Tạp chí Thang máy với ấn phẩm tạp chí in luôn được bạn đọc đón nhận bởi sự chỉn chu, tính thẩm mỹ cao bên cạnh nội dung chuyên sâu, hàm lượng kiến thức chuyên ngành, kết nối các vấn đề thời sự của xã hội

PV: Tạp chí Thang máy xuất bản số đầu tiên vào cuối năm 2021, đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 phát triển, “trong cái khó, ló cái khôn”, nó đã thành sợi dây đoàn kết các thành viên Hiệp hội, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

TBT Phạm Xuân Khánh: Theo thống kê đến thời điểm này thì Việt Nam có khoảng 350 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.700 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy với khoảng 35.000 chiếc thang máy, thang cuốn được lắp đặt mỗi năm. Trong bối cảnh việc đi lại của người dân bị hạn chế khi dịch bệnh COVID-19 thì đúng là Tạp chí đã là cầu nối giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển hội viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.

PV: Với tư cách là người đứng đầu Tạp chí, ông đánh giá như thế nào về hành trình phát triển của ấn phẩm này?

TBT Phạm Xuân Khánh: Trước hết, phải tự hào với việc chưa đầy 2 năm nhưng chúng tôi đã hoàn thành chặng đường “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, dù vất vả nhưng các mục tiêu đề ra đều được đảm bảo. Chất lượng các bài viết ngày một nâng cao, nhiều bài viết có độ hàn lâm cao và đến giờ, không có bất cứ sự cố nghề nghiệp nào đáng kể. Nhưng với tư cách Tổng biên tập, tôi cho rằng, chúng tôi phải sớm có kế hoạch tiếp tục đổi mới theo hướng báo chí công nghệ để đáp ứng với yêu cầu phát triển chung của xã hội nói chung và báo chí nói riêng.

Không chỉ ở các tòa nhà chung cư, văn phòng mà cả trong nhà dân cư 3 – 5 tầng người dân cũng đã lắp thang máy với nhu cầu ngày càng gia tăng

Cả nước có khoảng trên 400 công ty sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh thang máy nhưng những doanh nghiệp có uy tín chưa nhiều, thị phần vẫn nằm trong các công ty nước ngoài. Trớ trêu thay, thang máy chưa được công nhận như một ngành nghề lao động chính thức.

PV: Trong khi đó nhu cầu về nguồn nhân lực lắp đặt, vận hành, bảo trì, kiểm định là có thực, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Chính xác, hoàn toàn chính xác. Đến nay, các cơ sở giáo dục Việt Nam vẫn chưa có chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu cho đối tượng kỹ sư, công nhân trong lĩnh vực thang máy. Các doanh nghiệp thang máy vẫn phải sử dụng công nhân, kỹ sư từ các ngành cơ khí, động lực hoặc tự động chuyển sang.

Do vậy, trình độ, chất lượng của lao động trong sản xuất, thiết kế, chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng thang máy, thang cuốn chưa đồng đều. Nhiều lao động, công nhân kỹ thuật không đảm bảo về năng lực và trình độ để thực hiện công việc.

PV: Chúng tôi hy vọng những bất cập này sẽ sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết để thang máy Việt Nam có điều kiện phát triển. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.