Vị trí đặt thang máy trong một ngôi nhà là vô cùng quan trọng. Nó quyết định tới công năng, tổng thể kiến trúc căn nhà và ảnh hưởng không nhỏ tới những người sống trong ngôi nhà đó. Nhưng bạn đã biết gì về việc chọn vị trí?
Sai một ly, đi… tiền tỷ!
Anh Nguyễn Hoàng ở quận Hoàng Mai, có ngôi nhà 5 tầng được xây dựng từ gần chục năm về trước. Khi đó, để tận dụng tối đa diện tích, anh đã bố trí hố chờ thang máy vào vị trí giếng trời ở chính giữa ngôi nhà. Tuy nhiên, đến nay khi sửa chữa để chuyển đổi công năng sang làm văn phòng cho thuê thì vị trí lắp đặt thang máy lại rất bất hợp lý.
Giải pháp được đưa ra là phá dỡ cầu thang bộ lẫn giếng trời, di chuyển chúng vào góc của ngôi nhà. Chi phí phải trả cho công việc phức tạp này đã lên tới tiền tỷ, bằng gần một nửa số tiền xây mới theo tính toán.
Để chuyển vị trí thang máy từ giữa vào góc nhà, anh Hoàng đã tốn tiền tỷ!
Một chuyên gia xây dựng đã chia sẻ rằng trường hợp như của anh Hoàng không phải là hiếm. Khi lên thiết kế bản vẽ và bắt tay vào xây dựng ngôi nhà, nếu thiếu “tầm nhìn” về mục đích sử dụng trong tương lai thì rất có thể công trình đó sẽ sớm trở nên lỗi thời. Việc sửa đổi ngôi nhà để lắp đặt thang máy sẽ không đơn giản là đội chi phí của gia chủ lên nhiều lần mà còn ảnh hưởng tới kết cấu tổng thể. Và khi đó, “tiền mất tật mang” nếu có xảy ra cũng không phải là điều khó hiểu.
Không thể bỏ qua phong thủy
Với người Á Đông, yếu tố phong thủy là rất quan trọng khi thực hiện xây mới hoặc sửa chữa lại một ngôi nhà. Phong thủy vừa là khoa học, vừa là một phương pháp trấn an tinh thần cho gia chủ. Thang máy khi được lắp đặt vào trong ngôi nhà, nó vừa chiếm một không gian nhất định lại vừa tạo ra sự thay đổi về luồng không khí khi di chuyển giữa các tầng của ngôi nhà. Khi hoạt động, thang máy còn tạo ra tiếng ồn nhất định. Điều này ít nhiều sẽ tác động tới sức khỏe và tinh thần của gia chủ.
Bởi thế, lắp đặt thang máy hướng nào để vừa đạt yếu tố thẩm mĩ nhưng lại vừa phù hợp khoa học phong thủy là điều mà những kiến trúc sư thường xuyên lưu ý. Bên cạnh đó, một chút ở góc độ tâm linh thì cũng có những điều cần quan tâm. Nơi thờ tự sẽ đặt ở vị trí cao nhất trong ngôi nhà, thường là tầng thượng. Và ở các tầng bên dưới đó, người ta thường kiêng kị những vật chuyển động và tạo ra tiếng ồn. Thang máy thuộc trường hợp này.
Vì thế mà vị trí lắp đặt thang máy cần phải được sắp xếp hợp lý.
Khi thiết kế vị trí đặt thang máy, yếu tố phong thủy được đưa vào một cách có chừng mực, phù hợp, đảm bảo hài hoà với điều kiện thực tế của ngôi nhà.
Một chiếc thang máy được bố trí cạnh cầu thang bộ
Yếu tố hàng đầu khi chọn vị trí thang máy dựa trên công năng sử dụng của các tầng, các phòng trong toàn bộ ngôi nhà. Các vị trí đặt thang máy được các kiến trúc sư ưa thích là trong lòng cầu thang bộ, cạnh cầu thang bộ, góc nhà, hoặc ngoài trời…Mỗi vị trí đều có các ưu điểm, nược điểm riêng.
Chẳng hạn nếu đặt thang máy trong lòng cầu thang bộ, thì thang bộ sẽ không cần tay vịn. Đây là một khoản tiết kiệm chi phí không nhỏ. Nhưng trong nhiều trường hợp thang máy sẽ bịt mất giếng trời khiến căn nhà trở nên không còn thông thoáng.
Hay nếu đặt thang máy bên cạnh thang bộ sẽ đảm bảo yếu tố về sinh khí trong phong thuỷ. Không gian trong nhà càng thông thoáng, đón ánh sáng tốt tạo sự thông thoáng, sang trọng cho ngôi nhà. Nhưng nhược điểm là cần diện tích lớn, chi phí tốn kém hơn cho tay vịn thang bộ….
Các tham khảo vị trí từ thực tế
Theo kiến trúc sư Hoàng Sơn – Công ty tư vấn kiến trúc Zennos, nếu đơn thuần dưới góc nhìn kiến trúc, thang máy hay thang bộ nên đặt ở vị trí phù hợp theo công năng, tiết kiệm diện tích và thuận lợi di chuyển cho người sử dụng.
Thang máy tuyệt đẹp được bố trí trong lòng thang bộ của căn biệt thự tại Hà Nội
Như công trình văn phòng ở phố thường có diện tích không lớn thì thang nên đặt ở góc của tòa nhà, để tận dụng tối đa không gian rộng rãi, linh hoạt cho sàn văn phòng. Đối với nhà ở dân dụng, khách sạn, khu lưu trú thì có thể lưu ý để thang máy ở giữa khoảng liên kết các phòng ngủ để người sử dụng tiếp cận các phòng được tiện lợi nhất. Đồng thời cũng tiết kiệm diện tích giao thông của công trình.
Cũng theo kiến trúc sư Hoàng Sơn, những công trình có công năng đặc thù như nhà văn hóa, bảo tàng thì vị trí thang lại phụ thuộc nhiều vào ý đồ thiết kế dẫn dắt không gian của kiến trúc sư. Lúc đó không còn đặt nặng vào chuyện tiết kiệm diện tích, tính dễ tiếp cận của thang mà nó phụ thuộc vào các yếu tố mang tính nghệ thuật khác. Dưới góc nhìn kiến trúc, thang máy của các công trình này cần được đặt một cách có văn hóa, tinh tế, phù hợp. Bên cạnh đó thì cấu trúc, màu sắc, các đặc điểm nổi bật của thang phải hòa hợp với không gian và ý tưởng sáng tạo của người thiết kế.
Đặc biệt, nếu điều kiện cho phép thì việc lắp đặt thang máy kính ngoài trời sẽ giúp cho ngôi nhà trở nên sang trọng, hiện đại một cách đặc biệt. Gia chủ có thể vừa di chuyển, vừa quan sát không gian tổng thể xung quanh, tăng trải nghiệm tốt khi di chuyển ngay tại chính ngôi nhà của mình.
Một khách sạn tại phố Đường Thành – Hà Nội có thang máy ngoài trời
Với những công trình cải tạo, nếu có thể bố trí lắp đặt thang máy ngoài trời sẽ nâng cao giá trị sử dụng, phát huy công năng sử dụng của toàn bộ ngôi nhà mà không phá vỡ cấu trúc hiện có của ngôi nhà.
Thực tế, công năng đóng vai trò quan trọng nhất khi tính tới vị trí của thang máy. Nhưng bên cạnh đó, yếu tố nghệ thuật cũng cần được chú ý bởi nó thể hiện được “cá tính” của gia chủ. Theo KTS Nguyễn Đức – CEO Công ty TDI Architecture, thang máy trong tổng thể kiến trúc giao thoa giữa công năng, công nghệ cho đến cả yếu tố văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật. Đôi khi nó còn là yếu tố về điểm nhấn. Vì thế, chọn vị trí thang máy trong một căn nhà nhiều khi thể hiện “cái tôi” (cá tính) của chủ nhà.
Như câu chuyện của chủ tịch một tập đoàn công nghệ thông tin, khi xây ngôi nhà của mình theo phong cách cổ điển châu Âu, anh nhờ một chuyên gia người Tây Ban Nha giúp. Và chiếc thang máy được đặt nguyên chiếc tại Ý có màu vàng sang trọng, khắc tên chủ nhà trong cabin được đặt ở một vị trí trang trọng, nổi bật trong không gian cổ điển với nhiều đồ “độc bản”…
Thang máy là thiết bị công nghệ cao, vật dụng cao cấp và đắt tiền trong ngôi nhà. Nó có tuổi thọ cao và không dễ thay thế, có khi gắn bó trọn đời người. Vì thế nên việc chọn vị trí thang máy khi xây mới hay cải tạo nhà là điều vô cùng quan trọng.
Những tham khảo từ các kiến trúc sư, các chuyên gia xây dựng khi chọn vị trí thang máy sẽ giúp người dùng tối ưu được lợi ích và nâng cao chất lượng sống của gia đình mình./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật
T.T.H
Hóa ra không thể phó mặc mọi thứ cho kiến trúc sư nếu thuê thiết kế. Cũng không chọn bừa được bởi cần tính tới việc thay đổi công năng sử dụng vào một ngày nào đó. Tks tác giả và chúc Tạp chí phát triển!