Những con số thống kê trên các hồ sơ trúng thầu dự án đầu tư công đã cho thấy phần lớn là thang nhập khẩu giành phần thắng. Thang máy sản xuất trong nước gần như “không có cửa”. Lý do nào cho vấn đề này?
Cập nhật thông tin về các gói thầu thang máy tại: Tổng hợp – Phân tích gói thầu thang máy mới nhất
Ban Quản lý dự án (QLDA) thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT) số 373 ngày 21/5/2021. Nội dung chính là việc sẽ tổ chức mời thầu Gói thầu số 4 – Thiết bị thang máy cho Trung tâm dịch vụ, hành chính công với số lượng 4 thang. Hình thức đấu thầu rộng rãi trên cả nước và lựa chọn nhà thầu qua mạng. TL, một doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành thang máy đã trúng thầu với sản phẩm có mã hiệu NEXIEZ-MR/Hãng Mitsubishi Electric – Nhật Bản.
Hồ sơ có mã số 20210956417-00 thuộc dự án cải tạo, mở rộng trụ sở của Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang cũng mời đấu thầu qua mạng về gói thầu thang máy. Kết quả cuối cùng, thang máy nhập khẩu đến từ nhà cung cấp Hàn Quốc đã trúng thầu.
Người ta có thể chủ quan cho rằng, sở dĩ thang máy nhập khẩu gần như là sự lựa chọn tối ưu cho các công trình dự án đầu tư công bởi chất lượng sản phẩm và dịch vụ vượt trội so với thang nội.
Không phải là không có cơ sở nhưng sẽ là rất phiến diện và chủ quan khi đánh giá như vậy. Dưới góc độ chuyên môn, dường như các tiêu chí đánh giá hồ sơ thầu đã không thực sự tạo ra “cơ chế bình đẳng” cho các dòng thang nội theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp.
Và đó là “nỗi đau” của thang máy nội.
Quay trở lại với gói thầu thang máy của Trung tâm dịch vụ, hành chính công thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Phần yêu cầu về các đặc tính kỹ thuật như sau (trích nguyên văn):
– Hệ thống thang đồng bộ từ một nhà sản xuất (đồng bộ là các bộ phận tạo thành thang máy đều cùng một hãng sản xuất).
– Yêu cầu động cơ chuyên dụng dùng cho thang máy và được sản xuất tại nhà máy của hãng thang máy nhà thầu đề xuất.
– Hệ điều khiển tín hiệu phải đồng bộ và phải được kiểm tra đồng bộ với thang máy.
– Thiết bị chào thầu mới 100% sản xuất từ năm 2021 trở về sau, nhập khẩu đồng bộ từ một nhà sản xuất.
Những tiêu chí theo yêu cầu nói trên đã hướng tới các dòng thang máy nhập khẩu 100% và sẽ loại bỏ ngay lập tức các sản phẩm thang máy sản xuất trong nước.
Cho ý kiến về cụm từ “đồng bộ” trong hồ sơ mời thầu nói trên, một chuyên gia đấu thầu thẳng thắn nói rằng đó là một khái niệm mơ hồ. Mà khi mơ hồ thì mọi thứ khó mà trở nên minh bạch.
Cho dù một doanh nghiệp có chủ động hoàn toàn về công nghệ, thiết kế, nhưng để chế tạo sản phẩm vẫn cần rất nhiều chi tiết, linh kiện phụ trợ từ các nhà cung ứng khác.
Xe VinFast vẫn sử dụng động cơ N20 của BMW. Điện thoại của Samsung vẫn sử dụng chip Snapdragon của Quancomm đó thôi. Và không thể đánh giá rằng đây là những sản phẩm không đồng bộ!
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn như QCVN 32:2018; QCVN 02:2019, TCVN 6396 20:2017,… Đó là những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (dựa trên tiêu chuẩn châu Âu) bắt buộc sản phẩm phải đạt để đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Vậy nếu các hồ sơ thầu đặt ra những yêu cầu kỹ thuật như đã nói trên phải chăng sẽ làm cho thang nội không thể cạnh tranh trong bỏ thầu dự án công?
Đối với gói thầu thang máy tại công trình cải tạo Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang cũng xuất hiện nhiều “nghi vấn”. Mục 2, chương V, yêu cầu về kỹ thuật, mã hiệu thang máy hồ sơ có yêu cầu là Meta200 hoặc tương đương. Chính yêu cầu này đã bị các doanh nghiệp tham gia dự thầu đánh giá là “khó hiểu” hoặc đã chấm sẵn đơn vị phân phối thang máy có nhãn hiệu này (?!)
Việc yêu cầu chọn sẵn một thương hiệu thang máy không có tên tuổi trên thị trường như Meta đã khiến các nhà thầu đặt ra rất nhiều băn khoăn rằng có hay chăng tiêu cực “thầu bỏ túi” (tức đã chọn sẵn đơn vị trúng thầu).
Hay yêu cầu về “nhân sự chủ chốt” trong các gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị thang máy cũng được cho là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất thang máy trong nước. Yêu cầu này đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện dự án phải có hàng loạt chứng chỉ đào tạo, bằng cấp đại học, chứng chỉ chứng nhận không chỉ trong lĩnh vực liên quan như cơ khí, điện tử mà còn cả ngành xây dựng, tài chính, kế toán, định giá xây dựng,…
Những yêu cầu trong một hồ sơ mời thầu được cho là không phù hợp
Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp sản xuất thang máy chỉ tuyển kỹ sư hoặc trình độ cao hơn cho những vị trí nghiên cứu, phát triển sản phẩm, lập trình hệ thống,… Đối với lực lượng trực tiếp thi công thì thường đầu vào sẽ là các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã qua huấn luyện nghiệp vụ. Trong các trường hợp cần thiết, các kỹ sư hoàn toàn có thể được điều động ra hiện trường để giải quyết, khắc phục các vấn đề thi công. Các doanh nghiệp thang máy nước ngoài cũng đang làm như vậy.
Ràng buộc này đã khiến ngay cả những doanh nghiệp thang máy nước ngoài có tiếng tăm đang có mặt trên thị trường Việt Nam cũng “không có cửa” trong rất nhiều các dự án đầu tư công.
Ở bất cứ lĩnh vực nào thì vẫn tồn tại những kẽ hở chính sách gây bất hợp lý. Đấu thầu thang máy cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng bên cạnh đó cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại vì sao sản phẩm thang máy nội chưa chiếm được niềm tin.
Thứ nhất, đó là việc chúng ta dường như đang “thiếu” những thử nghiệm độ an toàn cho các sản phẩm thang máy trước khi cho phép chúng xuất hiện trên thị trường? Đó là các bài “test” về độ chịu lực, chịu nhiệt, vận hành thực tế,… và điều này vô cùng cần thiết đối với thang máy – sản phẩm được liệt vào hàng hóa nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu và khi đã được “xác thực” sẽ tạo ra niềm tin, thúc đẩy khách hàng ra quyết định lựa chọn.
Cũng phải nói thêm rằng, đối với các dự án đầu tư công thì trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư là rất lớn khi lựa chọn những sản phẩm có đặc tính an toàn khắt khe như thang máy. Bởi vậy, nếu niềm tin đối với thang nội chưa đủ thì chẳng phải là họ chỉ còn một sự lựa chọn “tối ưu” cho dự án của mình là thang nhập khẩu hay sao? Thang ngoại đôi khi là một sự lựa chọn “an toàn” cho tất cả.
Thứ hai, “hậu kiểm” đối với mặt hàng thang máy là chưa đủ để tránh những sản phẩm kém chất lượng trôi nổi ngoài thị trường và vấn nạn trục lợi chính sách. Như tại Hàn Quốc, KS (Korea Industria Standard) sẽ tiến hành đánh giá ngay từ khâu sản xuất thang máy, đó là nguyên liệu, quy trình cho đến thử nghiệm sản phẩm. Và trong 8 bộ phận quan trọng nhất cấu thành thang máy thì doanh nghiệp cần sản xuất trực tiếp được tối thiểu 3 bộ phận thì sản phẩm đó mới được coi là sản phẩm được sản xuất trong nước.
Nếu theo cách như vậy thì chúng ta sẽ quản lý được chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa của thang máy nội ngay từ đầu. Tình trạng nhập khẩu linh kiện từ nước láng giềng rồi tạo ra những sản phẩm “đội lốt” thang nội cũng sẽ bị loại bỏ. Cũng sẽ giảm thiểu tối đa kẽ hở để trục lợi chính sách trong ưu đãi đấu thầu dự án (sản phẩm có tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước từ 25% trở lên được hưởng ưu đãi cộng thêm 7,5% vào điểm tổng hợp chấm thầu; cơ quan nào sẽ giám định tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước để hàng nội đúng là hàng nội).
Thứ ba, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thang nội còn hạn chế. Đó là những khó khăn trong năng lực quản trị, ảnh hưởng đến tầm nhìn dài hạn và mục tiêu của doanh nghiệp. Thay vì có chiến lược để tạo ra sự khác biệt thì không ít doanh nghiệp lại cạnh tranh bằng các “phi vụ”. Điều này khiến doanh nghiệp “khó lớn”, thậm chí còn tăng trưởng âm cả về quy mô và chiều sâu.
Đó còn là mức độ hiện đại hóa dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp đang ở mức thấp, năng suất lao động chưa cao, trình độ nhân lực còn chưa đồng đều, chuẩn hóa…
Doanh nghiệp cũng phải “tự soi” để không quá ảo tưởng về năng lực của mình
Và nói như vậy để thấy, tiên trách kỷ hậu trách nhân, doanh nghiệp “tự soi” mình, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Điều đó sẽ tạo ra môi trường đấu thầu minh bạch, công bằng cho thang máy sản xuất trong nước./
Thái Sơn
Thiết kế: Trung Trần
Thông tin mới cập nhật