TCTM – Quản lý và đào tạo kỹ thuật viên đang làm việc trong ngành thang máy tại Hàn Quốc được xem là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực của doanh nghiệp, cùng với áp dụng công nghệ. Điều này đã giúp họ trở thành cường quốc về thang máy.
Ngày 02/9/2022, một thang máy tại khu chung cư Seoul Mapo the Clash (iPark SK View) được cấp chứng nhận kiểm định, hệ thống ghi nhận chiếc thang máy thứ 800.000 đang sử dụng tại quốc gia này. Dấu mốc này giúp họ trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới về số lượng thang máy đang sử dụng với dân số chỉ hơn 50 triệu người.
Số lượng thang máy được sản xuất trong nước, phục vụ nhu cầu lắp đặt mới hàng năm tại quốc gia này lên đến 50.000 chiếc, trong đó có 15.000 chiếc thay thế thang máy cũ và 25.000 chiếc lắp cho các công trình đang xây dựng.
Hàn Quốc cũng là quốc gia sản xuất thang máy cho thị trường toàn cầu, với hơn 280 công ty sản xuất thang máy và 900 công ty bảo trì, có hơn 25.000 người đang làm việc trong ngành công nghiệp thang máy.
Với số lượng nhân sự lớn làm việc trong một ngành công nghiệp đòi hỏi cao về an toàn, Hàn Quốc đã quản lý chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy như thế nào, đặc biệt đối với những lao động trực tiếp?
Luật Thang máy Hàn Quốc yêu cầu các kỹ thuật viên làm việc trong ngành thang máy phải khai báo lên một hệ thống được quản lý bởi Bộ Hành chính và An Ninh (HC&AN) về nơi làm việc, kinh nghiệm và bằng cấp liên quan (gọi chung là kinh nghiệm).
Bộ HC&AN sẽ căn cứ vào dữ liệu này để cấp chứng chỉ kinh nghiệm kỹ thuật viên cho người khai báo. Mọi thông tin không chính xác sẽ được phát hiện bởi các kênh quản lý trong Hệ thống quản lý an toàn thang máy (xem Bài 2. Quản lý thang máy ở Hàn Quốc) và những người gian dối chịu phạt theo chế tài ngay lập tức.
Hầu hết, các kỹ thuật viên tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp thang máy đều phải khai báo kinh nghiệm, bao gồm các công việc sau:
1. Tư vấn thiết kế thang máy
2. Sản xuất, nhập khẩu thang máy và/hoặc linh kiện thang máy
3. Bảo trì thang máy
4. Chứng nhận an toàn linh kiện thang máy
5. Chứng nhận an toàn thang máy
6. Lắp đặt thang máy
7. Giám sát thi công lắp đặt thang máy
8. Kiểm định lắp đặt (kiểm định trước khi bàn giao đưa vào sử dụng)
9. Tự kiểm tra thang máy
10. Kiểm định an toàn (định kỳ, đột xuất và kiểm định an toàn chi tiết)
Người lao động hành nghề kỹ thuật thang máy phải được đào tạo về kỹ thuật thang máy hoặc nghiệp vụ an toàn thang máy tùy theo công việc mà họ thực hiện.
Đào tạo kỹ thuật dành cho các kỹ thuật viên thuộc nhóm 1, 2, 3, 6 và 7 nêu trên, các nhóm kỹ thuật viên còn lại tham gia đào tạo nghiệp vụ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian và chịu mọi kinh phí để kỹ thuật viên tham gia đào tạo, “đồng thời, không được lấy lý do đó để gây khó khăn cho kỹ thuật viên” – Điều 52, Luật Thang máy nhấn mạnh.
Các tổ chức có thể tham gia công tác đào tạo kỹ thuật viên là: Cơ quan nhà nước, Hiệp hội nghề nghiệp hoặc các pháp nhân hoạt động phi lợi nhuận được Bộ HC&AN thành lập để thực hiện đào tạo các nghiệp vụ liên quan.
Chương trình, thời lượng và thời hạn đào tạo do Bộ HC&AN quy định. Hiện nay, thời lượng đào tạo cho cả 2 chương trình là 80 giờ, chứng chỉ có hiệu lực trong 3 năm.
Một đối tượng rất quan trọng trong Hệ thống quản lý an toàn thang máy được quy định bằng một điều luật riêng trong Luật Thang máy là người quản lý an toàn thang máy.
Luật yêu cầu đơn vị quản lý thang máy phải bổ nhiệm một người quản lý an toàn thang máy để quản lý thang máy hằng ngày. Nếu một người quản lý an toàn không được bổ nhiệm, đơn vị quản lý (người đại diện pháp nhân hoặc cá nhân chủ sở hữu) sẽ trở thành nhân viên quản lý an toàn và phải thực hiện mọi trách nhiệm của một nhân viên quản lý an toàn thang máy.
Trong vòng 3 tháng kể từ ngày bổ nhiệm hoặc thay đổi người quản lý an toàn thang máy, Đơn vị quản lý thang máy phải khai báo thông tin đến Bộ trưởng Bộ HC&AN.
Người quản lý an toàn thang máy phải tham gia khóa đào tạo về quản lý an toàn thang máy tại cơ sở đào tạo được Bộ HC&AN chỉ định.
Bộ trưởng Bộ HC&AN có thể chỉ định các cơ quan nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp hoặc pháp nhân phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo do Bộ thành lập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghiệp vụ. Các cơ sở đào tạo được chỉ định này phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Sắc lệnh Tổng thống.
Hiện nay, đào tạo kỹ thuật viên thang máy do 2 cơ sở đào tạo được chỉ định thực hiện là Cơ quan Quản lý an toàn thang máy Hàn Quốc (KoELSA) và Hiệp hội Thang máy Hàn Quốc (KoLA). Còn đào tạo quản lý an toàn thang máy chỉ được thực hiện bởi KoELSA.
Lời Ban Biên tập: Nội dung trong chuỗi bài viết “Nhìn ra thế giới” có tham khảo từ tài liệu đào tạo của Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc KLC (Korea Lift College) chuyển giao cho Hiệp hội Thang máy Việt Nam thuộc chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy chứng chỉ quốc tế.
Chi tiết về chương trình đào tạo đọc tại: Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Nhìn ra thế giới – Bài 1. Ngành thang máy Hàn Quốc đã phát triển như thế nào?
Thông tin mới cập nhật