“Đất nước mình còn nghèo” không phải lý do để chúng ta dễ dãi với chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng Việt sử dụng. Bởi còn dễ dãi, thì chúng ta chưa thể thoát nghèo!
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí. Tổng cục đã cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan; giảm thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu từ 23 ngày trước đây xuống còn 1 ngày. Chỉ riêng năm 2020, cơ chế hậu kiểm đã giúp tiết kiệm 832 tỷ đồng cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đây là một kết quả tích cực từ cơ chế hậu kiểm, tiết kiệm chi phí tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp cũng chính là tạo điều kiện để doanh nghiệp “rộng đường” phát triển. Và hướng đến giải pháp tối ưu cho sự phát triển của doanh nghiệp như vậy, phía các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa,…
Mặt hàng mũ bảo hiểm đã chuyển sang kiểm tra sau thông quan – Nguồn: VnExpress
Dù vậy, ngay cả khi hành lang pháp lý đã được hoàn thiện thì hậu kiểm vẫn là cơ chế mà các doanh nghiệp cần sự chủ động nhận thức về chất lượng sản phẩm của mình thay vì có một thước đo chính xác từ trước, đó cũng là khi người tiêu dùng tiếp nhận thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp mà không qua “phễu lọc” độ chính xác của cơ quan quản lý.
Nhìn nhận hậu quả không mong muốn từ cơ chế này, chúng ta không thể ngó lơ mà không coi đó là những bài học xương máu!
Tháng 12/2021, cả nước rúng động vì thông tin công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19. Qua các điều tra ngược dòng thời gian, nhiều dấu hiệu sai phạm của Việt Á ngay từ giai đoạn đầu tiến hành dự án nghiên cứu khoa học sản xuất kit xét nghiệm, ấy thế nhưng tại thời điểm phát giác sự việc, lợi nhuận mà công ty này thu được đã rất lớn. Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng.
Sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á – Nguồn: Người Lao động
Vấn đề không chỉ ở việc nâng khống giá kit xét nghiệm, mà sản phẩm này thậm chí còn không phải do chính công ty này sản xuất theo Đề tài khoa học về sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 của Bộ Khoa học và Công nghệ dù có cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (Theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 4/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 4/12/2020) tại Bộ Y tế. Tổng Cục Hải quan công bố thông tin, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty Việt Á nhập 3 triệu test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc với tổng trị giá 64,68 tỷ đồng, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test).
Như vậy, có thể thấy sai phạm tại Công ty Việt Á là một chuỗi các sai phạm liên quan đến các cơ quan nhà nước khác nhau và chính dựa trên cơ chế “tiền đăng – hậu kiểm” mà vai trò kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất, định giá,… của cơ quan chức năng đều chưa được thực hiện.
Phương thức quản lý nhà nước theo hướng kiểm tra, kiểm soát là chủ yếu đang từng bước được thay thế bằng phương thức hợp tác và tạo điều kiện là chủ yếu. “Chế độ tiền kiểm” dần được chuyển sang “tiền đăng – hậu kiểm”. Hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đang ngày càng được nâng cao. Đây được coi là chìa khóa của cải cách thể chế, mở cửa kinh tế thị trường. Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta đề cập đến tầm quan trọng của việc loại bỏ các “biến thể Việt Á” kiểu như trên thì rõ ràng cơ chế hậu kiểm của chúng ta vẫn đang còn những kẽ hở cần phải sớm được rà soát, khắc phục.
Mỗi thị trường có một bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn riêng như luật của mỗi sân chơi. Việt Nam cũng có, nhưng chúng ta chưa thiết lập được sân chơi của riêng mình!
Chúng ta đã quen với khái niệm “giải cứu nông sản” trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến việc thông thương giữa các quốc gia trở nên khó khăn. Nhưng chúng ta không thể giải cứu nông sản mãi được, đã đến lúc nông sản phải tự cứu chính nó.
Trong khi thị trường Việt Nam có biểu hiện “sính ngoại” một cách rõ rệt với các sản phẩm trái cây nhập khẩu, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thiết bị công nghệ nhập khẩu thì cũng chính các sản phẩm này của chúng ta lại đang tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài. Xuất khẩu tới thị trường nào thì cần tuân theo luật chơi của thị trường đó, đặc điểm chủ yếu lại là tiêu chuẩn của các thị trường nước ngoài như Nhật, Mỹ, EU,… hầu hết lại đang cao hơn tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa rằng, sản phẩm chất lượng cao thì theo dòng chảy ra nước ngoài, sản phẩm chất lượng thấp thì phục vụ nội địa, còn nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao nội địa lại phải chờ… nhập khẩu. Dòng chảy tiêu dùng này chính là câu trả lời rõ rệt nhất chứng minh cho nhận định Việt Nam chưa thiết lập được sân chơi riêng của mình.
Nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc chờ thông quan đầu năm 2022
Đã đến lúc chúng ta cần “nâng cao giá trị bản thân”. Nước mắm truyền thống cũng được, nước mắm công nghiệp cũng được, sản phẩm nào cũng cần đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nông sản đừng chờ đợi cả tháng trời tại các cửa khẩu rồi mới quay đầu về “khóc” xin giải cứu, nông sản có thể đi thẳng từ nông trại đến tay người tiêu dùng nội địa khi còn tươi ngon nhất, chất lượng nhất, giá cả phải chăng nhất.
Nhìn sang Hàn Quốc – một quốc gia có nhiều đặc điểm kinh tế giống Việt Nam trong giai đoạn trước, cùng xem xét cách thức cấp chứng nhận tiêu chuẩn KS của họ.
KS (Korea Industria Standard) được coi như một tiêu chuẩn quốc gia của Hàn Quốc, phần lớn dựa vào Đạo Luật Tiêu Chuẩn Công Nghiệp Hàn Quốc và được chia thành hai (chứng nhận cho sản phẩm và chứng nhận cho dịch vụ). Khi trải qua tất cả các mục đánh giá nhà máy của chứng nhận KS (đánh giá tại nhà máy) và vượt qua bài thử nghiệm thì chứng nhận sẽ được cấp. Hồ sơ xin cấp chứng nhận KS bao gồm: Đăng ký kinh doanh, Danh mục thiết bị sản xuất, Danh mục thiết bị thử nghiệm, Danh mục nguyên vật liệu chính,… Sau khi hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, đơn vị cấp chứng nhận KS sẽ tiến hành đánh giá tại nhà máy với các hạng mục quản lý của doanh nghiệp, bao gồm:
Không dừng lại ở bước đánh giá này, sau khi toàn bộ 33 hạng mục đánh giá tại nhà máy này đều đạt, sẽ đến vòng thử nghiệm sản phẩm. Sản phẩm này sẽ phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của Hàn Quốc. Nghĩa là nếu bạn sản xuất một chiếc đinh ốc hay một chiếc thang máy thì cũng đều cần được thử nghiệm thực tế với các tác động chất lượng mà tiêu chuẩn này yêu cầu: vận hành, chịu lực, chịu nhiệt,…
Không chỉ KS, các chứng nhận tiêu chuẩn khác của Hàn Quốc cũng đều có yêu cầu thử nghiệm sản phẩm trước khi cấp phép, chính bởi thế chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng được cấp các tiêu chuẩn này đều đã được đảm bảo. Phải chăng, “tiền kiểm” vẫn là một cơ chế cần thiết, tạo ra “phễu lọc chất lượng”, đặc biệt với các ngành sản phẩm đặc thù?
Rõ ràng, tham khảo từ các quốc gia phát triển thì việc xây dựng các hàng rào phi thuế quan là hoàn toàn cần thiết. Hàng rào kỹ thuật này sẽ hạn chế việc nhập khẩu những sản phẩm có chất lượng không cao, đồng thời cũng bảo hộ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước có cơ hội cạnh tranh, phát triển.
Đại diện một thương hiệu lớn của thang máy thế giới (xin phép không nêu tên) đã từng chia sẻ rằng chính họ đã thử nghiệm sản phẩm, công nghệ tại thị trường Việt Nam. Sau một thời gian, đánh giá tính hiệu quả, những sản phẩm phù hợp được giữ lại còn những loại sản phẩm không đạt yêu cầu thì đã hoàn toàn biến mất. Điều này cho thấy đất nước chúng ta đã và đang trở thành nơi thí nghiệm cho một số sản phẩm nhập ngoại. Bài học về “rác công nghệ” hẳn còn mang đầy đủ tính thời sự trong câu chuyện thang máy ngoại nhập (?!)
Trong khi đó, việc giám sát thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Cơ chế hậu kiểm đã tạo điều kiện cho hàng ngoại dễ dàng vào thị trường Việt, chèn ép và thắng thế những doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam.
Nói vậy để thấy đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại và dám “khó tính” với chính những sản phẩm nội địa. Khó tính, không phải để bóp chẹt đường phát triển của doanh nghiệp mà chính là tạo nên nhận thức đại chúng về chất lượng tiêu dùng. Đại chúng ở đây bao gồm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi lẽ đây chính là hai đối tượng tác động và bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các yêu cầu về chất lượng. Chỉ khi doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì doanh nghiệp mới mở rộng được thị trường của mình. Cũng chỉ khi người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm mình xứng đáng được hưởng thì mới “đòi hỏi” nguồn cung nâng cao chất lượng.
Đã đến lúc những câu “khẩu hiệu” về chất lượng của Việt Nam được hiện thực hoá!
Khi Tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cao, đó chính là lúc sản phẩm của chúng ta đạt được “make in Vietnam”, tạo nên một thương hiệu có thể dễ dàng thông thương tới bất kì thị trường khắt khe nào khác, và đó cũng là lúc các doanh nghiệp ngoại muốn tiến vào thị trường Việt sẽ cần đảm bảo chất lượng mà người tiêu dùng Việt xứng đáng được hưởng. Vừa tạo tiền đề cho doanh nghiệp nội nâng tầm bản thân, vừa giảm bớt “rác thải” từ khắp thế giới đổ về!
“Đất nước chúng ta còn nghèo” không phải lý do để chúng ta dễ dãi, mà đó là động lực để chúng ta xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới, một cá tính hoàn toàn mới với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần khó tính.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật