nghe ngóng thông tin dư luận đón chờ như thế nào và đến hôm nay, khi thấy sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp, báo chí… thì chúng tôi vui, bạc đầu nhưng vui.

PV: Hai điểm mới của bộ Tiêu chuẩn cơ sở được cơ quan quản lý nhà nước đánh giá rất cao đó là chuẩn hóa chức danh kỹ thuật và định danh thang máy. Nhưng trong mục phạm vi và đối tượng áp dụng lại ghi:

“Các yêu cầu an toàn được nêu trong tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các thang máy được sử dụng tại Việt Nam trong phạm vi kiểm soát hoặc ảnh hưởng của Hiệp hội Thang máy Việt Nam và các thành viên thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong việc tổ chức vận hành thang máy”.

 Liệu các doanh nghiệp thành viên VNEA có ủng hộ thông điệp “làm thật, ăn thật” của Hiệp hội không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Đức: Công bố TCCS đã là sự cam kết của các doanh nghiệp thành viên của VNEA trong việc thực hiện các yêu cầu của tiêu chuẩn này.

Chúng tôi cũng cho rằng đây là một tiêu chuẩn đang phục vụ chính các doanh nghiệp trên cơ sở đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của chủ sở hữu – người sử dụng thang máy. Và trong quá trình xin ý kiến của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp ngoài VNEA, chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao, đó là niềm tin để chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp công bố hợp chuẩn với TCCS này.

Và cuối cùng, tôi tin rằng tất cả những giá trị mang lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng, trước hay sau đều sẽ được ủng hộ, bởi đó là xu hướng tất yếu của cuộc sống.

Cám ơn ông và chúc cho Hiệp hội Thang máy Việt Nam ngày càng phát triển.

Các thông tin được lưu trữ số thông qua hệ thống truy xuất mã định danh thang máy do VNEA phát triển

Nội dung: An Thanh
Thiết kế: Kim San