TCTM – Những tiêu chuẩn khắt khe của Liên minh châu Âu, pháp luật cạnh tranh, cam kết của các quốc gia trong vấn đề sử dụng lao động,… là những yếu tố vô cùng quan trọng mà ngành thang máy sẽ tham khảo được để chuẩn bị kế hoạch cho tương lai gần.
Đó là chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Huy Tiến với Tạp chí Thang máy khi tham dự Hội nghị Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA vào sáng 27/12/2022 tại Hà Nội.
Theo ông Tiến, hiện chúng ta đang có những doanh nghiệp lớn mạnh và có kế hoạch xuất khẩu thang máy, linh kiện, thiết bị phụ trợ sang thị trường châu Âu. Và rõ ràng, EVFTA là cơ hội rất tốt để chúng ta nắm bắt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp ngành thang máy cần nhanh chóng nắm bắt công nghệ, kỹ năng quản trị, học hỏi kinh nghiệm thực thi các điều khoản bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Châu Âu cũng đi trước chúng ta khá xa trong thực thi kinh tế tuần hoàn, hoàn toàn có thể học hỏi, áp dụng trong ngành thang máy Việt Nam.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho ngành thang máy của Việt Nam hầu hết tiệm cận với các quy định của châu Âu. Tuy nhiên, năng lực thực thi, giám sát còn yếu. Chúng ta có đủ các quy định nhưng thiếu nhân lực, công cụ, trang thiết bị cần thiết. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân và các doanh nghiệp chưa cao, còn thỏa hiệp với những thói quen tiêu dùng lỗi thời,…
Khi chúng ta thực thi toàn diện các Hiệp định thương mại xuyên quốc gia trong đó có EVFTA, ngành thang máy sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ đó để có những giải pháp hiệu quả giúp phát triển bền vững và lâu dài.
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến: EVFTA là cơ hội tốt để doanh nghiệp ngành thang máy chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong tương lai gần.
Tại Hội nghị Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, sau hơn 2 năm (1/8/2020-12/2022) thực thi, tăng trưởng xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều 11 tháng của năm 2022 giữa Việt Nam và EU đạt trên 57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt nam sang EU đạt 43,4 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị.
Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 11 năm 2022 có 2.413 dự án EU đầu tư tại Việt Nam. EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam, chiếm 7,11% về số dự án. EU đã đầu tư 18/21 ngành, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện; kinh doanh bất động sản; logistics; bưu chính viễn thông; năng lượng sạch.
Hiện nay, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (giai đoạn 2016 – 2021). Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hoá vào EU.
Nhưng EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt. Đó là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ với tỷ lệ nguyên liệu nội địa nhất định; các rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) khắt khe; nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại; sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU sẽ là những vấn đề cốt lõi mà các doanh nghiệp Việt cần cập nhật để nâng cao năng lực./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật