TCTM – Nhớ hồi làm gần buồng thang máy, đó là câu tôi nghe thấy rất nhiều. Thang máy mà có chuyện gì là ngay lập tức nhân viên bảo trì phải có mặt ngay. Đó là điều tất nhiên và mọi người thường nói vui: “Anh bảo trì cứ như lính cứu hỏa ấy nhỉ”.
Anh cười hiền, nụ cười với khuôn mặt có vết dầu đen. “Nghề của em mà”, anh nói rồi thu dọn đồ đạc, nhanh chóng đi đến chỗ khác vì vừa nhận nhiệm vụ. Đến và đi hầu như không ai biết, vì những người như anh chắc cũng không tiếp xúc nhiều với khách hàng, chỉ cố gắng hoàn thành cho xong nhiệm vụ.
Có lẽ nghề bảo trì thang máy, hay đúng hơn là kỹ thuật viên thang máy là một nghề vất vả. Mọi người đều thấy thế, nhưng nếu có sự cố hoặc đơn giản là đến hạn thì ai cũng giục nhân viên bảo trì phải đến ngay. Gì chứ thang máy là phương tiện được sử dụng liên tục, dù có bền đến cỡ nào thì cũng vẫn phải chăm chút.
Lần đó, tôi gặp một khuôn mặt quen thuộc trong quán cà phê. Anh bảo trì thang máy chứ ai. Anh cũng mất một lúc mới nhớ tôi vì tôi cũng chỉ là một người làm việc trong tòa nhà mà thôi, còn anh phải phục vụ biết bao nhiêu là thang máy ở nhiều nơi. Mỗi tòa nhà lại có vài chiếc thang máy nên việc một nhân viên bảo trì nhớ được mặt khách cũng là chuyện khó. Anh vội phân trần, “Cái nghề nhân viên kỹ thuật thang máy đặc thù lắm, bởi tất cả tâm trí phải dồn cho nó hết nên nhiều lúc quên các việc khác.” Tôi đồng ý ngay, bởi nhớ ra mình có lần trò chuyện với một bạn cũng là nhân viên bảo trì được điều đến để xử lý sự cố thang máy. Bạn làm xong, mồ hôi nhễ nhại, đón vội cốc nước tôi đưa và còn quên cả vị trí để xe máy. Mọi người cảm thấy buồn cười nhưng thông cảm hết sức cho nghề của họ.
Nghe câu chuyện anh kỹ thuật viên kể mới thấy tính cạnh tranh của nghề bảo dưỡng thang máy cũng thật khốc liệt. Khách hàng sử dụng thì luôn đặt chất lượng lên hàng đầu vì thang máy không giống như những mặt hàng khác, một khi có chuyện là hậu quả khôn lường. Vì thế họ phải chọn nhà cung cấp uy tín và đảm bảo nhất có thể. Chỉ cần một người nhân viên làm không tốt thì ảnh hưởng đến cả nhà cung cấp. Do vậy, trong khâu tuyển chọn và đào tạo phải lựa những người “cứng tay” nhất. Anh bộc bạch, bản thân phải trải qua thời gian đào tạo cả năm, thêm vào đó cần cập nhật những kiến thức, công nghệ mới tùy thuộc vào nhà chế tạo nữa. Có như vậy, tuổi thọ của thang máy mới cao hơn và ít xảy ra sự cố hơn. Người kỹ thuật viên thang máy cũng phải có đức tỉnh cẩn thận và nhanh nhẹn, đặc biệt phải phản ứng và quyết định nhanh mỗi khi có sự cố xảy ra.
Như muốn chia sẻ, anh làm tôi choáng ngợp với nhiều kiến thức chuyên môn về nghề đặc thù của mình. Cứ nghĩ chuyện bảo trì thang máy chỉ là đến xem xét rồi tra dầu mỡ thôi, ai ngờ cũng phân ra làm nhiều loại và cần những người thợ với tay nghề cao. Ngay đến đơn vị bảo trì thang máy cũng cần phải chọn lựa những người giỏi và có hiểu biết sâu về từng loại thang máy rồi mới phân họ đến địa điểm đặt thang để bảo dưỡng được. Hàng tháng, kỹ thuật viên như anh đến kiểm tra kỹ lưỡng các chi tiết và cụm chi tiết của thang máy, không bỏ sót dù là chi tiết nhỏ nhất. Từ hệ thống dẫn động, hệ thống cơ, điện, phanh hãm cho đến xem xét từng con ốc vít và vệ sinh hố thang cũng phải làm cẩn thận và không được bỏ sót.
“Như vậy mới đúng nghĩa là bảo dưỡng và thể hiện sự chuyên nghiệp của đơn vị làm ngành thang máy này”, anh bộc bạch.
Không chỉ vậy, mỗi khi đi bảo trì thang máy, kỹ thuật viên như các anh phải đối chiếu với hướng dẫn của nhà sản xuất và tiêu chuẩn an toàn thang máy hiện hành để tìm ra các bộ phận cần thay thế, sửa chữa. Việc này không đơn giản như sửa một chiếc ô tô hay xe máy mà cần tuân thủ tối đa quy trình vì có liên quan đến sự an toàn của rất nhiều người. Còn một khi đã phát hiện được hỏng hóc hoặc lúc có vấn đề xảy ra thì tất cả các kỹ thuật viên đều phải “báo động” trong tâm, phải tập trung cao độ nhất để xử lý.
Anh kỹ thuật viên còn chia sẻ, mỗi lần đi bảo trì thang máy là anh đều phải nhớ công việc của mình chính là bảo đảm an toàn cho mọi người, liên quan trực tiếp đến con người nên phải làm thật cẩn thận. Có lẽ đó chính là tâm niệm của nhiều “dân kỹ thuật thang máy” khác để họ luôn giữ được sự tập trung và tỉnh táo trong công việc vất vả này.
Vì là nghề đặc thù nên thời gian cũng đặc thù luôn, vì khắc phục sự cố cũng tức là bất kể thời gian và cũng bởi “khách hàng là thượng đế”. Nếu làm không tốt, khách sẽ thuê đơn vị bảo trì khác, thế nên mỗi một kỹ thuật viên đều phải có ý thức trách nhiệm cao không chỉ vì bản thân mà còn cho cả một tập thể.
Chia tay người kỹ thuật viên thang máy, trong tôi tràn đầy cảm xúc và nghĩ suy. Thật không ngờ nghề thang máy lại có nhiều điều để nói đến vậy. Nếu chúng ta là người sử dụng thang máy thì chỉ đơn giản coi đó là một phương tiện, nhưng tìm hiểu và cảm thông thì mới biết có một “nghề thang máy” đầy vất vả, gian truân nhưng quy tụ những con người có tay nghề chuyên môn và trách nhiệm tuyệt vời.
Tác giả: Đinh Thành Trung
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật