TCTM – Anh thợ sửa xe làng tôi sau vài năm làm và học việc tại một gara sửa xe lớn, tự về quê và mở một cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy. Thêm vài năm nữa, vợ anh cũng học được nghề từ anh và thậm chí cậu con trai học cấp ba của gia đình cũng biết vá săm, thay lốp cơ bản. Phải chăng nghề kỹ thuật chỉ cần “training on job” như thế là “ngon ăn”?
Về sau, cậu con trai của anh quyết định học đại học một ngành kỹ thuật, hàng xóm nói vui bảo: “Cứ ở nhà học nghề của bố là xong, cần gì đi học tốn tiền rồi cũng về sửa xe như thế.” Cậu chàng bảo “Có học có hơn” nghe chừng cũng tự tin và chắc chắn.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP có quy định về việc doanh nghiệp phải trả lương cao hơn 7% cho lao động đã qua đào tạo nghề so với mức lương tối thiểu vùng (nghị định này có hiệu lực đến 1/7/2022). Điều đó là một phần minh chứng cho câu “có học có hơn”.
Cụ thể, tại khoản 2 điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nêu cụ thể về người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm:
a) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90-CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
b) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;
c) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;
đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;
e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;
g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;
h) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
Quy định này được ban hành với mục tiêu hỗ trợ người lao động khi người lao động thường yếu thế hơn các đơn vị sử dụng lao động trong việc đàm phán về lương, một mặt khác, tôi cho rằng đó là sự ghi nhận về năng lực sau khi đã qua đào tạo.
Nhưng nhiều người cũng bảo, học hành cho tốn tiền rồi cuối cùng ra trường cũng chỉ là một mớ lý thuyết, vài “chiêu thức” thực hành chung chung không ứng dụng cụ thể được vào nghề nào, đi làm vẫn phải dạy lại từ đầu.
Một quan điểm khác lại khẳng định, những thứ tự học tự hành chỉ là những kinh nghiệm nối đuôi, để “chuẩn hóa” thì phải có đào tạo bài bản, chứng nhận đầy đủ.
Nói ba phải thì tôi thấy không có quan điểm nào sai, mỗi quan điểm lại nêu ra một khía cạnh thực tế.
Những người thợ sửa xe ở làng có thể có tay nghề cao, lại cộng thêm sự quen thân người cùng làng trên xóm dưới nên lúc nào gặp gỡ cũng niềm nở với những câu chuyện làm quà. Nhưng để chắc chắn rằng kỹ thuật sửa chữa có đảm bảo chính xác hay không, thiết bị thay thế có đạt chất lượng hay không thì không ai dám đảm bảo. Thay vì các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật thì dường như thứ tiêu chuẩn duy nhất được áp dụng trong trường hợp này tiêu chuẩn AC – “áng chừng”, khái niệm đã từng xuất hiện trên Tạp chí Thang máy của quý vị.
Người học nghề trên thực tế khi đã thuần thục rồi có thể tham gia các cuộc thi cấp chứng nhận chứng chỉ năng lực phù hợp với ngành nghề; người đã được đào tạo bài bản các kiến thức nền sẽ tiếp tục học dựa trên thực hành tại các công việc cụ thể. Từ những điểm xuất phát khác nhau, hành trình học nghề và rèn nghề khác nhau nhưng cuối cùng họ đều vững tay nghề và có chứng chỉ tiêu chuẩn năng lực nghề, đó liệu có nên là kết quả xác đáng hơn cho những tranh luận đã tốn nhiều giấy mực của báo chí và nảy lửa của các nhà quản lý giáo dục?
Hãy lấy ví dụ về ngành Công nghệ thông tin (IT). Tính đến thời điểm này, IT vẫn nằm trong top đầu những nghề cho thu nhập cao nhất và mức thu nhập khởi điểm phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm làm việc và các chứng chỉ có giá trị quốc tế. Người sở hữu chứng chỉ CCNP (Cisco Certified Network Professional) bao gồm tất cả kỹ năng và kiến thức cần để lập kế hoạch, triển khai, xác minh và khắc phục sự cố mạng cục bộ và mạng doanh nghiệp diện rộng. Thông thường, người sở hữu CCNP thường có 8 chứng chỉ khác liên quan và mức lương khởi điểm vào khoảng 118 nghìn đô la Mỹ một năm. Nếu kỹ sư, cử nhân IT sở hữu Chứng chỉ CISA (Certified Information System Auditor) của ISACA được thiết kế cho những người chịu trách nhiệm đánh giá, kiểm soát, giám sát các hệ thống IT và kinh doanh của một tổ chức, mức lương khởi điểm của họ có thể lên tới 132 nghìn đô la Mỹ/năm,… Những con số trực quan này cho thấy kỹ năng càng cao, thu nhập càng lớn.
Trở lại với Nghị định 90/2019/NĐ-CP đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2022 và Nghị định 38/2022/NĐ-CP thay thế không còn đề cập đến tiêu chí trả cao hơn 7% lương cho người lao động qua đào tạo. Tôi cho rằng sự thay đổi đó phù hợp với khả năng nhận thức của xã hội (người lao động và người sử dụng lao động) và cùng đó là kỹ năng nhận định năng lực, đàm phán lương của người lao động đã tốt hơn so với giai đoạn trước.
Giờ chúng ta cùng nhìn vào ngành thang máy.
Thống kê của ZipRecruiter – một đơn vị môi giới việc làm của Mỹ (Website có hơn 200.000 lượt truy cập mỗi ngày) thì mức lương trung bình của thợ lắp đặt thang máy tại hơn 50 bang tại Mỹ nằm trong khoảng 2.400 đến 6.500 đô la Mỹ mỗi tháng, đi cùng với đó, mỗi bang tại Mỹ đều có các quy định khác nhau liên quan đến năng lực và các loại chứng chỉ năng lực của người lao động trong ngành thang máy này. (Đọc thêm: Vấn đề chuẩn hóa nhân lực tại các quốc gia trên thế giới và tham khảo nào cho ngành thang máy Việt Nam?)
Còn tại Việt Nam, hiện nay chưa có các quy định về bằng cấp hay các chứng chỉ năng lực đối với kỹ thuật viên thang máy. Các doanh nghiệp có thể tuyển dụng từ những lao động phổ thông – chưa qua đào tạo, không kinh nghiệm và chấp nhận dạy cấp tốc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Cũng có những doanh nghiệp yêu cầu tốt nghiệp từ các trường trung cấp nghề trở lên. Và mức lương cho vị trí lắp đặt thang máy toàn thời gian trong ngưỡng dao động từ 7 – 10 triệu đồng, có thể cao hơn tại các thành phố lớn. Rõ ràng, khi thang máy còn là ngành công nghiệp mới nổi thì để xây dựng được chuẩn kỹ năng nghề tương ứng với các mức thu nhập tương xứng là điều không thể một sớm một chiều. Nhưng nếu không làm ngay từ bây giờ thì chúng ta sẽ tụt hậu.
Những kỹ thuật viên thang máy ở các doanh nghiệp khác nhau đã chia sẻ thế này. Có doanh nghiệp thì “trả lương cứng lấy chỗ đi lại” và trả khoán theo khối lượng công việc (2 – 6 triệu đồng/điểm dừng tầng nhân với số điểm dừng tầng). Cũng có không ít doanh nghiệp “siêu nhỏ” chỉ trả phần tiền tính theo khối lượng mà không có lương cứng và thông thường đó là các lao động thuê mang tính “mùa vụ”. Đây cũng là điều khá phổ biến ở Việt Nam và năng lực của những người thợ này thì… hên xui!
Chẳng thế mà trên một diễn đàn thang máy, nơi quy tụ nhiều nhà quản lý doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng có không ít những bài đăng chia sẻ “nỗi đau” của doanh nghiệp khi thuê phải thợ lắp đặt “cẩu thả”. Ngay dưới những bài đăng đó sẽ thấy không ít những bình luận bàn về chuyện chất lượng tương xứng với giá cả:
Một vài bình luận trong một bài đăng “bóc phốt” thợ lắp đặt làm ẩu
Thang máy về cơ bản là một sản phẩm có giá trị cao và thời gian sử dụng tương đối lâu. Chính vì thế nên khách hàng thường cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn sản phẩm và dịch vụ thang máy. Các doanh nghiệp với tư duy kinh doanh chộp giật thường cắt giảm chi phí đến mức tối đa, trong đó bao gồm chi phí nhân công. Và rồi ai biết chất lượng công trình do những doanh nghiệp và kỹ thuật viên dạng này sẽ ở mức như thế nào? Tai nạn xảy ra ai là người gánh chịu?
Người Việt dường như có thói quen sùng bái phương Tây còn cái gì của ta cũng mở miệng là chê. Lý do là tư bản lao động năng suất, chất lượng thu nhập cao còn ta kém năng suất và tay nghề thấp. Nhưng nếu nói thẳng rằng tại sao lao động thang máy của chúng ta kém, chúng ta không tìm cách chuẩn hóa, để lao động trong ngành cùng được nâng cao trình độ kỹ năng và đạo đức, cùng phát triển thì có khi lại tự ái. Người Việt chúng ta luôn tự hào có trí tuệ mà tại sao lại làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, hợp tác để cùng xây dựng tầm vóc lớn hơn cho doanh nghiệp mình, cho ngành thang máy?
Và nếu chuẩn hóa đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ và đãi ngộ người lao động bằng mức thu nhập tương xứng kỹ năng qua chứng chỉ và kinh nghiệm như ngành IT đã làm thì tại sao không nhỉ?
Một người muốn mở hiệu thuốc ở làng cũng cần tối thiểu 1 – 2 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp và được cấp chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp. Thiết nghĩ không chỉ dược sĩ cần có quy định như thế, anh thợ sửa xe hay anh thợ thang máy cũng cần như thế, chỉ khi đó sự an toàn về sức khỏe và tính mạng mới được đảm bảo khi sử dụng những phương tiện giao thông có mức độ nguy hiểm cao như xe cộ, thang máy!
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật