TCTM – ESA là nền tảng công nghệ thông minh đầu tiên tại Việt Nam cho phép kết nối, cung cấp dịch vụ cứu hộ, bảo trì, sửa chữa thang máy giữa: Người sử dụng – Kỹ thuật viên – Công ty thang máy.
Sáng ngày 17/10/2024, tại Hồng Kông đã diễn ra Hội nghị Thông tin Thang máy, Thang cuốn thường niên của Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á-Thái Bình Dương (PALEA). Sự kiện có sự tham gia của nhiều đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức và hiệp hội thang máy trong khu vực cũng như đại diện các nhà sản xuất, công ty thang máy thành viên.
Về phía Việt Nam, tham dự Hội nghị lần này có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA); Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA – thuộc VNEA).
Hội nghị Thông tin Thang máy, Thang cuốn có sự tham dự của các diễn giả là những chuyên gia thang máy hàng đầu trong khu vực và quốc tế trình bày, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, những vấn về cấp thiết của ngành thang máy khu vực và toàn cầu.
Ông Eric Darmenia Thư ký Hiệp hội Thang máy Châu Á Thái Bình Dương giới thiệu chương trình, phát biểu chào mừng
Tham dự Hội nghị lần này, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy– VILEA (trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam – VNEA), Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh đã giới thiệu về sáng kiến của VNEA trong việc phát triển “Ứng dụng An toàn Thang máy – ESA”.
Đây là nền tảng công nghệ thông minh đầu tiên tại Việt Nam cho phép kết nối, cung cấp dịch vụ cứu hộ, bảo trì, sửa chữa thang máy giữa: Người sử dụng – Kỹ thuật viên – Công ty thang máy.
ESA được xây dựng với mục tiêu lấy người sử dụng thang máy làm trung tâm. Ứng dụng không chỉ là công cụ gọi cứu hộ, sửa chữa thang máy đơn thuần mà còn là nơi để người dùng trực tiếp đánh giá chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Đối với kỹ thuật viên, ESA giúp kỹ thuật viên dễ dàng kết nối trực tiếp với khách hàng, linh động về thời gian, địa điểm phục vụ và tạo dựng thu nhập chủ động, tương xứng với năng lực.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh trình bày tham luận tại Hội nghị Thông tin Thang máy, Thang cuốn thường niên của PALEA
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp, ESA mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng mới một cách hiệu quả, xây dựng uy tín thương hiệu thông qua các đánh giá tích cực, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh tới khách hàng. Đồng thời, ESA cũng cho phép các doanh nghiệp kết nối với hệ sinh thái kỹ thuật viên trên toàn quốc, giúp tối ưu hóa nguồn lực nội bộ.
Nhờ ESA, việc quản lý và giám sát hoạt động của ngành thang máy trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao an toàn cho cộng đồng.
“Bên cạnh đó, thông qua ESA, cơ quan quản lý có thể giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, đánh giá năng lực của kỹ thuật viên và nắm bắt được ý kiến phản hồi từ người dân. Từ đó, hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách phát triển ngành thang máy một cách khoa học và hiệu quả”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh cho hay.
Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam đánh giá: “ESA là một sáng kiến quan trọng, góp phần hiện đại hóa ngành thang máy Việt Nam. Ứng dụng này không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh về giải pháp an toàn, việc cung cấp dịch vụ thang máy giữa kỹ thuật viên với kỹ thuật viên, kỹ thuật viên và doanh nghiệp.”
Cũng liên quan tới vấn đề dịch vụ thang máy, ông Sunder Neelakandan, Ủy viên PALEA cho hay khu vực Châu Á đang đối mặt với nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực kỹ thuật viên thang máy. Với số lượng thang máy ngày càng tăng, việc đảm bảo mỗi thang máy được bảo dưỡng và sửa chữa đúng quy định là một thách thức lớn.
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu về kỹ thuật viên thang máy sẽ còn tiếp tục tăng cao, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Ông Sunder Neelakandan, Ủy viên PALEA đánh giá việc duy trì hoạt động hiệu quả của các thang máy đã lắp đặt ở khu vực Châu Á là một thách thức lớn khi số lượng thang máy ngày càng tăng cao, trong khi số lượng nhân lực ngành này lại phát triển không tương xứng.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đó, sự ra đời của ứng dụng ESA không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là một nỗ lực thiết thực nhằm xây dựng hệ thống chia sẻ nguồn lực kỹ thuật viên, đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của thị trường thang máy.
Bên cạnh sáng kiến từ VNEA, các bài tham luận tại Hội nghị cũng tập trung vào việc hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành thang máy trong khu vực và quốc tế; mở rộng phạm vi thảo luận sang các vấn đề cấp thiết như an toàn, bền vững và xu hướng phát triển của ngành.
Các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, góp phần tạo nên một bức tranh toàn diện về tình hình và xu hướng phát triển của ngành thang máy hiện nay của khu vực và toàn cầu.
Thông tin mới cập nhật