TCTM – Trong bối cảnh chưa có mã ngành đào tạo chính thức, lao động thang máy Việt Nam không chỉ thiếu kinh nghiệm thực chiến mà còn khó đáp ứng về kiến thức chuyên môn.

“Tôi có thể đạt 92 điểm môn lập trình nhưng khi vào nhà máy, tôi thậm chí còn không biết cách vận hành bảng điều khiển”, Guo Wenli – một sinh viên tốt nghiệp điều khiển số trên máy tính của trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Điện tử Quý Châu nhưng lại đi bán bất động sản.

Chàng trai 23 tuổi nói chuyên ngành của mình là làm việc với các chi tiết máy trong nhà máy, nhưng những gì giáo viên dạy anh không thực sự dùng được tại đây.

Guo cho hay nguyên nhân của việc này là do anh và nhiều sinh viên trong lớp thiếu cơ hội tự vận hành máy móc. Giáo viên hầu hết có bằng đại học, không phải công nhân lành nghề, khiến sinh viên không học được các kỹ năng cần thiết trong các khóa học thực hành.

Trung Quốc ước tính sẽ thiếu gần 30 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2025, chính bởi thế, quốc gia này đang khuyến khích sinh viên theo đuổi các ngành kỹ thuật để giải quyết tình trạng thiếu công nhân và duy trì vị trí công xưởng của thế giới. 

Dù vậy, theo Sách trắng về Phát triển Giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc do nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật Đức TUV Rheinland xuất bản năm 2018, chưa đến 10% giáo viên trường dạy nghề của Trung Quốc có kinh nghiệm quản lý kinh doanh hoặc sản xuất chuyên nghiệp, cũng chỉ khoảng 15% được đào tạo trong các công ty. 

Điều này dẫn đến hàng chục triệu học viên tốt nghiệp trường nghề nhưng lại không thể lấp đầy sự thiếu hụt gần 10 triệu công nhân tay nghề cao ở Trung Quốc.

Tình trạng sinh viên “học chay” về máy móc thiết bị, thời gian thực hành tại các nhà máy, công trường ít ỏi là vấn đề chung của giáo dục nghề nghiệp tại nhiều quốc gia

Câu chuyện giáo dục nghề nghiệp tập trung nhiều hơn vào giảng dạy lý thuyết, đội ngũ giáo viên thiếu khả năng chuyên môn hay thiết bị giảng dạy lạc hậu, hệ thống chương trình không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp,… cũng là bài toán mà nhiều quốc gia đang gặp phải, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Theo chia sẻ của một sinh viên từng theo học ngành cơ khí, trong khoảng thời gian học tập, các học viên chỉ được làm trên máy tiện phay cơ đã lỗi thời, còn đối với các dòng máy CNC hiện đại thì chủ yếu được đứng nhìn thầy thao tác. Việc được đi thực hành, đào tạo tại các nhà máy của các doanh nghiệp cũng rất hiếm hoi, chỉ tới khi ra trường đi làm mới được va chạm thực tế.

Sự thiếu hụt các kỹ năng đang là một trong những trở ngại chính đối với khả năng cạnh tranh của Việt Nam cũng như người lao động trong nền kinh tế toàn cầu

Kỹ năng có thể được hiểu gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là kỹ năng nghề nghiệp – kỹ năng kỹ thuật cụ thể như khả năng học vấn, trình độ và kinh nghiệm cho công việc nhất định. Kỹ năng mềm thường được hiểu là kỹ năng không mang tính kỹ thuật, là khả năng cần có để người lao động tổ chức, lập kế hoạch, thực hiện công việc; hiểu và thích nghi với những quy tắc văn hóa tại doanh nghiệp,…

Kỹ năng giúp người lao động hoàn thành tốt công việc, quyết định tính hiệu quả của công việc. Theo quan điểm của phần lớn người sử dụng lao động, kỹ năng cứng cần thiết để ứng viên được phỏng vấn, nhưng kỹ năng mềm là quan trọng để ứng viên có được việc làm.

Thế nhưng, thiếu hụt các kỹ năng và tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc lại là một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam khi tham gia vào quá trình hội nhập. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp không ngừng than phiền về chất lượng nhân viên của mình, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đơn cử theo kết quả khảo sát tại 300 doanh nghiệp tại TP HCM, có đến 18,67% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động, trong đó nguyên nhân chủ yếu chiếm đến 68,66% đều từ việc người lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. 

Rõ ràng có một khoảng trống lớn giữa nội dung đào tạo và nhu cầu của xã hội cũng như của thực tế sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, đối với lao động ngành thang máy tại Việt Nam, câu chuyện không chỉ dừng ở vấn đề lao động thiếu hụt năng lực hiện trường mà còn là vấn đề kiến thức chuyên môn.

Hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy, nhưng mã ngành đào tạo thang máy vẫn chưa được “khai sinh” đồng nghĩa với việc chưa có đào tạo chuyên sâu theo định hướng về thang máy.

Sự thiếu hụt các kỹ năng đang là một trong những trở ngại chính đối với khả năng cạnh tranh của Việt Nam cũng như người lao động trong nền kinh tế toàn cầu

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp thang máy chủ yếu phải tuyển dụng nhân sự theo học các khối ngành nghề có yếu tố phù hợp như: Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Cơ khí,… Song, các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại hầu hết lao động ở các cấp bậc khác nhau từ học nghề, đại học hay sau đại học.

Quá trình đào tạo nhân lực từ kiến thức chuyên môn thang máy đến phát triển, cải thiện năng lực hiện trường của người lao động khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc trong khi công việc kinh doanh, sản xuất đều cần phải triển khai nhanh chóng. 

Chưa tính tới vấn đề, nhiều doanh nghiệp hoàn thành quá trình tuyển dụng và đào tạo, đến khi cứng cáp và làm được việc thì nhiều lao động lập tức “nhảy” sang công ty khác hoặc tổ chức các nhóm đánh “chui” rất thiếu quy củ, mất an toàn,…

Trao đổi với Tạp chí Thang máy, TS. Nguyễn Đức Hạnh – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy cho biết: “Trong khi nhu cầu thang máy ngày càng cao, kỹ thuật viên càng phải có chuyên môn sâu rộng cũng như năng lực hiện trường trong việc lắp đặt, vận hành và bảo trì các hệ thống thang máy hiện đại. Họ cần phải cập nhật liên tục các kiến thức mới và ứng dụng thành thạo các công nghệ tiên tiến để đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả và an toàn.”

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đức Hạnh cũng nhấn mạnh một bài toán khác mà ngành thang máy Việt Nam cũng như thế giới đang gặp phải là tìm kiếm đội ngũ kỹ thuật viên có đủ trình độ năng lực sửa chữa, hiện đại hóa hệ thống thang máy cũ.

“Những hệ thống này được lắp đặt cách đây nhiều thập kỷ, với cấu tạo và nguyên lý hoạt động có nhiều điểm khác biệt so với các hệ thống thang máy hiện đại. Do đó, việc bảo trì và sửa chữa các hệ thống thang máy cũ đòi hỏi kỹ thuật viên phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành đặc biệt”, TS. Nguyễn Đức Hạnh cho hay.

Do đó, yêu cầu về một mô hình giáo dục toàn diện để đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên thang máy hoàn thiện cả về năng lực chuyên môn và dày dặn kinh nghiệm thực chiến, là điều vô cùng cấp thiết.

Để giải quyết các bài toán lao động của doanh nghiệp cũng như toàn ngành, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy thời gian qua đã tích cực đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo với trường Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC – Korea Lift College) tiến tới thành lập Trung tâm Đào tạo Thang máy tại Việt Nam. 

Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc được thành lập từ năm 2010, hiện là trường duy nhất trên thế giới đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật thang máy. Với gần 15 năm kinh nghiệm trong công tác giáo dục – đào tạo chuyên ngành thang máy, trường luôn ghi nhận tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất Hàn Quốc. 

Đây cũng là nơi cung ứng nguồn nhân lực thang máy chất lượng cao cho ngành thang máy Hàn Quốc cũng như các doanh nghiệp quốc tế như Otis, Thyssenkrupp, Hyundai,…

Trong mô hình hợp tác ba bên Hiệp hội – Nhà trường – Doanh nghiệp, Hiệp hội sẽ chủ trì việc liên kết đào tạo với Đại học Thang máy Hàn Quốc và các các trường dạy nghề trong nước theo từng khu vực cũng như kết nối với các doanh nghiệp thang máy để bố trí thực hành. 

Học viên không chỉ có cơ hội được chuẩn hóa năng lực thông qua các chương trình lý thuyết và thực hành mô phỏng, mà còn được tham gia vào những khóa thực nghiệm tại các công ty, tập đoàn thang máy lớn trong nước và quốc tế.

Chia sẻ với Tạp chí Thang máy, ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký VNEA cho biết: Năng lực của một cá nhân được đánh giá từ nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó ba yếu tố thường được nhấn mạnh là kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Trong khi kiến thức phản ánh năng lực chuyên môn; kỹ năng phản ánh về sự thành thạo, tinh thông về các thao tác nghiệp vụ trong quá trình hoàn thành công việc; thái độ lại thể hiện cách nhìn nhận của người lao động về vai trò, trách nhiệm đối với công việc của mình.

Thông qua những trải nghiệm thực tế ngay tại nhà máy sản xuất, công trường, các học viên không chỉ được củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình, tìm hiểu các công nghệ thang máy tiên tiến,… mà còn được rèn luyện về thái độ, tác phong trong công việc, nâng cao tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm.

Điểm nhấn tiên quyết trong giáo dục nghề nghiệp là học đi đôi với hành, đổi mới phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, chú trọng rèn luyện tác phong lao động, tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và sự am hiểu quy trình.

Và với chương trình hợp tác đào tạo giữa VNEA và KLC hứa hẹn tiềm năng phát triển nguồn nhân lực thang máy có năng suất cao, kỷ luật tốt đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho người lao động tự tin gia nhập thị trường lao động quốc tế.

Nội dung: Phương Trang

Thiết kế: Kim San