TCTM – Những thảm họa đau thương thường là chất xúc tác mạnh mẽ cho những sự đổi mới. Và bi kịch sau vụ 11/9 cũng thế, người ta nhận ra rằng có thể cứu được nhiều mạng sống hơn nếu việc thoát hiểm của cư dân diễn ra hiệu quả hơn và thang máy có thể trở thành một phần của giải pháp.
Đọc thêm: Vụ tấn công 11/9 thay đổi hoạt động sơ tán tại tòa nhà cao tầng ra sao?
Nhìn lại quá khứ, thảm họa tại Trung tâm Thương mại Thế giới xảy ra ngày 11/9/2001 đã trở thành “cột thu lôi” cho nhiều vấn đề trong an toàn xây dựng công trình. Từ vấn đề phòng cháy chữa cháy cho cấu trúc thép, hệ thống thông tin liên lạc của lính cứu hỏa, nguồn cung cấp nước cho hệ thống chữa cháy hay vấn đề sử dụng thang bộ, thang máy và hàng chục mối quan tâm khác.
Những câu chuyện của những nạn nhân đã trải qua những cuộc di tản đầy kinh hoàng tại Trung tâm Thương mại Thế giới đã góp phần thúc đẩy những thay đổi quan trọng và hoạt động cứu hộ trong các tòa nhà cao tầng.
Năm 2002, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) đã bắt đầu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến di tản trong thảm kịch Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001. Ngay sau đó, vào tháng 3/2004, các nhóm nghiên cứu tiêu chuẩn đã tổ chức “Hội thảo về sử dụng thang máy trong hỏa hoạn và các tình huống khẩn cấp khác”.
Hội thảo do các tổ chức uy tín đồng tài trợ, bao gồm Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Hoa Kỳ (ASME), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST), Hội đồng Quy chuẩn Quốc tế (ICC), Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia (NFPA), Ủy ban Tiếp cận Hoa Kỳ và Hiệp hội Cứu hỏa Quốc tế (IAFF).
Kết quả của hội thảo, Ủy ban Tiêu chuẩn Thang máy A17 của ASME đã thành lập Tổ chức Nghiên cứu về việc sử dụng thang máy để di tản cư dân. Trong vòng 9 năm, các quy định xây dựng của NFPA và ICC, Tiêu chuẩn thang máy A17.1/CSA B44 của ASME,… đều đưa ra những quy định mới.
Những nhân viên tại Trung tâm Thương mại Thế giới hoảng loạn, tuyệt vọng khi mắc kẹt ở những tầng cao của tòa nhà chọc trời
Ngoài ra, những nghiên cứu của NIST cũng được áp dụng trong nhiều tiêu chuẩn và quy tắc xây dựng trên thế giới, đặc biệt là Bộ Quy tắc Xây dựng Quốc tế (IBC).
Cụ thể, một trong những thay đổi quan trọng là yêu cầu cầu thang thoát hiểm trong các tòa nhà cao tầng phải có chiều rộng tối thiểu là 137 cm nhằm đảm bảo việc sơ tán người trong tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, các bậc thang cần phải được trang bị các vạch huỳnh quang phát sáng trong bóng tối, giúp đảm bảo tầm nhìn ngay cả khi mất điện,…
Các tòa nhà cao tầng trên 128 m cũng bắt buộc phải xây dựng tường trục thang bộ chịu được lực cháy nổ, đảm bảo an toàn lối thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp.
Hình ảnh thang bộ thoát hiểm nhỏ, hẹp tại Trung tâm Thương mại Thế giới còn sót lại được trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm 11/9 của Mỹ
Sự thay đổi đáng chú ý nhất chính là việc khuyến nghị tự nguyện lắp đặt thang máy sơ tán khẩn cấp (Occupant evacuation elevator) trong các toà nhà cao hơn 128m, song song với hệ thống thang máy cứu hỏa (Fire service access elevator). Đây là một bước đột phá, mang đến phương thức thoát hiểm dễ dàng hơn cho những người cao tuổi, khuyết tật hoặc gặp khó khăn khi sử dụng cầu thang.
Tất cả các thang máy được thiết kế để sơ tán trong các tòa nhà cao tầng phải tuân thủ các quy định đặc biệt theo yêu cầu của Mục 3008 của IBC. Mặc dù các loại thang máy này cung cấp tính năng thiết kế an toàn mới cho các kiến trúc sư và nhà quy hoạch xây dựng nhưng chúng chưa phải là yêu cầu bắt buộc.
Quyết định khuyến nghị nghiên cứu và lắp đặt thang máy sơ tán xuất phát từ bài học kinh nghiệm đau lòng từ sự kiện 11/9. Tình trạng chen lấn đông đúc trên các cầu thang thoát hiểm của Trung tâm Thương mại Thế giới đã gây trở ngại nghiêm trọng cho việc sơ tán.
Các chuyên gia xây dựng tin rằng thang máy sơ tán khẩn cấp có thể giúp việc di tản trong các tòa nhà cao tầng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, góp phần cứu sống nhiều người trong trường hợp khẩn cấp.
Thang máy sơ tán khẩn cấp có thể được sử dụng cho các tòa nhà có chiều cao bất kỳ, nhưng chúng thường được lắp đặt ở các tòa nhà siêu cao tầng. Một trong những lợi ích quan trọng của việc lắp đặt thang máy sơ tán là có thể giảm yêu cầu về chiều rộng bổ sung của các cầu thang thoát hiểm trong tòa nhà theo quy định của IBC, ngoại trừ các tòa nhà có người ở cố định.
Hình ảnh động cơ thang máy tại Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ 11/9 đươc trưng bày tại bảo tàng
Việc sử dụng thang máy sơ tán vẫn còn rất sơ khai và có rất ít thang máy sơ tán được lắp đặt ở các tòa nhà cao tầng trên khắp nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Nhưng khi các tòa nhà ngày càng cao hơn, lợi ích của thang máy sơ tán khẩn cấp khiến nhiều chuyên gia tin rằng công nghệ này sẽ phát triển.
Hiện thang máy sơ tán chỉ mới xuất hiện ở một số công trình. Chẳng hạn như Tòa nhà 181 Fremont (San Francisco, Mỹ) được hoàn thành năm 2017. Đây là nơi đầu tiên tại khu vực Bắc Mỹ đã thay đổi hoàn toàn mô hình sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.
Cụ thể, 14 trong số 17 thang máy của tòa nhà hỗn hợp cao hơn 244m đã được lắp đặt chức năng phục vụ hoạt động sơ tán người cư trú (Occupant Evacuation Operation – OEO).
Tòa nhà 181 Fremont – Tòa nhà đầu tiên tại Bắc Mỹ lắp đặt hệ thống thang máy sơ tán khẩn cấp
Vì đây là công nghệ thang máy sơ tán đầu tiên ở Bắc Mỹ nên phần thách thức nhất trong quá trình lắp đặt chính là quá trình thử nghiệm và phê duyệt từ các cơ quan chính phủ cũng như sở cứu hỏa. Tuy nhiên, cuối cùng Tòa nhà 181 Fremont cũng đã nhận được tất cả các phê duyệt an toàn cần thiết.
Bên cạnh Tòa nhà 181 Fremont, Tòa tháp Bank of America ( ở Charlotte, Mỹ) cũng là một trong số ít tòa nhà chọc trờ trên thế giới lắp đặt hệ thống thang máy OEO.
Tòa tháp Bank of America – Nơi được lắp đặt hệ thống thang máy sơ tán khẩn cấp
Khác với thang máy thông thường, thang máy OEO được thiết kế đặc biệt cho tình huống khẩn cấp. Chúng không chỉ có thể hoạt động trơn tru trong trường hợp khẩn cấp mà khi kết hợp với thang bộ thoát hiểm truyền thống còn giúp gia tăng tốc độ và hiệu quả thoát hiểm.
Thang máy OEO được trang bị các biện pháp, tính năng an toàn như chống khói, nhiệt và nước, đảm bảo an toàn cho hệ thống thang máy. Thêm vào đó, thang máy OEO cũng được trang bị nguồn điện dự phòng để có thể hoạt động ngay cả khi mất điện.
Trong trường hợp khẩn cấp, hệ thống báo động tòa nhà sẽ kích hoạt chế độ OEO của hệ thống thang máy, cung cấp hướng dẫn bằng giọng nói cho người dùng tại các tầng. Ngoài ra, màn hình hiển thị tại sảnh thang cũng sẽ cung cấp thông tin về trạng thái hoạt động của thang.
Khi thực hiện chức năng sơ tán khẩn cấp, thang máy sẽ ưu tiên sơ tán theo từng khu vực cụ thể. Người dân sẽ tập trung tại một “tầng cứu hỏa” được thiết lập trước đó với khả năng chống cháy cao. Thang máy sau đó sẽ nhanh chóng đưa người dân xuống tòa nhà để sơ tán.
Trong trường hợp sơ tán toàn bộ tòa nhà, thang máy sẽ ưu tiên di tản bắt đầu từ tầng cao nhất, khả năng thoát hiểm thấp nhất và đưa người sơ tán đến khu vực “tầng an toàn” đã được lập trình trước đó.
Tưởng rằng sau vụ tấn công 11/9, những tòa nhà chọc trời sẽ dần thưa thớt đi, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Theo một báo cáo của Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường Đô thị, trong hai thập kỷ qua, số lượng tòa nhà cao tầng trên thế giới đang tăng vọt, chiều cao trung bình của 100 tòa nhà cao nhất thế giới đã tăng 41%, từ 284 m (năm 2001) lên 399 m (năm 2023). Những tòa tháp khổng lồ này không chỉ là những căn hộ sang trọng, mà còn là văn phòng, khách sạn và thậm chí cả trung tâm mua sắm.
Cùng với sự phát triển của các tòa nhà chọc trời, thang máy thoát hiểm khẩn cấp đang dần trở thành một công nghệ hấp dẫn và vô cùng cần thiết cho các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, có lẽ khía cạnh thách thức nhất trong việc sử dụng thang máy để di tản người trong trường hợp khẩn cấp là vấn đề đào tạo và truyền thông.
Kể từ cuối những năm 1970 các nhà lập pháp tại Mỹ đã đưa ra các quy định yêu cầu thang máy phải tự động quay trở lại tầng chính và ngưng phục vụ hành khách nếu phát hiện khói trong hố thang, tiền sảnh, phòng máy hoặc khi có tín hiệu báo cháy bật.
Các biển cảnh báo như: “trong trường hợp hỏa hoạn, hãy sử dụng thang bộ” hoặc “trong trường hợp khẩn cấp, không sử dụng thang máy” cũng xuất hiện dày đặc tại các tòa nhà. Các biển báo này kết hợp cùng các diễn tập cứu hỏa đã khiến người dân tin rằng không có cách nào có thể giúp thang máy an toàn trong trường hợp khẩn cấp.
Thang máy sơ tán khẩn cấp hứa hẹn sẽ trở nên ngày càng phổ biến hơn trong tương lai
“Trong trường hợp khẩn cấp, hãy sử dụng thang máy!” – Câu nói này nghe như một điều cấm kỵ và giống như những kiến thức về an toàn thang máy cả đời bỗng chốc bị phủ nhận. Thế nhưng đây chính xác là những gì mà thang máy sơ tán khẩn cấp hướng tới.
Và với sự phát triển của công nghệ thang máy và quy tắc an toàn mới, các nhà quản lý, chủ tòa nhà sẽ cần phải giáo dục, phổ biến lại người dân về việc thang máy có thể sử dụng an toàn trong một số trường hợp khẩn cấp khi công nghệ thang máy sơ tán khẩn cấp – OEO trở nên phổ biến hơn.
Dù thời gian có thể khiến ký ức về ngày 11/9 xa dần, những bài học kinh nghiệm sau thảm kịch vẫn tiếp tục được áp dụng, góp phần nâng cao an toàn cho các tòa nhà cao tầng. Thang máy thoát hiểm khẩn cấp là một ví dụ điển hình, là bước tiến đáng kể trong công nghệ an toàn hỏa hoạn, mang đến hy vọng cho một tương lai an toàn hơn cho cả cư dân và lực lượng cứu hộ.
Vụ tấn công 11/9 thay đổi hoạt động sơ tán tại tòa nhà cao tầng ra sao?
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật