TCTM – Thang máy là ngành mới nổi và đang trong quá trình phát triển nóng. Phần nào đó, chúng ta dường như đang tự phát, thiếu sự đoàn kết. Thay vì bị bẻ gãy từng chiếc, chúng ta phải tập hợp lại để có sức mạnh của “bó đũa”.
Đầu năm 2022, KONE tổ chức một sự kiện quan trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài nhân sự chủ chốt của tập đoàn đến từ Phần Lan này thì khách mời đặc biệt hạn chế, gồm Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, đối tác – khách hàng thân thiết đang trực tiếp phân phối hoặc sử dụng thang máy doanh nghiệp và tôi tham dự với vai trò Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA). Tôi khá bất ngờ vì cách đối xử của KONE với mình, với VNEA như thượng khách.
Có lẽ, thông qua việc gặp gỡ tại sự kiện, những vị lãnh đạo, quản lý của KONE rất mong muốn chia sẻ về những điều họ làm được và cả những thực tế tồn tại của doanh nghiệp, để từ đó mà VNEA mong muốn chuyển tải một thông điệp lớn hơn đến ngành thang máy, góp phần vào sự phát triển chung của thị trường thang máy Việt Nam.
Tôi đánh giá cao rằng KONE đã không giữ cho mình “những bí mật kinh doanh”, nếu để lộ ra có thể bị đối thủ khai thác, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của họ. KONE đã đặt sự tin tưởng của mình vào chúng tôi như thế.
Trong năm 2022, chúng tôi cũng đã có dịp đến thăm và làm việc tại các nhà máy lắp ráp, sản xuất thang máy lớn nhất Việt Nam. Cho dù, trước đó lãnh đạo các doanh nghiệp cũng còn e ngại vì nhiều lý do. Gặp họ, chúng tôi cảm nhận được tinh thần tự tôn của dân tộc đang cuộn chảy mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đều hiểu rằng muốn làm “một cái gì đó cho riêng mình” là vô cùng khó khăn và thương trường rất khắc nghiệt, nhưng họ vẫn chọn cho mình một lối đi riêng bởi “chẳng lẽ bàn tay và khối óc Việt không đủ khả năng?”, bởi “chẳng lẽ cái gì cũng phải nhập khẩu?”
Họ cũng “bật mí”, chia sẻ những nghiên cứu, sáng kiến, ý tưởng cải tiến có thể mang lại lợi ích cho sự phát triển của ngành thang máy. Những điều từ trước đến nay luôn được coi là bí mật, là mồ hôi, công sức thậm chí là máu nên không dễ gì chia sẻ được.
Điều này cho thấy những doanh nghiệp trong nước cũng đã sẵn sàng hợp tác, thống nhất, chia sẻ để cùng nhau lớn mạnh. Những cuộc chiến không cân sức với hàng nhập khẩu là “nỗi đau” với doanh nghiệp Việt. Những sản phẩm “Make in Vietnam” vươn ra thế giới là khát vọng của các doanh nghiệp thang máy Việt.
Chúng tôi cũng làm việc, tham quan nhà máy của các doanh nghiệp FDI, nơi có tiềm lực tài chính hùng mạnh, được đầu tư bài bản với sự hậu thuẫn của cả một hệ sinh thái mang tầm quốc gia. Chính họ cũng đang gặp khó khăn bởi hậu quả của đại dịch, thị trường đang đi xuống đúng lúc khởi nghiệp và nỗ lực duy trì đầu ra cho sản phẩm khi chưa có thị phần…
Họ cũng muốn được chia sẻ về thông tin của doanh nghiệp với doanh nghiệp, với khách hàng của mình một cách minh bạch. Và VNEA, Tạp chí Thang máy đã tạo ra sự tin tưởng để họ gửi gắm với những mong muốn như thế.
Qua rất nhiều cuộc tiếp xúc, tôi cảm nhận rằng, phải chăng doanh nghiệp đã giữ trong mình quá lâu những “bí mật” và không có ai để mở lòng về các góc khuất của nghề mà doanh nghiệp của họ chính là những “case study” – trường hợp điển hình.
Sự cạnh tranh khốc liệt trong “đại dương đỏ”, đặc biệt là cạnh tranh về giá đang bóp chết ngành thang máy, và điều này được lãnh đạo các doanh nghiệp nhận định hoàn toàn không có lợi cho chính khách hàng. Bên cạnh một số ít doanh nghiệp đã chọn cho mình được lối đi riêng về sản phẩm và dịch vụ, còn lại phần lớn các doanh nghiệp Việt đang tham gia vào một cuộc đua về giá, mà như giám đốc một doanh nghiệp ví von như đi xe máy tại thành phố vào giờ cao điểm, chỉ cần anh dừng lại là có hàng loạt phương tiện khác vượt qua. Theo lẽ thường, cạnh tranh là động lực phát triển của xã hội nhưng mặt trái của nó sẽ xảy ra khi doanh nghiệp quên đi đạo đức kinh doanh, quyền lợi của khách hàng. Khi đó, rất có thể họ sẽ giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thu lợi khách hàng dựa trên độc quyền về thiết bị, linh kiện thay thế định kỳ bù cho việc giảm giá cạnh tranh bán mới sản phẩm.
Hay việc đào tạo, huấn luyện nhân sự cũng có nhiều bất cập. Chưa ở khu vực ngành nghề nào mà nhân sự trong ngành lại thoải mái như ngành thang máy. Nhân sự có được đào tạo hay không? Có đủ năng lực để được phép “sờ” vào sản phẩm hay không? Có trời mới biết được!
Không ít trường hợp nhân sự từng bị kỷ luật ở doanh nghiệp này có thể dễ dàng tìm việc ở doanh nghiệp khác, thậm chí là doanh nghiệp đối thủ. Dĩ nhiên khi ra đi, họ mang theo một phần bí mật của doanh nghiệp. Đến nỗi, một giám đốc doanh nghiệp còn đùa rằng, khỏi mất công đào tạo mà tập trung vào săn đầu người trên thị trường.
Thực tế thì cũng còn có những doanh nghiệp còn chưa “mở lòng”. Sự thận trọng có lẽ là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh không minh bạch. Những ý tưởng chưa kịp triển khai đã có người khác làm. Hay một sản phẩm đang nghiên cứu chưa kịp ra mắt đã có hàng nhái trên thị trường.
Nhưng trong thế giới phẳng hiện nay, không còn cái gì là bí mật nữa, thế mạnh của từng doanh nghiệp có lẽ nằm ở con người, ở văn hóa của doanh nghiệp đó, những cái không thể bắt chước. Chiến lược phát triển, cải tiến sản phẩm… của doanh nghiệp sẽ vẫn bí mật nếu như nó nằm trong đầu lãnh đạo hay chia sẻ trong nhóm nhỏ. Nhưng để triển khai được chiến lược phải phổ biến tới toàn thể cán bộ nhân viên. Và việc “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” có lẽ là việc… bình thường.
Và vì thế, thay vì tìm cách o bế, giữ kín những bí mật thì lựa chọn chia sẻ thông tin để hợp tác sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho mỗi doanh nghiệp và cộng đồng.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp thang máy có lẽ cũng đã sẵn sàng với điều này. Sự có mặt, đóng góp ý kiến của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thang máy lớn tại Hội thảo “Định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” được VNEA tổ chức vào đầu tháng 12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh là một minh chứng.
Về phía mình, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa. Những hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ… từ các tổ chức, quốc gia có nền công nghiệp thang máy phát triển sẽ không ngừng được thúc đẩy. Bên cạnh đó, việc kết nối, đoàn kết các doanh nghiệp trong nước để tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước ban hành một định hướng chung, một chính sách chung vì sự phát triển của ngành thang máy sẽ phải ưu tiên hàng đầu.
Vẫn sẽ cần những chuyến bay xuyên thời gian. Sẽ là những lần ngủ khách sạn nhiều hơn ở nhà, sáng giao lưu ngoài Hà Nội, chiều hội thảo ở Sài Gòn, như những con thoi, kết nối những con người, những doanh nghiệp có cùng giá trị.
Hơn ai hết, chúng ta đừng khép mình cô đơn giữa dòng đời vốn rất náo nhiệt./.
Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA)
Thông tin mới cập nhật