Tiếp nối câu chuyện dấu ấn của những thương hiệu thang máy ngoại tại các công trình cao ốc Việt Nam thuở xưa, ít ai ngờ rằng những năm 1960 của thế kỷ XX, một ông chủ hãng đóng tàu có tên là Phạm Vinh đã nghĩ đến việc chế tạo chiếc thang máy “Made in Vietnam”.

Phóng viên: Thưa ông, chúng ta đã nhắc đến khá nhiều về sự xuất hiện của các thương hiệu thang máy ngoại vào thị trường Việt Nam từ những năm chống Pháp, chống Mỹ, liệu chúng ta đã từng có thương hiệu thang máy Việt vào thuở ấy hay chưa?

Ông Trần Thọ Huy: Chúng ta đều biết, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý hàng hải quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua và là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia. Vì vậy, từ ngày xưa tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn, khi người Pháp sang đô hộ Việt Nam đã đem theo khá nhiều tàu thuyền, sau thời gian sử dụng thì phải lên đốc sửa chữa.

Trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, công kỹ nghệ của Sài Gòn cũng phát triển, một ông chủ hãng sửa chữa (sau này là đóng tàu) có tên là Phạm Vinh đã quyết định sản xuất thang máy.

Theo tôi, vị này muốn sản xuất thang máy là bởi việc mua các dòng thang nhập khẩu rất tốn kém chi phí và thời gian nhập mất hằng năm trời trong khi nhu cầu kinh doanh khách sạn, cao ốc lúc này đang rất thịnh, rất gấp rút để phục vụ lưu trú cho quân đội Mỹ.

Phóng viên: Ông Phạm Vinh là một người thợ đóng tàu, sửa tàu và có lẽ để “lấn” sang sản xuất thang máy thì hẳn vị này cũng phải cần phải hợp tác với ai đó có kiến thức chuyên sâu về thang máy?

Ông Trần Thọ Huy: Tôi được biết, ban đầu việc lắp đặt các thang máy tại Sài Gòn hoàn toàn do công nhân từ Pháp sang, thậm chí công tác bảo trì sửa chữa sau khi lắp đặt cũng là họ. Có thể nói, thuở ấy, số người Việt có kiến thức chuyên sâu, tay nghề cao về thang máy đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt trong số đó là bác Ba Trọ.

Tay nghề của bác Ba Trọ là điều khỏi bàn, “hàng hiếm” của ngành thang máy. Thậm chí sau 1975, bác Ba Trọ vẫn tiếp tục làm bảo trì kỹ thuật thang máy cho khách sạn Caravelle (thuộc Saigontourist) dù quá tuổi hưu cho đến khi mất sức lao động, ông mới về nghỉ.

Với tay nghề tài hoa, ông chủ Phạm Vinh đã quyết định hợp tác, làm việc với bác Ba Trọ để bắt tay vào việc sản xuất thang máy “Made in Vietnam” đầu tiên.

Phóng viên: Khi có trong tay “của hiếm” mang tên Ba Trọ thì hãng đóng tàu Phạm Vinh quyết tâm “lấn sân” sang lĩnh vực thang máy, thưa ông?

Ông Trần Thọ Huy: Đúng vậy. Phạm Vinh – Ba Trọ chính là người đặt nền móng cho sự phát triển nghề thang máy Việt Nam. Ban đầu ông Phạm Vinh đề nghị bác Ba Trọ mô tả, thậm chí mang về từng mẫu linh kiện của thang máy như chốt cửa (doorlock), tiếp điểm cửa, các rơ le, bộ chống vượt tốc, mạch lựa chọn,… và bản vẽ điện để làm mẫu, nghiên cứu để sản xuất phụ tùng thang máy giống nguyên bản.

Riêng bánh vít (bằng đồng thau) được ông Phạm Vinh nhập từ nước ngoài về để gia công còn trục vít (bằng sắt) thì được gia công ngay tại xưởng đóng tàu. Tôi còn nhớ, vỏ hộp số được đúc bằng gang.

Phóng viên: Với máy móc thiết bị sẵn có tại xưởng, dường như ông Phạm Vinh đã nội địa hóa hầu hết thiết bị, phụ tùng chiếc thang máy?

Ông Trần Thọ Huy: Sẵn cơ ngơi cơ khí là xưởng đóng tàu, hãng đóng tàu Phạm Vinh đã chế tạo gần như tất cả thiết bị thang máy loại cửa mở bằng tay như thang máy của Pháp thời đấy, trừ các bộ phận như ray, cáp kéo và phôi bánh vít. Các thiết bị doorlock, tiếp điểm cửa, cả bộ selector (bộ chọn tầng) đều được các thợ đóng tàu Phạm Vinh chế tạo dưới sự chỉ đạo của bác Ba Trọ, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.

Họ gần như “bắt chước” được tủ điện của hãng thang máy Edoux-Samain điều khiển bởi các rơ le và contactor (công tắc tơ – khởi động từ). Tất nhiên, phải nhìn nhận một khách quan, thiết bị hồi đó không quá tinh vi, chế tạo không cần nhiều khuôn mẫu, chất lượng có thể kém (do lõi từ, má tiếp điểm…) nhưng sử dụng được.

Và theo tôi, thang máy hiệu FAVI (tên thang máy do Phạm Vinh đặt thời ấy) là thang máy do Việt Nam chế tạo đầu tiên với tỷ lệ nội địa hóa rất cao trong thời điểm 1968-1975.

Câu chuyện cách đây 60 năm của chiếc thang máy FAVI và trình độ tay nghề tuyệt vời của bác Ba Trọ cũng như những người công nhân cơ khí tài hoa có lẽ chính là sự khởi đầu của ngành sản xuất thang máy Việt. Tuy nhiên, sau khi doanh nhân này ra nước ngoài sinh sống, ngành thang máy trong nước hoàn toàn bế tắc cho đến những năm 1990.

Phóng viên: Thưa ông Trần Thọ Huy, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam (TNE), được biết TNE của ông được thành lập từ 1994. Ông có thể chia sẻ bối cảnh thành lập Công ty của mình cũng như bối cảnh toàn ngành thời ấy?

Ông Trần Thọ Huy:

Sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận Việt Nam, các công ty thang máy nước ngoài mới dần chính thức thâm nhập thị trường nước ta. Ban đầu họ đến TP HCM, sau đó là Hà Nội. Và để nói về thị phần thì Big4 về ngành thang máy Việt Nam gồm Otis, Schindler, ThyssenKrupp, Kone. Điểm chung là họ có mặt ở thị trường Việt Nam khá sớm và chất lượng sản phẩm đều được người tiêu dùng chấp nhận.

Còn về phía doanh nghiệp thang máy tư nhân trong nước, thời đấy, số công ty thành lập sau cấm vận chưa nhiều, có Công ty Meco (1992), Công ty Tự động (TDE 2009), Công ty Thiên Nam – TNE (1994); Thái Bình – Pacific (PIC 1995), Công ty SGE – Sau này liên doanh với Schindler, Công ty Á Châu – Asia)…

Giai đoạn đầu, hầu hết các công ty thang máy đều chỉ đóng vai trò là nhà phân phối cho các dòng thang máy nước ngoài và cung cấp thêm dịch vụ sửa chữa, bảo trì thang máy. Hoạt động của công ty lệ thuộc gần như hoàn toàn vào đơn vị cung ứng.

Cũng chính giai đoạn này đã giúp Thiên Nam cũng như nhiều doanh nghiệp khác thấu hiểu thị trường, học hỏi công nghệ nước ngoài và đặt tiền đề cho chiến lược tự sản xuất. Sau đó, mỗi công ty đều đi theo một hướng riêng (như sử dụng tủ điện, mạch điều khiển tự sản xuất, PLC, máy kéo một số hãng như Elemen, Alberto, Montanari, …)

Phóng viên: Điều gì đã khiến các công ty thang máy vốn phân phối cho các hãng nước ngoài lại quyết định “dấn thân” vào con đường sản xuất thang máy “Made in Vietnam”, thưa ông?

Ông Trần Thọ Huy: Trong thời gian này, phần lớn các thang máy sử dụng được sửa chữa, cải tạo lại từ thang máy cũ vì phụ tùng rất khan hiếm. Tỷ suất sinh lời của ngành sản xuất thang máy rất thấp, chỉ khoảng 10%.

Các hãng thang máy lớn trên thế giới như Otis, Schindler, KONE, Thyssenkrupp, Mitsubishi… lên chiến lược bán thang máy với giá vừa phải nhưng phải phụ thuộc vào phụ tùng, trang thiết bị và dịch vụ bảo hành của họ, góp tới 50% lợi nhuận trong mô hình kinh doanh này.

Vận may đến với ngành sản xuất thang máy Việt Nam vào những năm 2000, khi thị trường xây dựng Trung Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ, nhu cầu quá cao khiến mô hình độc quyền phụ tùng thang máy được thiết lập trước đó bị đe dọa.

Bước đầu Trung Quốc sản xuất vận tư/thiết bị thô sơ như: Ray, đầu cửa, cabin, dây điện, dây dọc giếng thang,… để thay thế các thiết bị vốn trước kia chi được sản xuất tại châu Âu, Mỹ. Sau đó, gần như toàn bộ các bộ phận của thang máy đều được thiết kế và sản xuất tại Trung Quốc như: Tủ điện điều khiển, máy kéo, thiết bị vật tư điện,…

Chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt phụ tùng cho thang máy với chất lượng được kiểm chứng sau một thời gian dài làm gia công. Thế độc quyền phụ tùng của các ông lớn chính thức bị phá vỡ.

Nhận thấy được thời cơ, nhiều doanh nghiệp đã "dấn thân" sang con đường sản xuất thang máy "Made in Vietnam"

Đây cũng có thể coi là vận may của thang máy nội, nhờ Trung Quốc phát triển công nghiệp phụ trợ ngành thang máy, các công ty thang máy Việt Nam (và một số nước khác) mua được gần như tất cả các phụ tùng để lắp đặt thành thang máy nguyên chiếc.

Nhận ra cơ hội của mình, khi thị trường phụ tùng không bị thao túng, giá thang máy, phụ tùng, chi phí bảo trì sẽ rẻ hơn và cả một thị trường cấp thấp rộng lớn đang chờ đón, Thiên Nam và nhiều doanh nghiệp đã quyết tân “dấn thân” sang con đường xây dựng ngành sản xuất thang máy Việt.

Phóng viên: Nếu tính từ thời ông Phạm Vinh thì ngành sản xuất thang máy Việt đã kéo dài khoảng 60 năm, song nếu tính từ thời điểm sau thời kỳ đổi mới, xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thang máy tư nhân thì mới chỉ vỏn vẹn gần 30 năm.

Theo ông, cái khó của ngành thang máy Việt Nam hiện nay là gì?

Ông Trần Thọ Huy:

Ban đầu, thang máy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Muốn thành lập một doanh nghiệp thang máy thì Thiên Nam cũng như nhiều doanh nghiệp khác phải vượt qua thủ tục đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, cần thêm Giấy phép chấp thuận của Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động căn cứ vào hồ sơ năng lực của Công ty. Các công ty thang máy thời ấy đều phải có xưởng sản xuất.

Trong những năm gần đây, chính sách kinh doanh tự do hơn, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cắt giảm, trong đó có ngành thang máy. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại cũng tăng lên. Mặc dù tăng về số lượng nhưng chất lượng dường như lại đi ngược lại.

Nhờ chính sách thông thoáng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thang máy cũng tăng lên nhanh chóng

Trong khi số lượng thương hiệu nước ngoài chỉ có khoảng một vài chục công ty, thì trong nước có hơn 500 công ty hoạt động trong ngành thang máy. Rất nhiều công ty chỉ có vài ba nhân sự, không hề có bất cứ đội ngũ kỹ sư để thiết kế hay sản xuất mà chủ yếu là thương mại, bán thang máy gắn mác ngoại nhưng thực tế chỉ lấy lại từ vài đơn vị gia công và lắp ráp theo yêu cầu.

Không chỉ riêng Thiên Nam, rất nhiều doanh nghiệp khác có chung niềm khao khát về một thương hiệu thang máy được tạo nên bởi bàn tay, khối óc của người Việt cũng gặp phải rất nhiều khó khăn từ những đơn vị trong nước cung cấp các sản phẩm không rõ nguồn gốc và xuất xứ hàng hoá.

Trên thị trường có không ít đơn vị kinh doanh thang máy với đủ nhãn hiệu và đa phần đều nhái mác ngoại, được giới thiệu là sản phẩm liên doanh hoặc nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Ý, Đức,… nhưng thực chất là sản xuất tại một nước thứ ba, trung chuyển vào các nước trên để hợp thức hóa chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, sau khi ký hợp đồng với một khách hàng thì các công ty này mới đặt hàng với cơ sở/công ty sản xuất thang máy trong nước.

Ngành thang máy Việt đang thiếu đi sự minh bạch trong môi trường kinh doanh bởi một bộ phận công ty như trên. Những hành động gây “lũng loạn” thị trường thang máy cũng khiến cho thang máy Việt trở thành hình ảnh kém chất lượng trong lòng người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm sao để mọi người tin tưởng sản phẩm của một doanh nghiệp thuần Việt, do đội ngũ kỹ sư người Việt tự thiết kế, chế tạo, sản xuất thì ngành thang máy Việt mới có thể phát triển bền vững!

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

Tác giả: An Thanh

Thiết kế: Trịnh Giang