TCTM – “Đến giờ, khá nhiều người ngạc nhiên biết rằng đơn giản như đi thang máy mà cũng phải học. Các chính khách Việt Nam, nhất là những người thường xuyên ra nước ngoài làm việc đều được trang bị kiến thức “văn hóa thang máy”, đó là là sự thật”, TS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc già Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Vào năm 1852, Elisha Graves Otis lần đầu giới thiệu với công chúng tính năng an toàn cho thang máy. Sau đó, Otis ban đầu thành lập một công ty lắp ráp thang máy và dần đi lên chiếm lĩnh nền công nghiệp thang máy. Và cho đến ngày nay, Otis vẫn là một trong những thương hiệu thang máy lớn nhất thế giới.
Trải quả lịch sử phát triển hơn 170 năm, thang máy ngày nay đã là một thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thang máy và mục đích sử dụng thang máy ngày càng mở rộng, dường như không có giới hạn.
“Nếu như di chuyển theo phương ngang đã có quy định, nhiều quy định đã thành luật (Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt) thì vận chuyển con người theo phương thẳng đứng, lên xuống các tầng khác nhau cũng có những quy định mang tính quốc tế. Rất nhiều người Việt chúng ta lại cho rằng, chỉ 2 lần bấm nút thôi, việc gì phải vẽ lắm chuyện thế và không biết bao rắc rối bắt đầu từ những suy nghĩ đơn thuần như thế này.” – TS Nguyễn Thị Thanh Tâm khẳng định.
“Văn hóa thang máy” được hiểu như thế nào? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng hiểu đơn giản nhất đó chính là ý thức, thái độ, hành vi của con người khi sử dụng thang máy. Nó được xây dựng, quy ước trong phạm vi toàn cầu nhằm phù hợp với các nguyên tắc, quy định, chuẩn mực ứng xử khi đi thang máy nhằm phát huy tối đa những lợi ích mà thang máy đem lại cho con người.
Bạn có biết câu chuyện “Hai con dê qua cầu”? Khi hai con dê gặp nhau ở giữa cầu và con nào cũng đòi mình đi trước, cuộc ẩu đả ắt sẽ xảy ra. Đối với con người, chỉ cần 2 người đi chung thang máy mà không hiểu những quy ước được xây dựng thành chuẩn văn hóa thì cũng có khác gì hai con dê trong câu chuyện trên.
Chỉ cần 2 người đi chung thang máy mà không hiểu những quy ước được xây dựng thành chuẩn văn hóa thì cũng có khác gì câu chuyện hai con dê qua cầu
Khi đã hiểu được giá trị của “văn hóa thang máy” thì câu hỏi tiếp theo là bắt đầu từ lúc nào thì chúng ta cần quan tâm đến nội dung này.
Một câu hỏi tưởng dễ trả lời nhưng trong một lần khảo sát thăm dò nhỏ tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 100 sinh viên được hỏi đã cho hơn 50 ý kiến khác nhau. Nhưng câu trả lời đúng chỉ duy nhất, chúng ta quan tâm đến văn hóa thang máy khi ta bắt đầu có điều kiện sử dụng thang máy trong cuộc sống, và việc sử dụng thang máy một cách có văn hóa chỉ là phép ứng xử để “cộng sinh” giữa người và người trong xã hội.
Không cần khái quát lên thành những quy tắc cứng nhắc, thực tế, việc sử dụng một phương tiện công cộng cũng chính là cách chúng ta ứng xử với nhau trong xã hội. Do đó, với người Nhật, văn hóa thang máy được thiết lập dựa trên một nguyên tắc cơ bản nhất là luôn nghĩ đến người khác.
– Hãy biết xếp hàng khi chờ thang máy và tôn trọng thứ tự xếp hàng, tuyệt đối không vượt mặt những người đã chờ đợi trước bạn.
– Khi thang máy đến nơi, những người đứng ngoài thang máy nên xếp hàng dạt ra 2 bên để người bên trong đi ra hết rồi mới đi vào. Nguyên tắc này áp dụng với cả phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus.
– Khi vào thang máy, đặc biệt trong môi trường công sở, hãy vào thang máy theo thứ tự như sau: Người có chức vụ cao hơn vào trước, nhân viên vào sau; khách vào trước chủ nhà vào sau; người già vào trước, người trẻ vào sau. Đặc biệt, khi đưa khách về và khách không cần tiễn xuống, chủ nhà sẽ phải cúi đầu chào cho đến khi cửa thang máy đóng lại.
– Khi bước vào thang máy, nếu bạn sẽ ra trước người khác, hãy đứng ở vị trí gần sát phía ngoài cùng của thang máy để không ảnh hưởng đến người ra sau. Nếu trong tình huống bạn là người ra sau và có người đứng phía sau bạn cần ra trước, hãy đứng chặn giữ cửa để cho người đó ra rồi mới quay vào.
– Nếu bạn là người trẻ tuổi nhất trong những người đứng trong thang máy, hãy đứng ở vị trí bảng điều khiến, hỏi người khác muốn đi tầng nào và bấm, giữ cửa thang máy cho họ.
– Nếu khi thang máy vẫn còn chỗ và chuẩn bị đóng, bạn nhìn thấy người khác khệ nệ hành lý hoặc đang chạy vội vào, hãy lập tức bấm thang máy mở giúp họ.
– Khi đã vào trong, không nên cởi mũ, cởi áo hay găng tay bởi khi làm vậy bạn đang làm ảnh hưởng đến không gian công cộng của người khác. Ngoài ra, đừng làm phiền người khác với balo, túi xách hay những đồ vậy cồng kềnh.
– Trong thang máy không nên nói nhiều hơn ngoài những nội dung chào hỏi và nên nói với độ lớn vừa phải. Không nên đi xa hơn các đề tài này bởi bạn không thể biết chắc chắn ai đang lắng nghe mình và ngoài ra bạn cũng đang làm phiền người khác với câu chuyện riêng của mình.
Chỉ một vài điều như vậy thôi cũng có thể thấy rằng mọi điều ta hành xử khi đi thang máy đều nên dựa trên văn hóa lịch sự và biết suy nghĩ cho người khác, chủ động hỗ trợ nếu có thể. Không chỉ Nhật Bản, các quốc gia tiên tiến hay ngay cả Việt Nam cũng đều đang hướng tới phổ biến những nếp tư duy và hành xử tương tự vậy.
Khi đi thang cuốn, người Nhật luôn đứng về một bên để nhường lối đi cho những người muốn đi nhanh vượt lên trước
Có nhiều người bạn nước ngoài của tôi đã rất bất ngờ khi thấy nhiều người Việt dùng thang máy ngay cả khi chỉ di chuyển… 1 tầng. Phản ứng này của họ khiến tôi cũng suy ngẫm nhiều hơn về thực tế này, phải chăng chúng ta đang quá lệ thuộc vào các phương tiện di chuyển dù thực tế cũng chưa chắc đã mang đến nhiều lợi ích.
Thang máy vốn là một phát minh tuyệt vời thay đổi xã hội con người. Chúng ta không bị trói chặt dưới mặt đất mà được đưa đến những đỉnh cao mới. Không chỉ những tòa nhà chọc trời, ngay cả những ngôi nhà dân cư cũng có thể xây đến cả chục tầng nhờ có thang máy hỗ trợ việc di chuyển.
Thế nhưng, chúng ta dùng thang máy cho việc di chuyển chỉ 1, 2 tầng.
Nếu ở một tòa nhà lưu lượng dùng thang máy cao thì có khi thời gian chờ đợi thang máy còn nhiều hơn thời gian chúng ta leo cầu thang bộ cho ngần ấy khoảng cách. Cũng tương tự, có khi chỉ cần di chuyển vài trăm mét để mua vài đồ lặt vặt ta cũng sẵn sàng lịch kịch dắt xe máy ra trong khi có khi thời gian đi bộ cũng không lâu hơn là bao.
Thói quen lệ thuộc vào các phương tiện di chuyển dường như đang khiến ta biếng nhác với cả việc suy nghĩ rằng liệu có nên leo cầu thang, liệu có nên đi bộ. Thứ chúng ta lãng phí bao gồm cả thời gian chờ đợi, thời gian di chuyển, nhiên liệu cho thiết bị,… và cả gia tăng thời gian di chuyển cho những người di chuyển nhiều tầng.
Thậm chí, ở nhiều quốc gia, các tòa nhà văn phòng còn có quy định về việc sử dụng thang máy để giảm thiểu các bệnh văn phòng, khuyến khích người dân nên sử dụng thang bộ trong phạm vi bốn tầng để gia tăng vận động, giảm các bệnh văn phòng do việc ít vận động gây ra như mỏi lưng, đau mỏi tay chân, vai gáy, căng thẳng, stress,…
Thang máy là một tiện ích, nhưng đừng để chúng ta quá lệ thuộc vào nó, đó cũng là một nếp văn hóa.
Suy cho cùng, văn hóa thang máy cũng như bất kỳ một câu chuyện về văn hóa nào khác, không bao giờ cũ, không bao giờ thừa. Ta càng ý thức về nó thì càng khiến nó trở nên gần gũi hơn, thiết thực hơn, và đơn giản hơn.
Đông Hùng
Thông tin mới cập nhật