TCTM – Không ít vụ việc giấy tờ CO, CQ bị làm giả khiến người tiêu dùng tiền mất, tật mang. Vậy cần hiểu như thế nào cho đúng, kiểm tra ra sao để lựa chọn được thang máy nhập khẩu chính hãng, đảm bảo tiêu chuẩn?
Những năm gần đây, khi các nền kinh tế hội nhập và giao thoa thì hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu hoành hành trên thị trường, tạo bất lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp chân chính.
Như sự việc đã từng xảy ra mà công ty VLP (có trụ sở tại Bình Dương) là nạn nhân. VLP được chào bán 4 thang máy của hãng Mitsubishi. Đáng buồn, đó lại là thang máy… Fake!
Điều đáng nói là sự việc này chỉ bị phát giác sau khi quá trình mua , lắp đặt đã hoàn tất và khách hàng kiểm tra hồ sơ chứng từ nhập khẩu, trong đó có CO, CQ phát hiện bị làm giả tinh vi. Lúc này đã quá muộn để đòi quyền lợi và phức tạp về pháp lý khi khởi kiện. Còn phía cung ứng đã “lặn mất tăm”.
Doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập một lô hàng về sẽ sử dụng bộ chứng từ đó để bán lô hàng theo đăng ký. Hoặc họ sử dụng bộ chứng từ gốc này để “chế” ra chứng từ cho các lô sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ không rõ ràng khác nhằm đánh lừa những khách hàng không có nhiều hiểu biết hay thiếu kinh nghiệm. Nếu tinh ý, kiểm tra trên hệ thống phát hành CO điện tử từ quốc gia xuất khẩu, khách hàng hoàn toàn có thể phát hiện ra gian dối này.
Còn đối với giấy chứng nhận chất lượng CQ thì lại càng dễ bị làm giả hơn do không có cách nào xác minh. Những doanh nghiệp không trung thực có thể lợi dụng điều này và khách hàng không thể kiểm chứng.
Đối với hành vi làm giả CO, CQ, quy định của pháp luật Việt Nam nêu rõ, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Khoản 30 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với các hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận, cung cấp chứng từ không đúng sự thật, tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa,…
Thậm chí, hành vi này còn bị xử phạt tù tới tối đa 7 năm tù và phạt tiền tới 100 triệu đồng trong trường hợp nghiêm trọng theo Điều 340, 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Chế tài là vậy nhưng trên thực tế có không ít công ty vi phạm ngiêm trọng, “chế” thêm mặt hàng, thêm mã HS (Harmonized Commodity Description and Coding System – Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) vào giấy chứng nhận để xuất hàng.
Để kiểm soát được vấn đề này, khách hàng cần biết cách kiểm tra các thông tin về bộ chứng từ xuất nhập khẩu như thế nào?
Mục đích của giấy chứng nhận CO là để chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về xuất nhập khẩu, giúp người mua xác định hàng hóa đó không phải hàng lậu hay hàng trôi nổi không có nhà sản xuất và nơi sản xuất rõ ràng.
Giấy chứng nhận xuất xứ CO là chứng từ do cơ quan có thẩm quyền cấp như Phòng Thương mại của quốc gia đó. Ở Việt Nam, giấy chứng nhận xuất xứ do Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt nam (VCCI) cấp. Các thông tin thường thấy trên giấy chứng nhận CO là:
• Tên và địa chỉ công ty xuất khẩu, nhập khẩu;
• Tiêu chí về vận tải, phương tiện vận chuyển, cảng biển, địa điểm dỡ hàng,..
• Tiêu chuẩn về cách đóng gói hàng hóa (bao bì, quy cách đóng gói, nhãn mác, số lượng);
• Và cuối cùng là tiêu chuẩn về xuất xứ và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền
Hàng hóa được coi là có xuất xứ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 31/2018/NĐ- CP; Hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy như cây trồng, động vật sống, sản phẩm chế biến từ động vật sống, sản phẩm thu được từ săn bắn hoặc đặt bẫy tại vùng đất của nước thành viên đó, hoặc được đánh bắt hay nuôi trồng trong vùng nội thủy hoặc tại lãnh hải của nước thành viên đó
2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định 31/2018/NĐ- CP. Hàng hóa nhập khẩu được gọi là có xuất xứ không thuần túy nhưng được xem là có xuất xứ từ một nước thành viên khi không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên đó, nhưng đáp ứng được một trong 2 tiêu chí xuất xứ chung sau:
Tiêu chí 1:
– Hàng hóa có hàm lượng các thành phần cấu thành nên giá trị hàng hóa thuộc khu vực Asean trong giá FOB của hàng hóa không được ít hơn 40% giá FOB của hàng hóa. Hay còn gọi là “hàm lượng giá trị khu vực (RVC)” phải ≥ 40%. – Công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) như sau :
RVC = (FOB – VNM)/FOB x 100%
Trong đó VNM là trị giá nguyên liệu không có xuất xứ, cụ thể là:
– Trị giá CIF của nguyên liệu, phụ tùng hay hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu; hoặc
– Giá mua đầu tiên xác định được của nguyên liệu, phụ tùng hay hàng hóa không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của nước thành viên nơi diễn ra các công đoạn gia công hoặc chế biến
Tiêu chí 2:
– Tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó phải được thay đổi về tính chất so với hàng hóa thành phẩm. Tức là theo mã số HS thì mã HS của nguyên phụ liệu không có xuất xứ ban đầu phải khác mã số HS của sản phẩm thành phẩm ở cấp độ 4 số. Hay còn gọi là tiêu chí CTC.
Để được cấp chứng chỉ xuất xứ ở Nhật Bản, hàm lượng giá trị khu vực phải là 60%. Đối với Hàn Quốc, tỉ lệ này phải là 50%.
CQ giúp chứng minh hàng hóa sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố kèm theo hàng hóa đó. Hầu hết các cơ quan chứng nhận sản phẩm đều được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chứng chỉ chất lượng CQ rất quan trọng cho cả nhà sản xuất và cả khách hàng. Chứng chỉ giúp xác nhận chất lượng của hàng hóa có đáp ứng thông số kỹ thuật như công bố hay không.
Chứng chỉ chất lượng CQ do nhà sản xuất cung cấp.
Thông tin thường có trên chứng chỉ CQ là:
• Tên và địa chỉ của nhà sản xuất
• Thông tin của đơn vị mua hàng: Tên của đơn vị mua hàng có địa chỉ rõ ràng
• Số lượng hàng hóa: Đây là một nội dung mô tả tổng quát về số lượng hàng hóa, mã hàng hóa, cân nặng (tấn, kg…)
• Các thông tin chất lượng của sản phẩm thế hiện trên chứng chỉ như tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14000…
• Xác nhận của đơn vị sản xuất
• Xác nhận của cơ quan chức năng nếu có
Kiểm tra CO điện tử của Hàn Quốc:
• Vào website: http://www.customs.go.kr/kcs/co/co.do
• Điền thông tin CO và số tham chiếu
Kiểm tra CO điện tử của Nhật Bản
• Vào website: https://cts.jcci.or.jp/cec/origin.htm
• Điền thông tin CO và số tham chiếu
Kiểm tra CO điện tử của Phần Lan:
• Vào website: https://iccwbo.org/
• Điền thông tin CO và số tham chiếu
Ngoài ra khi nhận được CO, CQ cũng cần phải kiểm tra:
• Thực hiện việc đối chiếu, so sánh con dấu, chữ ký trên mẫu giấy CO với con dấu, chữ ký của cá nhân, cơ quan tổ chức có trách nhiệm và thẩm quyền cấp giấy CO.
• Kiểm tra lại kỹ xem thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận là đến thời gian cụ thể nào
• Kiểm tra mã HS trên chứng chỉ CO, CQ.
Thị trường thang máy Việt Nam đang phần lớn là dòng nhập khẩu vậy nên việc tìm hiểu cách kiểm tra bộ chứng từ là cần thiết không chỉ đối với người làm thủ tục hải quan mà còn đối với khách hàng – những người trực tiếp có khả năng phải chịu thiệt trong trường hợp mua phải hàng nhái, kém chất lượng.
Các thiết bị, linh kiện thang máy thường hay bị làm nhái để bán cùng với máy kéo thành thang máy của hãng tạo thành thang máy nhập khẩu nguyên chiếc. Do vậy việc siết chặt kiểm soát bộ chứng từ đối với thang máy, linh kiện, thiết bị là vô cùng cần thiết. Và giải pháp tốt nhất cho người sử dụng nên chọn các nhà phân phối uy tín./.
*Có thể tra cứu 29 quốc gia bao gồm: Bỉ, Brazil, Bulgari, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ái Nhĩ Lan, I-rắc, Ý, Hàn Quốc, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Quatar, Slovenia, Slovakia, Thuỵ Điển, Phần Lan, Ả rập, Anh, Mỹ
Thông tin mới cập nhật