TCTM – Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới với tiềm năng thách thức mọi giới hạn, trong đó ngành công nghiệp thang máy quốc gia đông dân nhất thế giới này đã thực sự là một gã khổng lồ, ở hầu hết mọi khía cạnh.
Quá trình phát triển của ngành thang máy Trung Quốc muộn hơn so với các nước phát triển ở châu Âu và Hoa Kỳ và được chia làm ba giai đoạn:
Trước khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, số lượng thang máy ở Trung Quốc chỉ khoảng 1.000 chiếc, chủ yếu phân bố ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân, phần lớn do các công ty Mỹ kiểm soát.
Năm 1951, chính phủ Trung Quốc đề xuất lắp đặt thang máy tự chế tạo ở Tháp cổng Thiên An Môn. Bốn tháng sau, Nhà máy Thiết bị Cơ điện Thiên Tân (tư nhân) sản xuất thành công thang máy tự chế tạo đầu tiên của Trung Quốc.
Từ năm 1952, Trung Quốc đã thành lập ba nhà máy sản xuất thang máy tại Thượng Hải, Thiên Tân và Thẩm Dương, đồng thời thành lập các viện nghiên cứu liên quan để thực hiện nghiên cứu khoa học toàn diện về các loại thang máy khác nhau như thang máy chở người, thang máy chở hàng và thang máy tốc độ cao.
Với chính sách cải cách và mở cửa vào những năm 1980, thị trường Trung Quốc được mở cửa hoàn toàn, thu hút nhiều công ty thang máy hàng đầu thế giới đến đầu tư và xây dựng nhà máy, tạo động lực phát triển mới cho ngành thang máy Trung Quốc còn tương đối lạc hậu thời bấy giờ.
Năm 1980, Schindler của Thụy Sĩ vào Trung Quốc và thành lập công ty thang máy liên doanh đầu tiên. Từ đó, các thương hiệu nước ngoài lần lượt gia nhập và bắt đầu chiếm lĩnh thị trường sản xuất thang máy trong nước thông qua hình thức tự doanh hoặc liên doanh nhằm củng cố và chiếm lĩnh thị phần thang máy nội địa.
Trong thời kỳ này, một số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc cũng bắt đầu tham gia vào ngành sản xuất thang máy. Ban đầu, họ sản xuất các bộ phận hỗ trợ cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, sau đó các doanh nghiệp này học hỏi, tiếp thu công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, tích lũy vốn, nâng cao trình độ quản lý, từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp sản xuất thang máy nguyên chiếc.
Kể từ đầu những năm 1990, ngành thang máy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể thông qua học tập, nghiên cứu và phát triển không ngừng, được thúc đẩy bởi cải cách kinh tế và tiến bộ công nghệ.
Trong giai đoạn này, Học viện Nghiên cứu xây dựng Trung Quốc (China Academy of Building Research) đã đi đầu trong việc phát triển công nghệ thang máy hoàn chỉnh và cung cấp chúng cho hơn 30 nhà sản xuất trong nước, đặt nền móng cho sự phát triển thang máy ở quốc gia này.
Bước vào thế kỷ 21, một số công ty thang máy Trung Quốc đã có quy mô nhất định như Canny Elevator, Giang Nam Jiajie, Yuanda Intelligence và Meilun Elevator,…
Đến nay, ngành công nghiệp thang máy quốc gia này đã có những cải tiến đáng kể về kỹ thuật công nghệ, trình độ quản lý,… đồng thời, cũng đã hoàn thành xây dựng một chuỗi kinh doanh hoàn chỉnh từ nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất cho đến lắp đặt và bảo trì.
Đặc biệt trong phân khúc thang máy tốc độ thấp – trung bình, với hiệu quả kinh tế cao cùng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, họ đã dần phá vỡ sự thống trị của các công ty thang máy nước ngoài ở thị trường trong nước, song song, dần thâm nhập thị trường quốc tế và có một vị trí nhất định trên thị trường này.
Theo Tạp chí Thang máy Trung Quốc, số lượng thang máy (bao gồm thang máy thẳng đứng, thang cuốn và băng tải chở người) đang sử dụng tại Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại (2024) là gần 11 triệu đơn vị, chiếm 43% tổng số lượng thang máy toàn cầu. Nhu cầu lắp đặt thang máy mới hằng năm hơn 1 triệu chiếc, chiếm 62% thị trường lắp mới toàn cầu. Thị trường lắp đặt thang máy mới tại Trung Quốc phục vụ cho các dự án: Phát triển địa ốc; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp; Cải tạo lắp thêm thang máy cho chung cư cũ và thay thế các thang máy cũ.
Nhu cầu này vẫn giữ trong những năm tới, với tỷ lệ giảm không đáng kể.
Ngoài ra, với việc khai thác, sử dụng 11 triệu thang máy cũng mang đến một thị trường hậu mãi (bảo trì và sửa chữa, hiện đại hóa và thay mới) khổng lồ. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Chứng khoán GF dung lượng thị trường bảo trì hiện tại là 50 ~ 60 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 7 – 8 tỷ USD) và tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (Compounded Annual Growth Rate – CAGR) của dung lượng thị trường dự kiến sẽ gần 10% trong vài năm tới.
Như đã đề cập ở trên, hiện nay ngành sản xuất thang máy Trung Quốc có sự tham gia của tất cả các ông lớn thang máy trên thế giới song hành cùng các thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp này được phân thành 04 nhóm:
Theo Hiệp hội Thang máy Trung Quốc dẫn nguồn Mạng lưới thông tin tài sản – Ngân hàng đầu tư Qianji, năm 2023, các thương hiệu quốc tế chiếm khoảng 70% thị trường nội địa, các thương hiệu thang máy quốc gia chiếm khoảng 18% thị phần theo doanh số. Các công ty tư nhân vừa và nhỏ chia nhau thị phần còn lại.
Ngành công nghiệp thang máy Trung Quốc có lẽ không chỉ đơn thuần sản xuất một chiếc thang máy.
Chuỗi cung ứng của họ bắt đầu từ “thượng nguồn” (upstream), tức là sản xuất nguyên liệu thô và các linh kiện, thiết bị thang máy. Nguyên liệu chính để sản xuất và chế tạo thang máy là thép và đất hiếm, trong đó thép được sử dụng trong sản xuất cabin, khung, dầm trên và dưới, cửa cabin, cửa thang máy,…; còn đất hiếm là nguyên liệu chính của nam châm vĩnh cửu trong máy kéo.
Tiếp đó là sản xuất thành phẩm thang máy và “hạ nguồn” (downstream) là thị trường phân phối, lắp đặt thang máy mới và bảo trì, sửa chữa, thay thế.
Về mặt số liệu thống kê, có phần không nhỏ thang máy lắp đặt tại Trung Quốc do các nhà sản xuất nước ngoài, tuy nhiên, nguồn vật tư đầu vào cho sản xuất và các linh kiện, thiết bị được cung cấp từ các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm tỉ lệ không nhỏ, đối với cả các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc và toàn cầu.
Đây có lẽ là ưu thế đặc trưng của Trung Quốc để giải thích cho chính sách mở cửa nền kinh tế của họ.
Với quy định, các tòa nhà cao từ 20m trở lên phải được trang bị thang máy, bất động sản một thời là động lực cho sự phát triển của ngành thang máy Trung Quốc. Năm 2023, số lượng thang máy lắp cho các dự án phát triển bất động sản chiếm đến 62% tổng toàn bộ thị trường.
Tuy nhiên theo dự báo, con số này sẽ giảm trong những năm tới do sự suy yếu của thị trường bất động sản và đến năm 2026 nhu cầu thang máy cho loại hình này chỉ còn khoảng 41%.
Trung Quốc chưa quy định về niên hạn sử dụng thang máy, tuy nhiên, tuổi thọ của thang máy tại đây chỉ tầm 15 ~ 20 năm, sau đó nó sẽ “lão hóa”, hỏng hóc thường xuyên và việc tiếp tục sử dụng thang máy cũ không chỉ có nguy cơ mất an toàn mà chi phí bảo trì cũng cao hơn nhiều so với chi phí hiện đại hóa, thay thế mới.
Một yếu tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thang máy Trung Quốc là thị trường xuất khẩu, với số lượng xuất khẩu mỗi năm khoảng 100.000 chiếc, tuy chiếm số lượng không đáng kể so với thị trường trong nước (chưa đến 10%) nhưng là một lĩnh vực đang được Chính phủ ưu tiên phát triển và sẽ có những bước tăng trưởng trong thời gian tới.
Thị trường chủ yếu của họ là Nga, Trung Đông và Đông Nam Á.
Trước năm 2000, Trung Quốc đã xây dựng một số lượng lớn chung cư trung-thấp tầng mà không có thang máy. Theo tiêu chuẩn xây dựng mới, các chung cư này phải được trang bị thang máy và các chính quyền địa phương đã có những chính sách cụ thể để thúc đẩy giải quyết vấn đề này.
Phần này và một số nội dung khác chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở các bài viết tiếp theo. Đọc phần tiếp theo tại:
Nhìn ra thế giới – Bài 5. Kỉ nguyên hậu mãi, nhìn từ thị trường thang máy Trung quốc
Lời Ban Biên tập: Nội dung trong chuỗi bài viết “Nhìn ra thế giới” có tham khảo từ tài liệu đào tạo của Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc KLC (Korea Lift College) chuyển giao cho Hiệp hội Thang máy Việt Nam thuộc chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy chứng chỉ quốc tế.
Chi tiết về chương trình đào tạo đọc tại: Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Nhìn ra thế giới – Bài 1. Ngành thang máy Hàn Quốc đã phát triển như thế nào?
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật