TCTM – Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, nhà cao tầng, thậm chí là siêu cao tầng, không chỉ xuất hiện rất nhiều ở các đô thị mà tại nhiều vùng thôn quê nước ta, bóng dáng của những ngôi nhà cao tầng cũng đã và đang “mọc” không hề ít. Đó là dấu hiệu của đà đô thị hoá diễn ra nhanh và mạnh mẽ, cùng với sự phát triển về kinh tế của nước ta có nhiều bước chuyển biến khởi sắc rõ rệt…
Như chúng ta đều biết, nếu như cách đây vài ba chục năm trở về trước thì các ngôi nhà, căn chung cư có cao tới dăm bảy tầng thì mọi người cũng chủ yếu là đi… thang bộ, chứ vào thời điểm ấy thang máy tuy đã có nhưng chưa phổ biến. Thế nhưng, trong hơn chục năm trở lại đây, hầu hết các ngôi nhà, căn chung cư xây dựng có chiều cao từ 3 đến 4 tầng trở lên cũng đều được trang bị thang máy, vì thế mà việc đi lại, sinh hoạt của người dân sinh sống và làm việc trong các căn nhà cao tầng ấy cũng được thuận tiện và nhàn hạ hơn rất nhiều. Không chỉ có các căn nhà cao tầng là cao ốc văn phòng, trụ sở cơ quan, chung cư,… người ta mới trang bị thang máy, mà không ít hộ gia đình khá giả dẫu nhà riêng của họ chỉ có chiều cao vài ba tầng lầu mà họ cũng lắp đặt thang máy.
Vâng, chuyện đi thang máy thời nay thì bất cứ ai cũng đã, vẫn thường xuyên đi, và có một thực trạng mà mọi người đều biết tới, đó là: “Văn hoá đi thang máy” còn nhiều lộn xộn! Đúng vậy, tại các căn nhà cao tầng, siêu cao tầng thuộc bệnh viện, trường học, trung tâm mua sắm, chung cư, trường học, cao ốc văn phòng cho thuê,… thang máy được lắp đặt vốn khá rộng rãi, chứa được cùng lúc nhiều người, vậy nhưng do số lượng người lưu thông lên – xuống ở những căn nhà cao tầng ấy luôn rất đông đúc, nhất là vào các khung giờ cao điểm, vì thế nhiều khi cũng luôn xảy ra cảnh ùn ứ, “ tắc nghẽn” thang máy, khiến không ít người phải chờ đợi. Chính vì có những thời điểm thang máy đông đúc như vậy, nên đã xuất hiện ở cửa chờ thang khá nhiều người thiếu ý thức, nếu không muốn nói “nặng” là thiếu văn hoá, khi họ không chịu xếp hàng lần lượt, mà cố tình chen lấn, xô đẩy để theo kiểu mạnh ai người ấy vào thang trước. Việc chen lấn xô đẩy và quây kín ở cửa chờ của thang máy như vậy đã không chỉ khiến những người có ý thức cảm thấy bực bội, mà còn làm cho những người đang đứng trong buồng thang máy muốn rời ra ngoài khi thang máy dừng, cũng rất… khó khăn. Ở cửa chờ thang máy là vậy, lúc vào bên trong buồng thang máy, và khi thang máy di chuyển lên – xuống, những người thiếu ý thức cũng luôn giữ thói quen rất xấu, đó là họ tìm cách chen ra phía cửa để khi thang dừng là họ rời ra ngoài trước những người khác. Rồi nữa, có một thực trạng mà nó vẫn thường xuyên diễn ra ở hầu hết khoang thang máy của các căn nhà cao tầng, đó là nhiều khi dẫu khoang thang máy đã chật cứng người bên trong rồi vậy mà có một số trường hợp vẫn cố tình chen vào để di chuyển ngay chuyến đó, chứ không chịu đợi tới chuyến thang sau, làm cho cửa thang không thể khép lại được, như vậy vừa làm chậm trễ cho chuyến thang, thậm chí còn mang tới nguy hiểm cho sự an toàn của quy trình vận hành thang máy!
Ngoài việc không chịu xếp hàng, luôn chen lấn, xô đẩy,… thực tế tôi còn quan sát thấy có không ít người đi thang máy họ còn tỏ ra thiếu ý thức đến… “vô duyên”, khi họ vào thang với không gian chật hẹp, mọi người đông đúc, mà họ còn nói chuyện ầm ĩ, cười to hô hố. Không ít trường hợp nam giới còn hút thuốc lá trong thang, khiến những người khác, nhất là phụ nữ và trẻ em đi cùng trong không gian thang máy chẳng khác nào bị “tra tấn” bởi mùi khói thuốc ngột ngạt, độc hại,…
Thang máy là không gian công cộng, và nó cũng giống như ở siêu thị, nhà thuốc, trụ sở ngân hàng, cây ATM,… thì ai tới trước thanh toán, giao dịch trước; nên ngoài việc thể hiện ý thức văn hoá ra thì trước tiên mọi người đi thang máy cũng cần phải xếp hàng theo kiểu ai tới trước đi trước, ai tới sau vào sau để tránh lộn xộn, tránh chen lấn xô đẩy như kiểu… chợ vỡ! Vẫn biết rằng ở cửa hầu hết thang máy của các căn nhà cao tầng đều không có ghi nội quy “bắt” mọi người phải xếp hàng cũng như một số quy định khác, vậy nhưng đó là điều “mặc định” ngầm mà mỗi người chúng ta khi đi thang máy cần phải hiểu và thực hiện một cách nghiêm túc để không gây bực bội và làm ảnh hưởng tới những người khác…
Tác giả: Lê Thị Kết
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật