TCTM – Một kẽ hở mà vừa khiến người tiêu dùng thang máy chịu thiệt, lại cũng vừa là điểm yếu khiến các doanh nghiệp gặp khó. Linh kiện, thiết bị cũng cần được tính “tuổi nghỉ hưu”.
Ô tô, xe máy, máy giặt, điều hòa… và cả thang máy – chúng ta đã quá quen với những thiết bị cơ điện này, một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.
Bất kỳ sản phẩm cơ điện nào cũng có tài liệu từ nhà sản xuất, văn bản hướng dẫn sử dụng thiết bị theo đúng chức năng đã định. Bảo trì – bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa thay thế linh kiện theo lịch trình để đảm bảo đồng bộ của thiết bị, giúp cỗ máy hoạt động an toàn, hiệu quả và lâu dài.
Những tài liệu đó rất quan trọng, nhưng vẫn được coi là “tài liệu kỹ thuật thương mại” – tức tài liệu kỹ thuật phục vụ mục đích bán hàng. Cái gì có lợi cho việc kinh doanh, các nhà sản xuất ưu tiên đưa vào, cái gì không có lợi, không bắt buộc họ sẽ không đưa vào. Và phần lớn các nhà sản xuất thang máy đều không đưa thông tin về tuổi thọ của linh kiện, thiết bị vào tài liệu hướng dẫn lắp đặt, sử dụng.
Phải chăng, thiết bị, linh kiện của họ có thể sử dụng đến lúc… không chạy được nữa? Hay nhà sản xuất đang đẩy trách nhiệm về sự an toàn, tuổi thọ của thang máy cho người sử dụng? Liệu “của bền tại người” hay còn phụ thuộc vào các yếu tố khác?
Ô tô và thang máy có nhiều nét tương đồng: cùng là thiết bị vận tải hàng hóa và hành khách theo lộ trình định sẵn (ô tô vẫn phải chạy theo đường), đều liên quan đến an toàn về sức khỏe, tài sản và tính mạng của người sử dụng. Có thể, các thang máy không thể va chạm với nhau (không có va chạm giao thông), nhưng yêu cầu về mặt an toàn theo phương thẳng đứng, ở trên cao sẽ không thể thấp hơn so với phương nằm ngang, ở mặt đất.
Đã là thiết bị yêu cầu cao về an toàn, cần phải loại bỏ tất cả các yêu tố không an toàn ra khỏi bộ máy, mà sử dụng các linh kiện, thiết bị “quá đát” đang là một trong những vấn đề quan trọng.
Ngành ô tô Việt Nam, tuy có cùng xuất phát điểm với ngành thang máy khoảng… ¼ thế kỷ nhưng họ đã “chạy trước” nhiều năm. Cái họ được hưởng lợi là ngành có sức ảnh hưởng xã hội lớn nên chính phủ các nước đều quan tâm đến ngành này. Bởi vậy các văn bản quy phạm pháp luật cho ngành đã tương đối đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế từ khâu sản xuất, lắp ráp cho đến các quy định về an toàn vận hành. Nhưng rõ ràng, với tốc độ phát triển của các đô thị như hiện này thì sớm muộn ngành thang máy cũng có sức ảnh hưởng xã hội không kém cạnh với ngành ô tô.
Các nhà sản xuất ô tô đều có khuyến cáo và đưa ra thời hạn sử dụng cho từng linh kiện, thiết bị theo số ki-lô-mét vận hành hoặc thời gian sử dụng tùy điều kiện nào đến trước. Người sử dụng có thể yên tâm tuân thủ hướng dẫn này và chủ động lập kế hoạch cả về thời gian, tài chính,… cho việc “nuôi” xế hộp. Các nhà sản xuất, các công ty dịch vụ vận tải, các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật ô tô,… đều có căn cứ để lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Nhà nước cũng có căn cứ để kiểm soát các hoạt động liên quan đến ngành.
Cũng ở ngành này, Chính phủ cũng đã có Nghị định, quy định về tuổi thọ của ô tô từ năm 2001, được bổ sung, sửa đổi mới nhất vào năm 2009. Trong đó, quy định tuổi thọ tối đa của ô tô là 25 năm (chưa áp dụng với ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi).
Phải chăng đây là con số tối đa để một thiết bị cơ điện có thể làm việc theo đúng chức năng mà nó được sinh ra?
Một phần tư thế kỷ cũng là thời hạn tối đa được Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) đưa ra, có hiệu lực từ năm 2025, bắt buộc tất cả các thiết bị thang máy trong liên minh này phải được đánh giá tổng thể để đại tu, nâng cấp hoặc thay thế trước khi đưa vào sử dụng tiếp. Nhiều liên minh, quốc gia cũng đã có những khuyến cáo về thời hạn sử dụng khác nhau cho thang máy, tùy xuất xứ và điều kiện vận hành nhưng đều có một nguyên tắc chung, mang tính khoa học:
– Sau 20 năm, thang máy đã là ứng viên cho việc nâng cấp.
– Từ 20 – 25 năm đã là thời điểm sắp hết tuổi thọ về mặt hiệu quả sử dụng và chi phí. Sau thời gian này, có thể thang máy sẽ cần được bảo dưỡng thường xuyên hơn và độ tin cậy cũng sẽ giảm. Tại thời điểm này trong vòng đời của thang máy, việc không nâng cấp sẽ dẫn đến thang máy trở nên kém hiệu quả và tốn kém hơn để bảo trì và vận hành.
Quy tắc chung là vậy, nhưng các loại linh kiện, thiết bị cụ thể trong thang máy lại có tuổi thọ ước tính khác nhau tùy theo tốc độ hao mòn của vật liệu. Ví dụ, sau khi thang máy hoạt động được 15 năm, nội thất cabin cần được tân trang để đạt hiệu quả và sự thoải mái tối đa. Mốc 15 năm cũng là khoảng thời gian mà bảng gọi tầng nên được thay thế. Một số chi tiết khác có độ hao mòn nhanh còn có tuổi thọ thấp hơn nhiều.
Đất nước sản xuất và sử dụng nhiều thang máy nhất thế giới – Trung Quốc đã bắt đầu chính sách sản xuất thang máy có tuổi thọ chỉ từ 10 đến 15 năm. Thang máy của họ không được thiết kế để sử dụng lâu dài.
Gần đây, tôi đã có những buổi làm việc, trao đổi với Thạc sĩ Hoa Văn Ngũ – Chủ biên của cuốn sách “Thang máy và thang cuốn”, một trong những tài liệu kỹ thuật chính thống hiếm hoi. Theo ông, tài liệu kỹ thuật chính thống cho ngành thang máy rất ít, thậm chí là không có. Vậy chủ sở hữu – người sử dụng thang máy căn cứ vào đâu để vận hành thiết bị của mình cho hiệu quả, an toàn? Đặt niềm tin vào các cơ sở dịch vụ kỹ thuật, bảo sao biết vậy hay cố gắng, tự mình là bác sỹ cho chính thiết bị của mình?
Còn hỏng như thế nào chỉ có… công ty dịch vụ biết.
Đây có thể cũng là một khe hở để các nhà sản xuất hay các công ty dịch vụ kỹ thuật thang máy lách theo hướng có lợi cho mình. Nhà sản xuất thường không cảnh báo về tuổi thọ của các thiết bị mà họ sản xuất để phục vụ mục đích bán hàng, còn các công ty dịch vụ có thể đưa ra mức phí dịch vụ thấp và lấy phần chênh lệch giá từ việc thay thế linh kiện, thiết bị hỏng sớm hơn cần thiết, thậm chí là cố tình làm hỏng.
Ở góc độ khác, các công ty dịch vụ cũng gặp không ít khó khăn khi họ không có cách nào để thuyết phục khách hàng một cách thỏa đáng về những đề xuất thay thế linh kiện dự phòng. Chưa kể, họ cũng thiếu căn cứ để lập kế hoạch kinh tế – kỹ thuật cho doanh nghiệp của mình. Trong mê hồn trận đó, có lẽ chủ sở hữu – người sử dụng thang máy là đối tượng thiệt thòi nhất.
Nhưng không chỉ có họ.
Các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và cả các tổ chức khác sử dụng thang máy như chung cư, văn phòng,… cũng đều không có căn cứ để lập dự toán cho việc duy trì hoạt động của thang máy. Dẫn đến, có thể không dám đưa ra quyết định về chi phí vận hành thang máy, khiến công trình bị ngưng trệ hoặc đưa ra mức dự toán thấp hơn thực tế dẫn đến sử dụng các dịch vụ kém chất lượng, thiếu kiểm soát, hay duyệt các đề xuất có chi phí cao vượt mức thị trường gây lãng phí ngân sách. Và việc thay thế linh kiện, thiết bị thụ động vừa đội chi phí chung vừa… không an toàn.
Sự cần thiết của các tài liệu kỹ thuật chính thống, độc lập từ góc nhìn khách quan, khoa học có lẽ đã rõ ràng. Cần có sự tham gia của nhiều ngành có liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan, các doanh nghiệp dịch vụ thang máy, các nhà khoa học, nhà chuyên môn và cả chủ sở hữu – người sử dụng thang máy. Có như vậy mới có thể có được một tiêu chuẩn, định mức cho ngành thang máy Việt Nam thỏa đáng cho nhu cầu và thực trạng chung, làm căn cứ cho tất cả các đơn vị kể trên.
Khi đó, ai cũng sẽ được hưởng lợi./.
Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA)
Thông tin mới cập nhật