TCTM – Bất kể là thiết bị nào thì sau một thời gian sử dụng sẽ khiến các chi tiết, linh kiện bị lão hóa, xuống cấp hay hư hỏng và cần phải được thay thế. Khi đó, nếu thiết bị được phân phối độc quyền thì người tiêu dùng sẽ “thấm đòn” của nhà cung ứng.
Ngay khi mẫu iPhone mới nhất của Apple được trình làng, sự tò mò về chất lượng giá thành linh kiện đã khiến người ta bóc tách để xem giá trị thực sự bên trong siêu phẩm ra sao. Kết quả cho thấy, giá linh kiện của iPhone 14 đã tăng khoảng 20% so với iPhone 13 ra mắt vào năm trước nhưng giá bán không đổi. Như thế, chắc chắn là lợi nhuận biên của Apple sẽ giảm với những con số không nhỏ và tất nhiên Quả táo cũng chẳng “khờ” khi thực thi chính sách như vậy.
Tỷ lệ chi phí trên giá bán lẻ của iPhone tăng cao trong năm 2022
Thay vì trả lời câu hỏi tại sao, chúng tôi muốn độc giả theo dõi sự việc đã diễn ra và khiến Apple dính vào nhiều vụ kiện tụng.
Năm 2019, Ban Tư pháp Hạ viện Mỹ nói Apple đã cố tình thiết kế sản phẩm làm khó người dùng trong quá trình sửa chữa. Bằng chứng là Apple nhiều lần phát hành bản cập nhật iOS vô hiệu hóa cảm ứng trên màn hình được bên thứ ba sửa chữa. Sau khi cập nhật, những người tự thay thế màn hình bị vỡ hoặc đến sửa ở bên ngoài đại lý ủy quyền của Apple đã báo cáo về tình trạng liệt cảm ứng.
Mới gần đây, Tổ chức môi trường Pháp (HOP) đã đệ đơn kiện Apple vì đang “series hóa” mọi bộ phận của điện thoại thông minh và liên kết các thành phần linh kiện thông qua chip và phần mềm. Vì vậy, người dùng không thể tự sửa mà không có sự cho phép của Apple.
“Những hành vi này không chỉ làm suy yếu quyền sửa chữa mà còn cả sự phát triển của điện thoại thông minh tân trang”, đơn khiếu nại gần 60 trang của HOP viết.
Ví dụ trên cho thấy, Apple cũng như rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, nghề đang sử dụng chiêu thức độc quyền về cung ứng linh kiện đồng bộ thay thế cho thiết bị, dẫn tới khống chế thị trường cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Đó là một sự trói buộc khiến người tiêu dùng phải lệ thuộc!
Mỗi bộ phận, thiết bị, máy móc đều có vòng đời nhất định và linh kiện thang máy cũng không phải ngoại lệ. Vòng đời sản phẩm của các linh kiện thang máy rất khác nhau. Có linh kiện thang máy có thể sử dụng từ 15 – 20 năm, nhưng cũng có những linh kiện có giai đoạn hoạt động tốt nhất trong khoảng 3 – 5 năm đầu tiên.
Bởi thế, sau thời gian bảo hành, thang máy cũng buộc phải định kỳ bảo dưỡng và thay thế linh kiện, thiết bị.
Linh kiện thiết bị đều có tuổi và cần thay thế để thang máy hoạt động ổn định, an toàn
Những thiết bị chiếu sáng; Photocell; Nút gọi tầng; Công tắc hành trình; Quạt thang máy; Encoder; Guốc dẫn hướng; Bộ truyền động cửa; Bộ chống vượt tốc; Cứu hộ tự động,… thường là những thiết bị bị lão hóa, cần phải thay thế sau một thời gian thang máy hoạt động.
Hay như cáp kéo và puli, những thiết bị này vận hành cơ khí với cường độ cao cũng như tạo ra ma sát lớn nên nhanh chóng bị xuống cấp theo thời gian, cần phải được hiệu chỉnh hoặc thay thế…
Trên thực tế, những thiết bị nói trên đều có thể tìm nguồn từ chính hãng hoặc một một bên thứ ba cung ứng. Những thiết bị này được thiết kế phù hợp tương tự với tiêu chuẩn của sản phẩm chính hãng nên cũng thêm giải pháp lựa chọn khi thay thế thiết bị.
Nhưng với những thiết bị phức tạp hơn như tủ điều khiển thì sự độc quyền đã thể hiện rất rõ nét. Một thang máy mang thương hiệu lớn của Nhật Bản bị hỏng một thiết bị quan trọng trong tủ điều khiển: Biến tần. Người ta buộc phải thay đúng thiết bị này của nhà sản xuất thì tủ điều khiển mới hoạt động được, còn nếu không thì buộc phải thay cả tủ. Nhưng cái giá của thiết bị này đắt gấp 2 lần thay cả tủ mới loại tương tự!
Độc quyền linh kiện từ nhà sản xuất đã không cho khách hàng có nhiều lựa chọn ngoài Có hoặc Không. Và như thế, không ít khách hàng Việt hiện nay đã bị lệ thuộc vào các sản phẩm thang máy nhập ngoại theo cách như thế.
Đó là câu hỏi được được nhiều người đặt ra. Và thực tế có nhiều văn bản luật liên quan tới vấn đề này.
Điều 27, Luật Cạnh tranh năm 2018 liệt kê về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh, có thể gây thiệt hại cho người dùng và các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực.
Thứ nhất là nhóm hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền riêng trên thị trường liên quan đã áp đặt những điều kiện thương mại bất lợi cho khách hàng nhằm thu lợi nhuận độc quyền. Ở đó, hiện tượng trăm người bán, vạn người mua sẽ là cơ hội cho người bán tận dụng để đưa ra những điều kiện bất lợi cho người mua trong giao dịch. Hành vi lạm dụng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp không từ hiệu quả kinh doanh mà từ những điều kiện thương mại bất lợi mà khách hàng phải gánh chịu. Lợi ích mà doanh nghiệp thu được có thể là các khoản lợi nhuận độc quyền, khả năng khống chế các yếu tố của thị trường như nguyên, vật liệu, nguồn cung,…
Ở nhóm hành vi này còn bao gồm các hành vi hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, giới hạn thị trường; Áp đặt các điều kiện thương mại khác nhau cho các giao dịch nhằm tạo sự bất bình đẳng cho khách hàng; Áp đặt giá mua giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá gây thiệt hại cho khách hàng…
Hành vi áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại gây thiệt hại cho khách hàng được coi là một trong những hành vi điển hình cho nhóm hành vi lạm dụng mang tính bóc lột.
Thứ hai là Nhóm hành vi lạm dụng mang tính độc quyền do doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thực hiện nhằm kìm hãm cạnh tranh bằng cách loại bỏ, ngăn cản đối thủ tham gia thị trường để duy trì, củng cố quyền lực thị trường.
Điển hình của nhóm hành vi này là bán hàng hoá, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh (còn gọi là hành vi định giá cướp đoạt hoặc hành vi định giá hủy diệt) hoặc ngăn cản việc gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới.
Cả hai nhóm hành vi độc quyền này đều xuất hiện ở lĩnh vực thang máy, đã làm cho thị trường thang máy trong nước trở nên méo mó và gây nhiều hệ lụy xấu.
Thứ nhất là người tiêu dùng bị lệ thuộc vào các đơn vị cung cấp sản phẩm và linh kiện đi kèm. Họ buộc phải chấp nhận giá linh kiện hay dịch vụ đắt một cách vô lý.
Thứ hai là gây chảy máu ngoại tệ. Linh kiện độc quyền không sản xuất trong nước mà hầu như được sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiêu tốn đáng kể ngoại tệ.
Thứ ba là hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Ở nhiều nước (điển hình là Trung Quốc), một trong những điều kiện tham gia thì trường của nước sở tại là phải liên danh, ấn định thời gian chuyển giao công nghệ…thay vì chỉ bán sản phẩm và thu tiền…
Theo quy định trong Luật Cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi nêu trên là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Hay mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 200.000.000 đồng,…
Ở phương diện quốc tế, các quốc gia phát triển thì quy định về các mức xử phạt đối với hành vi độc quyền cũng rất nặng.
Như ở Hoa Kỳ, Cartel (hành vi hạn chế cạnh tranh lẫn nhau giữa các công ty, chẳng hạn như tăng giá đồng thời và hạn chế sản xuất) bị cấm theo Điều luật Sherman Điều 1 và Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang Điều 5. Luật Chống độc quyền của Hoa Kỳ rất nghiêm ngặt về việc cấm các cartel trừ một vài ngoại lệ đặc biệt. Luật này được cho là đã tích cực thúc đẩy cạnh tranh công bằng vì lợi ích của người tiêu dùng.
Luật Cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu chính phủ các quốc gia thành viên không được đặt ra hoặc duy trì các biện pháp nhằm hạn chế một trong ba nguyên tắc tự do cơ bản của liên minh: tự do lưu thông hàng hóa, tự do di chuyển và tự do cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, chính sách cạnh tranh của EU còn kiểm soát chặt chẽ các khoản trợ cấp của nhà nước dành cho các xí nghiệp của mình, để ngăn chặn xu hướng chính phủ các nước thông qua các khoản trợ cấp hay những đặc quyền nào đó bù đắp cho các công ty độc quyền…/.
Thiện Hoàng
Thông tin mới cập nhật
Lê Tuấn Anh
Nội dung tương tự cũng có thể viết về việc mua bán điện của EVN.