Đó là điều mà tôi đã hình dung rõ hơn sau khi đọc tin trên báo về vụ tai nạn khiến hai kỹ thuật viên thang máy tử vong trong quá trình làm việc.
Ngôi nhà tôi đang sống có sử dụng một chiếc thang máy liên doanh. Mặc dù không hiểu nhiều về lĩnh vực này nhưng tôi biết rằng máy móc nào cũng phải kiểm định, bảo trì đều đặn thì mới ổn. Vì thế, cứ theo định kỳ sẽ có một đội thợ hai người đến xử lý công việc theo hợp đồng đã ký.
Sau khi họ báo công việc hoàn thành là tôi ký vào biên bản xác nhận và thanh toán. Tuyệt nhiên, tôi không thể biết công việc của họ đã diễn ra như thế nào trong một không gian chật chội, tối tăm như thế.
Giờ đây, tôi hiểu rằng tử thần luôn rình rập ngay trên đầu họ nếu chỉ một chút bất cẩn.
Trở lại với vụ rơi thang máy ở Kim Mã. Tôi tình cờ biết được 2 nạn nhân còn rất trẻ, là người của một công ty thang máy có trụ sở ở Thạch Bàn, Long Biên. Công ty Safety của họ đã ký hợp đồng cải tạo nâng tầng cho thang máy và sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Safety nhưng lại không an toàn!
Ảnh hiện trường vụ tai nạn từ phóng viên Tạp chí Thang máy
Một người bạn tôi là kiểm định viên sau khi xem những hình ảnh tại hiện trường đã có những nhận định sơ bộ. Nhận định này cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình trên một diễn đàn có hơn 1,4 triệu thành viên.
Có thể thấy rằng đây là một vụ tai nạn trong quá trình thay thế cáp tải của thang máy chứ không phải vấn đề về mặt trượt cáp rồi rơi cabin như báo chí đã đưa. Nguyên nhân gây ra tai nạn do người thực hiện thi công thay thế không am hiểu về an toàn, công ty thực hiện thay thế thiết bị không có người giám sát, lên phương án thi công đảm bảo an toàn.
Nhìn hình ảnh có thể thấy đây là loại thang máy có phòng máy, sử dụng động cơ có hộp số đời cũ. Việc thi công thay thế về mặt nguyên tắc là rất đơn giản, tuy nhiên người thực hiện đã làm sai bản chất của công tác đảm bảo an toàn khi tháo hoàn toàn cáp tải, cáp phanh khẩn cấp của cabin, sử dụng cáp tải buộc neo vào 2 bên ray chính của cabin rồi treo palang xích lên đó. Điều này dẫn đến vấn đề tụt phần treo và không có sự bảo vệ của phanh cabin nên cabin đâm thẳng xuống đáy hố gây ra tai nạn thảm khốc.
Những vụ việc bị tai nạn dẫn đến tử vong khi lắp đặt thang máy khá nhiều trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân. Nhưng những nguyên nhân chính thường do kỹ thuật viên không có chuyên môn tốt, không được huấn luyện bài bản nên không biết cách để đảm bảo an toàn tại hiện trường. Hoặc cũng có thể họ đã phớt lờ những quy định an toàn gây nên những cái chết thương tâm.
Mới sáng nay, một kỹ thuật viên có thâm niên 10 năm trong nghề thang máy đã đăng dòng tâm sự sau ám ảnh cái chết của các đồng nghiệp: Quyết định bỏ nghề, đi về với vợ!
Góc độ nào đó, tôi hoàn toàn hiểu cảm giác này bởi những vất vả, cực nhọc, thậm chí là sự “bạc bẽo” của nghề làm thợ thang máy. Nhưng nói một cách công bằng, nghề nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Tôi biết một người từng đột tử khi chỉ làm công việc ngồi bàn giấy 8 tiếng mỗi ngày, nhàn hơn công việc thợ thang máy rất nhiều.
Điều quan trọng là ý thức tuân thủ an toàn lao động thế nào mà thôi. Những con số biết nói của Cục An toàn lao động cho biết: nguyên nhân chủ yếu của tai nạn lao động là do sự quản lý thiếu chặt chẽ của người sử dụng lao động (chiếm 42,1%), bao gồm cả việc không tuân thủ đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng bảo hộ lao động hợp quy chuẩn. Nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lao động cũng chiếm một tỉ lệ tương đối cao (17,3%).
Tâm lý người Việt chúng ta vẫn có gì đó hay “đại khái”, “qua loa”, thiếu tính khoa học trong tổ chức thực hiện công việc. Chúng tôi hay nói đùa “người Việt chúng ta có tiêu chuẩn làm việc A/C – tức là áng chừng”. Điều đó là vô cùng nguy hại.
Còn ở góc độ khách hàng, tôi tự hỏi rằng phải chăng trong suốt thời gian qua tôi đã quá chủ quan, thờ ơ với các kỹ thuật viên dịch vụ bảo trì thang máy cho gia đình mình. Nếu họ không có đủ kinh nghiệm, hoặc một bất cẩn dẫn đến tai nạn ngay trong ngôi nhà của mình thì chúng tôi sẽ tiếp tục với nỗi ám ảnh như thế nào?
Lời tòa soạn: Mất an toàn lao động trong ngành thang máy là vấn đề hết sức nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua. Trong đó, nổi cộm là việc đào tạo kỹ năng trong lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy chưa được quan tâm, chưa có chuẩn hóa về chất lượng tay nghề của lao động đã dẫn tới những sự việc thương tâm và nhiều hệ lụy. Trước thực tế đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục các nghề cần phải xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia năm 2022. Đồng thời Hiệp hội sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của ngành nghề thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” vào giữa tháng 7/2022 để tìm giải pháp và tham mưu xây dựng chính sách có ý nghĩa cho sự phát triển ngành. Độc giả có thể đọc thêm các bài viết:
Thang máy rẻ nhưng mang người không thể rẻ
Tiêu chuẩn hóa ngành thang máy, ai được lợi?
5 điều quan trọng khi thuê dịch vụ bảo trì thang máy
Cần giám sát chặt chẽ công tác bảo trì
Hiệp hội Thang máy Việt Nam xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo
Độc giả: Yên Xuân
Đồ họa: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật
Trần Toàn
Làm ẩu thì nghề gì cũng nguy hiểm hết
Thái Sơn
Cty thì tuyển người ko huấn luyện, lỗi ở họ đầu tiên. Thứ hai là ng lao động còn hạn chế hiểu biết về an toàn lao động, luôn đại khái, qua loa đến khi sự đã rồi thì không còn cơ hội để sửa sai.
Anonymous
Khi ng đã mất mk ko nên nói lại làm gì
Đức Cường
Nhiều khi ko biết đâu mà lần.có lần t đi sửa thang đêm cho nhà a xã hội thâm say rượu bị nhốt trong thang.cứu người ra khỏi thang thì bị cả bọn lao vào định xiên chết.may có mấy chị phụ nữ còn tỉnh táo ngăn lại.bị giữ đến 3h sáng mới được thả về nhà.về nhà thấy con đang nằm ngủ.ôm n ngủ mà chân tay vẫn run.ko nhanh chân trốn để mấy bà chị phụ nữ ngăn bọn kia thì chắc toi vì lý do lãng xẹt
Nguyễn Anh Sơn
Ơn giời 3 năm làm thang máy chân tay nguyên vẹn. Còn nghề nào cũng có nội quy quy định atld rõ ràng😌 lỗi bởi ktv chứ ko phải lỗi hãng thang
Kiệt Trần
Tôi làm thang máy gần 30 năm và từng làm trưởng phòng bảo trì và cải tiến kĩ thuật công ty thang máy schindler Việt Nam nhận thức được nghề thang máy cần phải có kiến thức, kỹ năng và sức khỏe ( mắt nhìn rõ, tay khéo và khỏe). Công việc lắp đặt thì nặng nhọc và nguy hiểm, testing thì cực kỳ khó khăn và cẩn thận và bảo trì thì khó hơn nữa nhất là khi thang máy cũ hay hỏng hóc. Sự cố và tai nạn khi làm thang máy luôn xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kể bộ phận nào bao gồm nguy cơ té ngã-điện giật-kẹt giữa các cơ phận như cáp thép và puly…
Tuy nhiên nếu tuân thủ đúng các tiêu chuẩn an toàn thì cũng không thể xảy ra tai nạn nghề nghiệp.
Thanks
Nguyên Nguyễn
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh với độc giả và Tạp chí Thang máy.
Tạ Toàn
Mấy ông thâm niên lâu đời lúc làm mà bị nhắc làm cẩn thận cho an toàn hoặc đưa những việc tưởng là thừa, thì lại to mồm trợn mắt bảo ko biết thì đi ra chỗ khác, tao có chuyên môn mày biết gì mà nói. 😩. Xin lỗi, sinh nghề tử nghiệp. Đầy cái chết do chủ quan.
Nhà mình từng lắp thang máy, nhưng rất ưng cách lắp của các bạn bên cty này. Vì rất chịu lắng nghe chủ nhà góp ý. Các bạn cũng treo palang xích để nâng buồng thang. Mình yêu cầu các bạn gài 2 cây sắt hộp chặn đáy đề phòng tuột cáp treo palang. Các bạn cũng ok luôn ko phàn nàn. Trong quá trình làm yêu cầu thắt dây an toàn các bạn cũng ok.
Thế văn thang máy
Bài này cũng đang có 1 số vẫn đề sai. Hình ảnh cáp nài qua 2 cây ray chính của cabin là do bên pccc cứu hộ móc palanwg để nâng cabin đưa nạn nhân ra. Còn nguyrn nhân là do gẫy cây xà ngang ở trên phòng máy. Viết báo nên tìm hiểu thêm
Nguyên Nguyễn
Bài do độc giả gửi về tòa soạn và được tôn trọng giữ nguyên quan điểm. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí đối với vụ việc là rất hạn chế nên để thẩm định được các thông tin chi tiết là hết sức khó khăn. Xin cảm ơn những góp ý của anh và Tạp chí Thang máy xin tiếp thu để cung cấp tới độc giả những thông tin hữu ích nhất có thể.
Lân
Ủa bác có ra xem trực tiếp ko mà biết gẫy cây xà ngang. Cây xà ngang làm sắt hộp 1 ly hay sao mà dễ gãy thế. Hay bác chỉ nghe nói thôi. Bác biết cái khung giằng đỡ máy kéo nó to và dày cỡ nào ko mà dễ gãy như khúc củi thế. Vậy hình chụp đăng lên ko thấy 1 sợi dây cáp nào trên puly là bác tháo ra hả. Tôi nghĩ admin nói có thể đúng vì thay cáp mà tháo hết cáp ra khỏi puly là sai kỹ thuật rồi. Phải thay từng sợi nhé.
Tú Linh
An toàn là bạn, tai nạn là thù, mong các cơ quan chức năng mau chóng có quy chế về các vấn đề liên quan tới nghề nghiệp thang máy
Lân
Ủa bác có ra xem trực tiếp ko mà biết gẫy cây xà ngang. Cây xà ngang làm sắt hộp 1 ly hay sao mà dễ gãy thế. Hay bác chỉ nghe nói thôi. Bác biết cái khung giằng đỡ máy kéo nó to và dày cỡ nào ko mà dễ gãy như khúc củi thế. Vậy hình chụp đăng lên ko thấy 1 sợi dây cáp nào trên puly là bác tháo ra hả. Tôi nghĩ admin nói có thể đúng vì thay cáp mà tháo hết cáp ra khỏi puly là sai kỹ thuật rồi. Phải thay từng sợi nhé.