TCTM – Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý, giám sát chất lượng nhân lực ngành thang máy, thì tại Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực này vẫn còn nhiều bỏ ngỏ.
Những sự cố thang máy liên tiếp xảy ra, gần đây là vụ thang máy suýt “nuốt chửng” hành khách tại Chung cư Linh Đàm, khiến dư luận phải lo ngại về mức độ an toàn của những chiếc cabin di chuyển lên xuống đang vận chuyển hơn 1 tỷ người trên thế giới mỗi ngày.
Thực tế, nhờ các tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt cùng sự cải tiến công nghệ liên tục, thang máy được coi là phương tiện di chuyển an toàn nhất thế giới. Dù vậy, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của phương tiện di chuyển này.
Không có cơ sở đào tạo chính thức, chưa có khung pháp lý bắt buộc về chứng chỉ hành nghề, đây đều là hiện trạng đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực thang máy tại Việt Nam.
Việc kỹ thuật viên chưa được chuẩn hóa về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm có thể dẫn tới những sự cố thang máy nghiêm trọng
Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng nhân sự theo học các khối ngành nghề có yếu tố phù hợp như: Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Cơ khí,… Sau đó, chỉ cần qua một khóa huấn luyện ngắn hạn do doanh nghiệp tự tổ chức hay thậm chí truyền miệng, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thang máy.
Thử tưởng tượng rằng, bạn chuẩn bị bước vào một ca tiểu phẫu đơn giản như cắt amidan nhưng người thực hiện lại là người không có bằng cấp, chứng chỉ. Câu chuyện này cũng tương tự với thang máy – phương tiện di chuyển có tác động trực tiếp tới an toàn người tiêu dùng.
Và hậu quả của tình trạng này mà ai cũng có thể nhận thấy chính là những sự cố thang máy nghiêm trọng, những tai nạn thang máy thương tâm mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống đào tạo và quản lý chất lượng nhân lực thang máy chặt chẽ, toàn diện. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, hoạt động đào tạo và quản lý nhân lực kỹ thuật thang máy được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Hành chính và An ninh (Bộ HC&AN) và được điều chỉnh bởi một bộ luật riêng – Luật Thang máy Hàn Quốc.
Cụ thể, người lao động hành nghề kỹ thuật thang máy tại Hàn Quốc phải được đào tạo về kỹ thuật thang máy hoặc nghiệp vụ an toàn thang máy tùy theo công việc mà họ thực hiện.
Đồng thời, các kỹ thuật viên này phải khai báo lên một hệ thống được quản lý bởi Bộ HC&AN về nơi làm việc, kinh nghiệm và bằng cấp liên quan. Bộ HC&AN sẽ căn cứ vào dữ liệu này để cấp chứng chỉ kinh nghiệm kỹ thuật viên cho người khai báo.
Hệ thống đào tạo kỹ thuật viên của Hàn Quốc
Hiện nay, đào tạo kỹ thuật viên thang máy do 2 cơ sở đào tạo được chỉ định thực hiện là Cơ quan Quản lý an toàn thang máy Hàn Quốc (KoELSA) và Hiệp hội Thang máy Hàn Quốc (KoLA). Còn đào tạo quản lý an toàn thang máy chỉ được thực hiện bởi KoELSA.
Nhờ vào hệ thống đào tạo, quản lý và giám sát toàn diện nói trên, Hàn Quốc luôn được coi là quốc gia có công tác quản lý an toàn thang máy tốt nhất thế giới.
Đọc chi tiết tại: Nhìn ra thế giới – Bài số 3. Quản lý kỹ thuật viên thang máy ở Hàn Quốc
Trong khi đó, tại Mỹ, để trở thành kỹ thuật viên lắp đặt/sửa chữa thang máy, bạn cần phải vượt qua bài Kiểm tra Năng khiếu Thang máy, sau đó hoàn thành khóa học nghề thang máy kéo dài 4 năm nằm trong Chương trình giáo dục công nghiệp thang máy quốc gia (NEIPE).
Trong chương trình học nghề, học viên sẽ phải trải qua 8.000 giờ học tại nơi làm việc (tương đương 2.000 giờ/năm) và 576 giờ hướng dẫn liên quan (bao gồm lý thuyết và thực hành bổ sung).
Bên cạnh lý thuyết, học viên sẽ trực tiếp tham gia thực hiện các công việc thực tế tại doanh nghiệp, dưới sự giám sát của chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm
Ngoài chứng chỉ học nghề NEIPE, nhân viên kỹ thuật thang máy cũng có thể lựa chọn các chứng chỉ khác do Hiệp hội các nhà thầu thang máy quốc gia (NAEC) cung cấp như:
Các đối tượng tham gia Chương trình giáo dục công nghiệp thang máy quốc gia hoặc có Chứng nhận CET/CAT sẽ được cấp Giấy phép hành nghề thang máy.
Với các đối tượng khác muốn chuyển đổi sang lĩnh vực thang máy, người lao động cần phải chứng minh có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng liên quan, sau đó thực hiện hai bài thi Kỳ thi thợ máy thang máy tổng quát và Kỳ thi thợ máy thang máy chuyên ngành để được cấp Giấy phép hành nghề thang máy.
Để đảm bảo nhân viên kỹ thuật thang máy được đào tạo liên tục theo kịp sự phát triển của công nghệ, Giấy phép hành nghề thang máy cần phải gia hạn sau 2 năm.
Đứng trước những yêu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của nhân lực ngành thang máy, Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam) đã phối hợp với Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC) và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) tổ chức các Chương trình Đào tạo và cấp Chứng chỉ Kỹ thuật viên Thang máy.
Chứng chỉ đào tạo được cấp và quản lý bởi 03 bên VILEA, KLC và HHT
Song song, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng xây dựng Hệ thống Tra cứu Chứng chỉ Trực tuyến. Tất cả thông tin đào tạo của học viên sẽ được số hóa, tích hợp và lưu trữ trên Cổng Thông tin Hiệp hội. Thông qua việc tra cứu mã số chứng chỉ hoặc quét mã QR code học viên, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng hay người tiêu dùng trên toàn quốc và quốc tế có thể tra cứu và kiểm tra dữ liệu về quá trình đào tạo, trình độ năng lực của kỹ thuật viên.
Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Hệ thống tra cứu chứng chỉ đào tạo kỹ thuật viên cấp bởi VILEA
Đồng thời, để nâng cao quản lý pháp luật về nhân lực thang máy, Hiệp hội cũng đã đề xuất đưa nghề lắp đặt thang máy và bảo trì thang máy vào Danh mục ngành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề.
Trong tương lai, hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về kỹ thuật viên thang máy, giúp cho việc quản lý và kiểm soát chất lượng nhân lực trở nên hiệu quả hơn.
Việc quy định chứng chỉ kỹ năng nghề đối với nhân lực ngành thang máy không chỉ đơn thuần là một yêu cầu về trình độ, mà còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý và phát triển ngành.
Xét về góc độ quản lý, quy định về chứng chỉ kỹ năng nghề đối với nhân lực ngành thang máy giúp tạo ra cơ sở pháp lý để Nhà nước, xã hội phân định được nhân viên kỹ thuật chính danh với bộ phận lao động trôi nổi, thiếu kinh nghiệm.
Nội dung Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Thang máy của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy
Xét về các đối tượng liên quan trực tiếp, việc kỹ thuật viên thang máy được chuẩn hóa bằng đào tạo, được công nhận bằng chứng chỉ kỹ năng nghề mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các bên khác nhau, cụ thể:
Đối với người tiêu dùng:
– Tăng cường sự minh bạch: Chứng chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng xác minh năng lực của kỹ thuật viên, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn dịch vụ một cách thông minh hơn.
– Tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn: Việc sử dụng dịch vụ của kỹ thuật viên có chứng chỉ giúp giảm thiểu rủi ro hư hỏng thiết bị, kéo dài tuổi thọ của thang máy. Đồng thời, hạn chế tối đa các sự cố, tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Đối với doanh nghiệp:
– Tối ưu chi phí: Việc sử dụng nhân viên kỹ thuật thang máy có chứng chỉ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian đào tạo nhân viên, nâng cao hiệu suất làm việc.
– Nâng cao uy tín, cạnh tranh: Khách hàng sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp khi biết rằng đội ngũ kỹ thuật viên đều có chứng chỉ đào tạo bài bản.
– Giảm thiểu rủi ro: Kỹ thuật viên được chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp sẽ giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và uy tín của doanh nghiệp.
Học viên tự thực hành trên hệ thống máy móc, trang thiết bị
Đối với người lao động:
– Nâng cao vị thế, giá trị: Chứng chỉ kỹ năng nghề không chỉ khẳng định vị thế của người lao động trên thị trường mà còn giúp phát huy các quyền của một nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp: quyền tự chủ, quyền thăng tiến, quyền phát triển nghề nghiệp liên tục,…
– Thu nhập ổn định: Với kiến thức và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật viên có thể có được mức thu nhập cạnh tranh cùng chế độ phúc lợi hấp dẫn, tốt hơn so với hiện nay.
– Hội nhập quốc tế: Không chỉ giúp học viên trở nên khác biệt và nổi bật trong thị trường lao động trong nước, mà còn mở ra cơ hội gia nhập thị trường lao động thang máy quốc tế đầy tiềm năng.
Thông tin mới cập nhật