TCTM – Thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng, giao dịch “đóng băng” khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng như các lĩnh vực liên quan, trong đó có thang máy, cũng trở nên “đứng ngồi không yên”.
Trái ngược với giai đoạn phục hồi và phát triển vào thời điểm đầu năm 2022, bắt đầu từ giữa cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng.
Hàng loạt các chính sách thặt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải nhấn nút “tạm dừng”.
Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt thời gian dài và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2023. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức tăng 3,32%, là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023.
Mức tăng trưởng thấp trong quý I/2023 là điều đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ trước, tuy nhiên 3,32% vẫn là một con số gây bất ngờ. Đặc biệt là so với mức nền tăng trưởng GDP khá thấp của quý I/2022 – thời điểm Việt Nam vẫn còn dịch bệnh, chưa mở cửa hoàn toàn.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt mức thấp nhất trong 12 năm nếu loại trừ quý 1/2020 (Biểu đồ: Phương Trang)
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, bức tranh vĩ mô quý I/2023 cũng phản ảnh số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn so với cùng kỳ ở hầu hết các ngành nghề, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2023 tăng lên, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, sự suy giảm của lĩnh vực công nghiệp – xây dựng là nguyên nhân chính khiến GDP quý I/2023 ghi nhận ở mức thấp, phản ánh chân thực “sức khỏe” của nền kinh tế.
Việc thị trường bất động sản chìm trong khó khăn đã kéo theo nhiều ngành nghề liên quan cũng rơi vào tình trang tương tự, trong đó nặng nề nhất là xây dựng và vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, ngành thang máy Việt Nam cũng không nằm ngoài những lĩnh vực gián tiếp bị ảnh hưởng. Có thể thấy, việc giảm đầu tư vào các dự án xây dựng mới hoặc bị trì hoãn sẽ dẫn đến giảm nhu cầu lắp đặt và sử dụng thang máy trong các tòa nhà mới.
Theo một thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước hiện có hàng nghìn dự án bất động sản đang triển khai nhưng phải tạm dừng, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD), trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, theo Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2023 do Colliers mới công bố, biến động về pháp lý và nguồn vốn tiếp tục thay đổi cục diện thị trường bất động sản nhà ở khắp cả nước. Phân khúc căn hộ chung cư ghi nhận nguồn cung mới vẫn nhỏ giọt, và sức mua trong 3 tháng đầu khá trầm lắng.
Theo Colliers, thị trường địa ốc TP HCM gần như không có dấu hiệu rục rịch của các dự án tương lai (Ảnh: Zing)
Cụ thể, báo cáo của Colliers cho biết tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), toàn quý I/2023 chỉ ghi nhận một dự án mới mở bán tại TP Thủ Đức là Elysian của Gamuda Land với tỷ lệ hấp thụ trung bình khoảng 40 – 60%. Giỏ hàng căn hộ còn lại hầu hết chỉ nhận đặt chỗ do người mua vẫn còn tâm lý e ngại.
Tại Hà Nội, theo Colliers, ở cả hai thị trường phân khúc bình dân và hạng sang, số lượng giao dịch ghi nhận vẫn trên đà giảm, một mặt do lãi suất và tín dụng còn hạn chế, mặt khác do vướng mắc pháp lý khiến một số dự án đình trệ, làm ảnh hưởng niềm tin khách hàng.
Đối với phân khúc biệt thự và nhà phố, Colliers cũng cho biết, các vấn đề liên quan đến tín dụng, trái phiếu và các vấn đề của một số chủ đầu tư lớn vẫn gây ảnh hưởng đến toàn thị trường TP HCM, dẫn đến mức thanh khoản giảm, sự dè chừng từ phía người mua và chủ đầu tư khiến thị trường gần như đóng băng.
Tính đến cuối tháng 3/2023, thanh khoản toàn thị trường giảm xuống còn 15%. Cũng trong quý I, nhà phố, biệt thự không có nguồn cung mới, chủ đầu tư tiếp tục triển khai giỏ hàng hiện tại.
Nguồn cung hiện tại chủ yếu chỉ đến từ giỏ hàng còn sót lại, điển hình như The Global City, The Classia hay The Rivus Elie Saab. Thị trường gần như không có dấu hiệu rục rịch của các dự án tương lai.
Ngược lại, giao dịch biệt thự, nhà phố tại Hà Nội sôi động hơn nhờ pháp lý dự án được cải thiện.
Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế, Chính phủ trong thời gian gần đây đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó phải kể đến gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Nghị quyết số 33, Nghị định 08, NHNN giảm lãi suất điều hành hai lần, 1 triệu căn nhà ở xã hội,…
Những tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản đã và đang xuất hiện, niềm tin của các nhà đầu tư cũng đang được củng cố. Nhờ vào những động thái tích cực từ Chính phủ và cơ quan nhà nước, bước sang quý II, thị trường bất động sản thời gian gần đây được đánh giá đã có sự ấm dần lên.
Về tầm nhìn dài hạn, giới chuyên môn cho rằng, giai đoạn sàng lọc của thị trường địa ốc trong thời gian qua là cần thiết để thị trường giảm bỏ các nhân tố yếu kém để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Song, trong ngắn hạn, tình trạng trầm lắng kéo dài, giao dịch “đóng băng” của thị trường địa ốc khiến cả chủ đầu tư, nhà đầu tư, các lĩnh vực liên quan như ngành thang máy đều rơi vào tình trạng lo lắng, đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Chia sẻ với Tạp chí Thang máy, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, khi nền kinh tế chung gặp khó khăn, đặc biệt là ngành xây dựng – bất động sản, các lĩnh vực liên quan đều gián tiếp bị ảnh hưởng và ngành thang máy cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
“Nhu cầu lắp đặt thang máy suy giảm khi ngành xây dựng – bất động sản gặp khó. Điều này cũng khiến doanh thu, mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của nhiều doanh nghiệp trong ngành thang máy bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Hải Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Đức cũng cho hay, để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường, Chính phủ trong thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Điều này đã đem lại tác động tích cực cho thị trường xây dựng – bất động sản cũng như các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
“Tuy nhiên, để có thể vượt qua giai đoạn đầy thách thức, điều quan trọng hơn hết chính là bản thân doanh nghiệp cần phải chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh của mình”, ông Nguyễn Hải Đức khẳng định.
Các doanh nghiệp thang máy nên tận dụng giai đoạn này để đào tạo, nâng cao tay nghề kỹ thuật viên (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp chính cho các doanh nghiệp thang máy.
Thứ nhất, dựa vào giai đoạn “nông nhàn” này, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc để phát triển lại doanh nghiệp phù hợp hơn trong giai đoạn tới. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sẽ cần phải có mô hình, phương thức, quy mô và chiến lược,… khác so với trước đây.
“Chúng ta không nên hy vọng sau giai đoạn này, thị trường sẽ trở lại như cũ. Doanh nghiệp cần phải dự báo, chuẩn bị cho những phương thức quản trị, cách thức kinh doanh khác hơn, phù hợp hơn”, ông Nguyễn Hải Đức chia sẻ.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng giai đoạn này để đào tạo, nâng cao chuyên môn cho các kỹ thuật viên, xây dựng văn hóa hướng tới khách hàng. Việc xây dựng một công ty tập trung vào khách hàng, đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba, các doanh nghiệp thang máy cũng nên mở rộng ứng dụng số hóa vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Song song với đó, doanh nghiệp trong ngành nên cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái để bổ trợ, kết nối với nhau.
“Chẳng hạn như thay vì đội cứu hộ, bảo trì của công ty A có cơ sở tại Hà Nội phải vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để bảo trì thì có thể liên kết với đội cứu hộ, bảo trì của công ty B có cơ sở gần hơn tới hỗ trợ.
Việc quy tụ, kết nối các doanh nghiệp với nhau thành một hệ sinh thái không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn góp phần làm vững chắc cho ngành thang máy chung của Việt Nam”, ông Nguyễn Hải Đức cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam nhận định, đây chính là mô hình kinh doanh đang được nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế lựa chọn nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tối đa hóa chi phí – nguồn lực, tránh được những lãng phí không đáng có.
Theo ông, những điều này không chỉ giúp ích cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện tại mà còn có ý nghĩa lâu dài cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật