Lời tòa soạn:

Chuyên gia thang máy Hoa Văn Ngũ  Nguyên cán bộ giảng dạy khoa Cơ khí, trường Đại học Xây dựng Hà Nội – Nguyên trưởng ban kỹ thuật thang máy, thang cuốn Việt Nam (TCVN/TC 178).

Ông là chủ biên cuốn sách “Thang máy và thang cuốn” do Nhà Xuất bản Khoa học & Kỹ thuật phát hành năm 2018.

Phóng viên: Thưa chuyên gia, lịch sử thang máy thế giới luôn gắn bó với các công trình xây dựng, chắc hẳn lịch sử thang máy Việt Nam cũng thế. Và để bắt đầu một câu chuyện lịch sử, ông có thể đưa bạn đọc quay lại những hồi ức ban đầu của mình về những chiếc thang máy đầu tiên được đem vào sử dụng tại Việt Nam?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Trước hết phải khẳng định cách đây hơn 100 năm, Việt Nam chúng ta đất rộng, người thưa, không có nhiều công trình cao tầng nên thang máy được coi là thiết bị xa xỉ, dành riêng cho người giàu có.

Có những thời điểm, tiêu chuẩn thiết kế các công trình xây dựng phải từ tầng 6 trở lên mới được bố trí thang máy, chủ yếu cho các công trình công cộng như bệnh viện, khách sạn. Còn các khu chung cư thời ấy như Kim Liên, Trung tự, Giảng Võ (Hà Nội), Quang Trung (Vinh),… chỉ 5 tầng và tất nhiên là chỉ có thang bộ.

Thuở ấy, Chính phủ Pháp đã xây dựng 3 dinh toàn quyền ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt. Chính quyền  Pháp coi Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương (1902-1945) nên Dinh toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội (nay là Phủ Chủ tịch) lớn nhất và cũng sang trọng nhất.

Lịch sử thang máy Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất cao, có nhiều ý kiến khác nhau, theo tôi, Dinh toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội chính là tòa nhà lắp đặt thang máy đầu tiên, đó là chiếc thang Otis sản xuất tại Pháp.

 

Việc quy hoạch được giao cho kiến trúc sư người Pháp gốc Nga là Vladimir Gontcharoff, ông này quyết định tổng diện tích của dinh là 12.000m2, cạnh Công viên Bách Thảo hiện nay. Kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu là người vẽ phối cảnh và thiết kế ban đầu, bản thiết kế hoàn thành vào năm 1899.

Tòa nhà chính cao 4 tầng gồm tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng gác. Tầng hầm có 11 phòng với các chức năng: Kho lương thực, thực phẩm, rượu; khu bếp, khu dành cho nhân viên phục vụ, trong đó có bàn giấy và phòng lưu trữ công văn.

Tòa nhà chính được khởi công từ năm 1901 và hoàn thành năm 1906. Kiến trúc sư Charles Lichtenfelder là người thiết kế chi tiết nội thất theo phong cách trang trí của dinh thự rất cầu kỳ và tỷ mỉ. Phòng khánh tiết được thiết kế theo phong cách Vua Louis XIV, đường kẻ chỉ hình hoa hồng, mũ cột hình tam giác theo kiểu corinthien (cô-ranh-tô, kiến trúc Hy Lạp).

Vậy chúng ta có thể lấy 1906 làm cột mốc cho lịch sử thang máy Việt Nam, tôi tin rằng nhiều người sẽ tán thành với nhận định đã được tìm hiểu, nghiên cứu khá công phu.

 

 

PVÔng có thể nói thêm chi tiết về chiếc thang máy đầu tiên này?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Khoảng 1996-1997, tôi và một chuyên gia thang máy Nhật Bản có vào tham quan, tìm hiểu về hệ thống thang tại đây. Khi đó Phủ Chủ tịch có ý định cải tạo, nâng cấp hệ thống thang máy.

Tôi còn nhớ, nơi đây có 1 thang chở người, 1 thang chở hàng (đồ ăn), loại thang cáp kéo, có người thường trực để đóng mở cửa thang. Có thể nói đây chính là chiếc thang đầu tiên của Đông Dương chứ không chỉ của Việt Nam.

PV: Theo các tài liệu ghi lại về thang máy gia đình thì dinh thự 99 cửa của gia tộc thương gia người Hoa, Hứa Bổn Hoa xây dựng vào năm 1929, (nay là trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, tọa lạc tại số 97A Phó Đức Chính, Quận 1, TP HCM) là nơi chiếc thang máy đầu tiên được lắp trong nhà dân tại Sài Gòn.

Chiếc thang máy cổ này có hệ thống truyền động được bố trí giữa hố thang tòa nhà, dẫn từ tầng một lên tầng bốn. Nền thang máy rộng khoảng 2m2, các nút bấm trong thang máy. Thùng thang làm bằng gỗ, chiếc thang có bề ngang chừng 2m và chiều sâu khoảng 1,2m, đủ để 5 người đứng. Tuy nhiên, thang máy này chỉ được dùng để phục vụ du khách tàn tật và vận chuyển đồ đạc, chủ yếu là tranh ảnh.

Gần 100 năm, nhiều lần hỏng hóc phải sửa chữa bảo trì, tuy nhiên, đến nay chiếc thang này vẫn còn hoạt động tốt. Đây được coi là chiếc thang máy gia đình đầu tiên của Việt Nam.

Theo chuyên gia, những thông tin trên có chính xác?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Tôi cũng chỉ biết qua thông tin trên báo mạng nên không biết được các thông số của thang máy lắp đặt ở đó. Nếu nói thang máy này là thang máy gia đình thì chưa được chuẩn xác, có thể nói đây là thang máy chở hàng do một thương gia (tư nhân) sở hữu thì có vẻ hợp lý hơn.

Thang máy được thiết kế theo kiểu một chiếc kiệu quan ngày xưa. Chất liệu được làm bằng gỗ xưa nên rất tốt, không bị mối mọt đục khoét.

PV: Điều gì đọng lại trong trí nhớ của chuyên gia về lịch sử phát triển thang máy giai đoạn sau giải phóng năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Để nói về lịch sử phát triển ngành thang máy trong giai đoạn sau năm 1975, trong trí nhớ của tôi, ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ, kinh tế Việt Nam thời ấy gặp rất nhiều khó khăn và ngành thang máy cũng không phải ngoại lệ.

Trong giai đoạn đầu, các thang máy được lắp đặt ở Việt Nam chủ yếu đi theo các công trình được các nước viện trợ tái thiết đất nước sau chiến tranh. Như Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, Bệnh viện Nhi Thụy Điển, Cung Thiếu nhi Hà Nội,….

Chúng ta còn nhớ vào tháng 5/1975, Tổng thống Gerald Rudolph Ford đã áp đặt cấm vận thương mại với Việt Nam và mãi đến ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton thực hiện một bước đi lịch sử là dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam.

Nhưng năm 1985, chiếc thang máy Nippon đầu tiên của Nhật Bản đã được lắp ở Việt Nam tại Khách sạn Cửu Long. Đến giờ, người ta vẫn chưa có lý giải chính xác vì sao Nippon lại làm được điều này.

 

 

Tiếp sau đó thang máy Nippon được lắp đặt tại các tỉnh thành khác như Vũng Tàu, Huế, Hà Nội, Nghệ An. 

Còn nói riêng về lịch sử phát triển thang máy tại Thủ đô, người ta sẽ nhắc đến Khách sạn Thắng Lợi 11 tầng do KTS người Cuba Nicolás Quintana chủ trì. Năm 1989, khách sạn đi theo trào lưu kiến trúc hữu cơ đã được lắp thang máy Nippon. Đây là tòa nhà cao tầng nhất Hà Nội lúc đấy và thang máy là một phần không thể không nhắc đến khi nói đến khách sạn hiện đại nhất Thủ đô thời bấy giờ.

Năm 1990, khách sạn Kim Liên 6 tầng ở Vinh, Nghệ An được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người am hiểu thang máy hẳn đều ngạc nhiên khi thấy ở đây có 2 thang máy, trong đó thang Nippon chỉ 5 tầng. Hóa ra đây là thang ban đầu được nhập về để lắp tại sân bay Gia Lâm nhưng do sau đó chúng ta xây dựng Sân bay Quốc tế Nội Bài nên được chuyển vào Vinh.

PV: Cảm ơn chuyên gia về những thông tin hết sức thú vị lần đầu được công bố. Vậy để nói đến thời kỳ thứ ba của lịch sử thang máy Việt Nam, sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, chuyên gia sẽ nhắc tới sự kiện nào đầu tiên?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam. Thang máy Otis thuộc tập đoàn United Technologies (Mỹ) chính là thương hiệu nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Năm 1995, không phải Hà Nội, TP HCM hay các thành phố lớn mà chính là Lạng Sơn. Với chiếc thang cuốn lắp tại khu chợ Lạng Sơn sầm uất, nơi đây đã là địa phương có công trình sử dụng thang máy và thang cuốn nhập ngoại đầu tiên từ sau thời kỳ cấm vận, mở đường cho quá trình phát triển khá nhanh của ngành này.

 

 

PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển thang máy của Việt Nam hiện nay?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ:

Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và thang máy giờ đây không còn là thiết bị xa xỉ, chỉ dành cho giới giàu có mà đã trở thành một phương tiện  giao thông đứng phổ biến tại các công trình công cộng, các tòa nhà cao tầng và cả nhà ở tư nhân,…

Trước đây nhà ở tư nhân chưa chú ý đến việc trang bị thang máy, một mặt do số tầng ít, mặt khác chi phí cho thang máy quá lớn so với tổng chi phí xây nhà. Nhưng giờ đây, nhờ vào thang máy sản xuất trong nước có giá thành hợp lý, mặt khác chất lượng sống của người dân được nâng cao,  vì vậy, thang máy gia đình đã ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Xu hướng các nhà ở tư nhân từ 3 tầng trở lên, trong thiết kế mới người ta đều dành chỗ để lắp thang máy. Nếu những nhà đã xây dựng trước đây chưa có thang máy thì nay có xu hướng muốn cải tạo để lắp thang máy.

Ngoài việc lắp thang mới, còn có mảng bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư, cải tạo, hiện đại hóa hoặc thay thang mới đối với những thang đang sử dụng nhiều năm cũng đáng được quan tâm.

PV: Ông có thể chia sẻ sâu hơn về vấn đề này?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Hiện nay, đã có hàng chục thương hiệu thang máy nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam như  Mitsubishi, Nippon, Hitachi  (Nhật), Kone (Phần Lan), Hyundai (Hàn Quốc), Schindler (Thụy Sĩ), ThyssenKrupp (Đức), Otis (Mỹ),…

Các hãng thang máy trên cạnh tranh nhau ở thị trường Việt Nam ở phân khúc nhà cao tầng. Các thang máy có tốc độ từ 1.5 m/s trở lên có tải trọng trung bình và lớn, vận hành nhóm. Ở phân khúc này thang máy sản xuất trong nước chưa thể vào được

Nhưng các loại thang có tốc độ từ 1.5 m/s trở xuống với tải trọng trung bình và bé, vận hành đơn hoặc vận hành nhóm dùng cho những tòa nhà thấp tầng và đặc biệt nhà ở tư nhân thì thang máy chế tạo trong nước đủ sức cạnh tranh với các hãng nước ngoài về mặt chất lượng, hình thức cũng như giá thành.

Khi kinh tế phát triển, nhiều gia đình đã lắp đặt thang máy và điều này mở ra một thị trường rộng lớn. Nhưng đây cũng chính là thời điểm các “ông lớn” thang máy Việt Nam phải ngồi lại với nhau, nếu muốn phát triển bài bản, chuyên nghiệp.

Nói cách khác, cơ hội phát triển ngành thang máy đang được rộng mở. Việc chúng ta có Hiệp hội Thang máy thành lập chính là xuất phát từ nhu cầu thực tế, điều này tôi đã có nhắc tới trong một bài tham luận tại hội thảo năm 1996. Cái chính là chính các công ty, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này phải thống nhất cao, cùng nhìn về một hướng.

PV: Đây chính là những vấn đề mà ông đang trăn trở?

Chuyên gia Hoa Văn Ngũ: Đúng vậy. Tôi muốn nói rõ hơn về thực trạng của ngành chế tạo thang máy ở Việt Nam, đa số mới chế tạo phần cơ khí là chính: cụm cabin, cụm đối trọng, cánh cửa tầng và bo cửa, dầm đỡ máy dẫn động, các loại bản mã. Còn các bộ phận khác đều nhập ngoại.

Tôi nghe nói có một số rất ít công ty có kinh nghiệm và năng lực, họ có thể chế tạo các bộ phận cơ khí khác nữa: cụm cửa cabin và cơ cấu đóng mở cửa (phần cơ khí), bộ đầu cửa tầng, ngưỡng cửa, puli đổi hướng cáp, bộ hãm an toàn, ngàm trượt,…

Những bộ phận còn lại cũng phải nhập ngoại: máy dẫn động (bộ tời kéo), bộ khống chế vượt tốc, ray dẫn hướng, cáp tải, các loại nút ấn và các loại phụ kiện khác. Những công ty này cũng đã chế tạo được một số thang máy đạt tốc độ đến 1,5 m/s. Riêng tủ điện, hiện nay có một số ít công ty đã tự thiết kế và lắp ráp tủ theo thiết kế của riêng mình với linh kiện nhập ngoại.

 

Nói tóm lại, sản xuất thang máy hiện nay ở Việt Nam chỉ mới sản xuất các loại thang máy có tốc độ, tải trọng trung bình và nhỏ, hoạt động sản xuất còn manh mún. Hiệp hội Thang máy Việt Nam phải tập hợp được ý chí, nguyện vọng của các hội viên mới có điều kiện phát triển ngành này, nếu mạnh ai nấy chạy thì chính chúng ta sẽ vấp phải chân nhau và tạo điều kiện cho các hãng thang máy nước ngoài có cơ hội.

Để ngành thang máy Việt Nam phát triển, các nhà hoạt động kinh doanh thang máy phải cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo kỹ thuật, giá cả hợp lý; định hướng trong thời gian tới công tác chăm sóc khách hàng, dịch vụ kỹ thuật nên phát triển như thế nào… Và chỉ khi đó, tiếng nói của Hiệp hội Thang máy mới có trọng lượng với các cơ quan quản lý nhà nước.

Xin cảm ơn chuyên gia về buổi trò chuyện đầy thú vị!

 

 

TÁC GIẢ: AN THANH

THIẾT KẾ: TRỊNH GIANG