Sáng ngày 27/3/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Thang máy Việt Nam chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy. Đây là tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy.

Tại Họp báo, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã công bố Tiêu chuẩn cơ sở “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy. Đồng thời, Hiệp hội cũng giới thiệu về hai dự án đưa tiêu chuẩn cơ sở ứng dụng vào thực tế: Mã định danh thang máy và Chứng chỉ kỹ thuật viên thang máy.

Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) là thành quả của sự nghiên cứu nghiêm túc của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy Việt Nam trên những nhu cầu cấp bách và cần thiết của thực tiễn sử dụng, bảo trì, quản lý thang máy tại Việt Nam.

TCCS hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn thang máy: Chủ sở hữu, người sử dụng thang máy, các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân công tác trong ngành và cả xã hội.

Ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam trình bày tóm tắt nội dung TCCS “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”

Tiêu chuẩn cơ sở đề ra các tiêu chuẩn, các yêu cầu về công việc phải thực hiện để đảm bảo thang máy hoạt động an toàn và bền lâu, trong đó có 4 nội dung chính: Công việc kỹ thuật thang máy (kiểm tra định kỳ, bảo trì, cứu hộ khẩn cấp, sửa chữa, hiện đại hóa…); yêu cầu đối với chủ sở hữu và người sử dụng; yêu cầu đối với đơn vị chuyên môn; yêu cầu về trình độ nhân sự kỹ thuật thang máy.

Bên cạnh đó, Tiêu chuẩn cơ sở cũng là tài liệu chính thức đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào nội dung khuyến cáo tuổi thọ thiết bị – vấn đề quan trọng trong vận hành thang máy dựa trên nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp cụ thể.

Mã định danh thang máy đã được triển khai rất hiệu quả ở một số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tú Linh – Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng giới thiệu thêm về chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy và cấp chứng chỉ số cho kỹ thuật viên.

Họp báo đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện: Cục An toàn lao động – Bộ LĐTB&XH, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 178, đơn vị giáo dục, đơn vị kiểm định, đại diện Doanh nghiệp – Chủ sở hữu – Người sử dụng thang máy tham dự và đóng góp ý kiến.

Đại diện các doanh nghiệp trong ngành thang máy như Fujitec, Thăng Long, Gama Service, Thiên Nam, Hanoel, Coninco, Hitachi,… cùng các đơn vị báo chí – truyền thông đã tham gia Họp báo Công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy và chia sẻ sự quan tâm, những lợi ích mà tiêu chuẩn cơ sở có thể mang lại cho chính doanh nghiệp mình và cả cộng đồng.