TCTM – Những tác động tiêu cực từ thị trường xây dựng – bất động sản trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp thang máy rơi vào cảnh “chao đảo”, song thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự là “điểm rơi” tăng trưởng của ngành thang máy – thời điểm khó khăn nhất.

Nhìn vào nền kinh tế chung trong thời gian qua, cụ thể hơn là quý I/2023, có lẽ không cần đến những con số thống kê chi tiết về toàn bộ hoạt động của mọi lĩnh vực, mỗi người trong chúng ta đều có thể cảm nhận được “mây mù” đang bao phủ lên nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp trì trệ, thất nghiệp gia tăng, tiêu dùng suy yếu và đặc biệt là thị trường xây dựng – bất động sản lại chìm trong “bão lớn”.

Bức tranh thị trường bất động sản và ngành xây dựng những tháng đầu năm 2023 trầm lắng. Việc đầu tư lớn, mở rộng quy mô dự án một cách nhanh chóng từng được coi là con đường phát triển, thước đo của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong suốt nhiều năm qua.

Song giờ đây, mục tiêu chính của hầu hết các chủ đầu tư địa ốc lại chỉ là “tồn tại”, “sống sót” để vượt qua “cơn bĩ cực”.

Việc triển khai các dự án bất động sản gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề pháp lý, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, giao dịch giảm, tính thanh khoản của các sản phẩm rơi vào cảnh ảm đạm khiến dòng tiền của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành bị tắc nghẽn.

Kế hoạch tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp xây dựng – bất động sản không còn được “tô hồng” như trước đây (Ảnh: Zing)

Mùa đại hội cổ đông đầu năm 2023 của nhiều doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng không còn được bút toán với các khoản thu tài chính như các năm trước đây. Nhiều doanh nghiệp báo lỗ, kết quả kinh doanh sụt giảm và kế hoạch tăng trường cho năm nay cũng chẳng còn được “tô hồng”.

Điển hình như Tập đoàn Novaland, theo báo cáo tài chính quý I/2023, doanh thu hợp nhất của Novaland giảm 69% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 604 tỷ đồng; hay CTCP Đầu tư BĐS Phát Đạt lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 22 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng ghi nhận doanh thu quý giảm 79% so với cùng kỳ, đạt 378 tỷ đồng.

“Cơn bão lớn” của thị trường bất động sản không những tác động tới chính doanh nghiệp phát triển dự án mà còn tác động mạnh tới những doanh nghiệp có liên hệ mật thiết như nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.

Không ít nhà thầu chính, thầu phụ đều đã “ngấm đòn”, theo số liệu của Bộ Xây dựng, hết quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3%, nguyên nhân chủ yếu là do không có đơn hàng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao.

Điển hình như trong quý I/2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chứng kiến quý thua lỗ thứ hai liên tiếp, sau khi lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2022. Cụ thể, quý đầu năm, Xây dựng Hòa Bình báo lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.194 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.

Quý I/2023 cũng là quý thua lỗ thứ hai liên tiếp của CTCP Hưng Thịnh Incons kể từ khi lên sàn. Theo đó, doanh thu thuần quý I của công ty giảm 71% so với cùng kỳ, xuống 429 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 17,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 43,2 tỷ đồng.

Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngành bất động sản đóng góp khoảng 13,6% GDP. Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn có khả năng lan tỏa đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác, góp phần phát triển đồng bộ nền kinh tế.

Khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của bất động sản tăng 1.000 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 191 tỷ đồng.

Như vậy, theo chiều ngược lại, khi bất động sản “đứng hình”, cũng giống như “đầu kéo” của nhiều ngành nghề phụ trợ khác bị khựng lại. Đầu kéo khựng lại thì toàn bộ phía sau sẽ bị dồn toa và ngành thang máy là một trong những toa tàu ấy.

Nhiều doanh nghiệp thang máy rơi vào tỉnh cảnh khó khăn trong thời gian qua. (Ảnh: Conection Elevator)

Cùng với việc bất động sản đóng băng, xây dựng gặp khó và cầu tiêu dùng suy yếu thì những nhà thầu thi công hoàn thiện như ngành thang máy cũng rơi vào “ách tắc”. Từ việc nhu cầu lắp đặt thang mới suy giảm, doanh thu và mục tiêu lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng bị ảnh hưởng không ít.

Không chỉ chịu cảnh sụt giảm doanh thu, tình trạng khan hiếm đơn hàng lắp đặt thang mới còn khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thang máy trở nên gay gắt hơn.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, khi các chính sách gỡ khó của Chính phủ thâm nhập nhanh và tác động mạnh tới các đối tượng trên thị trường thì đà phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn, cụ thể theo các dự báo gần đây, thời điểm phục hồi sớm nhất là cuối năm 2023.

So với giai đoạn khủng hoảng giai đoạn 2008-2014, ngành bất động sản được dự báo sẽ phục hồi nhành hơn nhờ vào những động thái về chính sách của Chính phủ (Biểu đồ: Batdongsan.com.vn)

Chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 diễn ra sáng 11/4, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản sẽ tốt hơn trong quý II/2023 nhưng sẽ chưa thể có những chuyển biến mạnh mẽ.

“Chính sách có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và thông thường chỉ có độ trễ khoảng hai quý. Dự báo với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều thị trường bất động sản sẽ rơi vào quý IV/2023 hoặc muộn hơn là vào giữa năm 2024. Lúc này, lượng hàng tồn kho trên thị trường sẽ giảm mạnh”, ông Quốc Anh nhận định.

Như vậy, thời điểm khó khăn nhất của bất động sản đang dần qua, song những ngành nghề liên quan như ngành thang máy liệu đã thực sự phải trải qua thời kỳ khó khăn nhất?

Cùng với sự “đóng băng” của ngành xây dựng – bất động sản, doanh nghiệp thang máy cũng rơi vào cảnh “hiểm nghèo”. Nhiều ông lớn trong ngành thang máy Việt cũng cho rằng thời điểm này còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với giai đoạn khủng hoảng năm 2008-2014 trước đây.

Không thể phủ nhận những khó chồng khó của ngành thang máy trong thời qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, hiện tại vẫn chưa thể được coi là “điểm rơi” thực sự của ngành thang máy.

Bất động sản thực chất chính là phần lõi của một hệ sinh thái quy mô lớn. Phần lõi này gồm nhiều chu trình khác nhau, được bao bọc bởi nhiều lớp và có tác động lan tỏa rộng rãi.

Khi gặp một cơn địa chấn, phần lõi này sẽ là bộ phận bị rung động đầu tiên, sau đó sẽ lan tỏa tới các lớp bao bọc xung quanh. Và sự tác động lan tỏa của phần lõi này đều có độ trễ nhất định, đặc biệt là khi tác động tới ngành thang máy.

Có thể thấy rõ, thời gian qua, dù cho ngành xây dựng – bất động sản chạm “đáy”, bên cạnh công việc bảo trì, sửa chữa thang cũ khá ổn định, các doanh nghiệp thang máy vẫn có thể “sống sót” nhờ vào việc lắp đặt thang máy tại các công trình đang xây dựng và mới hoàn thành.

Như vậy, “điểm rơi” thực sự của ngành thang máy vẫn còn đang nằm ở phía trước. Theo đánh giá của chuyên gia thang máy, thường sự tác động ảnh hưởng của ngành xây dựng – bất động sản tới lĩnh vực thang máy là khoảng 1 – 2 năm.

Bất động sản ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế (Ảnh minh họa: Thanh niên)

Cụ thể, một dự án xây dựng quy mô tầm trung thường kéo dài trong khoảng 2 – 4 năm. Trong khi đó, thang máy là một trong những hạng mục thi công hoàn thiện.

Như vậy, khi các dự án xây dựng – bất động sản được gỡ khó không đồng nghĩa với việc ngành thang máy sẽ phục hồi ngay sau đó. Và ngược lại, “điểm rơi” của ngành thang máy cũng sẽ không trùng với thời điểm xây dựng – bất động sản rơi đáy.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như chia sẻ của các chủ doanh nghiệp trong thời gian gần đây, hiện tại là thời điểm khó khăn nhất của ngành xây dựng – bất động sản. Thời điểm đón nhận tín hiệu đảo chiều sớm nhất cũng được dự báo sẽ diễn ra vào cuối 2023 – đầu 2024.

Dựa vào những phân tích trên, “điểm rơi” thực sự của ngành thang máy sẽ vào thời điểm quý II/2024.