TCTM – Một trong những câu hỏi lớn của loài người là đi tìm sự kiến giải về văn hóa để phù hợp với những quy mô của tổ chức. “Ranh giới chia pha” có thể là nút thắt của vấn đề, nơi mà hướng dịch chuyển sẽ tạo ra động lực hay lực cản.
Tiến hóa của loài người đã tạo cho họ gần như ngay từ khi sinh ra đã biết dùng đôi tay để cầm nắm thức ăn để đưa vào miệng. Nhưng trong bộ gen thì lại không có yếu tố di truyền nào dạy cho họ biết còn có thể dùng tay để bắt, tạo ra cảm giác về sự thân thiện và hợp tác tin cậy. Những điều như thế buộc loài người phải phát minh ra những “bản năng nhân tạo” ở nhiều lĩnh vực để điều chỉnh hành vi của giống loài mình theo những quy tắc, nghi thức nhất định. Nó được gọi là văn hóa.
Nói như vậy để hình dung thấy, bên ngoài sự vận động của thế giới còn có mặt vô hình ẩn sâu bên trong. Chúng có tác động sâu sắc, qua lại và chuyển hóa lẫn nhau. Hãy xem ví dụ này.
Trong thế kỷ 20, màn ảnh thường xuất hiện cảnh diễn viên với điếu thuốc để diễn đạt một phần nội tâm nhân vật. Ít nhiều, điều này đã tạo nên những trào lưu hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên. Văn hóa trong phim đã tác động đến cuộc sống theo cách như thế. “Văn hóa khói” thịnh hành và trở thành một văn hóa bình dân, được chấp nhận trong xã hội.
Sau năm 2000, những tiến bộ của khoa học đã tìm ra tới 7.000 hóa chất tồn tại trong khói thuốc. Trực tiếp hay gián tiếp, nó chính là thủ phạm cho hàng triệu cái chết của con người. Trước nguy cơ này, những rào cản bằng pháp lý được dựng lên, những làn sóng bài trừ khói thuốc nơi công cộng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Nó tác động ngược lại giới đạo diễn Hollywood, buộc họ phải cân nhắc và hạn chế tối đa những cảnh quay có khói thuốc. Đời sống đã tác động ngược trở lại điện ảnh như thế. Văn hóa khói đã lỗi thời và không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Câu chuyện trên cho thấy văn hóa có tính hai mặt. Trong thời kỳ và bối cảnh này thì văn hóa được thừa nhận nhưng trong một thời khắc khác nó lại trở nên tiêu cực và cần loại bỏ.
Triết lý Âm Dương của phương Đông cho rằng thế giới được tạo nên bởi sự tương phản và cân bằng giữa hai mặt đối lập Âm và Dương. Âm tượng trưng cho tối, tĩnh lặng còn Dương tượng trưng cho sáng và sự năng động.
Soi chiếu triết lý Âm Dương vào văn hóa, hai mặt của phạm trù này sẽ được kiến giải như sau.
Mặt Âm trong văn hóa đại diện cho các khía cạnh tiêu cực như chiến tranh, bạo lực, tổn thương, khó khăn, bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Ví dụ, văn hóa của một số quốc gia châu Phi hay Trung Đông vẫn giữ phong tục xua đuổi, đánh đập, thậm chí là giết hại người đồng tính, dập tắt những “đốm lửa nhen nhóm” của phong trào LGBT(*). Người dân ở đó vẫn tin đây là một cách thức cơ bản nhằm điều chỉnh hành vi của cộng đồng, chống lại văn hóa LGBT đang phát triển. Điều này gây ra sự đau đớn, tổn thương và giảm đi tính nhân văn trong các xã hội đó.
Mặt Dương trong văn hóa đại diện cho các giá trị tích cực như hạnh phúc, niềm vui, an toàn, phát triển, tình yêu, sự đoàn kết và sự tự do cá nhân. Phong trào LGBT đã giúp lan tỏa sự đồng cảm, giảm bớt định kiến và tạo ra một không gian an toàn cho người đồng tính ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, các quốc gia tiên tiến như Canada, Hà Lan hay Bỉ đã cải tổ pháp luật để bảo vệ quyền lợi và ngăn chặn phân biệt đối xử đối với cộng đồng đồng tính. Những nỗ lực này thể hiện tính chất tích cực của văn hóa đồng tính và sự nhân văn ở những quốc gia tiến bộ.
Triết học biện chứng cho rằng mọi thực thể đều phụ thuộc vào quá trình phát triển, thay đổi và mâu thuẫn trong đó. Nếu đặt phạm trù văn hóa lên hệ quy chiếu này thì sẽ thế nào?
Văn hóa được xem là một sản phẩm của sự phát triển lịch sử và mâu thuẫn trong xã hội. Mỗi phạm trù văn hóa đều bao gồm các mặt tương phản và mâu thuẫn, được xem là một hệ thống đối lập giữa các yếu tố khác nhau.
Chúng ta sẽ nhìn thấy những đặc điểm đối nghịch qua ví dụ sau.
Rõ ràng, chỉ một đặc tính nhưng tồn tại song song hai mặt tích cực, tiêu cực. Các mặt này mâu thuẫn, xung đột. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật đấu tranh giữa các mặt đối lập để tạo ra bước nhảy dẫn tới biến đổi về chất trong triết học biện chứng.
Trong ví dụ trên, những mâu thuẫn này có thể được giải quyết bằng cách cải tiến và phát triển phạm trù văn hóa theo thời gian. Từ đó, phạm trù văn hóa có thể đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Ngược lại, nó sẽ kéo lùi sự phát triển của con người.
Gợi ý này đặt ra một thách thức cho chúng ta: Đâu là ranh giới?
Tạm gác vấn đề văn hóa sang một bên, hãy nói một chút về vật lý với những kiến thức cơ bản. Chúng ta sẽ quan tâm tới các pha và ranh giới chuyển pha. Điều này quan trọng ra sao?
Người ta quan sát thấy, ở 0o C thì nước tồn tại ở cả hai trạng thái lỏng và rắn. Đây được gọi là ranh giới chuyển pha. Tăng hay giảm nhiệt độ so với 0o C sẽ dẫn tới chỉ có thể tạo ra pha lỏng hoặc rắn, pha này sẽ lấn át pha kia.
Rõ ràng, biết được nhiệt độ tạo ra ranh giới chuyển pha là một điều rất quan trọng. “Bí quyết” này giúp con người có khả năng thuần hóa được tự nhiên và tạo ra những kết quả theo ý muốn.
Nguyên tắc thực nghiệm trong vật lý để phát hiện ra “ranh giới” này có thể đã là một gợi ý thú vị để phân tích các lĩnh vực khác. Ở đó, chúng ta sẽ phân tích ra hai mặt tích cực, tiêu cực của một vấn đề giống như văn hóa doanh nghiệp dưới đây.
Trên thực tế, “Ranh giới chuyển pha” ở mỗi lĩnh vực sẽ rất mờ, không thể phân định rõ. Điều quan trọng là biết được hướng chuyển dịch nào sẽ có lợi và hướng nào có thể tạo ra những nguy cơ rủi ro cho tổ chức hay cá nhân.
Một số doanh nghiệp tạo ra một văn hóa tiêu cực với thái độ không tôn trọng khách hàng hay chính nhân viên của họ. Chẳng hạn như một số doanh nghiệp có chính sách quá khắt khe và không linh hoạt, không đặt khách hàng lên hàng đầu và chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thiếu trách nhiệm xã hội, không tuân thủ đạo đức kinh doanh và thậm chí tham nhũng.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp tích cực, họ đặt khách hàng và nhân viên lên hàng đầu và tôn trọng cộng đồng. Họ có trách nhiệm xã hội và luôn đặt đạo đức kinh doanh và minh bạch lên hàng đầu. Điều này giúp tạo ra một văn hóa tích cực, giúp tăng cường uy tín, độ tin cậy và tạo sự tín nhiệm từ khách hàng.
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển đổi trạng thái từ văn hóa tiêu cực sang tích cực, từ tối sang sáng, từ “mặt Âm sang Dương”. Ranh giới chuyển pha sẽ phụ thuộc vào giá trị, quan điểm và chất lượng hành động trong tổ chức doanh nghiệp./.
(*) Phong trào LGBT là phong trào của cộng đồng LGBT, gồm người đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và Người chuyển giới để thúc đẩy sự công nhận Quyền LGBT về mặt luật pháp trong xã hội.
Đăng Khoa
Thông tin mới cập nhật