TCTM – “Qua quá trình làm việc thực tế, chúng ta hướng tới những cách làm hay hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nói túm lại, tui gọi nó là tiểu xảo nghề nghiệp. Mỗi một công việc lại có những tiểu xảo riêng, mỗi người thợ lại có một mánh riêng.” Đó là nhận định của một thợ kỹ thuật ô tô, như một khẳng định rằng kinh nghiệm luôn mang đến lợi thế cho người làm nghề kỹ thuật. Liệu với nghề bảo trì thang máy, điều này có đúng?
Một chủ đề được đưa ra và nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp cũng như “chấm hóng” của giới kỹ thuật: Bạn có tiểu xảo nghề nghiệp nào muốn chia sẻ cho người cùng nghề không?
Ví như một “thiết bị” nhỏ nhưng có võ như bao cao su (vốn là một biện pháp giúp giảm rủi ro mang thai ngoài ý muốn ở phụ nữ và tránh lây lan bệnh xã hội khi quan hệ tình dục) cũng được góp mặt trong nhóm những tiểu xảo từ kinh nghiệm cá nhân này.
Dù vậy, kinh nghiệm không phải lúc nào cũng đúng. Dù kinh nghiệm đó có thể hiện được hiệu quả trong công việc nhưng cũng có những “món” kinh nghiệm được sử dụng như một mánh lới trong công việc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điển hình với nghề thang máy, độc giả có thể tham khảo: Tiểu xảo nghề thang máy
Và liệu rằng với nghề bảo trì thang máy, kinh nghiệm chiếm ưu thế như thế nào và có cơ hội nào cho những lao động trẻ chưa có kinh nghiệm?
Tính chất của thang máy là một thiết bị kỹ thuật phức tạp và công nghệ cao, thường xuyên được nâng cấp. Tại Việt Nam, thang máy phổ biến được khoảng hơn 30 năm trở lại đây, khoảng thời gian này cũng chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ thang máy khác nhau. Điều đó có nghĩa ngoài những dòng thang máy hiện đại sản xuất gần đây thì ngành dịch vụ thang máy còn cần đảm nhiệm việc bảo trì, sửa chữa của những chiếc thang máy có tuổi đời đã lâu.
Một công trình thang máy được lắp đặt từ 1996 và hồ sơ bảo trì bắt đầu từ 1997, đã qua 25 năm nhưng chiếc thang này vẫn hoạt động tốt nhờ công tác bảo trì đầy đủ
Ngoài ra, thị trường thang máy hiện nay cũng đa dạng về sản phẩm. Chính từ thực tế này, các đơn vị/kỹ thuật viên bảo trì kế tiếp các công trình thang máy cũ thường gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết tình trạng cũng như các kỹ thuật thực hiện cho từng công trình.
Do đó, nhiều người nhận định rằng đối với lao động bảo trì thang máy, kinh nghiệm chính là ưu thế của người lao động.
Nhận định này cũng không hoàn toàn sai bởi lẽ đây được ví như nghề “bác sĩ của thang máy”. Kinh nghiệm cho phép kỹ thuật viên có khả năng phán đoán tình huống, có các phương án phòng ngừa hiệu quả hơn cho “bệnh nhân”. Ngoài ra, với những công trình thang máy cũ có các tính năng, kỹ thuật đã lỗi thời nhưng chưa thể thay thế thì kỹ thuật viên có kinh nghiệm cũng sẽ đảm nhiệm tốt hơn.
Hệ thống tủ điện của chiếc thang máy từ năm 1996, nhiều linh kiện không còn trên thị trường để thay thế, đòi hỏi kỹ thuật viên bảo trì có kinh nghiệm đảm nhiệm
Tuy nhiên, nếu kiến thức nền tảng không đúng, không có quy chuẩn về phương pháp làm việc, quy chuẩn về kỹ thuật thì kinh nghiệm lại mang đến những nguy cơ sai phạm nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe, an toàn tính mạng của người dùng thang máy. Chỉ khi đã làm chuẩn, kinh nghiệm mới cho phép chúng ta cải tiến công việc hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng tốt hơn theo cách minh bạch và lành mạnh.
Triết lý ấy có lẽ đúng với mọi lĩnh vực, không ngoại trừ phát triển nghề nghiệp. Hãy cùng xem tháp năng lực dưới đây:
Có thể khẳng định rằng, đào tạo mới là vấn đề nền tảng cốt lõi. Chỉ có đào tạo chuẩn chỉ ngay từ gốc rễ kết hợp với kinh nghiệm tích lũy mới có thể khiến một người lao động phát triển tốt năng lực. Ngoài ra, vì kỹ thuật và công nghệ luôn có sự vận động, đổi mới nên việc đào tạo bổ sung, định kỳ nhằm cập nhật kiến thức, những thay đổi về quy chuẩn kỹ thuật cũng vô cùng quan trọng.
Kinh nghiệm thực tiễn và khả năng học hỏi, đổi mới kiến thức đều phụ thuộc vào cá nhân người lao động, là những giá trị cần nhưng không thể bắt buộc. Biết rằng nhân lực luôn là vấn đề cốt lõi quyết định thành bại của mọi doanh nghiệp, chính vì thế, nền tảng vững chắc mới là bàn đạp tốt nhất để doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ. Và điều đó nằm trong phần kiến thức có thể đào tạo được.
Kiến thức cơ bản ngành thang máy bao gồm: 1. Tổng quan về thang máy; 2. Khí cụ điện trong thang máy; 3. Căn chỉnh cơ khí; 4. Kỹ năng sử dụng thiết bị đo; và 5. An toàn lao động. Kiến thức này có thể được đào tạo từ nhà trường hoặc các lĩnh vực kỹ thuật tương đồng.
Còn kiến thức chuyên sâu từng dòng sản phẩm sẽ liên quan đến chương trình điều khiển, thiết kế cơ khí, thông số kỹ thuật, linh kiện, thiết bị, các tính năng nâng cao,… Phần nội dung này sẽ phụ thuộc trực tiếp vào sản phẩm do doanh nghiệp cung cấp, vì thế người lao động cần được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp.
Ngay cả với những kỹ thuật viên có thâm niên khi chuyển công tác từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác thì vẫn phải được đào tạo lại về kiến thức chuyên sâu từng dòng sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp thang máy thường chỉ lựa chọn 1 – 2 dòng công nghệ thang máy để sản xuất hoặc phân phối, đồng nghĩa nhân sự cũng chỉ có trải nghiệm chuyên biệt cho những dòng này để bảo trì, sửa chữa dựa trên các sản phẩm của doanh nghiệp mình từng làm việc.
Nếu doanh nghiệp từ chối đầu tư chi phí đào tạo, chỉ chờ đợi vào năng lực tự thân từ người lao động thì sẽ khó có được đội ngũ bền vững, am hiểu và tạo dựng được niềm tin với khách hàng.
Cũng không phải các doanh nghiệp không muốn đầu tư, mà sự ngần ngại phát sinh từ rủi ro lãng phí chi phí và thời gian đào tạo. Nhiều người lao động sau khi được đào tạo và thực hành tương đối vững tay nghề, muốn nâng cao mức thu nhập tương xứng với trình độ nhưng thay vì chứng minh năng lực và đề xuất mong muốn, họ “nhảy việc”. Ngoài ra, phải chăng văn hóa lao động tự do tại Việt Nam cũng phổ biến, đồng thời sự thiếu hụt quy định hành nghề đối với lao động tự do, sự “thoải mái” của nhiều khách hàng khiến cho nhiều người lao động khi đã tương đối chắc tay nghề lại lựa chọn đi làm tự do, nhận hợp đồng trực tiếp từ người sử dụng thang máy thay vì gắn bó với một doanh nghiệp.
Đây là bài toán khó với các doanh nghiệp trong việc xây dựng các chế độ nhằm giữ chân lao động, tránh thất thoát chi phí đầu tư ban đầu.
Chia sẻ từ một Trưởng phòng Đào tạo Kỹ thuật của một doanh nghiệp dịch vụ thang máy thì đối với nhân viên mới tuyển dụng đều được đào tạo tùy theo kinh nghiệm và kiến thức:
Từ bảng so sánh, các doanh nghiệp có thể thấy một so sánh tương quan giữa ưu – nhược điểm để doanh nghiệp tính toán chi phí đầu tư so với thành quả về nhân sự thu về.
Và tiếp đó, người lao động có sẵn sàng học hỏi một lĩnh vực mới, cùng đó là cam kết gắn bó xứng đáng với chi phí đào tạo mà doanh nghiệp đầu tư.
Đã có những sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng hướng đến sinh viên khi ra trường đã được thực hành thực tế, qua đó có được những kinh nghiệm thực tiễn nhất định đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng giảm đi nhiều chi phí đầu tư vào quá trình đào tạo nhân sự mới.
Tuy nhiên, lao động kỹ thuật thang máy không nhất thiết tất cả đều từ các trường đào tạo nghề (trung cấp, cao đẳng, đại học) mà từ trình độ phổ thông hoặc từ các lĩnh vực kỹ thuật khác chuyển ngành sang cũng không ít. Phải chăng cần có những chương trình đào tạo như một loại chứng chỉ hành nghề tạo nên cam kết về năng lực của người lao động. Khi đó, cơ hội để doanh nghiệp và người lao động có niềm tin với nhau chắc hẳn sẽ có căn cứ hơn, rủi ro về lãng phí nguồn đầu tư từ doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể.
Hình thức này cũng giúp khách hàng ký kết hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng với người lao động tự do có căn cứ về năng lực của người lao động, tránh tình huống “tiền mất tật mang” khi thuê phải thợ không có năng lực.
Năng lực của người lao động sẽ không còn “vô minh” nếu có một chương trình đào tạo và sát hạch chuẩn mực
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật