TCTM – Đánh giá an toàn tại công trường là thành phần cơ bản trong hệ thống làm việc an toàn với thang máy/thang cuốn nhằm đảm bảo kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn lao động.
Đánh giá an toàn lao động ban đầu tại công trường phải được thực hiện tại địa điểm làm việc bởi người có đủ năng lực trước khi bắt đầu mọi công việc đối với thang máy/thang cuốn. Người này có thể là chuyên gia về an toàn lao động hoặc một kỹ sư/giám sát viên có đủ kinh nghiệm về an toàn lao động và sức khỏe tại các công trình thang máy và thang cuốn.
Để đảm bảo an toàn lao động tại công trường, cần đánh giá và ghi chép lại các yếu tố sau:
– Các phương tiện để ra vào nơi làm việc một cách an toàn. Ví dụ, lối vào/lối ra an toàn từ phòng máy và trục thang máy,…
– Các biện pháp cứu hộ và bố trí sơ tán trong trường hợp cháy, nổ, tai nạn hoặc các tình huống khẩn cấp khác,… xảy ra ở bất kỳ phần nào của tòa nhà trong quá trình làm việc.
– Cấu tạo và loại thang máy/thang cuốn, hệ thống điều khiển, loại công việc được thực hiện và các thông tin liên quan khác.
– Các tình huống phải phân công người làm việc trực tiếp trên các thiết bị điện đang hoạt động. Nếu điều đó là không thể tránh khỏi, cần thực hiện các biện pháp phòng bị an toàn cho công việc đó.
– Tất cả các bộ phận nguy hiểm của máy móc phải được rào chắn hiệu quả. Cần mô tả rõ ràng công đoạn gỡ bỏ các bộ phận bảo vệ máy móc trong quá trình làm việc và lắp đặt lại các bộ phận bảo vệ đó sau khi hoàn thành công việc.
– Các thiết bị liên lạc của nhân viên trong quá trình làm việc. Đồng thời, cần nêu rõ các từ khóa/tín hiệu chính được sử dụng trong giao tiếp.
– Sự sắp xếp và quy trình vận hành bằng tay an toàn trong quá trình làm việc.
Đối với công trình thang máy cũng cần xác định và ghi chép lại các yếu tố:
– Cần xác định chắc chắn các khoảng trống/khoảng không an toàn dưới gầm cabin trong hố giếng và khoảng trống an toàn phía trên cabin khi di chuyển đảm bảo theo đúng quy chuẩn
– Bộ điều khiển phía trên cabin phải hoạt động bình thường. Đặc biệt, cần kiểm tra tính hiệu quả của công tắc dừng khẩn cấp và công tắc chế độ điều khiển bằng tay.
– Các thiết bị an toàn của thang máy điện hoặc van thủy lực trong thang máy thủy lực phải được kiểm tra về tính hiệu quả nếu nhân viên làm việc được yêu cầu đứng hoặc di chuyển trên nóc cabin.
– Nóc cabin phải có đủ khả năng chịu tải dự kiến như nhân sự và dụng cụ cầm tay,…
– Phải đánh giá các điều kiện làm việc trong phòng máy, phòng ròng rọc (nếu có) và giếng/hố thang. Phải có đủ không gian làm việc cho nhân viên, đặc biệt khi làm việc với bất kỳ thiết bị điện nào mà dây dẫn điện có thể bị lộ ra trong quá trình làm việc. Các yếu tố môi trường bao gồm nhiệt độ, thông gió, ánh sáng,… bên trong cabin và giếng/hố thang phải phù hợp với nhiều công đoạn làm việc khác nhau, chẳng hạn như hàn và cắt.
– Nên cung cấp các lối đi an toàn, dễ dàng và tuyến đường tiếp cận có đủ khoảng trống tới các khoang máy móc.
– Cấu trúc bao quanh và cấu trúc hỗ trợ phải chắc chắn và không có khiếm khuyết.
– Tay vịn, bậc thang, lược thang, ổ đĩa cho bậc thang phải ở trạng thái ổn định, ngoài ra hệ thống phanh, bộ điều khiển bằng tay và công tắc dừng khẩn cấp cũng phải hoạt động bình thường.
– Các biện pháp bảo vệ phòng ngừa rủi ro chạy quá tốc độ và đảo hướng di chuyển không có chủ ý cần được kiểm tra về tính hiệu quả.
Sau khi thực hiện đánh giá về an toàn tại công trường, cần phải cung cấp báo cáo phương pháp, bao gồm những điều sau:
– Nêu rõ cách thức thực hiện công việc và số lượng công nhân tham gia thực hiện công việc (bao gồm cả công nhân của nhà thầu phụ).
– Liệt kê các thiết bị cần thiết dự kiến dùng để thực hiện công việc bao gồm các thiết bị nâng và cơ cấu nâng xử lý cơ học, và cần xác định và cung cấp bố trí thiết bị sẵn có vào thời điểm thích hợp.
– Xác định và cung cấp số lượng và vị trí của hàng rào an toàn, thang di động, thiết bị bảo hộ cá nhân như ủng bảo hộ, mũ bảo hộ, kính bảo hộ, găng tay an toàn, dây/đai an toàn, neo an toàn, phụ kiện cho dây/đai an toàn, dây cứu sinh độc lập, v.v.
– Xác định và ghi chép lại thời gian và thời lượng để thực hiện công việc.
Liệt kê và đánh gia chi tiết các tiêu chí liên quan đến công trình nhằm đảm bảo có phương án thực hiện an toàn là vô cùng quan trọng
– Cần xác định rõ số lượng các bên liên quan và thời gian làm việc tương ứng trên cùng một hệ thống lắp đặt thang máy/thang cuốn.
– Các quy trình và phương tiện ứng phó khẩn cấp, bao gồm cả sơ cứu, phải luôn sẵn sàng để ứng phó với tình huống trường hợp khẩn cấp tại chỗ.
– Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe để kiểm soát việc thực hiện an toàn lao động của nhà thầu phụ, nếu có, phải hiệu quả và hữu dụng. Có thể tham khảo “Hướng dẫn về Quản lý An toàn Xây dựng” do Bộ Lao động ban hành để biết thêm ví dụ về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe.
– Việc áp dụng bất kỳ quy định an toàn liên quan nào cần được xác định và ghi chép lại. Cần phải kiểm tra sự tuân thủ các quy định đó.
Tần suất đánh giá: Cần tiến hành định kỳ đánh giá lại các điều kiện công trường. Tần suất thích hợp để thực hiện đánh giá này chủ yếu do người thực hiện đánh giá ban đầu quyết định. Nói chung, các yếu tố sau đây cần được xem xét để xác định tần suất: bản chất của nhiệm vụ, khả năng thay đổi nhân sự, thiết bị và địa điểm thực hiện công việc.
Chu kỳ đánh giá lại phải được quy định và ghi lại trong quá trình đánh giá ban đầu và mọi thay đổi nếu có phải được ghi lại. Ngoài ra, sau khi đánh giá lại, bất kỳ thay đổi nào so với đánh giá an toàn ban đầu cũng phải được ghi lại.
– Về nguyên vật liệu xây dựng: Chủ sở hữu hoặc nhà thầu cũng cần lưu ý về việc sử dụng các loại vật liệu chứa các chất đặc biệt được quy định liên quan đến an toàn lao động, nếu có sử dụng cần thực hiện các biện pháp an toàn phù hợp với các quy định.
– Về môi trường làm việc đặc biệt: Khi thực hiện công việc ở một số địa điểm làm việc phải tuân theo các quy định và cách thức làm việc riêng biệt, ví dụ như các trạm điện, trạm khí đốt, cơ sở trên biển, cảng container và cơ sở sản xuất hóa chất, các yêu cầu an toàn bổ sung hoặc giấy phép cho phép hệ thống làm việc có thể được yêu cầu theo thỏa thuận với ban quản lý công trường.
Sự an toàn của công nhân tham gia vào các hoạt động khác trong khu vực làm việc cũng cần được xem xét trong đánh giá an toàn hiện trường./.
Đọc tiếp các nội dung liên quan đến An toàn lao động tại:
– Phần 2: Hướng dẫn an toàn khi làm việc trên thang máy
– Phần 3: Hướng dẫn làm việc an toàn với thang máy/thang cuốn tại một số công đoạn cụ thể
Tài liệu tham khảo: Các nội dung trên đây được biên soạn từ các văn bản quy định về an toàn lao động tại Luật Xây dựng (bổ sung 2020), Bộ luật An toàn lao động (2019) và Chỉ thị EN 80-81.
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật