TCTM – Cát – Vàng lẫn lộn để chỉ tình trạng thật giả, tốt xấu cùng tồn tại khiến người tiêu dùng thiệt hại, doanh nghiệp chân chính mất động lực, xã hội trở nên rối ren. Ngành thang máy là ngành trẻ và chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này ra sao để giảm thiểu rào cản trong sự phát triển?
Fuji trong tiếng Nhật có nghĩa là Phú Sĩ – ngọn núi nổi tiếng, biểu tượng của Nhật Bản. Nhắc đến một sản phẩm có nhãn Fuji, rất dễ để liên tưởng đến một thương hiệu lẫy lừng, chất lượng đã được khẳng định.
Thế nên, đếm sơ sơ các thương hiệu thang máy có gắn kèm với chữ Fuji thì đã có tới hàng chục. Nào là thang máy Fuji Nhật Bản, Fuji Thái Lan, công nghệ Fuji, rồi Fuji chính hãng, Fuji liên doanh,…
Không ít doanh nghiệp đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng luôn ưa thích hàng Nhật với chất lượng cao nên sử dụng những cái tên mang thương hiệu gần giống như vậy. Nhưng trên thực tế, các loại thang máy Fuji hầu hết là mua linh kiện, thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau rồi lắp ráp thành thang bán cho người tiêu dùng. Nếu như không thạo, người ta rất dễ lầm tưởng đây là sản phẩm thang máy Nhật Bản hoặc liên doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất và phân phối.
Người dùng hoa mắt trước đủ loại thương hiệu “Fuji”
Sử dụng một cái tên na ná như hàng hiệu, thậm chí in cả logo của các thương hiệu nổi tiếng để khách hàng bị nhầm lẫn. Điều này có thể dẫn tới việc ra các quyết định mua hàng không chính xác mà là nạn nhân mà không hề hay biết. Có thể nói, chiêu trò lợi dụng sử cả tin của người tiêu dùng và uy tín của các thương hiệu tên tuổi đã được không ít doanh nghiệp thang máy làm ăn theo kiểu chộp giật, không chân chính tận dụng.
Doanh nghiệp “sói” đã biến khách hàng của họ thành những “con cừu” khi mua phải hàng giả và nguy hiểm hơn khi đã tạo ra những nguy cơ rủi ro mất an toàn nghiêm trọng không thể lường trước.
Một doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội với đăng ký kinh doanh đủ các loại hình lắp đặt, dịch vụ, kinh doanh và bao gồm cả sản xuất các linh kiện, thiết bị của thang máy. Thế nhưng khi tìm đến nơi thì chỉ là địa chỉ ma. Tìm hiểu kỹ hơn, doanh nghiệp này chuyên làm thương mại, không hề có nhà xưởng, dây chuyền sản xuất và công nhân. Đến đại diện pháp nhân đứng tên trên đăng ký kinh doanh cũng không thể liên lạc được.
Hệ quả là khi xảy ra vi phạm hợp đồng (thang bị chậm giao theo cam kết gần 1 năm), gia chủ không tìm được người có trách nhiệm để khiếu nại và cũng không biết khiếu nại ai vì không tìm thấy trụ sở doanh nghiệp.
Rồi khi thang bị ngắt điện do nhân viên kỹ thuật cài đặt phầm mềm, khách hàng cũng không biết làm cách nào để liên lạc với đại diện của doanh nghiệp để khiếu nại.
Cách thức hoạt động của những doanh nghiệp siêu nhỏ như vậy rõ ràng đặt ra vấn đề về năng lực hiện trường. Đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ, có khả năng bảo hành, bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện chính hãng,… hay không là câu hỏi lớn?
Nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận trước mắt, không có kế hoạch phát triển bền vững lâu dài, không quan tâm tới các khoản dành cho bảo hành, đào tạo nhân sự, quản trị công ty hay dự phòng các rủi ro xảy ra đối với sản phẩm. Thậm chí, việc thuê mướn nhân công giá rẻ, không được đào tạo bài bản, không có trình độ tay nghề… cũng không phải là hiếm đã tạo ra những rủi ro tiềm ẩn rất cao về mất an toàn.
Doanh nghiệp nếu có tầm nhìn xa họ sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá, bằng cạnh tranh không lành mạnh hay bất chấp lợi ích của khách hàng? Doanh nghiệp cần nghĩ đến tăng trưởng ổn định dài hạn, cân bằng hài hòa lợi ích của Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng. Nếu không, hậu quả lâu dài và nguy hiểm chưa phải là tổn thất trước mắt mà là sự mất lòng tin của người Việt vào doanh nghiệp Việt!
Để giảm thiểu tình trạng “cát – vàng lẫn lộn” thì cần phải làm gì?
Thứ nhất, mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã ngày càng trở nên thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách và hành lang pháp lý vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn để tạo môi trường lành mạnh, liêm chính, kiến tạo cho doanh nghiệp. Đó không chỉ là vấn đề thực thi mà chủ trương, đường lối, hệ thống luật pháp, các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh… cần tiếp tục được hoàn thiện để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và lâu dài.
Thứ hai, với doanh nghiệp, mục tiêu lợi nhuận thường được đặt lên hàng đầu. Nhưng nếu có tầm, cần tính tới mục tiêu dài hơi và khi đó sẵn sàng hy sinh những lợi ích ngắn hạn để hài hòa, cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Một khi, những giá trị được cộng đồng tiếp nhận nó sẽ quay trở lại để thúc đẩy lợi ích cho chính doanh nghiệp trên thương hiệu hay doanh thu. Đó là quan hệ nhân – quả.
Đạo đức kinh doanh cũng cần trở thành kim chỉ nam trong hoạch định sản xuất, chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Muốn vậy, cộng đồng doanh nghiệp phải minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm. Phải làm sao hình thành được văn hóa kinh doanh chân chính, tuân thủ pháp luật, niềm tự tôn của dân Việt chứ không phải dựa vào “kỹ xảo”.
Thứ ba, khi xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người tiêu dùng cũng “tiến hóa” nhiều. Thay vì chỉ đơn giản là tiêu dùng sản phẩm, giờ đây người ta “tiêu dùng” một hình ảnh doanh nghiệp, “tiêu dùng” một văn hóa kinh doanh. Doanh nghiệp có đứng vững được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tín nhiệm của khách hàng, sự tin tưởng lẫn nhau được tạo ra từ cả hai phía khách hàng lẫn doanh nghiệp. Khách hàng thông thái và có trách nhiệm sẽ lựa chọn các doanh nghiệp làm ăn tử tế, tuân thủ pháp luật, tạo ra giá trị thật sự cho xã hội, không chạy theo tâm lý và ham rẻ….
Vì thế, để phân biệt “cát” và ‘vàng”, khách hàng cần nâng cao năng lực tiếp cận thông tin không chỉ về dòng sản phẩm, dịch vụ mà còn cần đánh giá năng lực của đơn vị cung ứng. Ở góc độ nào đó, hồ sơ năng lực có lẽ cần thiết phải là kênh đầu tiên để khách hàng “nhìn mặt mà bắt hình dong”, ít nhiều cung cấp những thông tin cơ bản nhất mà người tiêu dùng thông minh dự định sẽ chọn mặt gửi vàng chăng?
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra vào tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn; doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích”.
Tất nhiên, để làm được như quan điểm của Thủ tướng thì không thể trong một sớm một chiều mà phải dần thay đổi, bắt đầu từ hành động đúng của doanh nghiệp và toàn xã hội dưới vai trò giám sát của nhà nước. “Cây cao thì gió càng lay/Càng cao danh vọng, càng dày gian truân”, nhưng niềm tin và những điều tốt đẹp sẽ đến với doanh nghiệp, người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển xã hội văn minh./.
Lê Ngọc
Thông tin mới cập nhật