TCTM – Hệ thống quản lý an toàn thang máy được luật hóa của Hàn Quốc được cho là số một thế giới. Hệ thống này gồm những gì để thay đổi toàn diện ngành công nghiệp thang máy Hàn Quốc?
Hệ thống quản lý an toàn thang máy Hàn Quốc lấy người sử dụng thang máy làm trung tâm, vừa là đối tượng của hoạt động an toàn, vừa là chủ thể trực tiếp tham gia vào công tác đảm bảo an toàn bằng việc tuân thủ các yêu cầu được luật định.
Hệ thống có sự tham gia của Bộ Hành chính và An ninh, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý an toàn thang máy, chính quyền địa phương với trách nhiệm được giao cho người đứng đầu như Thống đốc hoặc Thị trưởng có trách nhiệm quản lý thường xuyên các Đơn vị quản lý thang máy (Chủ sở hữu thang máy), cấp phép (hoặc thu hồi giấy phép) hoạt động cho các doanh nghiệp trong khu vực như các nhà sản xuất, nhập khẩu, các đơn vị lắp đặt, bảo trì thang máy.
Cuối cùng, một cơ quan tối quan trọng là Cơ quan Quản lý an toàn thang máy Hàn Quốc KoELSA (Korea Elevator Safety Agency). Cơ quan này có gần 1700 nhân viên cùng hệ thống trạm dịch vụ phủ sóng toàn quốc, chịu trách nhiệm về quản lý an toàn, chứng nhận an toàn thang máy và thiết bị thang máy, kiểm định an toàn kỹ thuật thang máy và thực hiện thanh – kiểm tra định kỳ, đột xuất.
Vào năm 2018, luật về thang máy tại Hàn Quốc được sửa đổi hoàn toàn thành Luật Quản lý an toàn Thang máy (Luật Thang máy). Bộ luật sau đó liên tục được sửa đổi, Luật Thang máy mới nhất – Luật 20159 được Quốc hội thông qua ngày 30/1/2024 có hiệu lực từ 31/1/2025.
Đây là một trong những bộ luật đầy đủ nhất về quản lý an toàn thang máy trên thế giới, trong đó có nhiều nội dung đã góp phần thay đổi toàn diện ngành công nghiệp thang máy Hàn Quốc.
Cụ thể, các nội dung Luật Thang máy quản lý bao gồm:
Việc thành lập bừa bãi các công ty sản xuất, kinh doanh và lắp đặt thang máy hoặc thiết bị thang máy đã dẫn đến nhiều công ty mất khả năng thanh toán, không đảm bảo hoạt động kinh doanh và chất lượng an toàn thang máy lâu dài.
Đó là lý do Hệ thống đăng ký và quản lý doanh nghiệp thang máy ra đời nhằm giảm thiểu rủi ro này, tức thang máy là lĩnh vực thành lập doanh nghiệp có điều kiện.
Để thực hiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thang máy và thiết bị thang máy doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu đăng ký kinh doanh thang máy với chính quyền địa phương và đăng ký doanh nghiệp. Chính quyền địa phương cũng quản lý thường xuyên các nhà điều hành doanh nghiệp đã đăng ký.
Đây là hệ thống bắt buộc đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu thang máy, đảm bảo ngăn ngừa thiệt hại do chất lượng thang máy sau khi được sản xuất, nhập khẩu và lắp đặt cho khách hàng.
Các nhà sản xuất và nhập khẩu thang máy phải đảm bảo chất lượng thang máy được sản xuất, nhập khẩu và lắp đặt ít nhất 3 năm. Những thang máy bị hỏng trong điều kiện sử dung bình thường trong 3 năm phải được sửa chữa miễn phí.
Ngoài ra, các nhà sản xuất và nhập khẩu thang máy phải dự trữ phụ tùng và thiết bị phục vụ bảo trì (bao gồm phần mềm và quyền hạn có thể tiếp cận thông tin như mã số bảo mật) ít nhất 10 năm và cung cấp chúng theo yêu cầu của khách hàng.
Trong thời hạn này, nhà sản xuất, nhập khẩu phải công khai trên trang chủ của mình các tài liệu về thời gian khuyến cáo thay thế và giá cả (được cập nhật hằng năm) các linh kiện phục vụ cho công tác bảo trì. Trường hợp, các nhà sản xuất, nhập khẩu không có trang web điện tử thì có thể công khai trên trang web của các Hiệp hội Thang máy hoặc đoàn thể mà mình tham gia.
Để sản xuất hoặc kinh doanh các thiết bị an toàn chính của thang máy, cần phải có chứng nhận an toàn cho thiết bị đó. Có 14 loại thiết bị an toàn thang máy và 6 loại thiết bị thang cuốn phải được chứng nhận an toàn.
Chứng nhận an toàn linh kiện được thực hiện bởi KoELSA và các cơ quan chứng nhận được chỉ định.
Đây có thể coi là một quy định “gây khó” cho các nhà nhập khẩu, bởi họ phải mang mô hình hoặc toàn bộ sản phẩm thang máy tới Hàn Quốc để thử nghiệm cấp chứng nhận an toàn. Luật Thang máy yêu cầu kiểm tra an toàn mô hình thang máy trước khi chúng được lắp đặt.
Đối với thang máy sản xuất hàng loạt, cần phải có chứng nhận an toàn cho từng mô hình (model). Còn đối với các thang máy không có mô hình, nếu số lượng đơn vị sản xuất nhỏ hoặc sản xuất phi tiêu chuẩn, cần phải cấp chứng nhận an toàn riêng cho từng thang máy cùng việc thẩm định thiết kế.
Chứng nhận an toàn mô hình thang máy và chứng nhận an toàn cá thể thang máy được thực hiện bởi KoELSA.
Hệ thống đăng ký thang máy mới lắp đặt quản lý tổng thể tất cả các thông tin về thang máy trong suốt vòng đời của sản phẩm.
Khi việc lắp đặt thang máy hoàn thành và thang máy được kiểm định lần đầu, đơn vị lắp đặt phải báo cáo hoàn thành lắp đặt thang máy tại chính quyền địa phương, tại thời điểm này, một mã định danh thang máy duy nhất sẽ được cấp và được dán vào cả bên trong và bên ngoài thang máy.
Khi thang máy, thang cuốn được lắp đặt trong một tòa nhà và hoàn tất báo cáo lắp đặt cho chính quyền địa phương, một mã định danh duy nhất được chỉ định cho thiết bị này, tương tự như số căn cước của một công dân.
Qua mã định danh, bạn có thể biết khu vực lắp đặt, địa chỉ tòa nhà, thang máy trong tòa nhà, loại, tốc độ và tải trọng. Khi có hành khách mắc kẹt trong cabin thang máy mà người quản lý tòa nhà hoặc nhà thầu bảo trì không thể giải cứu được thì đội cứu hỏa/ cứu hộ được gọi đến, lúc đó mã định danh được truy xuất để điều động ngay đến hiện trường nhằm ứng cứu kịp thời.
Chủ sở hữu tòa nhà nơi lắp đặt thang máy được giao trách nhiệm và chỉ định là đơn vị quản lý thang máy đã lắp đặt.
Đơn vị quản lý có trách nhiệm thực hiện tự kiểm tra thang máy hằng ngày, đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy và thiết bị thang máy. Đồng thời, đơn vị này cũng phải mua bảo hiểm tai nạn bắt buộc cho người sử dụng thang máy.
Đơn vị quản lý thang máy bắt buộc phải chỉ định một người quản lý an toàn thang máy để kiểm tra thang máy hằng ngày và quản lý an toàn thang máy. Người quản lý an toàn thang máy phải được đào tạo quản lý an toàn thang máy theo quy định của Bộ có thẩm quyền.
Nếu một người quản lý an toàn không được bổ nhiệm, Đơn vị quản lý (người đại diện pháp nhân hoặc cá nhân chủ sở hữu) sẽ trở thành nhân viên quản lý an toàn và phải thực hiện mọi trách nhiệm của một nhân viên quản lý an toàn thang máy.
Đơn vị quản lý thang máy phải đăng ký bảo hiểm bồi thường và nộp bằng chứng bảo hiểm cho chính quyền địa phương. Khi có tai nạn liên quan đến thang máy gây thiệt hại về người và tài sản, người sử dụng thang máy được bồi thường thiệt hại từ bảo hiểm này.
Đơn vị quản lý thang máy phải tự kiểm tra an toàn thang máy ít nhất mỗi tháng một lần. Nhân viên kiểm tra an toàn phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Luật Thang máy và có thể ủy quyền dịch vụ cho một đơn vị bảo trì đủ điều kiện.
Sau khi lắp đặt, thang máy phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, thang máy đang sử dụng phải kiểm định định kỳ hằng năm. Nếu thang máy gặp tai nạn hoặc sửa chữa một thiết bị quan trọng, nó phải được kiểm định bất thường và thang máy đã sử dụng được 15 năm phải trải qua Kiểm định an toàn chi tiết để quyết định có đủ an toàn để tiếp tục sử dụng hay không.
Bộ chủ quản quản lý an toàn thang máy hằng năm phải tính toán và công bố mức phí bảo trì tiêu chuẩn cho hợp đồng dịch vụ bảo trì thang máy. Bằng cách sử dụng biểu phí tiêu chuẩn này, đơn vị quản lý và đơn vị bảo trì được khuyến khích thực hiện hợp đồng dịch vụ công bằng, góp phần xây dựng văn hóa an toàn thang máy lành mạnh.
Luật Thang máy và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy định rất rõ các yêu cầu đối với người sử dụng. Ngoài ra Luật cũng yêu cầu các biển báo, chỉ dẫn phải được đặt tại những nơi người sử dụng dễ nhìn thấy để tuân thủ và thực hiện.
Khi xảy ra tai nạn thang máy, báo cáo và điều tra tai nạn sẽ được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân gây ra tai nạn. Từ đó, thiết lập các biện pháp nhằm ngăn ngừa việc tái diễn tai nạn đó.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn thang máy nghiêm trọng như gây chết người, đơn vị quản lý sẽ báo cáo tai nạn cho KoELSA và Cơ quan này sẽ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn tại địa điểm xảy ra tai nạn được báo cáo. Trên cơ sở kết quả điều tra, hội đồng xét xử vụ tai nạn xác định nguyên nhân chính của vụ tai nạn và quy trách nhiệm.
Để đào tạo và quản lý hiệu quả kỹ thuật viên làm việc trong ngành thang máy như sản xuất, nhập khẩu, bảo trì, chứng nhận an toàn, lắp đặt, tự kiểm tra, kiểm định an toàn,… các kỹ thuật viên phải hoàn thành đào tạo các nghiệp vụ tương ứng và báo cáo kinh nghiệm nghề nghiệp.
Để làm rõ hơn về đào tạo và quản lý năng lực kỹ thuật viên ngành thang máy, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở bài tiếp theo: Bài 3. Quản lý kỹ thuật viên thang máy ở Hàn Quốc
Lời Ban Biên tập: Nội dung trong chuỗi bài viết “Nhìn ra thế giới” có tham khảo từ tài liệu đào tạo của Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc KLC (Korea Lift College) chuyển giao cho Hiệp hội Thang máy Việt Nam thuộc chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy chứng chỉ quốc tế.
Chi tiết về chương trình đào tạo đọc tại: Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Nhìn ra thế giới – Bài 1. Ngành thang máy Hàn Quốc đã phát triển như thế nào?
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật