Nhiều người cho rằng, công việc kiểm định không khác gì việc “khám sức khỏe định kỳ” cho thang máy. Chọn “bệnh viện” tốt, gặp “bác sĩ” tốt sẽ biết nhanh chóng và chính xác tình trạng sức khỏe của mình, nếu có bệnh thì được chẩn đoán nhanh, chính xác để có phương án chữa bệnh. Chọn nhầm sẽ tiền mất tật mang, thậm chí nguy tới tính mạng. Vậy người sử dụng làm thế nào để chọn được cho thang máy của mình “bệnh viện” tốt, “bác sĩ” tốt?
Không nhiều khách hàng am hiểu sâu về kỹ thuật, các quy trình kiểm định, chất lượng kiểm định và công việc của cán bộ kiểm định nên họ đặt niềm tin vào các đơn vị kiểm định. Nhưng trong nhiều trường hợp, liệu niềm tin của họ có được đặt đúng chỗ khi đơn vị hoặc cán bộ kiểm định không làm tròn trách nhiệm của mình?
Dán tem kiểm định thang máy
Ông Nguyễn Hồng Sơn – một chuyên gia kiểm định lâu năm chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thang máy một vài “góc khuất” về công tác kiểm định. Về một số hành vi của nhân viên kỹ thuật bảo trì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ông Sơn cho biết đó là việc đấu tắt một số cảm biến hay công tắc an toàn để thang máy tiếp tục hoạt động. Cụ thể, một số cảm biến/công tắc có thể bị tháo bỏ hay mạch an toàn bị đấu tắt khiến thang máy mặc dù vẫn hoạt động nhưng trở nên nguy hiểm. Đó là cảm biến quá tải, công tắc cảnh báo chùng cáp tải, công tắc cảnh báo chùng cáp governor, cảm biến đóng mở cửa cabin,… Những lỗi nguy hiểm trên và các lỗi khác có thể không được phát hiện và cảnh báo nếu đơn vị kiểm định bỏ qua các công đoạn trong quy trình kiểm định, chuyên gia kiểm định thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức thực tế, thiếu trách nhiệm… Sự tắc trách của cán bộ kiểm định nhiều khi trở thành nguyên nhân của những sự cố thang máy nghiêm trọng mà người sử dụng phải gánh chịu.
Còn nữa, giữa các kỳ kiểm định, người sử dụng thang máy cũng phải hoàn toàn đặt niềm tin vào đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành…được đào tạo bài bản, có chửng chỉ. Việc chọn các đơn vị bảo trì, bảo dưỡng làm ăn có tâm cùng đơn vị vận hành có đủ kiến thức, kinh nghiệm sẽ làm tăng tuổi thọ của thang, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Còn nếu gặp các đơn vị làm ăn chụp giật, nhân viên kỹ thuật thiếu đạo đức thì khó lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra…
Để tránh rơi vào những trường hợp như thế, khách hàng trước hết hãy tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về thang máy, những quy định công tác bảo trì, kiểm định thang máy để có thể chọn cho thang máy của mình một “bác sĩ” tốt nhất.
Trách nhiệm của cán bộ kiểm định nhiều khi chỉ gói gọn trong vài từ “đạt” hay “không đạt” khi kết luận về một công đoạn nào đó trong quy trình kiểm định nhưng những từ này lại rất quan trọng vì liên quan tới sự an toàn, tính mạng người sử dụng thang máy. Để hạ bút kết luận vài từ như thế là cả một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thang máy. Đã có không ít trường hợp tai nạn thang máy nghiêm trọng xảy ra như cửa tầng mở mà không có cabin, cửa thang máy kéo ngược chân khách,… hoặc nghiêm trọng hơn là thang rơi dẫn đến chết người,… mà một trong những nguyên nhân là lỗi thiết bị đã không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Kiểm tra tải trọng thang máy trong quy trình kiểm định
Theo thống kê từ Cục An toàn lao động – Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay có 169 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký làm công tác kiểm định, trong đó có các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân với quy mô, thời gian hoạt động khác nhau. Trước một “rừng” đơn vị kiểm định như thế, khách hàng lựa chọn đơn vị kiểm định thế nào để hiệu quả nhất giúp chiếc thang máy của họ luôn an toàn? Chuyên gia kiểm định chia sẻ: “Phân tích, đánh giá thực trạng của một chiếc thang máy với hàng ngàn bộ phận, tổ hợp bộ phận, linh kiện, phần mềm,… khác nhau để đưa ra một quyết định phức tạp thì chuyên gia kiểm định cần trình độ, sự am hiểu, thời gian hành nghề để tích lũy kinh nghiệm và nhiều yếu tố khác. Thực tế tay nghề, năng lực, trình độ, kinh nghiệm của từng nhân viên kiểm định khác nhau. Và trình độ nhân viên, quy mô doanh nghiệp, thâm niên hoạt động, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm định, kiểm định tận tâm, chính xác,… là những yếu tố giúp khách hàng nhận diện đơn vị kiểm định có uy tín, có năng lực, làm việc hiệu quả hay không. Một sự nhận diện, lựa chọn chính xác đơn vị kiểm định có uy tín, có trách nhiệm sẽ giúp khách hàng đạt được mục tiêu là sử dụng một chiếc thang máy an toàn, tin cậy.
Ngoài ra, người sử dụng thang máy hoàn toàn có quyền giám sát kiểm định viên trong quá trình kiểm định, yêu cầu cung cấp quy trình kiểm định do nhà nước ban hành và theo dõi việc hoàn thành quy trình đó. Trong quy trình đã ghi chi tiết, cụ thể từng bước thực hiện, tiêu chuẩn so sánh và đánh giá… Trong một môi trường mà khách hàng có quyền đánh giá và lựa chọn, các đơn vị kiểm định làm việc có trách nhiệm, có tâm, có tầm, luôn hướng tới khách hàng sẽ nhận được sự tin tưởng của họ. Ngược lại, các đơn vị làm ăn chụp giật, làm ẩu, dùng tiểu xảo để cạnh tranh không lành lạnh, đặt quyền lợi của mình lên trên hết sớm muộn cũng bị khách hàng tẩy chay,…
Đó là khẳng định của ông Phạm Hoàng Minh – Phó trưởng Phòng Pháp chế – Thanh tra – Cục An toàn lao động – Bộ LĐ-TB&XH trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Thang máy chiều 20/1/2022. Theo ông Minh, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kiểm định, thanh tra, xử phạt các vi phạm liên quan… đều hướng tới mục tiêu là sự an toàn của người dân. Theo đó, văn bản liên quan tới kiểm định đều khá đầy đủ, trong đó có các Thông tư quy định quy trình kiểm định, quy định các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm định. Vấn đề ở chỗ việc các đơn vị, doanh nghiệp liên quan có thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ, minh bạch hay không.
Công đoạn kiểm tra phanh an toàn trong kiểm định
Ông Minh cho biết, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý một số vi phạm quy trình kiểm định. Trong đó có trường hợp đơn vị kiểm định bỏ bớt công đoạn kiểm định, sử dụng kỹ thuật viên chưa đủ điều kiện tham gia kiểm định hoặc kiểm định viên không đúng lĩnh vực được kiểm định. Ông Minh cũng chia sẻ, việc phát hiện ra các vi phạm quy trình kiểm định qua rà soát hồ sơ kiểm định có hiệu quả rất hạn chế do có thể các đơn vị kiểm định tìm cách hợp thức hóa hồ sơ.
“Cán bộ kiểm định được giao trọng trách đánh giá một phương tiện vận chuyển liên quan tới sự an toàn của nhiều người mà có thể do vô tình để sót các lỗi gây ra các hậu quả nghiêm trọng thì họ phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn những người hiểu được tầm quan trọng công việc của mình nhưng cố ý làm sai, vi phạm quy trình kiểm định thì ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật, họ không xứng đáng với cương vị của một chuyên gia kiểm định! Theo Khoản 97, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH1397, sửa đổi, bổ sung Điều 295 thì người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác tùy theo mức độ thiệt hại sẽ bị phạt tiền, phạt cải tạo hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm…”, ông Minh nói. Để khắc phục tình trạng này, tăng cường hiệu quả giám sát công tác kiểm định, ông Minh cho rằng cần bổ sung một số quy định, theo đó, một số công đoạn trong quy trình kiểm định phải có các video và ảnh chụp kèm theo để lưu hồ sơ.
Với mục tiêu giúp người dân có thêm kiến thức đa chiều về thang máy, giúp họ có thể sử dụng đúng cách và giám sát các công việc liên quan tới thang máy như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện, kiểm định,… ông Phạm Hoàng Minh cho rằng ngoài việc các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các văn bản liên quan thì truyền thông là phương pháp tốt nhất hiện nay. Theo đó có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan báo chí. Cụ thể Tạp chí Thang máy vừa là cơ quan phổ biến kiến thức liên quan tới thang máy vừa cùng Hiệp hội Thang máy Việt Nam là cầu nối giữa người dân, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cơ quan chức năng để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà mục tiêu cuối cùng là sự an toàn của người dân, sự phát triển của doanh nghiệp.
Nếu người dân, người sử dụng thang máy nghi ngờ chất lượng các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, cứu hộ… vui lòng liên hệ Đường dây nóng Hiệp hội thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy – Số điện thoại: 02473099868; Email: contact@vnea.com.vn hoặc contact@tapchithangmay.vn
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật