TCTM – Từng có một thời, mọi chiếc thang máy trên thế giới đều phải vận hành thủ công dưới sự thực hiện của những nhân viên vận hành thang máy. Họ chịu trách nhiệm kiểm soát mọi thứ từ cửa ra vào, điểm đến và tốc độ của thang.
Ngày nay, chỉ một số ít tòa nhà mang tính lịch sử trên thế giới còn tồn tại sự xuất hiện của nhân viên vận hành thang máy và họ ở đó vì mục đích giữ gìn lịch sử và phát triển du lịch. Còn về vai trò thực sự như trong lịch sử đã từng thì đã hoàn toàn biến mất.
Ông Waclaw Kalata, 63 tuổi – một nhân viên vận hành thang máy đã làm việc hơn 30 năm tại Tòa nhà Mỹ Thuật (Fine Arts Building), Mỹ. (Nguồn: Chicago Sun-Times)
Những chiếc thang máy sử dụng năng lượng hơi nước đầu tiên đã xuất hiện từ những năm 1800. Tiếp nối sự phát triển của công nghiệp và kỹ thuật, những chiếc thang máy thủy lực và thang máy điện cũng đã dần xuất hiện lần lượt vào năm 1870 và 1880, nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn mới trong các tòa nhà thương mại. Và tất cả có một điểm chung là đều yêu cầu có người vận hành thang máy riêng.
Việc đóng/mở cửa thang máy cũng như điều khiển, vận hành thang máy trước đây đều phải thực hiện thủ công. Những thang máy vận hành bằng tay có mặt ở khắp nơi, từ các tòa nhà dân cư và văn phòng tới cửa hàng bách hóa, khách sạn, điểm du lịch,… Chính vì thế, nghề vận hành thang máy đã được ra đời và những nhân viên làm công việc này đều được đào tạo một cách bài bản về các vấn đề về vận hành an toàn.
Tính đến năm 1940, chỉ trên khắp nước Mỹ đã có hơn 90.000 người vận hành thang máy làm việc.
Hình ảnh những nhân viên vận hành thang máy tại thành phố New York vào những năm 1929. (Nguồn: Cool Past Pic)
“Bước lên”, “Bước xuống”, “Đóng cửa” hay “Cẩn thận bước ra”,… là những câu nói luôn vang vọng trong mỗi cabin thang máy thuở ấy. Hai nhiệm vụ chính của họ là mở và đóng cửa thang máy để hành khách ra vào và “lái” chiếc thang máy từ tầng này sang tầng khác bằng chiếc tay quay thang máy thủ công.
Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại đòi hỏi trình độ kinh nghiệm và kỹ năng để điều chỉnh tốc độ thang máy, giúp cabin thang có thể dừng một cách êm ái và an toàn. Tất cả công việc của nhân viên vận hành thang máy đều thông qua một bộ điều khiển bằng tay được gọi là cần gạt biến trở (rheostat lever) với chức năng điều khiển tốc độ và hướng thang.
Cần gạt thang máy thủ công của Công ty Thang máy Otis tại Tòa nhà Mỹ thuật, Mỹ. (Nguồn: Chicago Sun-Times)
Việc vận hành thang máy đòi hỏi nhân viên phải nắm vững thao tác, căn chỉnh thời gian để sàn tầng và cabin thang máy phải thẳng hàng một cách hoàn hảo để hành khách lên xuống an toàn. Chỉ cần điều khiển cần gạt quá nhanh thì thang máy có thể đi vượt tầng cần tới và nhân viên vận hành sẽ phải lắc lư nó một cách vừa đủ để toa thang quay trở về tầng đích.
Do vậy, vận hành thang máy là một kỹ năng vô cùng quan trọng để mang lại một chuyến đi suôn sẻ giúp hành khách cảm thấy an toàn và thoải mái.
Công việc của nhân viên vận hành thang máy không chỉ đơn giản là đưa hành khách tới tầng mà họ muốn đến. Giá trị thực sự của nhân viên vận hành thang máy không dừng lại ở đó, họ còn đóng vai trò như một bộ phận quan hệ công chúng của doanh nghiệp/tòa nhà nơi họ làm việc. Nhân viên vận hành thang máy như bộ mặt của tòa nhà, mang tới những lời chào thân thiện hằng ngày cho khách hàng và cư dân.
Một số cửa hàng bách hóa sau này còn kết hợp vai trò của nhân viên vận hành thang máy với người chào đón khách hàng và hướng dẫn viên thông báo về thông tin sản phẩm của các tầng, đề cập tới các chương trình ưu đãi đặc biệt của cửa hàng.
Những nữ nhân viên vận hành thang máy tại cửa hàng Marshall Field vào năm 1947. (Nguồn: Tạp chí Life số đăng tải tháng 9/1947).
Công việc nhân viên vận hành thang máy ban đầu được giao cho nam giới, nhưng khi Mỹ bước vào Thế chiến thứ nhất (1917), số lượng nam giới sẵn có trở nên khan hiếm và phụ nữ được thuê để thay thế những vị trí này.
Sau chiến tranh, những người đàn ông trở về và không muốn bị “mắc kẹt” trong một chiếc hộp nhỏ hơn 9 tiếng đồng mỗi ngày, không còn hứng thú với công việc. Từ đó trở đi, vị trí nhân viên vận hành thang máy trở thành công việc của phụ nữ.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phụ nữ da trắng cũng tiếp tục được tuyển dụng làm công việc này, thậm chí, trong một bài viết vào năm 1943 của Tạp chí Life từng mô tả: “Trong một khách sạn, vận hành thang máy là một công việc thời chiến”.
Ngoại hình cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, một số nữ nhân viên vận hành còn được tham gia vào các khóa học để trau dồi kỹ năng xã hội của mình từ dáng đi uyển chuyển, cách đứng lịch thiệp tới phong thái nói chuyện, trang điểm,… theo đúng tiêu chuẩn sắc đẹp thời bấy giờ.
Dựa trên quan điểm rằng một khuôn mặt xinh đẹp sẽ thu hút nhiều khách hàng ghé thăm hơn một gương mặt buồn tẻ, Marshall Field & Co. – cửa hàng bách hóa lớn nhất Chicago thuở ấy, đã quyết định cho các nữ nhân viên thang máy của mình tham gia vào các lớp học làm đẹp kéo dài 8 tuần.
Khóa học cũng đào tạo các tư thế đúng trong khi làm việc của các nữ nhân viên vận hành thang máy. (Nguồn: Tạp chí Life số đăng tải tháng 9/1947).
Các nữ nhân viên vận hành thang máy khi tham gia khóa học cũng sẽ được học cách trang điểm cũng như cách điều chỉnh giọng nói sao cho âm điệu rõ ràng. (Nguồn: Tạp chí Life số đăng tải tháng 9/1947).
Những nữ nhân viên thang máy trước và sau khi tham gia khóa đào tạo kỹ năng. (Nguồn: Tạp chí Life số đăng tải tháng 9/1947).
Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, những chiếc thang máy tự động đầu tiên, không cần người vận hành đã được phát minh và giới thiệu vào năm 1887 bởi một nhà khoa học người Mỹ gốc Phi có tên Alexander Miles.
Tiếp đó, sau Thế chiến thứ hai, Thang máy Otis đã phát triển “Hệ thống thang máy tự động điện tử”, hệ thống này chỉ yêu cầu hành khách chọn tầng, sau đó thang máy sẽ tự động đóng cửa và đưa khách đến tầng đích mà không cần đến nhân viên vận hành.
Alexander Miles – Cha đẻ của những chiếc thang máy tự động đầu tiên. (Nguồn: Lamelson-MIT).
Thế nhưng công việc của người vận hành thang máy vẫn được duy trì. Bạn có thể dễ dàng tưởng tượng khái niệm “thang máy tự động” tại thời điểm đó xa lạ đến nhường nào khi nghĩ tới những chiếc xe ô tô tự lái ngày nay. Vấn đề chính của sự thiếu tin tưởng vào thang máy tự động chủ yếu đến từ thói quen của người sử dụng và những lo ngại về vấn đề an toàn.
Dù vậy, tất cả điều đó đã thay đổi sau các cuộc đình công của người vận hành thang máy từng khiến thành phố New York rơi vào ‘tê liệt’ và thất thoát hàng trăm triệu tiền thuế.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật