TCTM – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA), ông Nguyễn Huy Tiến mong muốn Hiệp hội sẽ trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp thang máy và các doanh nghiệp ngoài ngành, từ đó xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp “cùng sống, cùng thịnh vượng”.
Ngày 30/8/2022, Ông Nguyễn Huy Tiến đã có chuyến thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Liên doanh ALPEC tại KCN Phố Nối A (Hưng Yên).
Được biết, công ty Cổ phần liên doanh ALPEC được thành lập từ năm 2005, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các sản phẩm thang máy, thang cuốn, băng tải chuyển chở người và hàng hóa, hệ thống đỗ xe tự động,… tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Huy Tiến (ở giữa) thăm và làm việc tại nhà máy sản xuất của ALPEC
Với nhà máy quy mô lớn, mô hình hiện đại trên tổng diện tích gần 30.000 m2 tại KCN Phố Nối A, ALPEC có thể đạt sản lượng 2.000 thang máy/năm với các chủng loại sản phẩm đa dạng. Kể từ năm 2020, sau 15 năm thành lập và phát triển sản phẩm, cung cấp sản phẩm thang máy cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu, ALPEC đã mạnh dạn tái cấu trúc và xác định hướng phát triển chiến lược là trở thành một doanh nghiệp OEM (Original Equipment Manufacturer) – nhà sản xuất thiết bị gốc cung cấp cho các đơn vị dịch vụ khác.
Có thế mạnh về nguồn lực, ALPEC xác định hướng phát triển chiến lược là trở thành một doanh nghiệp OEM, tập trung vào sản xuất thiết bị và sản phẩm thang máy
Mô hình OEM này vốn rất phổ biến trên thế giới. Các đơn vị nghiên cứu và phát triển dịch vụ gia tăng giá trị cho các sản phẩm được đặt hàng sản xuất từ các doanh nghiệp OEM, từ đó tạo nên một mô hình phát triển song song, không tạo nên cạnh tranh mà tập trung chuyên môn của từng đơn vị.
Ông Hoàng Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Liên doanh ALPEC chia sẻ: Chỉ cần các đối tác có thiết kế, tiêu chuẩn thông số, yêu cầu nguyên vật liệu,… thì ALPEC đều có thể sản xuất và đáp ứng. Với quy mô và đội ngũ nhân lực tay nghề cao, thời gian sản xuất của ALPEC cũng đảm bảo được tối ưu, có những sản phẩm thang máy không yêu cầu phức tạp, chúng tôi có thể hoàn thành sản xuất trong 10 ngày sau khi nhận đặt hàng.
Ông Hoàng Thế Duy chia sẻ về định hướng chiến lược của ALPEC
Nhận thấy tiềm lực sản xuất của ALPEC nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất thang máy tại Việt Nam là rất lớn nhưng chưa phát triển được mạnh, chưa tạo lập được niềm tin ở thị trường khi khách hàng vẫn có xu hướng “sính ngoại”, ông Nguyễn Huy Tiến hy vọng thời gian tới Hiệp hội sẽ trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp thang máy và các doanh nghiệp ngoài ngành, từ đó xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp “cùng sống, cùng thịnh vượng”.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Tiến đã chia sẻ mong muốn kết nối các doanh nghiệp tạo nên “hệ sinh thái ngành thang máy”
Chia sẻ về mong muốn này, ông Tiến cho biết có nhiều doanh nghiệp xây dựng mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp thang máy để đẩy mạnh chiến lược “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, ngoài ra cũng có nhiều doanh nghiệp phụ trợ mong muốn thúc đẩy ngành sản xuất thang máy, từ đó tạo nên hệ sinh thái chung của ngành thang máy.
Nhận thấy đây cũng là một trong các mục tiêu VNEA hướng đến, ông Nguyễn Huy Tiến đã đề cập đến nội dung này trong chuyến thăm và làm việc tại công ty ALPEC, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này rất tán thành và mong chờ những sự kết nối trong tương lai.
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật