TCTM – Ngoài quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo nên thương hiệu, các quốc gia hàng đầu về chất lượng thang máy cũng đòi hỏi trình độ nhân lực trong ngành bằng các thiết lập quản lý, các chương trình đào tạo và quản lý. Đây có thể là nguồn tham khảo cho ngành thang máy Việt Nam.
Hiệp hội Công nghiệp Thang máy Quốc gia NEII (National Elevator Industry, Inc.) – Hiệp hội hàng đầu đại diện cho các nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực giao thông trong tòa nhà luôn coi sự an toàn của người sử dụng và đội ngũ người lao động của ngành là ưu tiên cao nhất. NEII đã cố gắng thúc đẩy các thiết lập chuẩn hóa cho ngành thang máy toàn diện về mọi yếu tố pháp lý. Nỗ lực này nhằm giải quyết các yêu cầu, đào tạo và quản lý đối với tất cả các khía cạnh của việc quản lý thiết bị giao thông trong tòa nhà, cụ thể là thang máy và thang cuốn.
Trong gần ba thập kỷ, NEII đã cộng tác với Liên minh Doanh nghiệp Thang máy Quốc tế IUEC (International Union of Elevator Constructors), Quỹ Bảo tồn Việc làm ngành thang máy EIWPF (Elevator Industry Work Preservation Fund) và các bên liên quan khác trong ngành để phát triển và thúc đẩy việc áp dụng luật thang máy mẫu ở mọi tiểu bang.
Luật Thang máy Mẫu MEL (Model Elevator Law) của ngành khuyến khích các điều khoản sau cho một thiết lập quản lý ngành thang máy toàn diện:
Cấp phép: Thang máy, thang cuốn và các thiết bị vận chuyển khác trong tòa nhà rất phức tạp và có tính đặc thù kỹ thuật. Các tiêu chuẩn tối thiểu đối với nhà thầu, kỹ thuật viên và thanh tra đảm bảo nhân viên trong ngành có trình độ học vấn và đào tạo cần thiết để làm việc hiệu quả, an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn áp dụng cho nhiều loại thiết bị được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày.
Kiểm tra: Yêu cầu kiểm tra thường xuyên, cùng với việc giải thích đáng tin cậy các quy tắc và tiêu chuẩn, các tiêu chí thực thi có thể dự đoán được và các thanh tra viên được đào tạo tốt, chắc chắn rằng việc vận hành của thang máy được thực hiện chính xác và thiết bị tuân thủ các quy tắc an toàn hiện hành của ngành.
Giấy phép: Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cung cấp là một phương tiện để theo dõi việc lắp đặt, vận hành và thay đổi thiết bị. Thông tin này không thể thiếu trong việc quản lý một chương trình hiệu quả và giám sát để đảm bảo thiết bị hoạt động bình thường trước khi đưa vào sử dụng.
Quản trị: Thành lập ban cố vấn an toàn thang máy với đại diện của các nhà sản xuất thang máy, nhà cung cấp dịch vụ, lao động, chủ sở hữu tòa nhà, nhà thiết kế và công chúng. Ban cố vấn này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng nhằm quản lý được thiết lập đã tạo ra.
Các nhân tố được nhấn mạnh trong thiết lập quản lý ngành thang máy toàn diện theo Luật Thang máy Mẫu MEL
Hiện tại, Mỹ có khoảng gần 50 hệ thống quản lý – tất cả đều bao gồm cấp phép và kiểm tra, điều này rất quan trọng để xác định xem thiết bị có đáp ứng các quy tắc an toàn của ngành hay không. Tuy nhiên, hơn một nửa số hệ thống này chưa bao gồm các thành phần quan trọng khác nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong ngành và người sử dụng – những yếu tố mà NEII đang tập trung thúc đẩy. Ví dụ: chỉ 26 trong số các chương trình trên toàn bang có hội đồng quản trị hoặc ủy ban cố vấn dành riêng để hỗ trợ việc áp dụng mã thang máy (elevator code), cấp phép ngành và các vấn đề quản lý khác.
Một số bang tại Mỹ đã yêu cầu về giấy phép ngành đối với các đối tượng nhân lực: nhà thầu, giám định viên, kỹ thuật viên, thanh tra. Tuy nhiên tại mỗi tiểu bang lại yêu cầu với các đối tượng khác nhau, chưa đồng bộ, thậm chí có những tiểu bang chưa có yêu cầu giấy phép ngành với bất kì đối tượng nhân lực ngành nào.
Chính vì thế, NEII và các đối tác đang nỗ lực thúc đẩy để tạo ra một thiết lập quản lý ngành thang máy mới tại các khu vực chưa áp dụng, như Kansas, Ohio,… Cùng đó, với nhiều tiểu bang đã có thiết lập quản lý từ trước nhưng mới chỉ đạt ở ngưỡng tiêu chuẩn tối thiểu hoặc còn nhiều thiếu sót. NEII cũng mong đợi có thể khiến các tiểu bang chưa chuẩn hóa toàn diện có sự cập nhật, bổ sung nhằm tạo nên sự đồng bộ về hệ thống quản lý trên toàn nước Mỹ, hướng đến xây dựng ngành giao thông vận tải (trong đó có giao thông trong tòa nhà) an toàn nhất có thể.
Thời gian tới, NEII, IUEC, EIWPF và các đối tác khác trong ngành sẽ tiến hành cung cấp, hỗ trợ để thực hiện thiết lập quản lý quan trọng này tại những tiểu bang chấp thuận ban hành quy định mới.
Trong khi Việt Nam chưa có mã ngành đào tạo, chưa có bất kỳ một tổ chức nào đứng ra đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành thang máy thì tại Hàn Quốc đã có riêng một trường đại học tư thục đào tạo nhân lực cho riêng ngành thang máy: 한국승강기대학교 (Korea Lift College). Mỗi năm, đơn vị này đào tạo khoảng hơn 600 kỹ sư thang máy với các khoa thang máy công nghiệp hướng tới các doanh nghiệp sản xuất và các khoa thang máy ứng dụng (Quản lý thang máy đặc biệt, Quản lý thang máy thông minh, Lắp đặt thang máy, Quản lý thang máy bãi đỗ xe).
Ngoài đơn vị này, tại Hàn Quốc cũng có nhiều cơ sở đào tạo có đào tạo ngành kỹ thuật thang máy như: Trường cao đẳng Kunjang, Trường cao đẳng Gumi, Trường cao đẳng Dongwon, Trường cao đẳng Kimpo,…
Theo chia sẻ từ một số kỹ sư thang máy có thâm niên tại Hàn Quốc, nhân lực có trình độ cao tại đây được chào đón với đãi ngộ cao từ cả các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, xu hướng những năm gần đây là đầu vào từ người bản địa tương đối thấp, các đơn vị đào tạo phải tìm kiếm sinh viên từ các quốc gia khác đến tham gia chương trình đào tạo. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề, nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn nhân lực từ các quốc gia lân cận như Malaysia, Việt Nam,…
Nhu cầu thực tế về nhân lực trình độ cao tại Hàn Quốc lớn vượt trội so với nguồn nhân lực sẵn có, đây cũng có thể coi là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu lao động trình độ cao
Cho đến nay, Việt Nam chưa có những quy định khắt khe đối với chất lượng nhân lực ngành thang máy. Ở một góc độ hẹp, chỉ là những khóa đào tạo tổng hợp các kỹ năng vận hành và quản lý tòa nhà bao gồm cả hệ thống điện, nước, thang máy,… Trong khi đó, với những đối tượng nhân viên khác trong ngành bao gồm nhà thầu, giám định viên, kỹ thuật viên, thanh tra thì tại Mỹ đã thiết lập những chương trình từ đào tạo đến quản lý. Có thể sẽ là một gợi ý cho Việt Nam?
Nhìn từ Hàn Quốc, Việt Nam cũng có thể cân nhắc về một đơn vị đào tạo chính thức nhân lực cho ngành thang máy. Bởi lẽ cấu trúc hạ tầng tại Việt Nam đang trong giai đoạn hiện đại hóa, nhu cầu ứng dụng thang máy vào các tòa nhà xây mới là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, với nguồn lao động dồi dào như Việt Nam, xu hướng xuất khẩu chuyên gia và lao động có tay nghề về kỹ thuật thang máy là rất tiềm năng.
Nhưng để có thể hiện thực hóa các khả năng thì trước hết cần sự vào cuộc rốt ráo hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo chính sách thúc đẩy các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục. Đó là việc xây dựng bộ kỹ năng nghề để chuẩn hóa khung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành thang máy.
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” diễn ra vào ngày 13/7 vừa qua, nhiều đại biểu trong và ngoài nước đều đề cập đến tầm quan trọng của việc tham khảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ năng nghề, các mô hình và chương trình đào tạo từ quốc tế nhằm áp dụng tại Việt Nam hiệu quả. Bà Ingrid Christensen – Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam ILO (The International Labour Organization) cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích và bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong tương lai.
Bà Ingrid Christensen chia sẻ tại Hội thảo
Lưu Hiền Minh
Thiết kế: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật