TCTM – Cùng với sự phát triển của đô thị, sự an toàn của con người đang đặt cược vào các thang máy. Nhưng nếu thiết bị này được nhập khẩu, lắp đặt, kinh doanh một cách thiếu kiểm soát thì tính mạng con người sẽ là trò may rủi. Chúng ta liệu có chấp nhận điều này?
Thang máy là phương tiện vận chuyển người và hàng được sử dụng rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Mặc dù được coi là phương tiện an toàn nhưng thang máy vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro cho người sử dụng.
Về tần suất sử dụng, trên thế giới có khoảng 325 triệu người đi thang máy mỗi ngày. Tính ra, cứ ba ngày một lần, tất cả các thang máy trên thế giới chở một số lượng người tương đương toàn bộ dân số trái đất. Tuy nhiên, những thống kê sau có thể sẽ khiến độc giả giật mình về mức độ an toàn. Tại một quốc gia phát triển như Anh, mỗi thang máy bị hỏng trung bình ít nhất 4 lần/năm, mất trung bình 4 giờ để sửa chữa cho mỗi sự cố. Thống kê cũng cho thấy, cứ 6 sự cố thang máy thì có một trường hợp có người mắc kẹt bên trong cần giải cứu.
Thang máy là phương tiện vận chuyển thông dụng trên thế giới.
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2020, theo thống kê chưa đầy đủ trên cả nước, đã xảy nhiều sự cố, tai nạn thang máy thang cuốn, trong đó có 8 vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng, 6 vụ làm chết người… Năm 2022, trong các sự cố thang máy nghiêm trọng, có một số vụ gây chết người như vụ tai nạn xảy ra ngày 25/5 ở quận Ba Đình, Hà Nội khiến 2 thợ thang máy tử vong trong khi đang làm việc. Ngày 26/7/2022, một vụ tai nạn khác khiến một người phụ nữ tử vong khi rơi xuống hố thang máy tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ. Ngày 29/8, một nhóm 9 người trong lúc đi thang máy tại toà nhà 4 tầng ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh bị mắc kẹt trong thang máy khoảng 45 phút, ngạt thở, may mắn được giải cứu. Và còn cả các vụ tai nạn khác không được công bố.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nghiên cứu sự nguy hiểm của thang máy thì không phải thống kê số lượng mà là tính chất nguy hiểm của thang máy do môi trường hoạt động đặc thù, quá trình sản xuất, lắp đặt, vận hành,… đều tiềm ẩn mối nguy hiểm. Sự nguy hiểm và rủi ro càng tăng cao đối với các hành vi vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo trì, kiểm định.
Cần phải nhấn mạnh rằng, theo Thông tư số 01/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) thì thang máy được xếp vào “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn”. Thế nhưng việc đăng ký sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đang khá dễ dàng, không bị ràng buộc, kiểm soát bởi các điều kiện đặc thù như đối với ngành ô tô với những đặc điểm tương tự.
Tham khảo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), các nước này đã tạo ra hành lang pháp lý mạnh mẽ để quản lý an toàn thang máy.
Phòng kiểm tra an toàn linh kiện, thiết bị thang máy tại Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, thang máy được quản lý toàn diện trên cơ sở Luật Quản lý An toàn Thang máy (Elevator Safety Management Act), được ra đời vào năm 2009. Luật này quy định chặt chẽ, cụ thể, toàn diện các vấn đề liên quan đến thang máy, bao gồm các chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Tất cả các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bảo trì thang máy phải đủ điều kiện và được Bộ chủ quản cấp phép để hoạt động. Công tác kiểm định an toàn, thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm do Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (Korea Elevator Safety Agency – KoELSA) thực hiện và quản lý.
Về chế tài, theo Điều 80 của Luật này, bất kỳ người nào bị phát hiện gian lận trong đăng ký kinh doanh sản xuất, tiến hành kinh doanh sản xuất không đăng ký, người gian lận để đạt chứng nhận an toàn, có dấu hiệu vi phạm; người vận hành thang máy không đạt kiểm định an toàn; người gian lận để có đăng ký kinh doanh bảo trì, kinh doanh bảo trì không đăng ký bị phạt tù tới 3 năm và phạt tiền tới 30 triệu won (khoảng 560 triệu VNĐ)…
Nhờ có hành lang pháp lý mạnh mẽ và sự quản lý, giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh nhận thức của người dân về an toàn khi sử dụng thang máy, số tai nạn thang máy nghiêm trọng tại Hàn Quốc đã giảm mạnh. Năm 2016 đã giảm xuống 52,3% so với năm 2013.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), Sắc lệnh Thang máy và Thang cuốn được áp dụng từ ngày 17/12/2012. Sắc lệnh này đưa ra một loạt các biện pháp kiểm soát nâng cao, tăng cường chế độ đăng kiểm của nhân viên làm công tác thang máy, thang cuốn và tăng mức hình phạt của các vi phạm an toàn thang máy.
Còn ở Nhật Bản, việc sản xuất, lưu thông và vận hành thang máy được quy định bởi chính phủ Nhật Bản thông qua Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism – MLIT). MLIT đặt ra các tiêu chuẩn cho việc thiết kế, sản xuất, lắp đặt và bảo trì thang máy, đồng thời giám sát việc kiểm tra và chứng nhận chúng để đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn.
Có thể nói, việc xây dựng, thực thi, giám sát thực thi bằng các hành lang pháp lý mạnh liên quan tới thang máy đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao an toàn, giảm thiểu nguy hiểm, rủi ro cho người sử dụng thang máy.
Liệu ngành thang máy có phù hợp để đưa vào danh sách ngành nghề có điều kiện với những đặc thù như đã phân tích ở trên? Để kiến giải cho vấn đề này, Tạp chí Thang máy đã trao đổi với những chuyên gia xây dựng luật đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn lao động để có cái nhìn độc lập, khách quan.
Theo Tiến sĩ Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thị trường thang máy Việt Nam là thị trường mới nhưng đang phát triển rất nhanh, tạo ra tiềm năng lớn. Nhưng chính vì thế, đi cùng với những thuận lợi sẽ là những thách thức không nhỏ, đặt ra bài toán về cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành nghề này ra sao để đảm bảo phát triển lành mạnh, minh bạch và an toàn cho con người.
“Đưa vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không phải không có lý. Vấn đề là chúng ta phải chứng minh được luận điểm đó như thế nào”, Tiến sĩ Nghĩa chia sẻ.
TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội (bên phải) trao đổi với Tạp chí Thang máy.
Trên thực tế, trong những năm qua thì các cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này.
Theo Tiến sĩ Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ, TB&XH, cần một số giải pháp trọng tâm. Đó là đưa vào vận hành và hoàn thiện cơ sở dữ liệu kiểm định kỹ thuật an toàn cho thang máy; hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác với Hàn Quốc, xây dựng cơ chế thúc đẩy thành lập cơ sở thử nghiệm an toàn thang máy tại Việt Nam; hướng dẫn chuẩn hóa quy trình chứng nhận hợp quy cho sản phẩm thang máy; đào tạo nhân lực thử nghiệm, kiểm định thang máy; nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm định để phù hợp với thực tiễn.
PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ, TB&XH hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng mã ngành thang máy. Bà Hương cho biết, quy trình thủ tục, lộ trình, các bước minh chứng điều kiện thực hiện, Tổng cục đã giao cho các đơn vị chuyên môn tiến hành.
Thời gian qua, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA), cùng các đơn vị trực thuộc đã có nhiều hoạt động thúc đẩy ngành thang máy hoàn thiện và phát triển. Theo đó VNEA đã hợp tác với các cơ quan quản lý và nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy, đề xuất mở mã ngành đào tạo chính quy về thang máy.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do VNEA tổ chức tháng 7/2022.
VNEA đã tổ chức thành công Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” vào tháng 7/2022, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận.
VNEA cũng chú trọng phát triển trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác với các hiệp hội, hội, các tổ chức quản lý an toàn thang máy quốc tế và khu vực, đạt được nhiều hiệu quả đáng khích lệ. Theo đó, VNEA đã tham dự các cuộc hội thảo quốc tế về thang máy, thăm và làm việc với các cơ quan quản lý an toàn thang máy của Hàn Quốc…
Hướng tới hoàn thiện một hành lang pháp lý đủ mạnh, thúc đẩy ngành thang máy phát triển, VNEA đã có một số kiến nghị về vấn đề này.
Thứ nhất, các cơ quan liên quan (Quản lý nhà nước, Hiệp hội nghề nghiệp) nghiên cứu xây dựng phương án hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng quản lý chặt chẽ các tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kiểm định, chứng nhận, thử nghiệm thang máy…
Thứ hai, cơ quan quản lý, Hiệp hội Thang máy Việt Nam tăng cường, tiếp xúc, nghiên cứu, tham khảo, hợp tác với các quốc gia có ngành thang máy phát triển, an toàn thang máy cao để xây dựng chính sách quản lý phù hợp với giai đoạn phát triển mới của ngành.
Thứ ba, kiến nghị các cơ quan quản lý, các cơ quan xây dựng luật xem xét nghiêm túc, xây dựng lộ trình đưa ngành thang máy vào danh mục ngành nghề có điều kiện. Nó cần phù hợp để vừa nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt trong hội nhập quốc tế, vừa ổn định, minh bạch thị trường, vừa gia tăng sự an toàn cho người sử dụng.
Có thể, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải chuẩn bị “các cơ chế đảm bảo an toàn” cho một giai đoạn phát triển mới của ngành thang máy!
Vũ Phượng
Thông tin mới cập nhật