TCTM – Hướng tới những lợi ích thiết thực cho cộng đồng ngành thang máy, sáng ngày 20/4, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã ký kết thỏa thuận hợp tác tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (Hà Nội).
Sau khi trao đổi nội dung hợp tác, ông Nguyễn Huy Tiến, đại diện VNEA và ông Nguyễn Đăng Sinh, đại diện VATAP đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng thang máy.
Ông Nguyễn Huy Tiến (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VNEA) và ông Nguyễn Đăng Sinh (Chủ tịch VATAP) ký thỏa thuận hợp tác
Lễ ký kết này sẽ là một cột mốc vô cùng quan trọng để VNEA và VATAP cùng nhau phối hợp thường xuyên, lâu dài và bền vững trên cơ sở phát huy chức năng, nhiệm vụ mỗi bên và huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, hai bên sẽ liên tục phối hợp chặt chẽ trong việc kết nối, cung cấp thông tin, phối hợp triển khai với các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi để chống lại vấn nạn hàng giả hàng nhái và bảo vệ thương hiệu trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn và liên quan đến thang máy, thang cuốn.
Theo đó, nội dung hợp tác giữa VNEA và VATAP gồm:
1. Hợp tác trong việc tham vấn, góp phần kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn cũng như các ngành nghề bổ trợ và chuỗi cung ứng có liên quan đến lĩnh vực thang máy, thang cuốn.
2. Hợp tác trong việc kết nối, cung cấp thông tin, phối hợp triển khai với các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi để chống lại vấn nạn hàng giả hàng nhái và bảo vệ thương hiệu trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn và liên quan đến thang máy, thang cuốn.
3. Hợp tác trong việc nâng cao năng lực của các bên về chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là trong lĩnh vực thang máy và thang cuốn hoặc liên quan đến thang máy, thang cuốn thông qua các chương trình hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, đào tạo chuyên môn,…
Theo ông Nguyễn Huy Tiến, các doanh nghiệp thang máy cần có tầm nhìn xa và nghĩ đến tăng trưởng ổn định dài hạn, cân bằng lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để giảm thiểu tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, thiết nghĩ chính sách và hành lang pháp lý cần được hoàn thiện hơn nữa, tính tới mục tiêu dài hơi, tuân thủ đạo đức kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị. Xã hội ngày càng phát triển, sự tín nhiệm của khách hàng đóng vai trò quan trọng. Khách hàng thông thái và có trách nhiệm sẽ lựa chọn các doanh nghiệp làm ăn tử tế, tạo ra giá trị thật sự cho xã hội.
Ông Nguyễn Huy Tiến phát biểu tại Lễ ký kết
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là hai trong rất nhiều công việc quan trọng và liên quan đến nhau trong chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh thời đại 4.0, khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khách hàng ngày càng đa dạng và thông thái hơn, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu trở nên càng cấp thiết hơn. Xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp tạo ra những đặc điểm nổi bật và khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ của mình, gây ấn tượng và tạo niềm tin cho khách hàng. Bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước những rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả hàng nhái, khủng hoảng truyền thông và các sự cố khác về thương hiệu. Đặc biệt trong những ngành đặc thù và rất cần xây dựng uy tín không chỉ với khách hàng trong nước và nước ngoài như ngành thang máy.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường thang máy cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng đến một số thương hiệu uy tín trên thị trường để làm ra những sản phẩm giả, nhái. Họ đã sử dụng những tên gọi na ná, thậm chí in cả logo thương hiệu để đánh lừa tâm trí khách hàng. Khách hàng nhiều khi ra quyết định mua nhưng không hề hay biết mình đang là nạn nhân của những chiêu trò làm ăn chộp giật này.
Ngoài ra, xuất xứ linh kiện, thiết bị và sản phẩm cũng đang là vấn đề nghiêm trọng, không ít linh kiện, thiết bị không có nguồn gốc rõ ràng hoặc bị làm giả xuất xứ trôi nổi trên thị trường. Việc “vô tư” sử dụng những thương hiệu chất lượng cho mặt hàng kém chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng có thể mang đến hậu quả khó lường đối với khách hàng trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, đã có những sự cố do kỹ thuật thang máy gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người.
Những việc làm thiếu đạo đức đó không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cá nhân doanh nghiệp đó mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp khác trong ngành, phải dọn cỏ dại thì lúa mới có thể phát triển, phải triệt tiêu những doanh nghiệp làm ra những sản phẩm kém chất lượng, sử dụng linh kiện, thiết bị xuất xứ không rõ ràng, đạo nhái sản phẩm, làm giả thương hiệu,… thì mới kiến tạo được môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp “tử tế” phát triển. Để có được vị thế, niềm tin như ngày hôm nay là công sức của rất nhiều thế hệ lãnh đạo của Nhà nước và các doanh nghiệp nên việc bảo vệ thương hiệu là điều đặc biệt quan trọng.
Vấn đề chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền thương hiệu không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ khi chúng ta đồng lòng và hành động tích cực trong việc bảo vệ và tôn trọng quyền thương hiệu mới có thể tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững. Đó cũng là cách để khẳng định giá trị và chất lượng của thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đăng Sinh chia sẻ về tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng tại Việt Nam
Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt chia sẻ về tầm quan trọng của thương hiệu doanh nghiệp
Đặc biệt, ngày 20/4 chính là “Ngày thương hiệu Việt Nam”. Đây là dịp rất quan trọng đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng nhằm động viên, khích lệ, các đơn vị góp phần tích cực hơn nữa vào hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Hiệp hội càng gia tăng ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Mai Mạnh Hiên – Tổng Giám đốc Công ty CP xây lắp và thiết bị công nghiệp Mekamic nhận Chứng nhận thương hiệu phát triển kinh tế quốc gia 2022 từ VATAP
.
Đường dây nóng phản ánh hàng giả, hàng kém chất lượng, đạo nhái thương hiệu trong lĩnh vực thang máy: 0989761499
Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) được thành lập theo Quyết định 594/QĐ-BNV ngày 20/8/2020 của Bộ Nội vụ. Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thang máy, thang cuốn và lĩnh vực liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật. Hiệp hội có 3 chức năng chính: Đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực ngành nghề thang máy, thang cuốn; Tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, xếp hạng doanh nghiệp thang máy, thang cuốn; Hỗ trợ, tư vấn, đánh giá trung gian các dịch vụ thang máy, thang cuốn.
Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của những người và tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp hội có mục tiêu hoạt động là tập hợp đoàn kết Hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên, đại diện cho Hội viên trong việc phối hợp với các tổ chức kinh tế và các cơ quan có liên quan để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tiến Đạt, Hiên Huyền
Thông tin mới cập nhật
Thang máy Đại Long
Tôi muốn tham gia hiệp hội thì cần những gì .
Hiền Nguyễn Thị
Chào anh/chị, để Hiệp hội hỗ trợ tư vấn quy trình tham gia Hiệp hội được tốt nhất, anh/chị vui lòng để lại số điện thoại hoặc nhắn tin trực tiếp vào Fanpage của Hiệp hội ạ, địa chỉ fanpage: https://www.facebook.com/hiephoithangmayvietnam