TCTM – Bước vào thang máy khi buồng thang (cabin) đã rời tầng, một người phụ nữ rơi xuống hố thang dẫn đến tử vong. Vụ việc vừa mới xảy ra tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bệnh viện xác nhận tại đây vừa xảy ra một vụ tai nạn thang máy khiến một người tử vong vào ngày 16/7 mới đây.
Bà P (nạn nhân, sinh năm 1970, sống tại tỉnh An Giang) đi chăm người bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, sử dụng thang máy số 9, tại tầng 6 của bệnh viện. Khi bà P đến, cửa thang máy cũng vừa đóng lại nhưng bà dùng tay chặn cửa để cửa tầng thang máy mở ra và bước vào trong. Tuy nhiên, lúc này thang máy đã di chuyển khỏi điểm dừng tầng lên phía trên nên bà P đã bị ngã xuống hố thang máy, chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Xét về góc độ kỹ thuật, rất có thể thang máy đã gặp phải lỗi (Chi tiết được phân tích trong bài viết: Cửa tầng thang máy và sự an toàn của người dùng). Theo QCVN 02:2019/BLĐTBXH có nêu: “Trong quá trình vận hành bình thường, không thể mở cửa tầng (hoặc bất kỳ cánh cửa nào trong trường hợp cửa nhiều cánh), trừ khi cabin đã dừng, hoặc ở vị trí dừng nằm trong vùng mở khóa của cửa đó.” (Vùng mở khóa – Unlocking zone là vùng được giới hạn ở phía trên và dưới mức sàn của tầng dừng, khi sàn cabin ở trong vùng này cửa tầng mới có thể mở được theo cửa cabin).
Sự việc nạn nhân có thể dùng tay cản khiến cửa tầng mở ra trong khi cabin thang đã di chuyển cho thấy hệ thống cơ khí và điện của thang máy có thể đã xảy ra trục trặc. Tuy nhiên, vấn đề này cần quá trình điều tra và kết luận của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, động tác sai của người sử dụng đã dẫn tới tai nạn cho chính mình là điều mà hành khách đi thang máy hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Cửa tầng thang máy để đảm bảo an toàn lao động thì không thể mở khi không có cabin tại vị trí dừng tầng trừ khi kỹ thuật viên dùng chìa khóa chuyên dụng để mở (Hình ảnh khi KTV mở cửa tầng để bảo trì)
Thang máy được coi là một trong những phương tiện di chuyển an toàn bậc nhất, xác suất xảy ra tai nạn là 1/7.000.000. Nhưng khi tai nạn xảy ra thì thường rất nghiêm trọng. Các chuyên gia của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA) đưa ra một số lưu ý:
– Tập trung và cẩn trọng trong việc sử dụng thang máy. Người sử dụng thang máy cần có nhận thức nghiêm túc về việc sử dụng thang máy như một phương tiện giao thông như tham gia giao thông thông thường. Tránh việc lơ đễnh, sử dụng điện thoại hay mải trò chuyện,… khi sử dụng thang máy.
– Chú ý quan sát: lối vào, cửa thang, đèn tín hiệu,… để tránh các sự cố về kỹ thuật có thể bất ngờ xảy ra và kịp thời xử lý.
– Chắc chắn rằng cửa tầng đang mở và cabin về bằng tầng mới bước vào.
– Nếu muốn mở cửa thang máy khi cửa đang đóng lại, chỉ nhấn nút mở thang trên bảng điều khiển một lần, không nhấn giữ quá lâu và không dùng tay/chân/vật dụng khác giữ cửa tầng/cửa cabin khi cửa đang đóng lại. Tuy cửa thang máy thường được trang bị mành hồng ngoại (photocell – dạng điểm hoặc dạng thang) hoặc thanh an toàn cửa thang máy (safety shoe) hay cũng có thể kết hợp cả hai hệ thống này, tuy nhiên việc xuất hiện các lỗi kỹ thuật vẫn có thể xảy ra.
– Hướng dẫn hoặc nhắc nhở người khác, đặc biệt là trẻ em khi sử dụng thang máy tránh việc nghịch ngợm của trẻ nhỏ (nhún nhảy mạnh, bấm loạn các nút trên bảng điều khiển, dùng tay/chân/vật cản để giữ cửa,…) có thể gây lỗi thang máy.
– Tìm hiểu về cách vận hành của thang máy và các lưu ý trong quá trình sử dụng, cách xử lý tình huống khi thang máy gặp sự cố.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về các sự cố thang máy thường gặp tại: 8 sự cố thang máy người dùng cần lưu ý
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật