TCTM – Mới đây, Tạp chí Thang máy nhận được thông tin về một vụ xung đột lợi ích giữa khách hàng và doanh nghiệp cung ứng thang máy. Sự việc thậm chí đã được đẩy lên cao trào đến mức doanh nghiệp buộc khóa mật khẩu thang máy còn người sử dụng phải đặt hàng thay thế tủ điều khiển. Chúng ta sẽ thấy gì từ sự việc này?
Bà Mai Thị Hạnh, trú tại căn hộ BH06 – 27 Vinhome Imperia Hải Phòng, phản ánh tới Tạp chí Thang máy những bức xúc từ khi ký hợp đồng mua thang máy vào đầu năm ngoái cho tới nay.
Do có nhu cầu lắp đặt thang máy, bà Hạnh được người quen giới thiệu ông Đào Văn Duy đại diện Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam tại Hải Phòng. Ông Duy xưng danh là Phó giám đốc Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam, có địa chỉ trụ sở tại phố Cù Chính Lan, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sau khi được giới thiệu các mẫu thang, bà Hạnh quyết định mua 1 thang máy nhãn hiệu “HITEXCO – công nghệ châu Âu” 450 kg, 5 điểm dừng với giá 385 triệu đồng. Hai bên đã ký Hợp đồng kinh tế số: 02.2021/HĐKT-HVE ngày 03/02/2021, thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày kể từ ngày ký. Ngay khi ký Hợp đồng, khách hàng đã thanh toán số tiền đợt 1 là 115 triệu đồng.
Hợp đồng kinh tế có dấu nhưng không có giáp lai, ghi rõ thời hạn cuối cùng thực hiện là sau 90 ngày kể từ ngày 3/2/2021
Tuy nhiên, sau 90 ngày bên bán đã không lắp thang máy cho bên mua theo thỏa thuận. Bà Hạnh đã nhiều lần gọi điện, làm việc trực tiếp yêu cầu ông Duy thực hiện hợp đồng nhưng ông Duy nêu nhiều lý do khác nhau để xin gia hạn hoàn thành hợp đồng vào ngày 31/11/2021 (bao gồm cả thời gian lắp đặt và kiểm định). Nhưng đến thời điểm nói trên, thang máy vẫn không được lắp đặt.
Khách hàng bức xúc và phải sau nhiều lần thúc giục, tới tháng 1/2022, ông Duy mới thực hiện lắp đặt thang máy. Đến ngày 19/8/2022 mới thực hiện việc kiểm định lần đầu. Khi kiểm định xong, bà Hạnh yêu cầu ông Duy đến giải quyết Hợp đồng và các cam kết đã ký với nhau nhưng không liên lạc được.
Tháng 9/2022, ông Hiệp, giới thiệu là nhân viên Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam đến làm việc và yêu cầu bà Hạnh thanh toán số tiền còn lại. Bà Hạnh đã thanh toán thêm số tiền 100 triệu đồng. Số tiền còn lại, bà Hạnh yêu cầu có ông Duy đến giải quyết thì mới thanh toán nốt.
Theo bà Hạnh, trong khi vụ việc chưa được giải quyết triệt để thì Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam đã 2 lần ngắt điện thang máy vào tháng 10/2022 và tháng 11/2022, không báo trước. Hiện nay thang vẫn chưa hoạt động.
Bức xúc trước sự việc trên, bà Hạnh buộc phải gửi thông báo đến trụ sở Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam tại địa chỉ ở đường Cù Chính Lan, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội và nhờ người quen đến tận nơi tìm hiểu. Tuy nhiên, Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam đã không còn hoạt động ở địa chỉ trên.
Đăng ký thông tin của HITEXCO Việt Nam
Ngày 8/12, Tạp chí Thang máy đã trao đổi với đại diện Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam là ông Phạm Bá Dương. Tại buổi làm việc, ông Dương giới thiệu là Phó giám đốc Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam và là người đang trực tiếp giải quyết vụ việc trên.
Phòng máy của chiếc thang máy đang có tranh chấp hợp đồng mua bán
Theo ông Dương, vào thời điểm 2021, ông Duy là đại diện của công ty tại khu vực Hải Phòng, đã ký hợp đồng cung cấp thang máy, đã nhận số tiền 115 triệu đồng của khách hàng. Nhưng sau đó, ông Duy chỉ chuyển một phần số tiền đó về công ty. Do không đủ số tiền cần thanh toán đợt 1 nên doanh nghiệp này đã không tiến hành ngay việc sản xuất như dự kiến.
Sau khi ông Duy rời khỏi công ty, ông Dương là người trực tiếp giải quyết hợp đồng trên và mặc dù số tiền tạm ứng của khách hàng bị thất thoát, công ty vẫn cố gắng ứng tiền để hoàn thành hợp đồng.
Thang máy đã được bàn giao cho gia đình bà Hạnh vào ngày 28/7/2022 và được kiểm định ngày 19/8/2022. Sau khi lắp đặt và bàn giao, ông Dương đại diện bên bán đề nghị bên mua thanh toán nốt số tiền còn lại là 170 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Hạnh đã từ chối và yêu cầu bên bán gọi ông Duy đến giải quyết.
Theo ông Dương, công ty ông đã đưa ra giải pháp miễn 3 năm phí bảo trì và tặng bộ khóa vân tay gọi tầng cho bà Hạnh để đền bù cho thời gian trễ hợp đồng nhưng bà Hạnh không đồng ý. Bên bán đã nhiều lần đề nghị đàm phán nhưng bà Hạnh không hợp tác, không nghe điện thoại, không đồng ý làm việc với ông Dương…
Ông Dương chia sẻ, do không được thanh toán, bên công ty buộc phải cài đặt phần mềm hẹn giờ khóa thang và đã tiến hành hai lần. Mục tiêu của việc làm bất đắc dĩ này được giải thích là buộc bên mua thanh toán nốt số tiền còn lại.
Sau khi tìm hiểu sự việc, Tạp chí Thang máy nhận thấy có nhiều điểm bất thường trong giao dịch thương mại nói trên.
Thứ nhất, tất cả các dấu được đóng trong các văn bản giao dịch đều từ 1 con dấu duy nhất “Văn phòng đại diện tại Hải Phòng – Công ty Thang máy HITEXCO Việt Nam”. Trong khi pháp nhân giao dịch chính thức trong hợp đồng kinh tế là Công ty Thang máy HITEXCO Việt Nam chứ không phải là văn phòng đại diện.
Thứ hai, ông Dương, Phó Giám đốc Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam khẳng định rằng ông Đào Văn Duy không phải là người của công ty, không ký kết bất kỳ hợp đồng lao động nào với doanh nghiệp. Chức danh Phó Giám đốc trên con dấu mà ông Duy đóng vào hợp đồng cũng được đại diện HITEXCO khẳng định là không biết lấy ở đâu ra?! Doanh nghiệp này cũng không có bất kỳ ủy quyền nào cho ông Đào Văn Duy. Nhưng không hiểu tại sao HITEXCO lại cho phép ông Đào Văn Duy đại diện cho doanh nghiệp để ký kết hợp đồng, thu tiền của khách hàng và việc này doanh nghiệp không thể không biết?
Trong khi đó, Theo Điều 137, 138 Bộ Luật Dân sự 2015, có hai hình thức là: đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền, mới được ký kết hợp đồng trong doanh nghiệp.
Chuyên gia pháp lý cho rằng với những điểm bất thường như vậy, bản hợp đồng kinh tế được lập không đúng với các quy định pháp luật.
Khách hàng Mai Thị Hạnh cũng cho biết thêm, ông Đào Văn Duy còn viết một bản cam kết (có đóng dấu văn phòng đại diện Hitexco tại Hải Phòng), trong đó ghi rõ nếu chậm tiến độ bàn giao sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường cứ quá 1 ngày là 10 triệu đồng (!?)
Bản cam kết giữa “Phó Giám đốc Đào Văn Duy” với khách hàng
Điều đáng tiếc là, trong khi hai bên rất căng thẳng vì bên thì chưa nhận được nốt tiền, bên kia bị khóa thang không sử dụng được, bà Hạnh đã liên lạc với một công ty thang máy khác để đặt mua một tủ điều khiển mới, thay thế tủ điều khiển của thang máy do HITEXCO cung cấp.
Từ những vấn đề phức tạp nảy sinh trong một giao dịch mua bán thang máy nói trên cho thấy những lỗ hổng trong quản trị doanh nghiệp của Công ty TNHH thang máy HITEXCO Việt Nam. Ngay cả việc sử dụng con dấu, lập hợp đồng kinh tế, phân biệt các pháp nhân trong hợp đồng cũng không đúng theo các quy định của pháp luật, làm phát sinh các vấn đề phức tạp trong việc thực hiện hợp đồng.
Việc này dù vô tình hay cố ý thì doanh nghiệp là phía chịu thiệt hại đầu tiên, đó là chưa kể có thể dính dáng tới các vấn đề pháp lý phức tạp kéo dài.
Về phía khách hàng, trước khi ký kết các bản hợp đồng mua sản phẩm có yếu tố đặc thù phức tạp như thang máy, nên tìm hiểu kỹ về đơn vị cung cấp sản phẩm. Lựa chọn được một doanh nghiệp có uy tín, năng lực hiện trường tốt thì quá trình thực thi từ ký kết hợp đồng đến cam kết tiến độ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng sẽ được đảm bảo.
Bên cạnh đó, khi khách hàng có hiểu biết rõ hơn về các nguyên tắc pháp lý trong các giao dịch thương mại sẽ tránh được các rủi ro, phiền phức có thể phát sinh khi đặt bút ký vào các bản hợp đồng.
Độc giả của Tạp chí Thang máy có thể tham khảo thêm những bài viết như “Mật khẩu thang máy: Đừng biến khách hàng thành con tin!”, “Hiểu đúng về bộ chứng từ nhập khẩu”, “Hợp đồng mua bán thang máy – Những rủi ro pháp lý”,… cùng nhiều bài viết khác có liên quan để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Đường dây nóng Tạp chí Thang máy: 0989761499 hoặc email: contact@tapchithangmay.vn./.
Lê Ngọc
Thông tin mới cập nhật