TCTM – Ngành thang máy Hàn Quốc được cho là đi trước Việt Nam “chỉ” 15 năm. Cùng tìm hiểu xem họ đã đi trước ta như thế nào.
Bán đảo Triều Tiên, gồm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) và Đại hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) nằm ở khu vực Đông Á, có biên giới với Trung Quốc, tổng diện tích 220,750km2 và tổng dân số năm 2022 khoảng 72 triệu người.
Trong lịch sử hiện đại, Bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 – 1945. Họ được Đồng minh và Liên Xô giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít và tuyên bố độc lập vào năm 1945. Chỉ tiếc, đất nước họ bị chia cắt từ đó và tồn tại như 02 quốc gia độc lập từ năm 1945 cho đến nay.
Một cuộc chiến liên Triều (Chiến tranh Triều Tiên) đau thương nổ ra sau đó (1950 – 1953) nhưng họ cũng nhanh chóng thoát khỏi chiến tranh từ năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến.
Hàn Quốc nằm ở phía nam, phân chia với Triều Tiên phía bắc tại vĩ tuyến 38.
Tuy là một bán đảo với ba mặt giáp biển nhưng Hàn Quốc là quốc gia có địa hình được bao bọc bởi 70% đồi núi, đây là một đất nước phát triển với dân số hiện tại khoảng 51 triệu người.
Điểm qua vài nét lịch sử, địa lý để chừng mực nào đó giải thích cho sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Thang máy được lắp đặt ở Bán đảo Triều Tiên từ triều đại Nhật Bản (1910 – 1945) tại một số công trình trọng điểm như Ngân hàng Triều Tiên (nay là Ngân hàng Hàn Quốc), Khách sạn Chosun, tòa nhà Toàn quyền Triều Tiên, Bệnh viện Severance hay cửa hàng bách hóa Hwansin. Tất cả chúng được lắp đặt theo hình thức giới thiệu công nghệ nước ngoài trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản, và hầu hết là thang máy Otis.
Sau giải phóng, một công ty thang máy trong nước được thành lập có tên Công nghiệp Thang máy Seoul (Seoul Elevator Industry) để tiếp quản, vận hành và sửa chữa các thang máy đã được lắp đặt. Phải đến sau những năm 1960, sản xuất thang máy mới thực sự hình thành khi một số công ty thang máy ra đời như Công ty Điện Seoul (Seoul Electric), Công ty Thang máy Tongyang (Tongyang Elevator), Tập đoàn Geumsung (Geumsung Corporation),… Và từ đây, ngành công nghiệp thang máy Hàn Quốc bắt đầu phát triển. Năm 1984, Công ty Thang máy Hyundai (Hyuindai Elevator) được thành lập và việc sản xuất và phát triển công nghệ thang máy tại Hàn Quốc trở nên tích cực hơn.
Sự pháp triển thần kỳ của ngành công nghiệp chế tạo Hàn Quốc có thể nói có được bởi họ đã tận dụng sự phát triển công nghệ tiên tiến trên thế giới, cùng nỗ lực nội địa hóa và chính sách sử dụng hàng sản xuất trong nước.
Có thể điểm qua các giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp thang máy Hàn Quốc dưới góc nhìn phát triển công nghệ như sau:
Giai đoạn 1 (1968-1975): Công nghệ cơ bản
Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thang máy Hàn Quốc đứng trước nhu cầu xây dựng nhà cao tầng trong nước đã bắt đầu nhập khẩu công nghệ thiết kế, chế tạo và lắp đặt thang máy từ nước ngoài.
Giai đoạn 2 (1976-1984): Điều khiển điện tử
Đây là thời kỳ thay đổi công nghệ cuối những năm 1970, khi nhu cầu về thang máy tốc độ cao tăng lên phục vụ cho các tòa nhà văn phòng xây dựng mới, các cửa hàng bách hóa và khách sạn tại Hàn Quốc và công nghệ thang máy tốc độ trung bình – cao được giới thiệu cùng việc sử dụng công nghệ điều khiển điện tử và phương pháp vận hành nhóm hiệu quả cao.
Giai đoạn 3 (1985-1989): Công nghệ microcom
Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm đảm bảo hiệu quả kinh tế trong khi vẫn duy trì hiệu suất và chất lượng do cuộc khủng hoảng dầu mỏ và sự phát triển của công nghệ ứng dụng vi xử lý tiếp tục cho đến những năm 80, đây là thời gian thúc đẩy sự độc lập về công nghệ và việc nội địa hóa thang máy dựa trên công nghệ trong nước đã được tích cực thực hiện.
Giai đoạn 4 (1990-1999): Công nghệ biến tần
Bằng sự phát triển của thiết bị bán dẫn công suất lớn và sự xuất hiện của kỹ thuật truy xuất thông tin LSI (Latent semantic indexing) tốc độ cực cao, giai đoạn này đã có sự chuyển đổi nhanh chóng sang phương pháp điều khiển bằng biến tần. Lý do cho sự phát triển này là nó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với khả năng tiết kiệm điện năng, dễ bảo trì và quản lý, rút ngắn thời gian lắp đặt.
Giai đoạn 5 (2000 ~ nay): Công nghệ Hàn Quốc
Ngày nay, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất và lắp đặt thang máy với công nghệ của riêng họ, công tác nghiên cứu và phát triển R&D (Research & Development) được chú trọng đầu tư và trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Họ đã tham gia vào thị trường thang máy toàn cầu với các tòa nhà chọc trời.
Trong những năm 1980, Hàn Quốc đạt được thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thang máy do sự phát triển của công nghệ. Nhưng đến những năm 1990, ngoài việc thúc đẩy phát triển ngành thang máy nhờ xây dựng các đô thị mới và tốc độ gia tăng các tòa nhà cao tầng thì Chính phủ Hàn Quốc còn tập trung phát triển các chính sách quản lý an toàn thang máy do các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực sản xuất, quản lý và vận hành thang máy nói chung.
Giai đoạn này, nhiều sự cố, tai nạn thang máy liên quan đến an toàn thang máy, các vấn đề về chất lượng và hiệu suất đã bị phơi bày, thúc đẩy việc luật hóa công tác quản lý. Cũng nhờ vậy, Hàn Quốc đã thiết lập được hệ thống quản lý chặt chẽ, khoa học và hiện đại như ngày nay.
Luật Sản xuất và Quản lý thang máy – Bộ luật đầu tiên về thang máy của Hàn Quốc được ban hành vào năm 1991 và có hiệu lực một năm sau đó. Bộ luật này liên tục được sửa đổi, thay đổi bộ chủ quản để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của họ.
Cùng điểm lại các cột mốc quan trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngành thang máy ở đất nước này:
Năm 1992, Luật Sản xuất và Quản lý thang máy chính thức có hiệu lực, ngành thang máy Hàn Quốc được quản lý bằng luật riêng.
Năm 1996, Hệ thống quản lý đặc biệt về thang máy và bảo hiểm tai nạn bắt buộc đối với công ty bảo trì được đưa vào áp dụng.
Năm 2009, “Luật Sản xuất và Quản lý thang máy” đổi thành “Luật Quản lý an toàn cơ sở thang máy” đồng thời bộ chủ quản chuyển từ Bộ Kinh tế trí thức sang Bộ Nội vụ và An ninh. Công tác quản lý an toàn bắt đầu được chú trọng.
Năm 2013, công tác quản lý an toàn được tăng cường đồng thời hàng loạt các chính sách mới đưa vào áp dụng: Hệ thống đăng ký kinh doanh có điều kiện đối với doanh nghiệp sản xuất – nhập khẩu thang máy; Mở rộng đối tượng có nghĩa vụ phải cung cấp phụ tùng phục vụ cho công tác bảo trì; Áp dụng hệ thống quản lý thông tin kỹ thuật viên thang máy.
Tháng 3 năm 2018, Luật về thang máy đã được sửa đổi hoàn toàn thành Luật Quản lý An toàn thang máy và Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc KoELSA (Korea Elevator Safety Agency) được thành lập bằng cách hợp nhất hai cơ quan thanh tra theo các quy định của Luật này. Đây có thể coi là bước ngoặt lớn trong quản lý an toàn thang máy – công việc mà các nhà quản lý an toàn thang máy Hàn Quốc nhận mình là số 1 thế giới.
Đến nay, Hàn Quốc có khoảng 30 triệu người sống trong các căn hộ chung cư, chiếm 60% dân số. Điều này khiến quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới về số lượng thang máy đang sử dụng (khoảng 800.000 đơn vị thang máy) và đứng thứ 8 thế giới về nhu cầu lắp đặt mới khoảng 50.000 đơn vị thang máy mỗi năm, tính đến cuối năm 2023.
Lời Ban Biên tập: Nội dung trong chuỗi bài viết “Nhìn ra thế giới” có tham khảo từ tài liệu đào tạo của Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc KLC (Korea Lift College) chuyển giao cho Hiệp hội Thang máy Việt Nam thuộc chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy chứng chỉ quốc tế.
Chi tiết về chương trình đào tạo đọc tại: Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật