TCTM: Không đo đếm được bằng máy móc, trực giác nghề là “giác quan thứ sáu” được hun đúc từ kinh nghiệm và sự gắn bó với nghề. Trong một ngành đòi hỏi tuyệt đối về an toàn, trực giác chính là năng lực thầm lặng có thể giúp kỹ sư nhận biết rủi ro trước cả khi dữ liệu lên tiếng.
– “Anh à, em không thấy máy có gì bất thường, thông số vẫn ổn, không lỗi hệ thống…”
– “Ừ, nhưng tiếng máy hôm nay khác mọi hôm. Chắc chắn có gì đó không ổn, em kiểm tra lại đi”
Không ít kỹ sư thang máy từng chứng kiến những tình huống như thế. Khi một người thợ già dặn, chỉ cần nghe âm thanh, cảm nhận độ rung… là biết rằng có điều gì đó đang “lệch pha”. Đôi khi, thứ giúp phát hiện ra vấn đề không nằm ở các con số hay cảnh báo tự động, mà nằm ở một thứ vô hình hơn – trực giác nghề.
Trực giác nghề là thành quả của hàng nghìn giờ làm việc miệt mài, chạm vào từng con ốc, lắng nghe từng tiếng máy vận hành, sống cùng thiết bị, quan sát từng chi tiết nhỏ nhất…, là sự kết tinh của kinh nghiệm, tư duy, phân tích, nhận định và xử lý thông tin liên tục qua thời gian. Bộ não con người kỳ diệu ở chỗ: nó ghi nhớ, so sánh và dự báo. Khi đã làm nghề đủ lâu, não bộ sẽ phát triển khả năng nhận diện những khác biệt rất nhỏ – thứ mà máy móc có thể bỏ qua, nhưng trực giác lại “bắt sóng” chính xác.
Khi kinh nghiệm đã “thấm” vào da tay thì trực giác chính là biểu hiện cao nhất của sự trưởng thành nghề nghiệp. Đó là lúc người làm nghề không chỉ vận hành máy móc, mà còn đối thoại được với nó bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng, ngôn ngữ của sự am hiểu sâu sắc.
Trong một ngành nghề mà từng chi tiết nhỏ đều có thể ảnh hưởng đến an toàn con người như nghề thang máy, sự nhạy cảm kỹ thuật không chỉ là kỹ năng mà là trách nhiệm. Một kỹ thuật viên từng chia sẻ: “Làm nghề này, giỏi thôi chưa đủ, cần phải có trực giác tốt. Trực giác ấy được nuôi dưỡng từ kinh nghiệm và chuyên môn vững, giúp chúng ta phát hiện sớm nguy cơ và giữ an toàn cho người khác.”
Giống như bác sĩ có thể cảm nhận điều bất ổn chỉ bằng ánh nhìn, người kỹ sư thang máy cũng có thể “chẩn đoán” bằng thính giác, xúc giác và sự kết nối sâu sắc với thiết bị mà họ đang chăm sóc.
Trực giác nghề không phải là thứ có thể tìm thấy trong sách giáo khoa, cũng không hiện diện trong bất kỳ giáo trình đào tạo nào. Nhưng với những ai đủ kiên trì để gắn bó, đủ tinh tế để quan sát và đủ đam mê để sống trọn với nghề, trực giác sẽ dần hình thành như một phần thưởng của sự trưởng thành nội tại.
Trong thời đại số, nơi trí tuệ nhân tạo có thể phân tích dữ liệu nhanh chóng, xử lý thông tin chính xác và không bao giờ mệt mỏi, vẫn tồn tại một giới hạn: trực giác nghề nghiệp – điều mà máy móc chưa thể và có thể sẽ không bao giờ chạm tới.
Trực giác không sinh ra từ dòng lệnh hay thuật toán. Nó được hình thành từ tình yêu dành cho công việc, được mài giũa qua va vấp, được tôi luyện từ sự nhạy cảm kỹ thuật và lớn lên cùng tinh thần trách nhiệm. Giữa thế giới công nghệ đầy lý tính, trực giác vẫn là một “chất người” độc bản, không thể lập trình, cũng không thể thay thế.
Lâm Anh
Thông tin mới cập nhật