TCTM – Là một trong những ngành gián tiếp bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” của thị trường bất động sản, ngành thang máy được cho là chưa thực sự “thấm đòn” ở giai đoạn hiện tại. Vậy bức tranh tương lai khi ngành di chuyển thẳng đứng thực sự tới cơn “bĩ cực” sẽ ra sao?

Nhiều doanh nghiệp thang máy cho rằng thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của ngành kể từ khi vào nghề, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với giai đoạn khủng hoảng năm 2008-2014 trước đây.

Tuy nhiên, theo độ trễ của sự ảnh hưởng lan tỏa từ bất động sản, phải tới quý II/2024 mới là thời điểm “bĩ cực” nhất của ngành thang máy. Vậy bức tranh của ngành di chuyển thẳng đứng khi ở “điểm rơi” thực sự sẽ như thế nào?

Theo thống kê mới đây về thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng, dự án phát triển nhà ở thương mại trong quý I/2023 có 14 dự án, số lượng dự án bằng khoảng 50% so với quý IV/2022 và bằng 63% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, tại miền Bắc có 9 dự án, miền Trung có 3 dự án và tại miền Nam chỉ vỏn vẹn với 2 dự án.

Điều này cũng xảy ra tương tự với số lượng dự án đang xây dựng khi miền Bắc có 435 dự án, tại miền Trung có 157 dự án, tại miền Nam có 106 dự án.

Tổng cả nước năm 2023 có 698 dự án, số lượng dự án tăng 149,79% so với quý IV/2022 và chỉ bằng khoảng 57,4% so với với quý cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, rơi vào cảnh èo uột nhất là dự án được cấp mới khi cả nước có 17 dự án, số lượng dự án được cấp phép mới bằng khoảng 77,27% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 43,59% so với quý I/2022.

Trong khi miền Bắc có tới 9 dự án thì miền Nam lại chỉ có 3 dự án, miền Trung 5 dự án.

Nguồn cung nhà ở thương mại qua các quý.

Thống kê trên cho thấy, đây là những con số đáng báo động khi số lượng các dự án phát triển quá thấp so với cùng kỳ của các năm gần đây, thậm chí thấp hơn cả giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19.

Là một trong những toa tàu trên con tàu do bất động sản làm đầu kéo, có thể nói rằng, doanh nghiệp thang máy trong thời gian tới mới thực sự bước vào giai đoạn “ngấm đòn”.

Với số dự án được cấp mới “nhỏ giọt”, ngay khi hoàn thành xong việc lắp đặt thang mới tại các dự án đang xây dựng, nhiều doanh nghiệp thang máy có thể sẽ rơi vào cảnh “hết việc để làm”. Doanh thu bị bó hẹp vào nguồn thu từ bảo trì, sửa chữa thang cũ. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp chuyên cung cấp thang cho các tòa nhà cao tầng.

Không chỉ với doanh nghiệp chuyên cung cấp thang cho tòa cao ốc, các doanh nghiệp lắp đặt các dòng thang máy gia đình, đặc biệt là phân khúc cao cấp, cũng sẽ rơi vào cảnh ảm đạm hơn khi phần lớn khách hàng có xu hướng quay về tích lũy tài sản để vượt qua thời kỳ khó khăn thay vì xuống tiền cho những thiết bị đắt đỏ, xa xỉ.

Cũng chính từ đây, tình trạng khan hiếm đơn hàng lắp đặt thang mới ở hầu hết các phân khúc sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các nhà thầu cung cấp thang còn trở nên gay gắt, khắc nghiệt hơn.

Và trước khi nghĩ tới những chuyện cao xa hơn, để sống sót trong thời buổi “thóc cao gạo kém”, có việc cho công nhân viên, có doanh thu cho đơn vị và “để sống”, nhiều doanh nghiệp sẽ lao vào giành giật dự án, tìm mọi cách để trúng thầu mà phổ biến nhất là chiêu thức cạnh tranh bằng giá. Doanh nghiệp chấp nhận làm vơi lợi nhuận siêu mỏng, làm hòa vốn, thậm chí dưới giá vốn.

Có thể nói rằng, các doanh nghiệp thang máy trong khoảng 4 năm qua đã phải trải qua đủ các tai ương, từ dịch bệnh hoành hành, kinh tế biến động, tới sự đi xuống của thị trường bất động sản,… Tất cả những tai ương này dường như đã bào mòn sức lực của phần lớn các doanh nghiệp thang máy.

Song, những tai ương này chưa phải là tất cả, khó khăn vẫn đang chờ ở phía trước. Thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy lao động, nỗ lực giảm giá để bán hàng, tập trung vào các mảng kinh doanh ngách,… là các giải pháp tạm thời đã được nhiều doanh nghiệp trong ngành thang máy cũng như các lĩnh vực khác áp dụng.

Ở góc nhìn của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quốc tế, trao đổi tại talkshow với chủ đề “Thích ứng trong hành động” diễn ra hồi cuối năm 2022, ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam chỉ ra có 6 việc mà doanh nghiệp nên làm trong bối cảnh hiện nay để vượt qua khó khăn.

Ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam.

Thứ nhất, với những doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền thì nên tập trung tái cấu trúc để đảm bảo thích ứng trong tương lai.

Thứ hai, doanh nghiệp chú trọng về vấn đề nhân sự, tuyển dụng và giữ gìn nhân tài, cần cố gắng nhận diện ra nhân sự tạo ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, giữ họ ở lại trong doanh nghiệp nhằm mục tiêu phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chú trọng bảng cân đối kế toán, tình hình thanh khoản, dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là hướng đi tốt bởi quan trọng nhất vẫn là dòng tiền, đấy mới là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, đảm bảo tính thanh khoản ổn định.

Thứ tư, doanh nghiệp cần trả lời một số câu hỏi liên quan đến nguồn vốn, tại sao cần nguồn tiền này, tại sao phải đến ngân hàng. Bởi vì nếu doanh nghiệp đang hoạt động với biên lợi nhuận 10%, khi sử dụng 12% thì doanh nghiệp đang làm ăn lỗ với mỗi đồng doanh thu tạo ra.

Thứ năm, doanh nghiệp cần củng cố hoạt động quản lý ngân quỹ. Trên toàn cầu, đây là hoạt động quan trọng nhất, đảm bảo công ty có nguồn vốn để hoạt động hay không. Trong quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ tại Việt Nam, chuyên gia này đánh giá quá trình quản lý ngân quỹ của doanh nghiệp còn hạn chế.

Doanh nghiệp cần làm tốt hoạt động này để đảm bảo khả năng thanh khoản, nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến lãi vay, và rủi ro quản lý ngân quỹ khác nhằm đảm bảo khả năng hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Thứ sáu, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình định hướng chiến lược, có thể dự báo trước những biến động và các tình huống có thể xảy ra, sự bất thường của thị trường để có kịch bản ứng phó.

Như vậy, đứng trước những biến động khó lường của nền kinh tế trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong ngành thang máy nói riêng cần phải tích cực tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuẩn bị những kịch bản ứng phó, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro.

Các doanh nghiệp thang máy cần nâng cao khả năng tự thân vận động, duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng  gió”.

Đặc biệt, các doanh nghiệp thang máy cần lưu ý đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Thang máy Việt Nam để cùng với chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh.

Để có thể vượt qua giai đoạn đầy thách thức, điều quan trọng hơn hết chính là bản thân doanh nghiệp cần phải chủ động, linh hoạt. (Ảnh: CNN).

Từ đó hiệp hội sẽ trở thành đầu mối tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp hội viên.

Cổ nhân có câu “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, nghĩa là sự việc đi đến tột cùng sẽ làm nảy sinh biến hóa, biến hóa sẽ hành thông và nhờ hanh thông mà được lâu dài.

Thị trường nói chung cũng như ngành thang máy nói riêng đang ở trong cảnh khốn cùng, đây cũng chính là thời điểm kích hoạt quá trình biến hóa của các doanh nghiệp. Song sự biến hóa này của doanh nghiệp cần phải vượt qua được “khúc cua sinh tử” và những ai bước qua được ắt sẽ trở nên bền vững hơn.

Tác giả: Phương Trang
Thiết kế: Trịnh Giang