TCTM – Mỗi chiếc thang máy hoàn chỉnh được tạo nên bởi hơn 20.000 linh kiện, thiết bị, thế nhưng tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp thang máy Việt mới đang dừng ở mức 15 – 20%, còn lại phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu.
Hiện nay, thị trường thang máy Việt Nam đang sử dụng, vận hành khoảng 400.000 thang máy, thang cuốn và băng tải chở người, cùng nhu cầu lắp đặt mới hàng năm khoảng 35.000 chiếc. Với dân số 100 triệu người cùng tốc độ đô thị hóa, Việt Nam được đánh giá là thị trường thang máy có dư địa tăng trưởng lớn trong khu vực.
Số lượng thang máy vận hành cùng lắp đặt mới ngày càng gia tăng kéo theo đó là nhu cầu bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện, thiết bị cho thang máy ngày càng lớn. Thế nhưng, sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho ngành thang máy trong nước vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng của mình.
Phụ thuộc nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, không tự chủ được yếu tố đầu vào vẫn đang là điểm yếu không chỉ của ngành sản xuất thang máy nói riêng mà là câu chuyện chung của nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,… và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 5-10%.
Trên thực tế, trong năm 2023, Việt Nam đã chi hơn 307 tỷ USD để nhập khẩu tư liệu sản xuất, con số này chiếm 93,8% cơ cấu nhóm hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48%.
Mỗi chiếc thang máy hoàn chỉnh được tạo nên bởi hơn 20.000 linh kiện, thiết bị tích hợp với nhau. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp thang máy Việt mới dừng ở mức 15-20%, còn lại phụ thuộc phần lớn vào nguồn linh kiện, thiết bị nhập khẩu.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp thang máy, nhu cầu về thang máy tăng cao, trong khi thị trường từ thang máy thành phẩm tới linh kiện, phụ kiện, thiết bị thay thế hầu hết phụ thuộc vào nhập ngoại.
Sản phẩm của doanh nghiệp phụ trợ thang máy trong nước lại không đa dạng mẫu mã, chủng loại, hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào chính như thép hợp kim, hợp kim nhôm,… cũng bị phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu.
Theo dữ liệu xuất nhập khẩu từ trang Volza (Anh), tính tới tháng 11/2023, Việt Nam ghi nhận hơn 165.000 lô hàng nhập khẩu thang máy. Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu thang máy (sau Ấn Độ với gần 682.300 lô hàng) và phần lớn nhập khẩu thang máy từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có tới hơn 17.000 lô hàng nhập khẩu phụ tùng thang máy tính tới đầu tháng 12/2023, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Việt Nam tiếp tục là quốc gia đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu phụ tùng thang máy, đứng sau Ấn Độ với hơn 240.000 lô hàng.
Chỉ một số ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào công nghiệp hỗ trợ thang máy
Dù chưa có thống kê chính thức về tổng giá trị các lô hàng, song ước tính dựa trên thời giá hiện tại, sự phụ thuộc vào nhập khẩu đang khiến cho các doanh nghiệp thang máy trong nước từ dịch vụ tới sản xuất đang phải tiêu tốn ít nhất từ 7 – 8 tỷ USD hàng năm cho việc nhập khẩu thang máy và linh kiện, thiết bị.
Đặt trong bối cảnh tỷ giá USD duy trì đà tăng trong thời gian qua càng khiến cho các doanh nghiệp chật vật hơn. Trong khi một số doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ giá USD tăng cao. Bởi, khi bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, họ sẽ thu được nhiều hơn.
Tuy nhiên, khối doanh nghiệp thang máy Việt lại chủ yếu là các doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên, vật liệu nhập khẩu, điều này khiến họ rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên”. Để hạn chế thiệt hại từ tỷ giá biến động, các doanh nghiệp đều cố gắng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên, vật liệu từ nội địa để thay thế nhập khẩu, nhưng bài toán này cũng không phải điều dễ dàng.
Không chỉ phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, Việt Nam còn đứng trước lo ngại phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.
Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất. Trong khi luôn xuất siêu sang Mỹ, thì Việt Nam lại chịu thâm hụt thương mại lớn nhất với thị trường Trung Quốc và ngày càng có xu hướng mở rộng.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thâm hụt thương mại của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục hơn 60 tỷ USD vào năm 2022, trong khi đó mức thâm hụt thương mại này vào năm 2008 mới là 10 tỷ USD. Vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã là câu chuyện diễn ra cả thập niên.
Thâm hụt cao, gia tăng được đánh giá là lo ngại bởi Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập rất nhiều hàng hóa. Trong năm 2023, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 49,9 tỷ USD. Việt Nam đã chi 111,6 tỷ USD trong năm 2023 để nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia tỷ dân này.
Có 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó dẫn đầu là hai nhóm hàng đạt kim ngạch chục tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,4 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD.
Bên cạnh nhập khẩu lượng lớn linh kiện và nguyên liệu mà Trung Quốc vốn có thế mạnh, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều máy móc và phụ tùng công nghiệp từ nước này. Đây đều là những mặt hàng mà Trung Quốc không có lợi thế cạnh tranh so với các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu máy móc và phụ tùng công nghiệp từ Trung Quốc vẫn rất cao.
Thực trạng này cho thấy sự tương thuộc kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là sự phụ thuộc của ngành sản xuất Việt Nam vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia kinh tế, máy móc từ Trung Quốc sở dĩ nhập vào Việt Nam nhiều và có kim ngạch lớn là do giá rẻ, sản phẩm gia công, lắp ráp hoặc các bằng sáng chế được nhượng quyền hay đời sản phẩm thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3.
Bên cạnh đó, cũng có sản phẩm máy móc nhái, đánh cắp công nghệ của nước ngoài để sản xuất những sản phẩm tương tự các nước phát triển.
“Say đắm” với linh kiện giá rẻ, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc
Việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu là mối nguy tiềm ẩn cho hoạt động sản xuất trong nước. Đặt trong bài toán vĩ mô, tình trạng quá phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu có thể dẫn tới nguy cơ lớn hơn là nhập siêu lớn, thâm hụt thương mại gia tăng.
Tình trạng nhập siêu lớn, kéo dài sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán, khiến tỷ giá luôn bất ổn, bảo mòn quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia và không đảm bảo ổn định cho kinh tế vĩ mô. Để giải quyết những mối nguy này, một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thế nhưng, sau nhiều năm trôi qua với nhiều quyết tâm, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn như “đứa trẻ không chịu lớn”. Đến nay, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng.
Ước tính, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao, cụ thể: Sản xuất thang máy đạt khoảng 15 – 20%; Chế tạo ô tô khoảng 5 – 20%; Điện tử khoảng 5 – 10%; Công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao 1 – 2%,…
Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm
Các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng ưu tiên ngành trọng điểm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, nguyên vật liệu trong nước để sản xuất thay thế dần nguồn nhập khẩu; tái cơ cấu sản xuất với kỹ thuật hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa,… Tất cả đường hướng đều đã được vạch ra và hiểu rõ, thế nhưng để hiện thực hóa lại là điều không hề dễ dàng.
Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã bị bỏ lỡ, chúng ta đang hướng tới mục tiêu hình thành một nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 – thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo các chuyên gia và nhà nghiên cứu kinh tế, tất cả những mục tiêu này hoàn thành hay không sẽ phụ thuộc lớn vào giai đoạn 2024-2030, thời mốc quan trọng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế, đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật