TCTM – Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang rất nhanh. Vậy, cần phải chuẩn bị những gì để đón đợi “làn sóng bạc” một cách nhẹ nhàng, không khủng hoảng, không xung đột?

Già hóa nhanh và “bệnh tật kép”

Vào tháng 4/2023 vừa qua, Việt Nam đã chính thức cán mốc 100 triệu dân. Con số này đã đưa Việt Nam nằm trong Top 15 nước đông dân nhất, xếp hạng 41 về mật độ dân số và đứng thứ 121 về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm với 4.010 USD.

Năm 2023 cũng là thời điểm đất nước đi qua một nửa thời kỳ dân số vàng. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), thời kỳ dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào năm 2039.

Điều này có nghĩa là 40% trong tổng dân số là người trẻ ở độ tuổi 16-30, và hơn 30 năm sau (2039) ít nhất 20-25% số người trong nhóm “vàng” này bước vào độ tuổi 60. Hiểu đơn giản hơn, cứ mỗi bàn ăn 4 người thì sẽ có một 1 người già và 1 người đến độ tuổi sắp già.

Trong kịch bản tỷ suất sinh trung bình cho thấy đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng lên 19,6 triệu người và chiếm khoảng 18,1% dân số.

Nguồn: Worldbank, Liên Hợp Quốc và Tổng cục Thống kê

Bên cạnh câu chuyện về già hóa dân số, người già ở Việt Nam có chất lượng sức khỏe thấp, đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bình quân mỗi người cao tuổi có ba bệnh và tỷ lệ đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa cao.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện công tác dân số 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Đặc biệt 67,2% trong số họ có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển và nước ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già

Với tỷ lệ sinh giảm đi và tuổi thọ tăng lên, từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia có dân số đang già đi, dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già từ năm 2035 (theo WB) hoặc cũng có thể muộn hơn vào năm 2039 (theo UNFPA).

Như vậy, Việt Nam sẽ chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”, trong khi đó Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Mỹ là 69 năm, Pháp cần tới 115 năm.

Xã hội già là sự chuyển động mang tính quy luật và tác động tới hàng chục triệu người, đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi toàn bộ hoặc một phần rất lớn hệ thống dịch vụ xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật. Và để làm được điều này sẽ vô cùng tốn kém tiền bạc và công sức, do vậy, quá trình chuẩn bị “đón đầu” cho việc chuyển đổi này phải diễn ra từ rất sớm.

Nhìn Nhật Bản và ngẫm

Tính đến những năm 60, dân số Nhật Bản vẫn còn tương đối trẻ, với 6% dân số từ 65 tuổi trở lên. Tuy vậy, các chính sách, chương trình bảo trợ xã hội,… dành cho người cao tuổi đã được Nhật Bản xây dựng ngay từ thời điểm này và càng được chú trọng hơn trong những thập kỷ tiếp theo khi dân số bắt đầu già đi nhanh chóng.

Để cải tạo các công trình công cộng phù hợp với người già, năm 1994 chính phủ nước này đã thông quan Đạo luật Xúc tiến xây dựng công trình có thiết kế trợ giúp đặc biệt (The Heart Building Law).

Tới năm 2000, Nhật Bản tiếp tục thông qua Đạo luật Thúc đẩy giao thông công cộng cho người cao tuổi và người khuyết tật (Transportation Barrier-Free Law). Hai đạo luật này cũng chính là khung pháp lý đầu tiên cho Đạo luật không rào cản mới năm 2006 (Barrier-Free Law).

Thang máy theo phương nghiêng được lắp đặt tại nhà ga Akasaka-mitsuke, Tokyo

Nhờ vào sự chuẩn bị từ sớm, Nhật Bản ngày nay đã có được hệ thống chuyển động nhịp nhàng cho một xã hội già cỗi, từ chính sách an sinh xã hội đến hạ tầng giao thông công cộng. Người già, người khuyết tật có thể tiếp cận một cách “không rào cản” tại các sân bay, nhà ga, trung tâm mua sắm, khách sạn… nhờ vào đường dốc cho xe lăn, nhà vệ sinh đa năng, lát gạch xúc giác tenji cho người khiếm thị, máy bán vé biết nói,… và thang máy.

Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã không ngừng nỗ lực trong việc điều chỉnh và bổ sung thêm thang máy tại các công trình công cộng để gia tăng sự tiếp cận của mọi đối tượng. Tại các công trình cũ, người già và người khuyết tật có thể sử dụng thang nâng cho xe lăn, thang cuốn có tích hợp công năng cho xe lăn hoặc thang máy.

Thang máy và thang cuốn được lắp đặt tại các khu vực cầu bộ hành

Việc lắp đặt thang máy được Nhật Bản thực hiện ở mọi nơi, thậm chí ngay tại các khu đền, chùa như đền Sensoji ở Asakusa, khu quần thể chùa Naritasan Shinshoji tại thành phố Narita cũng được lắp đặt thang máy. Tại các khu vực cầu bộ hành, lối đi bộ xung quanh ga tàu điện ngầm,… cũng được lắp đặt thang máy và thang cuốn phục vụ người cao tuổi và khuyết tật.

Những quy định như: Không gian sàn, cửa thang máy phải đủ để người sử dụng xe lăn đi vào; Cơ chế đóng cửa thang máy phải được điều chỉnh để có thời gian vào phù hợp với người già, người khuyết tật; Các nút gọi trong sảnh thang máy phải ở độ cao mà người sử dụng xe lăn có thể dễ dàng tiếp cận,… hay tất cả các nút điều khiển phải bao gồm chữ nổi và thông báo dừng tầng bằng loa đều cũng được Nhật Bản đưa ra từ lâu.

Có thể thấy rằng, người Nhật đã chủ động đón xã hội già từ rất sớm. Họ chuẩn bị đầy đủ các quy định pháp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội hoàn thiện để xã hội chuyển dần sang một xã hội già.

Thang máy ở đền Sensoji ở Asakusa, Nhật Bản

Chuẩn bị gì cho một xã hội già?

Nhìn vào thực tế hiện nay, liệu Việt Nam đã chuẩn bị một cách đầy đủ từ chính sách tới cơ sở hạ tầng cho đối tượng là người già? Trên thực tế, cả nước mới chỉ có một bệnh viện lão khoa đầu ngành được thành lập năm 2016 – Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ở các tỉnh, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông.

Về đào tạo, vẫn không có trường đại học nào có khoa lão khoa hay chuyên ngành điều dưỡng phục vụ người già. Tới hiện tại, mới có Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) thành lập được bộ môn lão khoa. Hai cơ sở này đào tạo chính nguồn nhân lực cho thầy thuốc lão khoa.

Việc người cao tuổi dưỡng già trong viện dưỡng lão gần như đã trở thành quy luật tại nhiều quốc gia phát triển. Ngay cả Trung Quốc – một quốc gia vốn nặng về đạo hiếu với quan niệm con cái phải chăm sóc cha mẹ già cũng đã bùng nổ xu hướng dưỡng lão trong viện.

Trong khi đó, thống kê tới tháng 12/2020, Việt Nam mới có khoảng 80 trung tâm dưỡng lão ngoài công lập và chỉ 32/63 tỉnh thành có cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Trong đó tại Hà Nội có gần 20 nhà dưỡng lão tư nhân, TP HCM ít hơn với chưa đến 10 cơ sở.

Cơ sở hạ tầng phục vụ người già, người khuyết tật tại Việt Nam còn nhiều hạn chế

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06%. Con số này sẽ còn tăng do già hóa dân số, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là do tai nạn giao thông.

Thế nhưng, mãi tới năm 2002, Bộ Xây dựng mới ban hành bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình công cộng để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ trong công trình xây dựng. Theo đó, các công trình lớn phải đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật ở mức độ tối thiểu là có đường dẫn, lối ram dốc.

Sau đó đến năm 2014, các quy chuẩn kỹ thuật dành cho người khuyết tật (Thông tư số 21/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng) mới được bổ sung thêm nhiều điều khoản khác như chữ số nổi trong bảng điều khiển thang máy, thời gian đóng mở thang máy phải lớn hơn 20 giây để đảm bảo an toàn cho người khuyết tật, trong thang phải bố trí tay vịn,…

Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát (năm 2019), có tới 90% công trình được khảo sát không đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra. Và như vậy, số công trình công cộng cho phép người khuyết tật dễ dàng tiếp cận mới chỉ đáp ứng được chưa tới 10% so với nhu cầu thực tế.

Câu chuyện này có thể nhận thấy rõ qua các công trình giao thông công cộng như cầu bộ hành, hầm đi bộ. Trong tổng số 110 cầu bộ hành (chưa tính hầm đi bộ) tại Hà Nội và TP HCM, phần lớn đều không được trang bị thang máy để phục vụ cho đối tượng người già và người khuyết tật.

Nhiều cầu bộ hành trong tình trạng “ế ẩm”, người già, người khuyết tật không thể tiếp cận do thiếu đi các thiết bị hỗ trợ như thang máy.

Một số ít các cây câu bộ hành được lắp đặt thang máy (trong hình: Cầu vượt bộ hành có thang máy đầu tiên tại TPHCM trước cổng Bệnh viện Ung bướu Trung ương)

Trong bối cảnh như thế, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải tính đến một hệ thống hạ tầng dịch vụ đa dạng, đa cấp cho xã hội già. Việc thiết kế đô thị phải tính tới nhu cầu, khả năng tiêp cận của người già, người khuyết tật.

Chẳng hạn như trong một cao ốc cần phải có một thang tốc độ chậm cho người già, người khuyết tật; các thang máy cần phải có nút bấm ưu tiên cho người già, người khuyết tật; các công trình công cộng (như cầu bộ hành, hay thậm chí đền, chùa, các điểm du lịch…) cũng cần phải trang bị thang máy để gia tăng hơn nữa khả năng tiếp cận của mọi đối tượng.

“Giao thông tiếp cận” là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có người già và người khuyết tật. Mọi sự thay đổi toàn diện phải xuất phát từ thay đổi nhận thức về nhu cầu của hai đối tượng trên. Tại nhiều quốc gia, đây còn là một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá mức độ văn minh đô thị hay sự hiện đại của cả công trình.

Và như thế, thay vì một xã hội già “ập đến” trong nay mai và mang theo đầy dẫy bất cập, Việt Nam cần phải vào cuộc sớm hơn từ chính sách an sinh xã hội tới hệ thống hạ tầng, dịch vụ đa cấp để bước vào giai đoạn dân số già một cách nhẹ nhàng, không khủng hoảng, không xung đột.

Nội dung: Phương Trang

Thiết kế: Trịnh Giang