TCTM – Việc xây dựng định mức lao động ngành thang máy là bước đi quan trọng đầu tiên để đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho người sử dụng. Định mức lao động chính là nền tảng vững chắc, tạo ra một tiêu chuẩn chung cho toàn ngành, từ đó nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thang máy.
Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.”
Như vậy, trách nhiệm xây dựng định mức lao động thuộc về doanh nghiệp, Nhà nước chỉ ban hành các hướng dẫn, định hướng mang tính nguyên tắc thông qua Luật Lao động, Luật Việc làm hay các văn bản dưới luật khác.
Thực tế, để hoạt động, từng doanh nghiệp đều đã có “định mức” cho từng hạng mục công việc mà nhân viên mình phải thực hiện, có bản mô tả công việc, có phân bổ thời gian cho từng công việc và có yêu cầu về trình độ đối với người lao động thực hiện các công việc đó.
Định mức đó, có thể vẫn được thiết lập theo nguyên tắc mà chúng tôi vẫn gọi đùa là AC (ây xi – áng chừng), cũng có thể được rút ra từ thực tiễn công việc và yêu cầu chất lượng của từng doanh nghiệp phụ thuộc vào quy mô và khả năng của họ. Cũng có những doanh nghiệp đã xây dựng cho mình những tiêu chuẩn, định mức riêng áp dụng nội bộ.
Để xây dựng định mức lao động hiệu quả, doanh nghiệp cần có sự cân bằng giữa yêu cầu công việc và khả năng của người lao động.
Một câu chuyện vui, thật như đùa liên quan đến xây dựng định mức. Một doanh nghiệp nọ xây dựng định mức liên quan đến người lao động, sau khi căn cứ hết các văn bản hướng dẫn, họ đã thống nhất một con số “định mức” để đưa vào áp dụng thí điểm. Sau đó, “định mức” từng bước được siết chặt và đo lường phản ứng của người lao động. Đến một mức độ nào đó, người lao động có vẻ như không còn chịu nổi và “phản ứng tập thể”.
Có thể, họ đã đạt đến ngưỡng của sự cố gắng.
Doanh nghiệp lập tức lắng nghe và ban hành định mức chính thức. Dĩ nhiên, con số “định mức” cuối cùng sẽ nhẹ nhàng hơn một chút để thỏa mãn người lao động.
Nói thế để thấy, định mức là ý chí của giới sử dụng lao động trong việc quản lý và vận hành doanh nghiệp của mình dựa trên văn hóa, môi trường làm việc và năng lực của người lao động, dĩ nhiên phải phù hợp với Luật pháp.
Bàn riêng về ngành thang máy, hiện này chúng ta đang vận hành hàng trăm ngàn thang máy, như vậy đang có hàng trăm ngàn công việc được thực hiện hằng tháng để đảm bảo cho thang máy hoạt động.
Mức giá để thực hiện các công việc này khác nhau khá lớn từ vài trăm ngàn đồng cho mỗi lần bảo trì, cho đến hàng triệu. Khách hàng không biết các kỹ thuật viên đang làm gì với thiết bị của họ, chỉ đến “lau chùi, tra dầu mỡ” hay còn làm gì khác, tại sao có sự khác biệt lớn như vậy.
Có lẽ, khi sự cố xảy ra thì mới … ra mặt chuột.
Khó hiểu cho mê hồn trận giá bảo trì, nhưng cũng thật dễ hiểu, bởi chi phí phụ thuộc vào “định mức” của từng doanh nghiệp, đắt hay rẻ đều có “giá” của nó. Và thật ngạc nhiên khi trao đổi với tôi, phần lớn các doanh nghiệp thang máy đều than rằng họ đang phải “nuôi” lĩnh vực dịch vụ – tức lấy lợi nhuận từ bán thang máy mới (và các lợi nhuận khác?) để trợ giá một phần cho chi phí dịch vụ.
Chưa có đơn vị nào có lãi trong hoạt động bảo trì thang máy, hay nói cách khác phí dịch vụ chỉ đủ nuôi chính bộ máy để phục vụ dịch vụ đó, doanh nghiệp chưa có lãi. Đó là điều bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển minh bạch của cả ngành thang máy, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của thang máy.
Hơn nữa, việc thiếu đi một tiêu chuẩn chung về định mức lao động ngành thang máy để làm căn cứ mang tính pháp lý cũng gây nên nhiều lúng túng cho các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước khi lập kế hoạch dự toán cho công tác bảo trì, sửa chữa thang máy.
Trong khi đó, kỹ thuật viên lại đối mặt với vấn đề thu nhập “cào bằng”, thiếu công bằng, không thỏa đáng do phía đơn vị quản lý không có hoặc có nhưng xác định không chính xác định mức lao động đối với nhân lực ngành thang máy.
Định mức lao động là cơ sở để các đơn vị bố trí sử dụng lao động một cách hợp lý và là căn cứ để các cấp quản lý lập kế hoạch và nghiệm thu các nhiệm vụ công ích được giao.
Xây dựng định mức lao động trong ngành thang máy
Năm 2023, Hiệp hội Thang máy Việt Nam – VNEA đã công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của Ngành, TCCS 01:2023/VNEA. Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy. Bộ Tiêu chuẩn này lập tức được các bên liên quan đón nhận, tham khảo, áp dụng… từ các Nhà quản lý an toàn thang máy, các Chủ sở hữu – Đơn vị quản lý thang máy, Đơn vị dịch vụ thang máy và cả những cá nhân liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thang máy là kỹ thuật viên thang máy và người sử dụng thang máy.
Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, ông Phùng Quang Minh chia sẻ trong buổi Họp báo Công bố Tiêu chuẩn cơ sở Ngành tháng 3/2023: “Tiêu chuẩn cơ sở là rất cần thiết bởi đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành, của xã hội. Chúng tôi cũng đánh giá cao và ủng hộ VNEA trong việc xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở ngành, từ đó có thể đánh giá để nâng các tiêu chuẩn cơ sở này bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.”
Tuy nhiên, đây vẫn là YÊU CẦU CHUNG là phần cơ bản nhất mang tính nguyên tắc, định hướng. Để thang máy thực sự hoạt động an toàn, tiện dụng, kinh tế … cho người sử dụng và các cá nhân liên quan trực tiếp đến quản lý vận hành an toàn thang máy cần phải có thêm các “văn bản dưới luật” hướng dẫn thực thi, gắn với thực tiễn.
Những tiêu chuẩn cụ thể, liên quan đến từng đối tượng cụ thể trong toàn bộ Hệ thống quản lý an toàn thang máy đã được nêu ra trong TCCS 01: 2023/VNEA.
“Thiếu một trái tim – nó chỉ là một cỗ máy”.
Chính bởi thế, phần đầu tiên của “văn bản dưới luật” có lẽ nên tập trung vào các đối tượng những người lao động trong ngành (như nhân viên vận hành thang máy tòa nhà, nhân viên bảo trì thang máy tại các đơn vị,…) – đối tượng quan trọng nhất, trực tiếp nhất và là cầu nối giữa Đơn vị bảo trì với Khách hàng.
Như đã đề cập ở trên, ngành thang máy nước ta đang ở giai đoạn đang phát triển vừa đi vừa dò đường, vừa chạy vừa sửa chữa – đây là một khó khăn nhưng đồng thời cũng là thuận lợi. Bởi chúng ta có thể thừa hưởng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, kể cả trong lĩnh vực định mức – tiểu chuẩn.
Đứng trước nhu cầu cấp thiết trong việc xác định định mức lao động ngành thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chỉ đạo Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA) tiến hành nghiên cứu, xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở ngành số 02 liên quan tới định mức lao động.
Theo đó, định mức lao động phải tập trung vào các công việc cụ thể, có thể lượng hóa được như hoạt động bảo trì định kỳ được nêu trong TCCS 01: 2023/VNEA, các công việc sửa chữa thường xuyên, thay thế thiết bị trong sửa chữa lớn và hiện đại hóa thang máy. Định mức lao động phải đảm bảo các nội dung:
1. Định mức về thời gian
2. Định mức về công việc
3. Yêu cầu về số lượng nhân sự
4. Yêu cầu về chất lượng nhân sự (bậc nghề)
Định mức lao động không chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp dịch vụ trong ngành trong việc tuyển dụng, sử dụng, thỏa thuận mức lương đối với người lao động như Luật lao động quy định mà có thể là cẩm nang cho các Chủ sở hữu – Đơn vị quản lý thang máy lập dự toán kế hoạch kinh tế – kỹ thuật để vận hàng thang máy thuộc quyền quản lý của mình.
Đây cũng chính là nền tảng đầu tiên để tiêu chuẩn hóa dịch vụ thang máy, từ đó nâng cao được chất lượng dịch vụ thang máy – điều mong muốn của doanh nghiệp, chủ sở hữu – đơn vị quản lý thang máy và người sử dụng thang máy.
Nguyễn Huy Tiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Hiệp hội Thang máy Việt Nam công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy
Thông tin mới cập nhật