TCTM – Từ những trận động đất trong quá khứ, các báo cáo cho thấy có nhiều thiệt hại liên quan đến thang máy. Mỗi năm Việt Nam vẫn xảy ra hàng trăm vụ động đất, liệu thang máy có cần đáp ứng tiêu chuẩn chống động đất?
Cuối tháng 7/2024 đã ghi nhận những kỷ lục về số lượng trận động đất tại tỉnh Kon Tum, có những ngày hơn 20 trận động đất xảy ra và thậm chí, có những trận động đất với cường độ lên đến 5.0 độ Richter.
Các trận động đất này đã gây ra một số thiệt hại về tài sản tại khu vực tâm động đất. Không chỉ đồ đạc sinh hoạt rơi vỡ còn có các công trình có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn cho thấy mức độ ảnh hưởng của động đất đến công trình.
Trước đó, tại một số tỉnh miền Bắc cũng xảy ra nhiều vụ động đất tương tự hoặc bị ảnh hưởng bởi các trận động đất có cường độ mạnh từ các khu vực lân cận. Như vào ngày 17/11/2023, trận động đất mạnh 5,4 độ richter xảy ra ở khu vực biên giới Myanmar – Trung Quốc khiến nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc.
Với các tòa nhà cao tầng, động đất có thể gây ra rung lắc thang máy dễ khiến người trong cabin chao đảo, ngã và bị thương. Nghiêm trọng hơn, người dùng thang máy cũng có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng do các hư hại liên quan đến cấu trúc thang máy, đối trọng, cửa tầng,…
Tại các quốc gia, khu vực có nguy cơ động đất như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ,… chính quyền luôn ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng để các công trình chịu được các cú sốc động đất.
Việc không tuân thủ tiêu chuẩn chống động đất đã làm gia tăng các thiệt hại, như tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, một thảm họa động đất đã gây nên hậu quả kinh hoàng.
Thổ Nhĩ Kỳ là một khu vực hoạt động địa chấn trong vùng va chạm phức tạp giữa Mảng Á-Âu, Mảng Châu Phi và Mảng Ả Rập. Những tổn thất lớn về người và tài sản do động đất phá hoại là tiền đề cho việc phát triển các nguyên tắc thiết kế tòa nhà chống động đất.
Ngày 6/2/2023, hai trận động đất mạnh 7,8 độ và 7,5 độ đã làm chấn động miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria. Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50.000 người và đẩy hàng triệu người vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, nhiều khu vực gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Những tòa nhà may mắn đứng vững cũng không đủ điều kiện an toàn để sinh sống bởi chúng có thể đổ sập bất cứ lúc nào với hàng nghìn cơn rung chấn kéo theo sau đó.
Một nghiên cứu thực địa do Hiệp hội Thang máy và Thang cuốn Thổ Nhĩ Kỳ (AYSAD) tiến hành sau thảm họa động đất này để đánh giá về thiệt hại trong các thang máy.
Tại tỉnh Malatya (Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn AYSAD đã kiểm tra các giếng thang máy, kết nối đường ray, phòng máy, máy móc, cabin, các bộ phận đối trọng trong các tòa nhà và xác định trạng thái của các bộ phận này trong trận động đất. Do các cơn dư chấn liên tục xảy ra trong khu vực nên chỉ có một số ít tòa nhà và thang máy được kiểm tra.
Như vậy, chỉ có 16 thang máy được kiểm tra và sự phân bổ thang máy theo chiều cao tòa nhà (số điểm dừng). Mục đích là kiểm tra đa dạng các loại thang máy khác nhau nên các tiêu chí về loại thang, sức chứa và loại cửa thang máy đã được phân loại như sau:
Từ kết quả kiểm tra, hầu hết thang máy đều không được thiết kế và lắp đặt theo tiêu chuẩn EN 81-77 – Tiêu chuẩn Châu Âu về thiết kế thang máy trong điều kiện động đất. Đặc biệt, các khung thang không được thiết kế chuyên dụng cho vùng động đất, nhiều trong số chúng bị hư hỏng về kết cấu do tác động của động đất.
Kết quả cũng ghi nhận chỉ các thang máy tại các tòa nhà bệnh viện, đại học được lắp cảm biến cháy và cảm biến địa chấn. Khi động đất xảy ra, các cảm biến đã được kích hoạt và thực hiện đúng chức năng. Nhưng các thang máy này không thể kích hoạt lại cảm biến địa chấn để dự phòng cho các trận động đất tiếp theo do dịch vụ bảo trì thang máy thiếu năng lực.
Tổng hợp các bộ phận bị hư hỏng của thang máy do trận động đất này gây ra bao gồm:
– Các đối trọng bị rơi khỏi đường ray và một số va chạm với cabin khiến các khối bê tông bị nứt, khung thép bị biến dạng, đáy đối trọng bị hư hỏng,…
– Dây cáp kéo bị hỏng hoặc tuột khỏi ròng rọc
– Giá đỡ ray bị hỏng hoặc hư hại
– Treo cáp govenor bị hỏng
– Con lăn dẫn hướng bị hỏng hoặc lỏng
– Bù cáp ra khỏi rãnh hoặc bị hỏng
– Một số thang máy bị sập và cabin bị chôn vùi
Tất cả các thiệt hại được liệt kê ở trên được ghi nhận từ thang máy cáp kéo. Chỉ có hai thang máy thủy lực có thể kiểm tra và các thang máy này hoạt động trơn tru ngay sau khi được cấp điện trở lại mà không có hư hại nào.
Tiêu chuẩn EN 81-77 chỉ định các quy định đặc biệt và quy tắc an toàn cho thang máy chở khách và chở hàng trong điều kiện động đất, tương đương với Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6396-77:2015 tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn EN 81-77 đã bắt đầu được áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014 sau trận động đất Van năm 2011 (có cường độ 7,2 độ Richter xảy ra ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, điều này chưa được tuân thủ đầy đủ, nhiều thang máy không đáp ứng tiêu chuẩn vẫn được sử dụng và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng trong trận động đất năm 2023.
Nằm trong vùng địa chất có nguy cơ động đất, mỗi năm, Việt Nam vẫn xảy ra hàng trăm trận động đất tại nhiều khu vực tỉnh thành trên cả nước. May mắn là hầu hết các trận động đất xảy ra tại Việt Nam không có cường độ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Rõ ràng, nhà cửa và các công trình hạ tầng tại Việt Nam cần được xây dựng theo các tiêu chuẩn chống động đất, đối với riêng thang máy là tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 6396-77:2015 (EN 81-77). Mục đích của tiêu chuẩn này nhằm:
– Ngăn ngừa thiệt hại tính mạng và giảm mức độ chấn thương;
– Ngăn ngừa người bị kẹt trong thang máy;
– Ngăn ngừa hư hỏng;
– Ngăn ngừa các vấn đề môi trường liên quan đến rò rỉ dầu;
– Giảm số lượng thang máy bị ngừng hoạt động.
Trong đó, các biện pháp đối phó tiêu biểu để giảm thiểu thiệt hại cho hệ thống thang máy khi xảy ra động đất theo tiêu chuẩn bao gồm:
– Công tắc địa chấn sử dụng năng lượng địa chấn để kích hoạt các chức năng hữu ích
– Các biện pháp đối trọng như giá đỡ hộp, thanh giằng,…
– Thanh ray dẫn hướng có kích thước phù hợp
– Sử dụng thanh dẫn hướng con lăn
– Khung hỗ trợ kết cấu cho các tòa nhà cách ly địa chấn
– Các biện pháp bảo vệ khác như bảo vệ cáp, bảo vệ chống vướng, thiết bị giữ cabin,…
Ngoài các biệp pháp từ thiết kế và lắp đặt thang máy theo TCVN 6396-77:2015, cũng cần lưu ý đến việc bảo trì và thử nghiệm các tình huống nguy cấp để đảm bảo khi các sự cố thiên tai như động đất xảy ra, các tính năng an toàn của thang máy luôn được kích hoạt.
Ngoài ra, khi động đất xảy ra, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho bản thân như:
– Khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy đề phòng rung lắc, sập hoặc thang máy dừng hoạt động do bị ngắt nguồn điện.
– Nếu đang ở trong thang máy mà thang máy vẫn đang hoạt động, hãy nhấn nút tất cả các tầng để thoát khỏi thang máy nhanh nhất có thể.
– Trong trường hợp đang ở trong thang máy mà thang dừng hoạt động, không thể ra ngoài thì lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay. Đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung lắc thì gọi trợ giúp bằng nút báo cứu hộ hoặc các thiết bị liên lạc khẩn cấp như Intercom, Emcall,…
Minh Khôi
Thông tin mới cập nhật