TCTM – So với những cuộc đình công trong các lĩnh vực khác như xe buýt, taxi hay tàu điện ngầm,… thì những cuộc đình công của nhân viên vận hành thang máy từng có tác động lớn hơn cả. Những sự kiện này đã khiến thành phố New York (Mỹ) rơi vào ‘tê liệt’, thất thoát hàng trăm triệu tiền thuế.
Giữa những năm 1920 và 1960, những nhân viên vận hành thang máy trên khắp nước Mỹ liên tục đình công đòi tăng lương giảm giờ làm và điều kiện làm việc nói chung tốt hơn. Một trong những cuộc đình công sớm nhất là vào tháng 4/1920 khi 17.000 nhân viên vận hành thang máy nghỉ việc ở Thành phố New York, Mỹ.
Mặc dù cuộc đình công chỉ kéo dài chưa đầy một tuần nhưng có tới 5.000 người vận hành thang máy đã đàm phán thành công các hợp đồng làm việc mới với chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Tại New York, công nhân thang máy đã thành lập Công đoàn 32B vào tháng 4/1934. Và theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ trong 5 năm kể từ thời điểm thành lập đến năm 1939 đã có tới hơn 12 cuộc đình công của các công nhân thang máy trên khắp cả nước, với tổng cộng hơn 6.700 công nhân đình công.
Hình ảnh những nữ nhân viên thang máy tại New York biểu tình tại tòa nhà Empire State vào năm 1945. Việc đình công đã khiến cho hàng nghìn nhân viên làm việc tại các tòa nhà cao tầng buộc phải leo thang bộ để đến văn phòng. (Nguồn: Picclick)
Một trong những thắng lợi lớn nhất của 32B là vào năm 1945, khi cuộc đình công kéo dài nhiều ngày dẫn đến thỏa thuận hòa bình 10 năm và chính sách chống phân biệt đối xử.
Trong suốt một tuần nhân viên vận hành thang máy đình công, các thang máy tại thành phố này cũng trong tình trạng “đóng băng”, không được sử dụng. Mọi người từ chối đến gần bộ điều khiển thang máy dù trước đó đã chứng kiến nhân viên vận hành sử dụng chúng ra sao. Ý nghĩ về việc một người bình thường có thể vận hành thang máy một cách đơn giản trở thành nỗi sợ hãi của người dân thời ấy.
Theo đánh giá của Tạp chí Popular Science, những cuộc đình công của các nhân viên thang máy có tác động lớn hơn cả so với các cuộc đình công trong các phương tiện vận chuyển khác, nó có thể làm tê liệt cả một thành phố.
Với các cuộc đình công của công nhân xe buýt, taxi hay tàu điện ngầm, mọi người có thể lựa chọn các phương tiện di chuyển khác. Nhưng rất ít người sẵn sàng hoặc có khả năng leo cao hơn 5 – 6 tầng của một tòa nhà để đi làm. Và trên thực tế, các hoạt động kinh doanh, thương mại của toàn thành phố New York đã gần như bị rơi vào bế tắc khi nhân viên vận hành thang máy đình công.
Hình ảnh đám đông thuộc Công đoàn 32B đình công và xuống đường biểu tình vào năm 1945. (Nguồn: Picclick)
Với khoảng 15.000 người vận hành thang máy tại các tòa nhà đình công, toàn bộ thành phố New York ngừng hoạt động đã làm thất thoát hàng trăm triệu USD tiền thuế. Người ta ước tính có tới 1,5 triệu cư dân của thành phố này không thể đi làm vì cuộc đình công này.
Dù công nghệ thang máy tự động đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1887, nhưng vấn đề nằm ở việc công chúng không đủ tin tưởng vào hệ thống tự động hóa và kết quả là chủ sở hữu không mua chúng. Điều này đã thúc đẩy một chiến dịch quảng bá nhằm thuyết phục mọi người rằng thang máy dù không có người vận hành thì vẫn an toàn.
Các quảng cáo được phát sóng có hình ảnh trẻ nhỏ và người lớn tuổi đứng trong thang máy và tự vận hành nó. Đồng thời thang máy tự động cũng được trang bị giọng nói hướng dẫn hành khách chọn tầng bằng cách nhấn nút tương ứng.
Chiếc thang máy tự động hoàn toàn đầu tiên được Công ty thang máy Otis lắp đặt vào năm 1950 tại Tòa nhà lọc dầu Đại Tây Dương ở Dallas, Texas – đánh dấu sự khởi đầu của ngành thang máy tự động và cũng là sự kết thúc của “nghề vận hành thang máy”.
Sự chấp nhận của công chúng đối với thang máy tự động bắt đầu lan rộng hơn, mọi người dần quen với việc sử dụng thang máy mà không cần người vận hành. Và những cuộc đình công của công đoàn vận hành thang máy gần như không còn tác động như những lần đầu.
Một nhân viên công ty thang máy đã ủng hộ việc sử dụng thang máy tự động bằng cách tuyên bố rằng: “Chúng (thang máy tự động – PV) không đình công, ốm đau hay ra ngoài hút thuốc”, theo Tạp chí Popular Science số đăng tải tháng 7/1959.
Hình ảnh những tòa nhà chọc trời tại thành phố New York những năm 1952. (Nguồn: History 101)
Không dừng lại từ góc độ xóa bỏ tác động tiêu cực từ những cuộc đình công, một nghiên cứu cũng được tiến hành trên 14 tòa nhà: một nửa có hệ thống tự động, một nửa hoạt động với nhân viên vận hành. Kết quả là thang máy tự động hoạt động nhanh hơn, sức chứa người cũng lớn hơn 10% do không phải sử dụng nhân viên vận hành.
Hai trách nhiệm chính của người vận hành là đóng/mở cửa thang và điều khiển tốc độ, hướng đi của thang máy đã chính thức được tự động hóa. Những chiếc cần gạt thủ công đã nhường chỗ cho các bảng điều khiển.
Trong những năm tiếp theo, sự ra đời của điện thoại khẩn cấp và nút dừng khẩn cấp cũng góp phần giúp đẩy nhanh tiến trình đưa thang máy tự động gần hơn với công chúng. Tất cả đã mang lại các biện pháp an toàn gia tăng cho thang máy tự động.
Với những tính năng an toàn, người dùng ban đầu có thể không tin tưởng vào thang máy, nhưng họ sẽ luôn biết rằng tín hiệu yêu cầu sự trợ giúp có thể được gửi đi thông qua một cuộc gọi điện hoặc nút bấm khẩn cấp, và rằng hành khách có thể dừng thang máy bất cứ lúc nào chỉ qua một nút bấm. Tất cả đều khiến họ cảm thấy an toàn hơn.
Trong khi những tính năng này được triển khai, nhiều tính năng khác cũng được thêm vào – camera an ninh và các thiết bị điều khiển khác. Từ con số 12,6% đơn đặt hàng dành cho thang máy tự động vào năm 1950, tới năm 1959, con số này đã tăng vọt lên hơn 90%.
Người vận hành thang máy tại Cửa hàng bách hóa William Taylor vào năm 1961. (Nguồn: CMP Clevel and Memory)
Tại phiên điều trần năm 1966 trước Ủy ban Kinh tế Hỗn hợp Mỹ (JEC), sau khi một liên đoàn công nhân thang máy ở tiểu bang Illinois, Chicago thương lượng thành công việc tăng mức lương tối thiểu lên 2,5 USD/giờ, các chủ sở hữu tòa nhà đã nhanh chóng chi 30.000 USD cho mỗi thang máy để chuyển từ việc vận hành bằng tay sang hệ thống tự động hóa.
Và đến những năm 1970, hầu hết các thang máy đều hoạt động mà không có người điều khiển, kéo theo đó là hàng nghìn người bị mất việc.
Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Đại học Harvard, ông James Bessen, chỉ có một trong số 270 nghề nghiệp chi tiết được liệt kê trong đợt Tổng điều tra Mỹ năm 1950 bị xóa sổ hoàn toàn vì tự động hóa. Đó là nghề vận hành thang máy.
Ngày nay, nhiều cuộc thảo luận đều có một xu hướng chủ đề: Máy móc có thể thay thế con người ở những hoạt động gì? Và thực tế, tiềm năng công nghệ tự động hóa đã và đang ngày càng tiến bộ vượt bậc từ Learning machine hay Robot,… cũng như đột phá trong cách mạng công nghệ 4.0 AI, IoT, Big Data,…
Cũng như công việc điều khiển thang máy từng phổ biến một thời, sự phát triển và ứng dụng công nghệ thay thế một phần hay hoàn toàn công việc của con người là một xu thế tất yếu. Điều quan trọng là chúng ta – những người lao động, cần nhận thức xu thế đó một cách rõ ràng để có sự chuẩn bị phù hợp cho tương lai.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật
Anonymous
Thú vị