Hai người bị thiệt mạng thương tâm trong quá trình sửa chữa thang máy. Những người liên quan tới vụ việc đang phải giải trình với các cơ quan chức năng và đối diện nguy cơ cao vướng vòng lao lý. Gia đình các nạn nhân với nỗi đau khôn cùng mất người thân, mất lao động trụ cột trong gia đình… Những sự việc bi thảm ấy hoàn toàn có thể sẽ không xảy ra nếu các quy định an toàn được thực hiện nghiêm túc.
Những vụ tai nạn thảm khốc
Tối 25/5, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại căn nhà 7 tầng trong ngõ 523 Kim Mã (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đang trong quá trình sửa chữa, cải tạo. Cabin thang máy từ tầng 7 rơi tự do khiến 2 người thợ đang làm việc trên nóc cabin và trong hố PIT thang máy đã tử vong. Công an quận Ba Đình đã xác định được danh tính hai nạn nhân tử vong, đều là công nhân kỹ thuật của một công ty dịch vụ thang máy.
Căn nhà – hiện trường vụ tai nạn tại ngõ 523 Kim Mã – Hà Nội
Đầu tháng 5/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong lúc một nhân viên kỹ thuật 28 tuổi, quê ở Hải Dương, đang sửa cáp thang máy thì người đồng nghiệp (26 tuổi, quê Tiền Giang) bước vào thang khiến thang quá tải rơi xuống từ lầu 7. Tai nạn khiến 2 nhân viên kỹ thuật bị chấn thương cột sống, nhập viện trong tình trạng đau đớn, liệt hoàn toàn 2 chân.
Một vụ tai nạn khác trong quá trình lắp đặt thang máy xảy ra vào cuối tháng 4/2022, khiến một nhân viên kỹ thuật quê ở tỉnh Hưng Yên bị tử vong.
Trước đó, vụ rơi vận thăng lồng tại công trình xây dựng Sở Tài chính Nghệ An chiều 2/1/2021 đã khiến 3 người tử vong, 8 lao động khác bị thương tích từ 76 – 95%.
Các vụ tai nạn kể trên đều rất nghiêm trọng và đều liên quan đến việc thực hiện chưa đúng hoặc coi thường các quy định, quy trình an toàn lao động. Tuy nhiên, còn có những vụ tai nạn khác có mức độ nghiêm trọng khác nhau được bên thuê dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình nạn nhân tự thỏa thuận bồi thường mà dư luận không thể tiếp cận… Động thái này khiến các thống kê về tai nạn lao động bị sai lệch, dẫn tới thiếu tín hiệu cảnh báo về mức độ nghiêm trọng tới cộng đồng.
Những lỗ hổng chết người về an toàn lao động
Theo thống kê, năm 2021 toàn quốc đã xảy ra hơn 6 nghìn vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công. Trong số các tai nạn, người chết, người bị thương, thiệt hại vật chất…, có những tai nạn thang máy.
Về vụ tai nạn tại nhà số 12 trong ngõ 523 Kim Mã, theo nguồn tin riêng của Tạp chí Thang máy, vào đầu tháng 5/2022, người thuê nhà đã ký hợp đồng thuê Công ty Safety Việt Nam “nâng tầng thang máy” tại ngôi nhà trên và tai nạn đã xảy ra.
Chuyên gia Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy nhận định, nâng tầng thang máy là công việc rất phức tạp, thậm chí còn phức tạp hơn cả lắp đặt một chiếc thang máy mới. Vì công việc này liên quan tới nhiều thiết bị, linh kiện quan trọng của thang máy. Chẳng hạn phải tính toán tới công suất máy kéo, thay cáp tải, nối dài ray dẫn hướng, nối dài giếng thang, xử lý hố PIT và nhiều hạng mục công việc kỹ thuật khác…
Với hàng loạt công việc phức tạp như vậy, đòi hỏi nhân viên kỹ thuật có trình độ cao, có kinh nghiệm và các thiết bị hỗ trợ an toàn tương ứng. Trong khi đó, hai nhân viên kỹ thuật làm việc cùng lúc ở 2 vị trí nguy hiểm khác nhau nhưng không có người hỗ trợ là sai quy trình và biện pháp đảm bảo an toàn. Qua hình ảnh cho thấy các nhân viên kỹ thuật đang tiến hành thay cáp tải nhưng dụng cụ neo chốt cabin thô sơ, không đảm bảo đã dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Có thể khẳng định rằng, nhân viên kỹ thuật thang máy phải làm việc trong các điều kiện rất nguy hiểm.
Thứ nhất, nhân viên kỹ thuật thang máy làm việc tại không gian chật hẹp trong giếng thang, hố PIT, cabin, phòng máy…, làm việc trên cao với các thiết bị cơ khí, thiết bị điện, cáp, đều tiềm ẩn nguy hiểm tới tính mạng. Thực tế, thang máy thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhưng việc thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động hay không lại là một vấn đề rất khó kiểm soát.
Thứ hai, chưa có các quy định cụ thể cho các doanh nghiệp khi tuyển nhân viên kỹ thuật. Chẳng hạn quy định về trình độ, tay nghề, chứng chỉ các khóa đào tạo của nhân viên kỹ thuật…Từ lâu tồn tại tình trạng có không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật nhưng tuyển nhân viên trình độ kém hoặc lao động phổ thông vào làm việc thời vụ. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều vụ việc tai nạn thang máy.
Thứ ba, việc kiểm soát các quy định, quy trình an toàn đối với các công việc liên quan tới thang máy dường như chưa được coi trọng và gặp rất nhiều khó khăn. Trái với thang máy chung cư, thang máy trong các nhà ở riêng lẻ gần như không được quản lý.
Ngoài ra, kiểm định thang máy là quy định bắt buộc theo Luật, nhưng đối với nhà dân, đa số chỉ yêu cầu sửa chữa, bảo dưỡng khi có sự cố, hỏng hóc. Không ít gia đình coi thường việc bảo trì, kiểm định. Và rất khó để theo dõi những thang máy này của nhà dân có được kiểm định hay không.
Làm gì để góp phần ngăn chặn, hạn chế tai nạn lao động ngành thang máy?
Luật An toàn lao động 2015 quy định rõ việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Xét xử vụ rơi vận thăng lồng tại Nghệ An tháng 1/2022
Cùng với đó, Điều 295 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người như sau:
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cùng với các quy định, chế tài liên quan tới an toàn lao động, việc phân tích tích kỹ lưỡng, công bố rộng rãi các nguyên nhân để rút kinh nghiệm sâu sắc sau các vụ tai nạn cũng là giải pháp cần thiết và hiệu quả để giảm thiểu tai nạn lao động. Thế nhưng trên thực tế, những thông tin này thường rất hạn chế được công bố khiến dư luận thiếu thông tin cảnh báo.
Dưới góc độ chuyên môn, các cơ quan chức năng và quản lý nhà nước nên tăng cường tham khảo ý kiến các hiệp hội nghề nghiệp, trong đó có Hiệp hội Thang máy Việt Nam. Từ đó xây dựng, bổ sung chính sách an toàn lao động nói chung, liên quan tới thang máy nói riêng, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật