TCTM – Một loạt những thiên tai thảm họa diễn ra trong những ngày đầu năm mới tại đất nước mặt trời mọc, thế nhưng những dòng bình luận được bắt gặp nhiều nhất lại là niềm tin rằng nước Nhật rất kiên cường, chắc chắn họ sẽ sớm vượt qua những khó khăn này. Điều này gợi lên sự tò mò lớn rằng người Nhật đã làm gì khi gặp khó khăn?
Cùng nhìn lại sự kiện lịch sử kinh hoàng nhất của Nhật Bản, tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử ném xuống đã san phẳng hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.
Thế nhưng, nhanh chóng vực lại sau thảm họa kinh hoàng này, chúng ta nhìn thấy sự quật cường và tốc độ tái tạo, vươn lên đáng ngưỡng mộ.
Hình ảnh “ngày ấy – bây giờ” tại thành phố Hiroshima cho thấy sự kiên cường sau nghịch cảnh của đất nước Nhật Bản
Khi tai nạn máy bay xảy ra tại sân bay Haneda (Tokyo) ngày 2/1/2024 vừa qua, các chuyên gia cho rằng việc toàn bộ 379 người trên máy bay JAL516 của hãng Japan Airlines đã được sơ tán an toàn khi xảy ra vụ va chạm được xem là kỳ tích.
Nhưng phép màu không tự nhiên xuất hiện.
Câu chuyện bắt đầu từ thảm kịch xảy ra năm 1985 với chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Japan Airlines (JAL) gặp nạn khiến 520 người thiệt mạng, chỉ 4 người sống sót. Nguyên nhân của tai nạn được xác định là do lỗi kỹ thuật của kỹ thuật viên hãng Boeing khi thực hiện sửa chữa không chính xác tại sự cố nứt vách ngăn áp suất năm 1978.
Các kỹ sư tính toán rằng vách ngăn có thể gặp sự cố sau 10.000 chuyến bay, và máy bay gặp nạn khi thực hiện chuyến bay thứ 12.219, khi vách ngăn áp suất bị vỡ khiến luồng khí từ cabin hành khách được điều áp tràn vào phần đuôi không điều áp, gây ra áp lực lớn khiến đuôi máy bay gãy rời kèm theo nhiều hệ thống điện tử hàng không quan trọng.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng nếu có thể tiếp cận hiện trường và ứng cứu sớm hơn, số người sống sót có thể cao hơn.
Khoảng 25 phút sau khi JAL gặp nạn, một vận tải cơ C-130 của Mỹ bay ngang qua, ghi lại tọa độ hiện trường và gửi chúng cho chính quyền Nhật Bản. Ngay trong đêm, một trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được triển khai để xác định vị trí máy bay rơi, song phi công báo cáo không có dấu hiệu sự sống. Do đó, các nạn nhân sống sót đã phải chờ đợi 16 tiếng đồng hồ mới được đội cứu hộ tiếp cận.
Chính từ bài học này, hãng hàng không Japan Airlines đã coi đây là một “bài học được viết bằng máu” mà tất cả nhân viên không được phép quên.
Hằng năm, hãng tổ chức các lớp tập huấn về quy trình ứng phó khẩn cấp cho nhân viên, hướng dẫn họ cách xử lý và sơ tán hành khách khi máy bay gặp nạn hay những tình huống như họ cần làm gì khi không thể liên lạc được với buồng lái.
Sự bình tĩnh, chuyên nghiệp của các tiếp viên Japan Airlines được coi là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên phép màu trong vụ máy bay Airbus A350 của hãng va chạm với phi cơ Cảnh sát biển trên đường băng sân bay Haneda ngày 2/1/2024 vừa qua.
Trong 18 phút kể từ khi va chạm, 9 tiếp viên trên máy bay đã điều phối quá trình sơ tán một cách thuận lợi, giúp toàn bộ 367 hành khách thoát ra ngoài an toàn. Cơ trưởng là người cuối cùng rời máy bay, sau khi 11 thành viên khác trong phi hành đoàn sơ tán.
Còn đối với hãng Boeing, vụ tai nạn của chuyến bay JAL123, hãng cũng đã thiết lập quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật mới trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn kỹ thuật với các thiết bị máy bay của mình. Chính những thay đổi này đã giúp ngăn ngừa các thảm kịch hàng không tương tự.
Để tạo ra những phép màu, hay chính xác hơn là để tốt hơn mỗi ngày, ngăn ngừa những điều tồi tệ tái diễn và gia tăng khả năng thích nghi với ngoại cảnh, những phẩm chất đã được bồi đắp, để nước Nhật trở nên kiên cường hơn. Đó là những phẩm chất gì?
1. Chấp nhận trách nhiệm
Không bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai về sự thất bại của mình, bạn sẽ học hỏi và tìm ra những bài học cho chính mình từ những sai lầm đó. Thất bại là động lực để chúng ta sửa chữa sai lầm, vì vậy, đừng vòng vo đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện, những lí do khách quan khác.
Thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm, tiếp tục công việc và sửa chữa lỗi lầm của mình, chấp nhận trách nhiệm thuộc về mình mới là cách để chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
2. Hãy thấy những điều tốt đẹp đằng sau thất bại
Thất bại sẽ cho bạn nhiều bài học hơn sự thành công, đó là những bài học quý giá, những kinh nghiệm thực tế, những chỉ dẫn giúp bạn đi đúng hướng hơn… Hay bạn có thể tìm thấy những đồng nghiệp tốt, những người bạn đồng hành tử tế. Thái độ tích cực, luôn tiến về phía trước này sẽ khiến bạn nhanh chóng phục hồi sau thất bại.
3. Tập trung vào các giải pháp
Người ta vẫn nói: “Thất bại là mẹ của thành công”, nếu bạn thất bại ở đâu bạn hãy tìm cách đứng lên từ chính điểm đó. Bạn đang tiến hành một dự án và những thứ không như kết quả mà bạn mong đợi. Hãy bắt tay vào việc thay đổi, sửa chữa những sai lầm và đề ra những giải pháp để đem lại kết quả khả quan. Thông qua suy nghĩ thực tế và óc sáng tạo, bạn nên chứng minh cho mọi người thấy khả năng và câu trả lời cho vấn đề khó khăn của mình.
4. Hãy hỏi những câu hỏi đúng đắn
Trong khi tập trung vào các giải pháp, bạn cần hỏi ý kiến, xin lời khuyên từ sếp và các đồng nghiệp thân cận để giúp bạn nhận ra mình đã phạm sai lầm ở đâu và nên làm gì để tránh lặp lại những sai lầm tương tự.
Hãy hỏi những câu như “Điều gì đã làm chúng tôi làm sai?”, “Điều gì sẽ chúng tôi làm tốt hơn?”, “Liệu sự thay đổi này có khả quan?”, “Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện doanh số bán hàng?”,…
Các câu hỏi đúng đắn, đúng trọng tâm sẽ luôn luôn dẫn đến những cách thức tốt hơn hoàn thành công việc và dẫn bạn đến kết quả mà bạn mong muốn. Bởi khi đó bạn sẽ có phương hướng cho công việc của mình.
5. Lắng nghe
Bạn biết đấy, khi thất bại, bạn sẽ nghe được hai luồng ý kiến và bạn cần phải lựa chọn cách lắng nghe một cách đúng đắn. Một chiều là những lời khuyên, kinh nghiệm, những lời động viên, chia sẻ; chiều kia là khinh thường, chê bai… Hãy coi những điều này là động lực, là sức mạnh để bạn đứng lên sau thất bại.
6. Thích nghi
Thích ứng là chìa khóa để sống còn. Khi bạn khó khăn, mọi thứ sẽ thay đổi: môi trường làm việc, thái độ của sếp, đồng nghiệp, những trở ngại về tài chính… Điều bạn cần làm là nhanh chóng thích nghi với thực tế. Khi bạn học cách thích nghi, bạn sẽ sớm tập trung vào những việc cần thiết để có được kết quả tốt hơn trong tương lai.
7. Biết khi nào cần dừng lại
Thất bại trong việc này không có nghĩa là bạn luôn gặp trắc trở trong công việc khác. Nếu bạn thấy không có khả năng và tinh thần để làm việc, đã đến lúc để thay đổi. Hãy bắt đầu bằng một dự án mới, một môi trường mới, một công việc mới hay ngành nghề mới. Biết đâu điều này lại là một yếu tố quan trọng giúp bạn phát triển và thành công.
8. Giữ lại giá trị của bản thân
Dù bạn có cảm thấy thế nào mỗi khi vấp ngã đi chăng nữa thì cũng đừng đánh mất giá trị của mình. Đừng thỏa hiệp các tiêu chuẩn của mình chỉ đơn giản là để làm hài lòng đám đông. Thay vào đó hãy tuân thủ các giá trị và nguyên tắc của bản thân bởi đây chính là một la bàn hướng dẫn giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Đọc thêm:
Hiên Huyền
Thông tin mới cập nhật
Lê Thị Dung
Bài viết rất hay. Mọi người nên đọc kỹ và suy nghĩ về cuộc sống, công việc. Xin cảm ơn tác giả và toàn thể cán bộ, nhân viên tạp chí thang máy!